Sống ở Hà Nội: Không dễ
1. Bởi Hà Nội rất nắng vào mùa Hè và rất lạnh vào mùa đông. Bởi đi ngoài đường hay bị ve bậy lên đầu hoặc bị tài xế taxi đòi đến già nửa chục triệu đồng cho một cuốc đi vài cây số, vào quán ăn thì lại thường bị chửi.
Hà Nội thật không đơn giản Hồ Gươm liễu rủ, “dáng kiều thơm” hay “sương tỏa vào phố từ phía bờ sông” (Trần Đăng - Một lần tới thủ đô) mà còn có đội “đầu gấu” đông đảo (đợt truy quét hùng hậu vừa rồi của cảnh sát chỉ loại trừ đi được một phần nhỏ) và không những thế người Hà Nội còn hay nói ngọng l với n. Nhìn chung là một môi trường sống không mấy hiền lành.
2. Môi trường ấy không đơn giản, nhất là với người nước ngoài. Thành thử gần đây đã có một phụ nữ người Úc lên tiếng bằng cả một cuốn sách. Người phụ nữ ấy tên là Carolyn Shine và cuốn sách của cô mang nhan đề Single White Female in Hanoi (Phụ nữ da trắng độc thân ở Hà Nội) kể về chặng đời hơn một năm tại Hà Nội cách đây quãng mười năm.
Tác giả Carolyn Shine trên bìa cuốn sách "Single White Female in Hanoi".
Carolyn Shine tới đây ở và đến cuối cùng phải tuyệt vọng thốt rằng tham vọng giao thoa văn hóa của cô đã tan thành mây khói. Nói một cách đơn giản, cô gái Úc nhận ra chân lý xưa cũ mà Kipling từng phát biểu: Đông là Đông mà Tây là Tây, và ngay cả khi mang trong mình những dự định và một sự cởi mở to lớn, cô cũng không sao làm được người Hà Nội hiểu mình và mình hiểu được người Hà Nội, rào cản văn hóa đơn giản là quá lớn không thể vượt qua.
Câu chuyện của Carolyn Shine còn bao gồm nhiều nhận xét về người Việt Nam, nhất là đàn ông Việt Nam, lại viện dẫn cả Khổng giáo và truyền thống gia đình. Những nhận xét của Carolyn Shine chắc chắn không làm đàn ông Việt Nam (nhất là đàn ông Hà Nội) vừa lòng, vì cô cho rằng họ mãi mà không chịu trưởng thành, cứ nằm mãi trong vòng tay ôm ấp của gia đình.
Câu chuyện đáng kinh ngạc (với người phương Tây, và cả với người Việt Nam) đã được cả CNN lẫn BBC nói tới. Và thêm một điều đáng kinh ngạc nho nhỏ: trong khi cuốn sách của Carolyn Shine nói đến khác biệt văn hóa, thì với cư dân Việt Nam trên mạng (chủ yếu đàn ông) thì đơn giản người phụ nữ này cần phải mang ngay biệt danh “cô Tây ế”, có lẽ vì Carolyn Shine quá nhấn mạnh vào sự vô vọng trong việc một phụ nữ phương Tây da trắng tìm được một “đối tác” đàn ông Việt Nam.
Rất may là gần đây cô gái Úc (giờ thêm nhiều tuổi kể từ “trải nghiệm Hà Nội” của mình) trả lời phỏng vấn cho biết cô đã có người yêu và không hề có ý định tìm một người đàn ông Hà Nội nào cả.
Carolyn Shine làm sôi động các diễn đàn trên mạng vì rất hiếm khi có lời bình luận của phụ nữ phương Tây dành cho đàn ông Việt Nam, trong khi đàn ông phương Tây bình luận về phụ nữ Việt Nam thì ôi thôi là nhiều, cũng có vô cùng nhiều cuộc kết hợp đàn ông phương Tây-phụ nữ Việt Nam mà kết quả có khi lung linh hạnh phúc nhưng cũng không hiếm lúc cay đắng tan tành.
3. Nhìn từ một khía cạnh khác, môi trường sống ở Hà Nội với tất cả những hay, những dở của nó có lẽ cũng đòi hỏi những quan sát, thay đổi, thông hiểu từ phía những người có ý định gia nhập cuộc sống ở đây, trở thành một thành viên của nơi này. Khi mà người Hà Nội bắt đầu thấm thía nỗi khổ của cái sự cứ bị khách du lịch chĩa máy ảnh vào mặt ngay giữa lúc tắc đường căng thẳng gay cấn, mỗi xăng-ti-mét nhích được là một chiến công anh dũng, nỗi khổ của khu vực vòng quanh Bờ Hồ cứ lũ lượt các đoàn xích lô chặn hết cả đường đi lối lại, thì cũng đã chấm dứt chuyện trẻ con ngoài phố lũ lượt chạy theo ông Tây bà Đầm để... xem và chỉ trỏ.
Chỉ có điều, không hẳn người nước ngoài sống ở Hà Nội nào cũng “giữ được mình”. Cuộc sống ở Hà Nội có cái gì đó mang sức mạnh đồng hóa to lớn đến đáng sợ. Theo quan sát của cá nhân tôi, hiện nay những người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên đường phố Hà Nội, ngoài các “đầu gấu phố cổ” cưỡi SH, A còng, còn có một lực lượng không nhỏ người nước ngoài. Cảnh sát Hà Nội thường không chặn những người này, có lẽ vì họ kém tiếng Anh.
Có lần tôi từng tận mắt chứng kiến một ông Tây đích thị vừa đi xe máy vừa chửi (bằng tiếng Việt, ngôn ngữ vô cùng chuẩn và cũng vô cùng đường phố) suốt một thôi dài, sau khi bị một người đi đường chỉ tay lên đầu ý hỏi mũ bảo hiểm đâu mà không đội vào.
Con Sâu
Link
http://thethaovanhoa.vn/475N20111120...i-khong-de.htm