+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Lang thang đạp xe ngày cuối năm (19.01.2025)

  1. #1
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,169
    Thanks
    1,067
    Thanked 3,376 Times in 1,083 Posts

    Lang thang đạp xe ngày cuối năm (19.01.2025)

    11 Mông dân với lộ trình đạp xe 80km trong một chiều cuối năm thư thả...
    Chuyến đi ngắn nhưng câu chuyện trên đường thì lại rất dài...
    Mong các ace tham gia bớt chút thời gian vào diễn đàn để tăng tương tác khép lại năm 2024 chào đón năm 2025...

    Linh fb sự kiện
    https://www.facebook.com/photo?fbid=...10591012307658

  2. #2
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,169
    Thanks
    1,067
    Thanked 3,376 Times in 1,083 Posts
    Chia sẻ của Son Nguyen (một thành viên tham gia chuyến đi)
    25 năm là công dân HN, hôm nay mới biết đình Chèm, Cổ Loa, cảm thấy xấu hổ với quỹ tgian làm công dân thủ đô mà chẳng biết đếch gì. Cảm ơn a Linh Vu đã dẫn e đến những nơi này. Cảm ơn mọi người và hẹn gặp lại ở thời gian tới.

    Link fb
    https://www.facebook.com/photo/?fbid...63786546988009

  3. #3
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,169
    Thanks
    1,067
    Thanked 3,376 Times in 1,083 Posts
    Nhân dịp đạp xe thăm cây trám cổ thụ ở Cổ Loa xin chia sẻ bài viết đọc được từ FB của cụ Lê Triều Dương (Du Gia) với ace trong nhóm một bài viết rất thú vị về TRÁM.

    TRÁM THU-VÀNG SON BỤI GỤ
    Năm 257 trước công nguyên Loa thành được dựng lên dưới thời Thục An Dương Vương, dân gian gọi là thành Ốc. Sử lại ghi một tên gọi khác, là "Tư Long thành" - tức thành "Rồng đang suy nghĩ" - dựa trên thế Rồng nằm cuộn khúc. Lần đầu dòm thấy bốn chữ ý là tứ chi khua khoắng loạn xạ vì phấn khích quá thể. Mai này một sớm mùa Đông, nếu có cuộn tròn một mực không dậy thì không có nghĩa là lười chảy thây chứ, đó là "Tư Dần sàng"chứ - dựa trên thế Hổ đang suy nghĩ (trên giường) chứ, phỏng ạ?
    Cổ Loa. Hồi còn học Lý Thường Kiệt, cả lớp tôi đạp xe bò đến nơi thì chính Ngọ. Đứa nào cũng không thốt nên nhời bởi đang bận nhe ra như chó nướng. Ngày ấy, không khó để nhận ra trên bờ hào thành mấy nghìn năm trước vẫn còn những bóng trám cổ thụ, vương vấn dấu tích của một đất trám ven đô xưa cũ. Thiếu nữ nơi này, bây giờ tóc tuy đã khét màu rơm sau gặt nhưng mắt bồ câu vẫn tuyệt đẹp, mới nhỡ chớp có hai chớp mà anh hùng đã chùng hết như va phải Mỵ Châu. Ông Ngoại kể, trong chiến tranh chống Mỹ, nguyên vùng Tó phải chặt đi hàng trăm cây trám cổ thụ làm trận địa phòng không bảo vệ Hà Nội, khiến trám Đông Anh vô tình bị xóa sổ và lùi rất nhanh vào quá vãng. Chắc bởi thế, nên giờ cứ biên về trám là ai cũng nắc nỏm Cao Bằng, cứ nhất mực trám phải là sản vật sơn cước cho nó thêm phần trân quý. Có hay đâu, chỉ mới đây người Thăng Long vẫn thỏa thích ăn chơi, bởi với tay đã có cả một miền trám ngoại ô huyền thoại.Việc may mắn còn sót lại ít trám cổ thụ nơi Loa Thành đền đài, có lẽ bởi đất thiêng, nên không ai dám bẻ cành chứ đừng nói đến chặt cây, sợ bị vật.

    -Mứt trám trắng (Sách Hải Thượng Lãn Ông 1760)
    "Chọn trám cho già tốt. Nấu nước lên vừa lửa còn tra tay vào được ấy thì bắc nồi xuống. Liền đổ trám vào đậy vung lại, để gần bếp, năng vần cho bở trám sẽ thôi. Vớt ra lấy kim châm cho dày. Ngâm nước lã 3 đêm ngày, mỗi một ngày là ba lần thay nước, rồi vớt ra luộc nước lã cho bở lắm mới ngon. Luộc xong lại ngâm nước phèn 2 đêm ngày. Một ngày một lần thay phèn. Vớt ra lại luộc nước mật. Đổ ra để cho ráo. Lấy mật cho tốt tra trám vào mà ngào cho đến. Bắc ra để nguội tra vào liễn nút kín."

    -Trám hình
    Toán học, hình thoi có tên chữ là "thoa hình", dân gian chả quan tâm mà chỉ gọi hình mắt võng hay hình quả trám. Trong số những đồ ông Ngoại mang theo sang cầu Ô Thước, có một cái áo trấn thủ cũ. Loại áo bằng một lớp bông mỏng, bên ngoài là lớp vải mộc, chạy những đường chỉ hình quả trám, được lính Hà Nội ở Điện Biên gọi là áo "giáp tình”. Nghe kể, áo bông trần quả trám có xuất xứ đầu tiên từ đường may mũi chỉ của những người đàn bà phố Cầu Gỗ, bởi những chiếc máy khâu mũ quả trám khi xưa. Thuở Hà Thành thuộc địa, mũ quả trám (casquettes matelasses) rất được các cậu ấm con nhà mến chuộng. Thu thật Thu, diện cùng giày Giôn với cưỡi Pơ giô cổ cò thì tiểu thư đài các cứ gọi là tụt guốc đi chân đất cho mát.

    -Trám Tó
    Bà Ngoại kể, trám Tó xưa có ba loại, trám trắng chủ yếu lấy nhựa lấy gỗ, trám đen để ăn và trám chim để làm ô mai. Nhựa trám trắng để sản xuất tinh dầu và dùng làm hương đen. Hương đen làm bằng nhựa trám trộn lẫn với than của thân cây vừng, cứ trộn đến khi xe được vào que nứa là được. Thứ hương ấy ngày cũ, chỉ Tết về người Hà Nội mới dùng, còn trong năm họ thắp hương bản, loại hương mùi trầm nằng nặng.
    Người ta không thể phân biệt được cây trám đực và cái, hệt như cây đu đủ vậy. Chỉ có một cách là trồng thật nhiều, rồi tung đồng xu xanh chín đợi nó lớn lên. Trám chín, chả mấy ai ngồi chờ rụng. Ở Cổ Loa họ không đóng đinh lên cây, mà đánh đai bằng những vòng tre thật căng để nhựa bớt lên cành. Cách hãm này làm trám rụng ồ ạt như múa chầu, chỉ vài hôm là trút hết quả. Ngày cũ, trám Tó được chở ra chợ Sa bán cho thương lái, trước khi vượt phù sa lau vàng, chui qua vòm ô cuốn gạch xiêm nghê, về với người Kẻ Chợ.
    "Bầu đong đấu - bùi đong tay." Xưa trám trắng bán theo đấu, trám đen bán theo chục, người bán không cần nhìn mà cứ cữ tay mỗi bên 5 quả, không sai một ly ông cụ. Chắc hồi ý nàng khăn mỏ quạ chưa biết đến cách đếm kiểu bán cá giống Nghi Tàm đâu nhỉ:
    "5 - 10 -15 - 21 con này tốt 41 - 42
    năm ngoái bác mua của ai năm nay bác mua của cháu 66 - 67,
    ơ ơ con kia nó nhảy 97 - 98 ... "

    -Trám thuốc
    Trám có vị hơi chua ngọt, bùi béo, tính ấm. Ngoài công năng giải khát và làm thanh giọng, trám đặc biệt hữu dụng trong việc giải độc, giải độc rượu, giải độc cá...hơn cả đậu xanh sống hay thịt công, chim ngói. Đó cũng là lý do hai thức "Thịt công kho trám" và "Xôi trám ruốc chim ngói" được ghi vào các món giải độc dòng ngự thiện.
    Ngày chiến tranh, những trạm y tế tiền phương luôn sử dụng phương pháp điều trị của Tuệ Tĩnh trong việc giải độc cho lính. Một trong số đó là việc cho người bệnh uống thật nhiều nước quả trám hoặc nước đậu xanh sống cho nôn tháo ra. Thế thôi đấy, rồi nằm ngửa bụng ra ngơi...

    -Trám muối * Hàng Gai 1846
    "Trám chọn thứ bùi hai đầu rọn ta gọi là bùi thoi. Liền đem chà cát cho hết phấn trắng ấy xong rửa sạch. Nấu nước nóng già dúng tay vào thấy nóng hơi khó chịu thì nhắc ra, bỏ bùi vào ngâm một lúc. Hễ nắn tay thấy bùi mềm bở thì tra muối vào. Bấy giờ lại đem lên bếp đun sôi trăm giạu. Để nguội đổ vào vò, bưng cho kín mà để. Để một năm không hỏng. Lúc dùng rửa qua nước nóng đặng vệ sinh. Bùi muối phải đun ra nấc như thế, bằng đun một lượt thì càng đun bùi càng rắn lại như đá xem như không ăn được nữa. "
    Không tính món ỏm chấm muối vừng hay kho thịt cá thông dụng, theo sách Hàng Gai biên lại thì Hà Nội xưa đã có ít nhất chục món từ trám, xin kể ra đây vài tên: Xôi vò trám, Xôi trám ruốc chim ngói, Trám nhồi thịt chim, Canh trám thịt gà, Trám ninh hạt sen, Trám hấp tim gan, Trám cuốn thịt, Trám phích bột, Ùi trám, Nham trám...
    Sau mỗi mùa là cái rá nghiêng ú ụ hạt trám tích lại sẽ được bưng ra, cho duy nhất một ngày đồ xôi nhân trám. Vui váng nhà váng ngõ, vui hơn cỗ vui hơn Tết, tụm năm tụm ba chí chóe chặt hạt khều nhân. Xôi nhân trám là những gì nhân gian vẫn gọi thơm bùi béo dẻo, mỗi tội không ngầy ngậy chất phác mà phảng phất kiêu kỳ bởi cái nhen nhúm chát được điểm vào rất mong manh.Phần mời ông bà được đơm vơi trong bát chiết yêu, đơm vụng thì dính lại đôi ba hạt nếp tím như men, rồi bị lườm chít...Bọn chập chững yêu đương chả cần lên mâm, chỉ nghiêng tay vón một vón xôi, xong là miệng nhai mắt díp tịt lại, gật gật ra cái vẻ Thu đã về nghẽn hết mùa chứ thật ra thì ngày ý có mà biết đếch!
    Bên cạnh ô mùa thu trong khung, ông bà tỉ tê muôn năm cũ, rằng ở Hà Nội gọi trám trắng là cây bầu, trám đen là cây bùi, như nọ như kia..

    -Trám Thu
    Có những giấc mơ cứ quanh co mãi bên rìa thơ ấu, Hà Nội cũng là một giấc mơ như thế. Bởi nơi này mãi có Cốm có Trám có Rươi, có những nếp cũ chỉ xếp lại nhưng chưa thực mai một, và bởi Thu - thì cũng có nghĩa là Hà Nội. Trám tuy tình mà bạc, bởi đã ỏm rồi, dù rắn hay nát đều không làm lại được. Giống như yêu, đã nhầm người là không thể sửa, chỉ còn cách buông xuôi, hoặc buông tay. Giá kể xưa ấy có Phây, thì đã ủn Mỵ Châu lên a-va-ta cười không mì chính, gõ chú thích "đen thôi, đỏ quên đi!", rồi lại cùng kiêu hãnh xách giỏ đi chợ, thì nàng đâu đến nỗi.Tiếc cho người con gái, đã xinh thế, mà bố lại còn làm to, ờ, nhưng tại có hơi to quá...
    Cái mùa nắng cốm làm phố xá cứ cũ mãi. Mùa của những thức để cho nhau một lần trong năm, mùa của những người để lạc nhau một lần trong đời, mùa của xước xát khi lóng ngóng định thương lại từ đầu, mùa của xôi trám ruốc ngói ẩn ức vàng son bụi gụ...Thu sẽ thật là, khi cuối chiều cố vun vén độ một giờ, tựa vào Long Biên ngắm nốt chỗ mây màu lòng trai thần thoại, đang dạt trên màn sương nhắc heo may.
    "Mùi hương phấn người
    Một hôm nhớ lại
    Hẹn ngày sau sẽ mua vui..."
    Em bảo này,muốn tìm chim ngói về xôi trám cùng em không?
    Anh nói "Có" đi anh...

    Bài : team Mâm Son-tiết Hàn lộ-biên bên cây bàng còi.
    #HàNộicủanhữngdấuyêuxưacũ
    #uyenmamso
    Ảnh: Cây trám cổ thụ ở Loa Thành
    Linh fb:
    https://www.facebook.com/photo/?fbid...10591012307658

  4. #4
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,169
    Thanks
    1,067
    Thanked 3,376 Times in 1,083 Posts
    Chia sẻ của thành viên Phuong Thuy Caroline

    ĐẠP XE với eMông Group
    Chủ nhật ngày 19.01.2025.
    Mở màn cho 2025 và kết thúc năm con Rồng một cách thật nhẹ nhàng bằng hơn 85km cùng eMông.
    Lại một lần nữa cung đạp xe của chúng mình tạo thành một vòng tròn hoàn hảo, suốt hành trình là những câu truyện k có hồi kết thúc.
    Bắt đầu gặp nhau lúc 7h ở Bốt Hàng Đậu, đạp đi ăn sáng phở Bò gần Hồ Tây trên đường Hoàng Hoa Thám qua đoạn sông Tô Lịch đầy hoài niệm.
    Tiếp đến đi dọc bờ đê, khúc khích kể cho nhao nghe về bãi tre sông Hồng, chốn hẹn hò của những thế hệ 7x, dừng lại tại đình Chèm.
    Bốt Hàng Đậu => Đình Chèm
    => làng hoa Tây Tựu
    => qua đò vượt sông Hồng => ăn trưa
    => đạp về Cổ Loa
    => cà phê
    => giai Cổ Loa dẫn dắt qua hơn chục km khám phá Cổ Loa, lần đầu tiên biết những cây trám cổ thụ ít ra phải đến vài trăm tuổi.
    =>thưởng thức món cháo trai nức tiếng trước cổng chợ Sa, Cổ Loa.
    => Xuyên làng xuyên nghĩa trang mộ cụ Tắt đèn về lại sông Đuống, Long Biên.
    Mỗi cuối tuần làm được cuốc đạp xe như này là đủ năng lượng và hoạt động thể thao cho cả 1 tuần các bác ạ ☺️

    https://www.facebook.com/photo?fbid=...61170177247569

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình