+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 6 của 6

Chủ đề: Tiểu sử về cao thủ xe đạp VN

  1. #1
    Thần Hành Thái Bảo dangman's Avatar
    Ngày tham gia
    Sep 2011
    Đang ở
    cHƯA Bít yÊu
    Bài viết
    1,020
    Thanks
    274
    Thanked 396 Times in 179 Posts

    Tiểu sử về cao thủ xe đạp VN

    Nếu các bạn thần tượng về các tay đua nước ngoài thì tôi thần tượng các tay đua Việt Nam, kể từ hôm nay tôi sẽ cố gắng sưu tầm các thông tin về các tay đua Việt Nam mình để trình bày, hy vọng các bạn sẽ thấy gần gũi hơn với môn xe đạp.

    Đầu tiên :
    Cựu Vô Địch Xe Đạp Nước Rút Châu Á và Đông Nam Á.
    Thần tượng một thời thơ ấu của tôi .

    Nguyễn Văn Châu

    Kính dâng lên anh hồn các cua rơ quá cố đã làm rạng danh môn đua xe đạp Việt Nam trên các thao trường quốc tế.
    Kính tặng đến những ai đã từng một thời yêu mến môn đua xe đạp.

    Trần Đình Phước

    Mỗi người trong chúng ta. Có lẽ ai cũng có một thần tượng để tôn thờ cho chính mình. Riêng tôi, cựu vô địch xe đạp nước rút Châu Á tại Đông Kinh, Nhật Bản, và Đông Nam Á Vận Hội tại Ngưỡng Quang, Miến Điện ( Myamar ), năm 1961: “Cua rơ Nguyễn Văn Châu là Thần Tượng Thời Thơ Ấu của tôi.”

    Vào môt buổi trưa cuối tháng Bảy, năm 2014, trong chuyến về thăm gia đình ngắn ngày, tôi cố gắng dành chút thời giờ thả bộ từ phía Cầu Kiệu đi về hướng chợ Tân Định. Thời tiết rất nóng bức và khó chịu. Mới rảo vài bước mà quần áo đã ướt đẫm mồ hôi. Khi đi ngang qua nhà bác sĩ Kính, bác sĩ chuyên trị về mắt trước năm 1975, tôi tình cờ gặp một người đàn ông khoảng ngoài bảy mươi tuổi đang đứng trông chừng xe cho khách trước tiệm “Bánh Tằm Bì 370 – Đặc Sản Bạc Liêu.” Tiệm này trước kia là nhà của ông Lang Sách, chuyên bắt mạch, cho thuốc Đông Y gia truyền.

    Sau vài giây định thần, tôi hỏi ông ta: ”Có phải ông là cua rơ Nguyễn Văn Châu đã từng làm rạng danh nền đua xe đạp VNCH trước năm 1975 không?”

    Ông ngạc nhiên hỏi sao tôi lại biết tên ta. Sau đó, ông trả lời: Đúng! chính ông là cua rơ xe đạp Nguyễn Văn Châu. Nói xong ông mời tôi nếu có rảnh, thì thử thưởng thức đặc sản của tiệm, do chính con trai thứ của ông làm chủ và trực tiếp đứng nấu. Còn ông thì chỉ giữ nhiệm vụ coi chừng xe cho khách, để khách an tâm thưởng thức và không sợ khi trả tiền xong đi ra ngoài tự nhiên thấy xe không cánh mà bay thì “Buồn ơi! Chào mi!” Mỗi khi quán thiếu gì, ông liền xách xe đạp chạy ngay ra chợ Tân Định gần đó để mua thêm.

    Đang đói bụng và thèm một ly trà đá lạnh, nên tôi đi thẳng vào quán và chọn bàn cuối cùng ngồi. Tôi gọi một tô Bánh Tằm Bì, vì tôi nghĩ chắc là món chiến lược của quán, và không quên kêu thêm một ly trà đá lạnh.

    Lúc này đã quá trưa, quán chỉ còn tôi là khách. Ông đến ngồi bên cạnh tôi và nói: ”Bao nhiêu năm nay, ít có ai hỏi đến tên tôi.” Đây là lần đầu tiên có người nhắc đến tên ông.
    Tôi xin phép được gọi ông bằng anh và cho biết hồi nhỏ tôi rất mê môn đua xe đạp, nhưng không theo đuổi được, vì lý do sức khoẻ. Hôm nay gặp đươc ông, người mà tôi coi như thần tượng lúc còn nhỏ, thật là một điều may mắn và bất ngờ đối với tôi.

    Tôi hỏi ông: ”Nếu có thể, xin anh cho tôi được có vài câu hỏi.” Ông cười vui vẻ với cái miệng móm xọm rất có duyên, rồi nói: ”Em cứ tự nhiên. Anh sẵn sàng trả lời các thắc mắc của em.”

    - Anh có thể cho em biết sơ lược qua về anh.


    Tay đua Nguyễn Văn Châu

    Anh sinh ngày 24 tháng 8, năm 1940, tại Phú Nhuận – Gia Định. Gia đình gồm Ba Má và sáu anh em, hai trai và bốn gái. Lúc đầu gia đình ở Phú Nhuận. Năm 1952, dọn về Tân Định, hẻm 392 đường Hai Bà Trưng. Bên trái hẻm là tiệm chụp hình Văn Hoa, kế bên có tiệm nhuộm Tô Hồng, Thuốc Lào Vĩnh Bảo. Bên phải hẻm có Billards và Phở Vạn Lợi, sát bên có con hẻm nhỏ sửa giày dép và tiệm Cà Rem Hoàn Kiếm. Nhìn sang bên kia là đường Nguyễn Văn Mai, có nhà thuốc Tây Trần Ngọc Tiếng, Pháp Hoa Ngân Hàng, tiệm may Thái Lai, nhà thuốc Bắc của ông Thần Bút.

    Hồi nhỏ anh và em trai theo học tại trường Hoà Bình, gần nhà thờ Đức Bà. Lúc mười hai tuổi thì chuyển sang học trường La San Đức Minh. Còn các em gái thì theo học trường Thiên Phước.

    - Nguyên nhân nào anh đến với môn đua xe đạp?

    Lúc đầu anh rất thích môn bóng tròn. Nhưng Ba anh nói ”Con đá banh có một cẳng thì chán lắm!” Sao con không chọn môn đua xe đạp? Chơi môn này con có thể dùng cả hai chân, hai tay và cả cái đầu. Nghe theo lời ba anh đốc thúc. Anh tập đạp thử chiếc xe đạp cà tàng của ba anh. Tình cờ, hai cua rơ đàn anh là Trần Gia Thu và Trần Văn Nên thấy anh chạy có nét, nên khuyến khích anh tập chạy đua nước rút. Hai đàn anh ra sức hướng dẫn một mầm non sẽ có nhiều triển vọng trong tương lai.

    Thấy con mình đam mê, miệt mài tập tành. Thế là ba anh hy sinh bỏ ra một tháng lương để sắm cho anh một con ngựa sắt chiến đấu vào thời đó.

    - Khi nào thì anh chính thức bắt đầu sự nghiệp đua xe? Chạy dưới màu áo nào?

    - Anh bắt đầu chập chững chạy cho Đội Liên Hiệp Công Nhân lúc mười sáu tuổi. Năm sau chạy cho Thủy Quân Lục Chiến. Năm 1959, vào lính thì chạy cho đội Quân Vận. Trong thời gian này không có huấn luyện viên chính thức, mà chỉ có các đàn anh dìu dắt đàn em. Cá nhân anh, lúc nào anh cũng kính trọng và thương quý hai đàn anh: Trần Gia Thu và Trần Văn Nên về tư cách, đạo đức và nhất là hết lòng chỉ dạy tận tình cho đàn em, mà không bao giờ than thở hay nặng lời.

    - Xin anh cho biết anh sử dụng xe đạp hiệu nào? Phụ Tùng thay thế khi cần thiết mua ở đâu?

    - Anh chạy xe đạp hiệu Bernard. Khi cần phụ tùng ngoại quốc của Ý, Pháp thay thế, thì nhờ tiệm chuyên bán xe đạp và phụ tùng Đoàn Văn Thẩm, nằm trên đường Hai Bà Trưng, đối diện với đường Yên Đổ và trường Trung Học Vạn Hạnh đặt mua giùm.

    Mỗi lần tham dự cuộc đua, thì trước đó vài ngày, anh phải tháo hết xe ra từng bộ phận, vô dầu mỡ cho thật kỹ. Chạy thử tới, lui nhiều lần. Kiểm soát mọi bộ phận thật bảo đảm và chắc chắn. Săn sóc chiếc xe còn hơn đứa con cưng của mình.

    - Trong cuộc đời đua xe đạp. Xin anh cho biết đã đạt được bao nhiêu thành tích.

    - Anh không nhớ hết! Tuy nhiên, anh đã đoạt chín lần vô địch nước rút trong nước. Đặc biệt, hai lần trong cùng năm 1961, mà cho đến bây giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí của anh.

    Lần thứ nhất “Vô Địch Nước Rút Á Châu” ở Đông Kinh. Trước khi đến Nhật Bổn, anh chỉ vỏn vẹn có ba ngày thực tập tại vòng chảo ở Huế rất thô sơ. Khi tới Tokyo với hơn bốn mươi vòng chảo hiện đại hơn, anh thấy choáng ngộp, và hoàn toàn xa lạ nên cũng rất lo lắng. Do đó, anh ra sức tập luyện ngay. Anh thầm nói: “Vì danh dự tổ quốc, vì màu cờ sắc áo, vì đồng đội đặt nhiều tin tưỏng, anh quyết tâm phải thắng cuộc đua này bằng mọi giá.”


    Người Nhật phải chảy nước mắt vì anh

    Và anh đã làm được điều ước nguyện này, khi bánh xe đua của anh cán mức trước tay đua nổi tiếng của Nhật tên Ywanmato, trong cuộc đua nước rút 200 mét lòng chảo chỉ đường tơ, kẽ tóc, với thời gian 11 phút 4 giây, khiến cả vận động trường nín lặng. Nhiều người Nhật đã bật khóc, khi đứa con cưng của họ bị thua đau đớn, mà trước đó họ tin rằng tấm “Huy Chương Vàng” chắc chắn sẽ nằm trong tay nước chủ nhà dễ dàng.


    Vô Địch Đông Nam Á Vận Hội

    Lần thứ hai ”Vô Địch Đông Nam Á Vận Hội” tại Ngưỡng Quang – Miến Điện. Cuộc đua nước rút lần này không phải chạy trên lòng chảo, mà chạy trên đường bình thường. Anh đã thắng không mấy khó! Vì đó là sở trường của anh. Anh cười và nói thêm ”Nghề của chàng mà em.”

    - Xin anh kể cho biết vài tên tuổi cua rơ nổi tiếng cùng thời với anh.

    Thú thật, bây giờ anh không thể nào nhớ hết! Có thể kể những cua rơ đàn anh có thành tích như: Lê Thành Các với biệt danh là Phượng Hoàng. Ông ta xuống đèo mà vẫn tiếp tục đạp hết tốc lực, dù trong đêm tối, với bất cứ mọi thời tiết. Ó đen Bùi Văn Hoàng được xếp sau ông. Tiếp theo, Ngô Thành Liêm, Lưu Quần, Trần Văn Nên, Huỳnh Anh, Trần Gia Thu, Trần Gia Châu, Trương Tỷ, Huỳnh Ngọc Chánh, Tô Hiếu Thuận, Võ Vĩnh Thời, Nguyễn Hữu Thoại, Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Văn Kỉnh, Trần Hữu Tuấn… Về hướng dẫn, dìu dắt và giúp đỡ hết mình cho phong trào đua xe đạp có Cựu Đ/T Trần Văn Xồi, Phạm Văn Cự, Nguyễn Văn Tạo.

    - Xin anh cho biết lúc nào anh giải nghệ hẳn?

    Sau năm 1975, anh vẫn còn tiếp tục đua xe đạp. Năm 1976, đoạt giải nhì trong một cuộc đua chạy ra Vũng Tàu. Sau đó anh chuyển sang làm Huấn Luyện Viên cho các đội: Cửu Long, Quận 3, Quận 5, Tân Bình, Quân khu 7. Có lúc phải ra ngã bảy sửa xe đạp và môi giới mua bán xe đạp. Chiếc xe đạp đã làm nên tên tuổi anh cũng phải bán để mưu sinh, mà thời giá lúc đó bằng giá trị chiếc xe Honda. Về sau hai vợ chồng mượn vốn để chuyển sang bán “Bánh Tằm Bì” và các món Đặc Sản Bạc Liêu. Chiếc bàn nhỏ, vài chiếc ghế ngồi chồm hổm nằm trên đường Hai Bà Trưng, trước Billards Vạn Lợi, gần hẻm nhà anh. Sau này bị dẹp lòng lề đường, nên hai vợ chồng anh thuê được căn nhà số 459B đường Hai Bà Trưng, để mở tiệm. Tiền thuê hàng tháng rất cao, vì nằm trên điạ điểm thuận lợi. May mắn được thực khách thương quý anh đến ủng hộ rất đông. Lúc này anh không còn vương vấn với nghiệp xe đạp, để tập trung cho việc buôn bán.

    - Hiện nay tình hình kinh tế gia đình anh thế nào?

    Anh im lặng trong chốc lát và cho biết: “Thoi thóp qua ngày nào, mừng ngày đó em ơi!” Sức khoẻ càng ngày càng yếu đi vì đủ thứ tật bệnh của tuổi già. Hiền thê của anh chẳng may mất đột ngột lúc vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, khi viếng thăm người em. Một trong ba người con trai ra đi vì tai nạn giao thông. Hiện còn hai con trai đều đã lập gia đình. Con trai lớn đang hành nghề tài xế và con trai thứ đang làm chủ cửa hàng ăn uống mang tên “Bánh Tằm Bì 370.” Hiện anh sống cùng với người con thứ ở căn nhà hẻm 392 và phụ giúp con anh trông coi tiệm.

    Nguyễn Văn Châu ngày xưa và bây giờ !

    Tôi xin lỗi anh vì đã đặt câu hỏi làm khơi lại nỗi buồn của anh. Bắt tay xin chào từ giã anh. Bước chân ra khỏi tiệm mà trong lòng nặng trĩu. Tràn dâng lên một nỗi buồn cho một nhân tài bị bỏ quên. Cơn mưa bất chợt cùng lúc xuất hiện, càng làm tôi thấy thương mến anh hơn. Tôi hứa sẽ cố gắng viết vài hàng về anh và xin được trân trọng giới thiệu cùng bà con khắp nơi “Bánh Tằm Bì 370” với các món Đặc Sản Bạc Liêu. Điạ chỉ số 459B, đường Hai Bà Trưng, phường 8, Quận Ba, Sài Gòn.

    Nếu ai còn quý mến anh. Người đã tạo nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử đua xe đạp nước nhà, mà từ trước đến nay chưa có cua rơ Việt Nam nào thực hiện được. Anh đã làm đã làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên các thao trường quốc tế.

    Xin bà con hãy đến ủng hộ tiệm ăn của con trai anh, với các món ăn đặc sản quê hương của miền sông nước Bạc Liêu. Thức ăn ngon miệng, giá cả vừa phải và tiếp đón lịch sự. Thực khách sẽ có dịp chuyện trò, hàn huyên với nhà vô địch, thể tháo gia tên tuổi đã từng làm say mê giới trẻ yêu xe đạp vào đầu thập niên sáu mươi, bảy mưoi. Chúng ta sẽ cùng anh nhắc lại một thời để nhớ và không bao giờ quên.

    Xin được chào anh: “Cua Rơ Vô Địch Nước Rút Nguyễn Văn Châu.” Người con yêu của vùng đất hiền hoà Tân Định và Đa Kao. Thần tượng của nhiều người yêu môn đua xe đạp, và cũng là thần tượng thuở còn ấu thơ của riêng tôi.


    Theo Trần Đình Phước
    LỬA THỬ VÀNG MỚI LÊN NGƯỜI

  2. The Following 9 Users Say Thank You to dangman For This Useful Post:

    biahoi (22-10-2014), Casper_HN (04-08-2015), eMông (21-10-2014), flamencol78 (23-10-2014), Kiu (21-10-2014), Na chín (18-12-2014), Nhip (23-10-2014), ntt1404 (04-01-2015), Yankumong (21-10-2014)

  3. #2
    Thần Hành Thái Bảo dangman's Avatar
    Ngày tham gia
    Sep 2011
    Đang ở
    cHƯA Bít yÊu
    Bài viết
    1,020
    Thanks
    274
    Thanked 396 Times in 179 Posts
    Những huyền thoại trên đường thiên lý

    “Hùm xám” Vũ Văn Thân, “phượng hoàng” Lê Thành Các, “thiết cước đại vương” Trương Kim Hùng... Chỉ nghe mấy biệt hiệu mang hơi hướm kiếm hiệp đó là trong người đã khó tránh khỏi cảm giác rạo rực.

    Thế là phải lao đầu đi tìm hiểu giữa đống báo cũ bám đầy bụi thời gian, và tìm lại những người đã gần đất xa trời...

    Sự phá sản của đại tá Ducoroy

    Theo tài liệu của Liên đoàn Môtô & xe đạp VN, môn đua ngựa sắt bắt đầu du nhập dải đất hình chữ S từ cuối thế kỷ 19. Có hai nhân vật được xem là có công đặt nền móng cho môn thể thao này phát triển tại VN: ở Sài Gòn là cụ Trần Văn Chánh - một giám thị ngành tiện trong nhà máy Ba Son (sinh 1884 - mất 1952).


    Hum xam Vu Van Than

    Còn phía Bắc là cụ Vũ Tư Đường (sinh 1881 - mất 1948), người làng Cự Đà, Hà Tây - một nhà tư sản dân tộc khét tiếng thời ấy, được mệnh danh là “vua ôtô”, ngang ngửa với “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi.

    Nhưng xe đạp chỉ thật sự phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu thập niên 1940, và người “có công” là đại tá Ducoroy. Đây là một tay thực dân cáo già, rất rành rẽ về thể thao và muốn mượn thể thao để ru ngủ các tầng lớp thanh niên VN, hướng họ đến với thể thao mà quên đi phong trào chống thực dân Pháp.

    Nhưng Ducoroy đã thất bại. Người Việt vẫn hướng đến thể thao một cách nhiệt thành, nhưng không vì thế mà quên đi nhiệm vụ cao cả của mình. Người ta đến với thể thao để rèn luyện sức khỏe, và chuyện ấy giúp ích không ít cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

    Bằng chứng là chúng ta đã có những cuarơ giỏi như Vũ Văn Bảy, Nguyễn Văn Cộ... rời yên xe đua chuyển sang xe đạp thồ để phục vụ chiến dịch Điện Biên. Hay “hùm xám” Vũ Văn Thân - cháu nội của “vua ôtô” - đã tích cóp toàn bộ tiền thưởng có được tại các cuộc đua, lên đến 10.000 đồng Đông Dương (rất lớn lúc bấy giờ), cùng gia sản của ông cha để lại nhằm mua xe bọc thép phục vụ công việc tải đạn cho chiến dịch Điện Biên.

    Nơi “phượng hoàng” ra đời


    Phuong Hoang Le Thanh Cac

    Phải hơn chục năm sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ở một cuộc đua xuyên Việt chúng ta mới dám tính đến việc cho phép các tay đua đổ đèo Hải Vân. Chúng tôi chưa được vinh hạnh thử cảm giác đổ dốc Đệ nhất hùng quan, nhưng nghe nhiều đồng nghiệp kể lại thì khiếp lắm, dù chỉ là ngồi trên những chiếc môtô gần cả ngàn phân khối. Còn các tay đua thì bảo: “Kinh lắm. Gió rít eo éo bên tai, tốc độ lên đến 80-90km/giờ, cơ mặt cứ nhảy lưng tưng vì gió quật. Khi ôm cua ở những khúc tay áo, mồ hôi lạnh cứ túa ra”.

    Ấy vậy mà hơn 50 năm trước, ở cuộc đua Hà Nội - Sài Gòn - Phnom Penh (15 chặng, dài 2.183km) vào năm 1941 - 1942, các chàng trai Việt (có cả người Campuchia, lính viễn chinh Pháp cùng tham gia) đã đổ đèo Hải Vân ào ào!

    Nhưng, độc đáo nhất, gan dạ nhất là Lê Thành Các - một tay đua của đất Sài Gòn, đã không xuống đèo bằng trớn như mọi người, mà lại còn nhấn bàn đạp liên tục! Ông Lê Văn Long, một lão tướng hiếm hoi còn sót lại của thời ấy, nay đã 80 tuổi tròn, kể: “Ảnh gan ghê lắm. Khi đổ đèo vượt qua mặt luôn cả xe Jeep mở đường khiến mấy tên lính Pháp la hoảng”.

    Các không phải đua xe nữa mà là bay. Hình ảnh ông trên con ngựa sắt “bay” vòng vèo, chấp chới qua những khúc cua cùi chỏ khủng khiếp trên Đệ nhất hùng quan đã khiến giới báo chí ngày ấy ví là những cái vỗ cánh của phượng hoàng! (Dù ở cuộc đua ấy Lê Thành Các chỉ xếp thứ nhì, sau một đồng đội là Nguyễn Văn Thêu).

    Đỉnh cao của “phượng hoàng” là tại cuộc đua xuyên Đông Dương lần 1 diễn ra sau đó một năm. Tham dự cuộc đua này có tất cả 25 đội, rời Sài Gòn ngày 29-12-1942 và về đích cũng tại Sài Gòn vào ngày 4-2-1943. Đây là cuộc đua hùng vĩ nhất trong lịch sử xe đạp VN, khi các cuarơ đua tài hơn một tháng trời trên một chặng đường dài gần 3.000km (cuộc đua Đông Dương lần 2 chỉ dài 2.500km vào năm 1944). Lê Thành Các đã chiến thắng ở cuộc đua kỳ vĩ này, còn người về nhì là “hùm xám” Vũ Văn Thân.

    Ba tháng sau khi đăng quang vòng Đông Dương lần 1, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc đua “chiến tranh giữa các vì sao”! Chỉ dành cho 15 tay đua mạnh nhất thời bấy giờ của Đông Dương, gồm: Lê Thành Các, Nguyễn Thành Phương, Lher, Nguyễn Văn Ba, Vũ Văn Thân, Michon, Thibaut, Vanleng, Franchi, Huỳnh Ngọc Chánh, Rouget, Nguyễn Văn Lầu, Nguyễn Văn Đượm, Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Phát Giá.

    “Phượng hoàng” lại về nhất ở cuộc đua này và được trao tặng danh hiệu “Chúa tể xe đạp Đông Dương”.

    “Thiết cước đại vương”

    Thiet cuoc dai vuong Truong Kim Hung

    Hồi mới vào nghề phóng viên thể thao (1993), tôi được giao phụ trách theo dõi môn xe đạp. Tính lại ưa nghe chuyện xưa tích cũ nên tôi rất thích sưu tầm giai thoại. Hồi đó ông Nguyễn Đông Châu - trưởng bộ môn xe đạp TP.HCM - có kể cho nghe về sự ra đời của biệt hiệu “thiết cước đại vương” mà các nhà báo Thiệu Võ, Huyền Vũ... đã đặt cho Trương Kim Hùng.

    Ông Châu kể: “Hùng hồi đó đã có tiếng, khi dự SEAP Games đầu tiên vào năm 1969 đã đoạt ngay 1HCV, 3HCB và 1HCĐ. Có người thách đố anh đạp xe từ Sài Gòn đi Cấp (Vũng Tàu) một mình và luôn luôn phải nhấn bàn đạp chứ không được ngưng một guồng chân nào. Hùng nhận lời và anh đã thắng cuộc, dù khi đến Vũng Tàu đã ngã vật ra muốn xỉu”.

    Các bạn nên nhớ một cầu thủ bóng đá chơi 90 phút nhưng người ta chỉ thật sự chạy trong vòng khoảng 30-35 phút. Một cuarơ xe đạp chạy 120km nhưng không phải lúc nào cũng nhấn bàn đạp mà phải ngưng guồng chân để nghỉ mệt, chỉ chạy bằng trớn.

    Vì vậy việc nhấn bàn đạp liên tục trong vòng ba giờ đồng hồ là điều khó thể thực hiện. Biệt hiệu “thiết cước đại vương” được đặt cho Hùng là một điều xứng đáng.

    Trong làng đua xe đạp VN, nhà họ Trương của Hùng có lẽ cũng không ai hơn nổi Hùng. Người cha, ông Trương Ty, là một tay đua khá nổi tiếng, chỉ sau “phượng hoàng” vài năm. Đến đời con của ông Tỷ, ngoài Hùng còn có những Trương Thanh Sĩ, Trương Tấn Quang... Thú vị hơn, đến thế hệ thứ ba, Trương Quốc Thắng cũng là một tay đua xứng đáng ghi danh vào lịch sử thể thao nước nhà với chiếc HCV châu Á 2000.

    Đây là chiếc HCV châu Á thứ hai của xe đạp thể thao VN, sau Nguyễn Văn Châu đoạt được ở môn nước rút tại Tokyo 1961. Thắng giống cha (Trương Kim Hùng) ở chỗ đến với xe đạp từ rất sớm (14 tuổi) và ngay lập tức tạo được tên tuổi. Bên cạnh đó, Thắng còn được truyền trong máu mình cái tính cách mạnh mẽ, tự tin, không kiêng dè trước bất kỳ đối thủ nào.

    Tôi nhớ ông Hùng (Việt kiều Mỹ) trong lần về nước đầu tiên để kèm cặp cho cậu con trai vừa mới ra ràng dự Giải đồng bằng sông Cửu Long 1994, trên chuyến phà qua bắc Mỹ Thuận, ông lôi Thắng ra một góc và bảo: “Nó hai chân, mình cũng hai chân, việc gì mà sợ, cứ đeo bám hết sức đi”! Năm ấy, cuộc đua này có các tay đua danh tiếng của Thái Lan là Thong Lao với Visut, những người mà ngay cả lúc chưa xuất phát thì các tay đua VN cũng đã an phận thủ thường chịu nhịn cho họ cái giải nhất!

    Sau đó vài năm, tôi có gặp lại ông Hùng trong một cuộc đua cúp truyền hình. Ông vẫn “máu” như thời trai trẻ, đi làm dành dụm được bao nhiêu tiền là lo trang bị xe xịn cho con đi đua. Nhưng ông buồn bã tâm sự: “Nhà nước mình đầu tư cho thể thao cũng dữ, hoạt động phong trào cũng sôi nổi, thế mà không biết làm sao mãi vẫn chưa tìm lại được cái HCV SEA Games nào.

    Thời bọn tôi, xe thi đấu là sử dụng dĩa 53 răng - líp 13 răng. Rồi bây giờ mấy chục năm sau cũng chẳng khác đi; trong khi các cuarơ nước ngoài đều chơi dĩa 56-lip 13 (đạp nặng hơn nhưng chạy nhanh hơn, cần thể lực tốt). Tôi thật sự không hiểu, không hiểu nổi vì sao tiến quá chậm dù điều kiện không tệ?”.

    Câu hỏi của “thiết cước đại vương” cũng là câu hỏi chung, chưa có lời đáp, của những ai yêu mến xe đạp thể thao...


    link rõ hơn http://minhhoangauto.xe360.vn/tin-xe...-ly/12804.html
    LỬA THỬ VÀNG MỚI LÊN NGƯỜI

  4. The Following 7 Users Say Thank You to dangman For This Useful Post:

    biahoi (22-10-2014), eMông (21-10-2014), Na chín (18-12-2014), Nhip (23-10-2014), ntt1404 (04-01-2015), thanhnc (19-12-2014), Yankumong (21-10-2014)

  5. #3
    Mông để dành... Na chín's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    5,439
    Thanks
    1,812
    Thanked 1,615 Times in 803 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi dangman
    Tay đua Nguyễn Văn Châu

    Anh sinh ngày 24 tháng 8, năm 1940, tại Phú Nhuận – Gia Định. Gia đình gồm Ba Má và sáu anh em, hai trai và bốn gái. Lúc đầu gia đình ở Phú Nhuận. Năm 1952, dọn về Tân Định, hẻm 392 đường Hai Bà Trưng. Bên trái hẻm là tiệm chụp hình Văn Hoa, kế bên có tiệm nhuộm Tô Hồng, Thuốc Lào Vĩnh Bảo. Bên phải hẻm có Billards và Phở Vạn Lợi, sát bên có con hẻm nhỏ sửa giày dép và tiệm Cà Rem Hoàn Kiếm. Nhìn sang bên kia là đường Nguyễn Văn Mai, có nhà thuốc Tây Trần Ngọc Tiếng, Pháp Hoa Ngân Hàng, tiệm may Thái Lai, nhà thuốc Bắc của ông Thần Bút.
    Hồi mới vào SG chị cũng ở quanh khu này, giờ vẫn còn tiệm nhuộm Tô Hồng, mà tên các tiệm còn lại thì nghe lạ quá. Ko biết bài viết này viết từ năm nào nhỉ.

    Yêu Bell của mẹ nhất


  6. #4
    Thần Hành Thái Bảo dangman's Avatar
    Ngày tham gia
    Sep 2011
    Đang ở
    cHƯA Bít yÊu
    Bài viết
    1,020
    Thanks
    274
    Thanked 396 Times in 179 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi Na chín Xem bài viết
    Hồi mới vào SG chị cũng ở quanh khu này, giờ vẫn còn tiệm nhuộm Tô Hồng, mà tên các tiệm còn lại thì nghe lạ quá. Ko biết bài viết này viết từ năm nào nhỉ.
    Đây là lời kể mô tả về hoàn cảnh gia đình tay đua Nguyễn Văn Châu những năm 1952 , chị nhé Bài viết này cũng mới đây thôi Cảm ơn Na chín !
    LỬA THỬ VÀNG MỚI LÊN NGƯỜI

  7. The Following User Says Thank You to dangman For This Useful Post:

    Na chín (19-12-2014)

  8. #5
    Mông để dành... Na chín's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    5,439
    Thanks
    1,812
    Thanked 1,615 Times in 803 Posts
    Dangman ơi, chị đã tìm thấy tiệm bánh tằm bì của chú Châu rồi, ăn bánh tằm bì nhà chú rồi, cũng gặp chú nữa. Hỏi về xe đạp là chú hào hứng ngay.

    Yêu Bell của mẹ nhất


  9. The Following 2 Users Say Thank You to Na chín For This Useful Post:

    dangman (16-09-2015), vnpcworld (04-08-2015)

  10. #6
    Thần Hành Thái Bảo dangman's Avatar
    Ngày tham gia
    Sep 2011
    Đang ở
    cHƯA Bít yÊu
    Bài viết
    1,020
    Thanks
    274
    Thanked 396 Times in 179 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi Na chín Xem bài viết
    Dangman ơi, chị đã tìm thấy tiệm bánh tằm bì của chú Châu rồi, ăn bánh tằm bì nhà chú rồi, cũng gặp chú nữa. Hỏi về xe đạp là chú hào hứng ngay.
    Thật tuyệt chị ơi E nghĩ ngồi ăn ở một tiệm ăn mà nhân tiện được ngắm nhìn con người đã từng vượt qua muôn trùng để chiến thắng sẽ có nhiều thú vị . Cảm ơn Na Chín !
    LỬA THỬ VÀNG MỚI LÊN NGƯỜI

  11. The Following User Says Thank You to dangman For This Useful Post:

    Na chín (17-09-2015)

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình