+ Trả lời Chủ đề
Trang 2 của 5 Đầu tiênĐầu tiên 1 2 3 4 ... CuốiCuối
Kết quả 11 đến 20 của 46

Chủ đề: Chuyện phố tôi

  1. #1
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,670 Times in 672 Posts

    Chuyện phố tôi



    Phố tôi be bé trong khu phố cũ Hà Nội…

    Ngày trước, lâu lâu rồi, khoảng cách giàu nghèo cũng lớn, nhưng không lớn đến cùng cực như bây giờ, thì cũng chả có chuyện để các bà các chị ngồi bàn, nhưng giờ thì khác… Phố tôi có một ngôi nhà nhỏ giữa phố, nghe nói cũng nguồn gốc tư sản thời Pháp, căn nhà vẫn giữ được nét xưa cũ, cái đặc biệt nhất là những con người trong đó.

    Bà cụ, giờ gần 90 rồi, vẫn cửa miệng những câu “Hỏi khí không phải…” “Mời bác lại nhà!”, miệng nhai trầu bỏm bẻm, nhìn vào cũng thấy hồn phố phảng phất. Con trai cụ, làm bảo vệ một trường phổ thông trong quận, nghe nói cụ không cho đi làm xa vì anh con trai là con một, lại là trưởng họ, một dòng họ khá lớn ở đây. Hàng năm giỗ tổ họ, bắc rạp khách khứa kín nửa phố. Chị con dâu trẻ và xinh lắm, dịu dàng đằm thắm đúng kiểu con gái Hà Nội, giờ đã ngoài 50 rồi nhưng vẫn đẹp như Lê Khanh nếu không muốn nói có phần hơn. Trong nhà có hai cháu gái xinh xắn nhìn trong vắt như nước suối nguồn, một học Kinh tế năm cuối, một đang học 12.

    Nghe các bà ngoài phố thạo tin kể lại, thì chị con dâu trước làm Bộ Thương mại, sau tới những năm 90 mở cửa, chị xin ra ngoài lãnh đạo một HTX ô tô, làm ăn phát đạt lắm, từ đó kinh tế gia đình cũng ổn lên, giờ thì phải nói là ổn nhất nhì phố. Bà Trang bán nước ở phố đổ toẹt khay nước bẩn ra cống, miệng trề ra “Nhà đấy được cái mẽ quý tộc, chứ chả có con Lan chắc đói rã họng. Hão!”. Chị Lan là tên chị con dâu, người giờ là Tổng giám đốc cái HTX ngày xưa giờ thành Tổng Cty to đoành. Nhà 5 người, anh chồng đi làm bảo vệ ca kíp đi về thất thường, hai đứa con gái ngoan như trong truyện, ngày nào cũng quét dọn lau nhà lau cửa kính đi chợ. Nhìn thoáng qua, ai cũng nghĩ đây là một gia đình của những năm 80 khó khăn của thế kỷ trước.

    Chị Lan, hàng ngày sách cặp đi làm, đi bộ ra chợ Hàng Da, nơi chiếc xe đợi sẵn ở đó, rồi đi. Chiều về, cũng tới đó chị xuống, cùng đứa con gái út, đi bộ về nhà, dù trời nắng mưa hay bão gió, trăm bữa như vậy. Nghe bà Trang bán nước kể, có hôm nửa đêm mới về, cũng đi bộ từ chợ, bà Trâm, bà mẹ chồng, không mở cửa cho vào, chị đứng cúi đầu bên cửa tới gần 1h sáng ông con trai trực bảo vệ về mới mở cửa cho vào… Thi thoảng chiều về sớm cùng con bé Linh, chị lại rẽ vào chợ, mua đồ ăn gì đó, về tự tay nấu cơm cho gia đình. Bà Trang bán nước ngay đối diện, rõ chuyện nhà chị có khi hơn cả người trong nhà, lại đổ khay nước khác, kể…

    Năm 95 gì đó, hồi đó đi ô tô là gớm ghê lắm, nhưng tịnh chị không bao giờ đi xe về đỗ cửa, một hôm bão về Hà Nội, chắc chị có việc về muộn, lại đang mang bầu đứa thứ hai, nên lái xe đưa về tận cửa, còn lấy ô che cho chị vào nhà. Bà Trâm ngồi phòng khách, nói bâng quơ “Chị quý tộc đã về đấy ạ! Chị có cần tôi rước chị vào phòng nữa không!” Từ đó, không bao giờ có lần thứ hai chị đi ô tô về cửa, đến tận bây giờ vẫn thế, bà Trang khẳng định như đinh đóng cột.
    Ông chồng đi làm bảo vệ, vẫn đạp cái xe Peogeot màu cá vàng từ ngày xưa, lúc nào cũng áo trắng bỏ trong quần, đi đứng từ tốn, chăm sóc vợ rất chu đáo, sáng nào ở nhà thì cũng dậy cầm cặp đưa vợ ra tận cửa, rồi vào ngồi đợi mẹ ăn sáng xong tự tay dọn dẹp mới làm gì thì làm. Hai đứa con gái thì hình như chả chơi với ai, hiếm lắm mới thấy bạn tới rủ đi học, còn sau giờ học là có mặt ở nhà…

    “Thế chả biết ở Cty thì chị này có ghê gớm không nhỉ”. “Làm gì có chuyện, hiền như Bụt, từ bảo vệ đến phó Tổng, đều yêu quý lắm. Ai cũng nói ra nói vào là thét ra lửa, quản lý cty tới gần nghìn người, mà về nhà răm rắp mới ghê”. Hóa ra chị xin cho cả con bà Trang bán nước đi học lái xe rồi vào làm lái xe hàng của Cty, lấy lương trừ dần vào học phí, nên bà này cứ như ma xó gì cũng biết.

    Cùng hàng phố, nên chén nước với cái kẹo lạc bà Trang chả lấy tiền, “Mày mua kẹo cho thằng cu Tai đi, coi như tao cho nó cái kẹo. Thằng chó, khôn khôn là!”

    Chả gì, ngay phố nhà mình cũng có chuyện hay để nghe, để học, để nhớ mình là Người Hà Nội…

  2. The Following 15 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    BlackCaffe (14-08-2013), camhap (16-08-2014), Dzung Redbull (18-08-2014), flamencol78 (24-07-2013), hung (06-08-2013), Kiu (15-11-2013), love2live (24-07-2013), Mouse7023 (24-07-2013), Mr_Bom (25-07-2013), Na chín (24-07-2013), thubeongotau (17-03-2014), traitimchumnho (24-07-2013), tuansaker9 (21-08-2014), tuyendv (25-08-2014), Yankumong (24-07-2013)

  3. #11
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,670 Times in 672 Posts


    Yêu ở phố

    Ngày xưa, hồi còn bé, hay cả hồi còn trẻ, tôi vẫn thấy các mẹ các bà hay ngồi nói chuyện với nhau, nhất là vào những tối mất điện thường xuyên ở phố những năm khó khăn ở thế kỷ trước. Một câu chuyện mà tới mãi bây giờ mới hơi hơi hiểu, là chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái. Không biết có phải dân phố gốc hồi bấy giờ tuy nhiều hơn bây giờ nhưng cũng chả còn nhiều cho lắm, hay vì đa phần dân phố toàn nghèo hay không, mà các bà các cô cứ chắc như đinh đóng cột: Không nên cho con lấy chồng (vợ) dân phố!

    Đó là chuyện ngày xưa, chuyện anh Thắng với chị Nguyệt trong ngõ số 7 nhà tôi cũng là chuyện ngày xưa luôn.

    Trước tiên phải nói về cái số nhà 7 đã, một ngõ nhỏ, hai xe máy không thể cùng ra hoặc vào, đoạn giữa ngõ lợp mái dầu từ kiếp nào không rõ, trong ngõ có cả thảy 5 hộ với 27 nhân khẩu từ già tới trẻ. Anh Thắng hồi đó tầm ngoài 20 tuổi, trong trí nhớ thằng bé cấp hai hồi đó thì anh ấy cao, trắng trẻo, đẹp trai với mái tóc bồng bềnh, khéo tay đừng hỏi, có cái con chuột chạy đi chạy lại trên cánh tay và nhất là hiền lắm cơ, học năm cuối Bách Khoa.

    Chị Nguyệt thì không ở số 7, nhà chị bên số 9, cách một cái tường 8m ngăn giữa hai số nhà. Tôi năm nay đã gần 40, nhưng chưa từng thấy cái tường ngăn nào cao và to đến thế. Cao ngất ngư, đầy rêu. Hồi của chuyện này thì tôi 13 tuổi, học lớp 7. Chắc sẽ có người thắc mắc là sao tôi nhớ chuyện này như in thế, nay vì anh chị đều đã cách xa cái số 7 đó hai chục năm lẻ và vài ngàn dặm khoảng cách, nên tôi chả ngại nói ra. Chị Nguyệt đẹp kinh khủng! Nhỏ nhắn, mái tóc lúc nào cũng ngang vai, anh mắt long lanh như có những ngôi sao trong đó. Ngày xưa chả mấy ai trang điểm, nhưng môi chị lúc nào cũng đỏ hồng, ướt rượt. Hồi đó, chị học năm đầu trường Sư phạm. Tóm lại, là đôi tiên đồng ngọc nữ này yêu nhau.

    Tất nhiên, một bông hoa như vậy không dễ giấu. Không chỉ thanh thiếu niên phố tôi, mà cả phường, có khi cả cái quận Hoàn Kiếm hồi đó đều từng nằm mơ thấy nụ cười của chị, giống như chắc cũng hàng dãy các chị đêm ngủ mơ thấy con chuột trên tay anh Thắng và nụ cười ấm áp của anh. Cái hồi mà chả có trò gì chơi, thì trò rình chị Nguyệt tắm là trò được đám thanh niên ưa nhất, cho dù sau khi thằng Phương ngố hắt xì lúc chị dội nước và kết quả là phòng tắm giờ kín bưng và Phương ngố biết con chuột ở trên cánh tay anh Thắng có thể 1 lần giúp mấy cái răng cùng ra khỏi miệng. Này, các bạn đừng nghĩ là tôi cũng rình nhé, tôi lúc đó mới 13 thôi, ngày xưa con trai 13 ngố rừng lắm!

    Kể thật ra thì tôi… cũng muốn rình xem chị Nguyệt tắm xem là có gì hay mà cái số nhà 9 vườn cây rộng rập rạp hiếm có của phố thi thoảng lại có những bóng đen lẩn lút mà không phải để ăn cắp. Tôi là hàng xóm của cả 2 anh chị, lại bé và hiền, nên hầu như không bị… đề phòng. Tuy chả biết xem tắm có gì hay, nhưng tôi bị trí tò mò thôi thúc, tôi lên kế hoạch cho công cuộc này…

    Nhà số 9 rộng, ngõ to tướng, sâu thông cả sang Đường Thành. Bên phải ngõ là dãy nhà 2 tầng của các hộ dân, của cả nhà chị Nguyệt, ở giữa là con đường bé bé len giữa cây cối và giàn nho, bên đối diện là khu phụ, vệ sinh, phòng tắm (đã được anh Thắng làm lại kín bưng), và còn có cả cái giếng, một thứ thật hiếm ở phố. Ngõ thường được khóa lúc 9h tối và tường ngăn cao 8m hầu như biến khu vườn thành một pháo đài, nên Phương ngố đến lúc này vẫn là đứa duy nhất có thể nhìn thấy gì đó và trả giá bằng mấy cái răng cửa. Tôi thì khác, tôi bé nhỏ, thông thuộc cả số 7 và số 9 như lòng bàn tay, và tôi đang tò mò…

    Cánh cửa sắt nặng nề nhưng có một bí mật, một góc bị lỏng, và nếu nhấc ra có thể chui lọt, tôi lọt qua đó lúc 9h15, sau khi bà Mai khóa cổng. Bóng tối là đồng minh, tôi lần lần ra phía nhà tắm, kiếm chỗ để thỏa chí tò mò…
    Cổng mở kẹt kẹt, thôi xong, cô Thủy con bà Mai nhập hàng về, cô bán hàng khô ở chợ Hàng Da hay nhập hàng về lúc tối, hình như để trốn phòng thuế, giờ mà cô bật đèn thì hỏng cả, tất nhiên không ai nghĩ tôi ở đây để rình chị Nguyệt, nhưng đã 9h30’ của năm 1987, rất muộn rồi, sao tôi lại ở đây?
    May mắn là cô có vẻ mệt, nên hất bao tải miến xuống sân rồi quày quả vào nhà, thật may… Tôi nảy ra sáng kiến, chui vào giữa tải miến trốn thì kín quá còn gì, nghĩ là làm, tôi chui vào giữa, cẩn thận quây miến quanh người, nằm nhấm nháp những cọng miến thơm và chờ giờ G đến… Hic, rồi lơ mơ ngủ quên mất…
    Lúc đó muộn lắm, tôi tỉnh dậy vì thấy tiếng kẹt cổng số 9. Một bóng đen gạt miếng sắt rồi thành thạo chui vào! Ai mà thông thạo thế nhỉ, lúc sau, nghe tiếng huýt sáo tôi nhận ra anh Thắng. Chết rồi, răng ơi, có khi tao sắp tạm biệt mày… Tôi nín thở nằm im trong tải miến.
    Chị Nguyệt rón rén mở cửa bước ra, tới lúc hai anh chị ngồi lên… tải miến tôi mới biết chị tắm từ bao giờ rồi, mùi bồ kết thơm át cả mùi miến. Đám miến xốp giữ tôi khỏi chết bẹp vì chỗ anh ngồi là hông của tôi, và chị Nguyệt là ở ngực. Anh chị nói chuyện trên… người tôi!
    Chuyện gỉ gì gi nam nữ giận hờn tôi không nhớ, vì tôi vừa nín thở giữ răng trong mồm vừa gồng người sợ chết bẹp, chỉ có đoạn cuối tôi nhớ nhất…
    “Em thích Nghĩa à? Nhà nó giàu nhất phố này, có khi nhất phường này ấy, anh thì chả có gì, thảo nào…”
    “Làm gì có anh, em chưa từng để ai cầm đến tay mình ngoài anh! Trái tim em anh còn giữ nữa là…”
    “Nhà nó giàu thế, rộng đến cả trăm mét, nhà anh thì có mươi mét…”
    “Nhà chật càng giúp mình gần nhau hơn, nhà rộng em chả thích, càng khiến mình xa nhau…”
    “Thế sao chỗ này có mỗi cái bao tải, mà em ngồi xa anh thế…”

    Hic, thế là anh Thắng ngồi chỗ bụng tôi và thế nào mà vị trí chị Nguyệt cũng ở đó mới chết. Tôi gồng người, chống đỡ, chống đỡ… có thể chết đến nơi vì sóng dữ nhưng tôi vẫn nhớ trong đầu hình ảnh thằng Phương ngố không dám cười vì chả còn răng cửa nữa… Sau này, tôi thường nhìn bát miến với sự biết ơn vô bờ, vì không có nó chắc tôi đã hoặc là chết bẹp vì tình yêu của anh chị, hoặc là chả còn răng cửa để cười.

    Tình yêu ở phố nó lãng mạn vậy, đẹp vậy. Thậm chí sự chật chội cũng được thi vị hóa lên thành nhà chật càng gần nhau hơn, vậy mà sao các bà các cô cứ nhất nhất là không nên dựng vợ gả chồng cho dân phố nhỉ? Tôi chả tin nên tôi có vợ là dân phố. Chỉ có điều, trước khi ngồi đâu tâm sự, tôi thường kiểm tra kỹ chỗ ngồi, và đến giờ, vợ tôi vẫn không hiểu nổi vì sao khi yêu nhau tôi hay kiểm tra chỗ ngồi kỹ vậy!

    Các bạn đừng kể cho vợ tôi nghe nhé, cám ơn.

  4. The Following 4 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    BlackCaffe (16-08-2013), hung (19-08-2013), nhattan (08-08-2013), traitimchumnho (08-08-2013)

  5. #12
    Mông dân dự bị traitimchumnho's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    222
    Thanks
    855
    Thanked 82 Times in 57 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi Casper_HN Xem bài viết


    Yêu ở phố




    “Em thích Nghĩa à? Nhà nó giàu nhất phố này, có khi nhất phường này ấy, anh thì chả có gì, thảo nào…”
    “Làm gì có anh, em chưa từng để ai cầm đến tay mình ngoài anh! Trái tim em anh còn giữ nữa là…”
    “Nhà nó giàu thế, rộng đến cả trăm mét, nhà anh thì có mươi mét…”
    “Nhà chật càng giúp mình gần nhau hơn, nhà rộng em chả thích, càng khiến mình xa nhau…”
    “Thế sao chỗ này có mỗi cái bao tải, mà em ngồi xa anh thế…”
    Sao mà cái phố nhà anh lắm người đẹp thế! Người phố kể chuyện duyên thật, chả dứt được ra!!!
    Ôi chao là nhớ cái trò đồi dinh!

  6. The Following User Says Thank You to traitimchumnho For This Useful Post:

    Casper_HN (10-08-2013)

  7. #13
    Mông dân hèn hạ pcpiloter88's Avatar
    Ngày tham gia
    Dec 2011
    Bài viết
    686
    Thanks
    119
    Thanked 155 Times in 74 Posts
    Hồ Tây những ngày lộng gió ra ngắm sóng dập vào thành đá, 1 vòng cũng thấy đc phần nào cuộc sóng của con ng Hà Nội, có đủ cả......

  8. The Following User Says Thank You to pcpiloter88 For This Useful Post:

    nhattan (09-08-2013)

  9. #14
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,670 Times in 672 Posts


    Chuyện phố tôi (4)

    Sẻ phố.

    Một người lớn lên ở quê đường nhựa bê tông, họ hàng nội ngoại cũng chỉ dăm phút đi bộ, thì tất nhiên hiểu biết về thiên nhiên sẽ không phong phú được. Tôi cũng không phải ngoại lệ.

    Loài chim duy nhất mà tôi có vẻ hiểu biết thành thạo về nó, là chim sẻ, mà có lẽ phải gọi đúng hơn là sẻ phố. Những năm 80 của thế kỷ trước, vẫn còn cấm vận, kinh tế nói chung là khó khăn, người dân nghèo hơn nhưng phố xá vắng và thanh bình hơn, thì buổi sáng mùa hè ồn ào nhất là lũ sẻ phố. Tổ của chúng là dưới mái tầng hai của bên số chẵn, sáng không mưa là y như rằng, cả đám ríu rít sà xuống mặt đường tìm đồ ăn. Đúng như trong phim hoạt hình, chúng ào lên khi mấy con mèo con nghịch ngợm ra vẻ người lớn lao ra, rồi lại ồn ào lao xuống khi mấy con mèo nhóc chán nản quay về. Một kỷ niệm thanh bình và đẹp làm sao. Nếu mà đặt tên cho mỗi con sẻ phố tôi rồi kể chuyện về từng gia đình của chúng, thì cũng qua được vài năm, nhưng tôi cũng không rỗi đến thế…

    Ông Hoài ở phố tôi được mệnh danh là “trai lơ”. Cao ráo, trắng trẻo, bộ ria mép được chăm chút kỹ lưỡng, gần lục tuần mà bụng phẳng lỳ, đôi giày bóng lộn gót cao chừng 5cm lướt đi êm ái. Ông làm thày dạy khiêu vũ hàng mấy chục năm rồi. Cô vợ quê mùa chăm chỉ lo gia đình con cái, nhưng hầu như tối chả mấy khi được hưởng bữa cơm gia đình đủ người vì ông chuyên đi tối. Tóc vuốt ngược, kính trắng sang trọng, áo quần thẳng thớm, nước hoa thơm lừng, ông đi kiếm tiền mỗi khi trời bắt đầu dứt bóng tới tận tối mịt. Về đến nhà thường cũng chả dùng cơm, loanh quanh chút là lại thấy ông quanh quẩn ở đầu ngõ số 3 hun hút, tay cần chiếc điện thoại và nói chuyện với ai đó. Cặp ria mép thi thoảng lại nhếch lên bí hiểm…

    Anh Thành, gọi là anh Thành “lùn” vì anh cao mới là kỳ tích khi cả hai bác bố mẹ anh đều thấp, thậm chí anh ấy còn thấp hơn cả tôi nửa cái đầu, trong khi tôi thường đứng đến mang tai bạn bè cùng lứa. Dù gì cũng cám ơn anh, anh khiến tôi đôi khi tự tin ra phết. Anh thì có cái tật nổ rất to, nếu là tôi, chắc tôi sẽ gọi anh là Thành “pháo”. Gia đình anh cũng khá khó khăn, nhưng anh cứ luôn nghĩ mình thật sự có điều kiện kinh tế lắm, nói chuyện toàn tiền tấn, quần áo lúc nào cũng đẹp đẽ. Dù gì nhà anh cũng ở mặt phố, cho dù một con phố bé tí như phố tôi, và nhìn thoáng qua, trông cũng vượng lắm. Đầu những năm 2000, tôi đi làm lái taxi, một lần đưa các em chân dài váy ngắn tới số 10 Tràng Thi, tôi cũng dừng luôn xe gần đó chờ khách. Hồi còn hồn ma cái New Century ấy, thì các em cũng được phân cấp rõ lắm, loại cao cấp có xe riêng hoặc có ô tô đưa đón, thấp hơn thì đi taxi, còn thấp hẳn thì có xe ôm ruột đưa đến… Có cái xe máy đỗ xịch cạnh xe tôi, hai em lòe xòe xuống xe và hất hàm ra hiệu anh xe ôm đi trước, thấy anh xe ôm năn nỉ gì đó, một cô phảy tay rõ mạnh, anh xe ôm lủi thủi vào góc tối dựng xe ngồi chờ. Tôi bỗng thấy quen quen ở dáng thấp tè của anh xe ôm, tới lúc đầu thuốc sáng rực khi anh rít thuốc thì tôi nhận ra anh Thành, hóa ra đây là công việc ở Viện Vật lý mà anh vẫn hay nói với hàng phố… NewCentury đóng cửa rất muộn, thi thoảng về muộn, tôi thấy anh vẫn ngồi ở cổng nhà 17 ôm điện thoại nói chuyện với ai đó, lúc nào trông cũng có vẻ cầu xin gì đó, lạ lắm…

    Thằng Dũng, nhà ở số 8, gầy gò và nhăn nhó, nhưng mẹ nó thì lạc quan vô cùng. “Đẹp trai giai phố như thằng Dũng nhà em lấy đâu chả được vợ tử tế!”, cô thường tự hào không giấu diếm nói với mẹ tôi như vậy. Ôi cha mẹ ôi, nó mà đẹp trai thì chắc tôi phải tầm mỹ nam quốc tế, trong khi tôi hiếm khi dám nhìn cái bản mặt mình trong gương, bởi lần nào tôi cũng đau đáu câu hỏi là sao mình lại chọn hết phần xấu của bố mẹ mà giống làm gì cơ chứ… Mặc kệ mẹ nó lạc quan tới đâu thì lạc, nó thì vẫn bình tâm như vại, chả cần yêu những cô tiểu thư đài các làm gì, cứ loanh quanh hết yêu cô bán bánh bao rồi lại tới cô giúp việc bên nhà cô Hương bán hải sản, hết em bán đậu vỉa hè Nguyễn Văn Tố lại tới con cô bán bánh khúc vẫn ở nhờ góc chợ Hàng Da… Tất nhiên thì mẹ nó không bằng lòng rồi. Sau này, chắc vẫn yêu cô nào đó mẹ không ưng, nên thấy toàn ôm cái điện thoại kéo dài ra lượn đi lượn lại nửa đêm buôn chuyện…

    Ở bên phố Hàng Da, có một cô bé bị mắc bệnh Down từ nhỏ, gặp ai cũng cười tươi tắn chào hỏi thân tình. Một hôm, vô tình con Ki nhà tôi tự nhiên đòi đi vệ sinh lúc tối muộn, tôi dậy đưa nó ra đường, và gặp cô bé. Tất nhiên, cô cười rất tươi và chào, tôi cũng cười chào lại. “Em đi cho chim ăn đây anh ạh, bọn nó ngoan lắm, sau chúng nó sẽ chăm sóc cho em, mẹ em bảo thế! Kiếp này em khổ rồi, kiếp sau em sẽ sướng… Chỉ có cho chim trời ăn mình mới được hưởng lộc kiếp sau…”. “Ừh tốt lắm” tôi trả lời. Cô bé đi qua ông Hoài, nói gì đó, chắc lại những gì tôi đã nghe, rồi thằng Dũng và anh Thành, chắc cũng một nội dung tương tự. Tới ngã ba, cô ngồi thụp xuống vung tay ra xung quanh và nói cười gì đó vui vẻ lắm. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao lũ sẻ phố rất ưa chỗ ngã ba, và tại sao chúng vẫn kiếm được đồ ăn trên mặt đường nhựa. Hóa ra hàng tối, vẫn có người gieo nhân kiếp này để hái quả kiếp sau ở nơi đó…

    Bẵng đi lâu rồi, không rõ cô bé còn hay mất nhưng lâu lắm tôi không gặp nữa. Dạo này công việc khiến tôi phải đi làm sớm, nên lại bắt gặp lũ sẻ phố ríu rít ngày xưa. Ông Hoài vẫn làm vũ sư, anh Thành không rõ còn làm thêm ở “Viện Vật lý” nữa không vì NewCentury sập từ lâu rồi, và thằng Dũng đã chuyển sang yêu cháu ông mài dao kéo, tất nhiên là mẹ nó không đồng ý.

    Sáng. Lũ sẻ cứ ríu rít ở trước cửa số nhà 3, số 8 và số 17, còn cô bé đã lâu rồi không qua phố tôi nữa.

    Không rõ thùng gạo nhà mình để chỗ nào nhỉ?

  10. The Following 4 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    BlackCaffe (16-08-2013), hung (19-08-2013), nhattan (12-08-2013), tuansaker9 (21-08-2014)

  11. #15
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,670 Times in 672 Posts


    Chuyện phố tôi (5)

    Ông Đức "tây"

    Tôi thích chụp ảnh, cũng lâu rồi.

    Phàm là người thích chụp ảnh thì ai cũng mong mình chụp ra được những tấm ảnh đẹp, khai thác được những góc nhìn tốt. Tôi thường bỏ cả ngày lên mạng ngắm nghía những tấm ảnh tuyệt vời mà mọi người chia sẻ, để tấm tắc, để học hỏi và… để ghen tị. Cho đến một hôm, tôi nhìn thấy một tấm ảnh đẹp vô cùng và lại vô cùng quen thuộc, tấm ảnh chụp ngõ nhà tôi!


    Số nhà 1 phố tôi có một gia đình mà bố Tây mẹ Việt. Ông Đức “tây” ở phố tôi lâu lắm rồi, lâu tới mức mà khi tôi còn bé tí thì ông ấy đã có mặt ở đó từ bao giờ. Nhà số 1 là kiểu phòng khách của nhà Pháp cổ, cửa sổ chấn song sắt uốn lúc nào cũng sơn trắng muốt, rèm cửa buông thõng rất chi là quý tộc. Thôi thì chín người mười ý về nguồn gốc ông sống ở đây. Sau khi hóng hớt hết hơi, thì tôi tạm chấp nhận rằng ông là người gốc Đông Đức, qua Việt Nam giúp đỡ đất nước thời kỳ mới giải phóng về đề tài “cơ học lượng tử” hay về “vật lý hạt” gì đó cao siêu lắm. Sau đó mê cô thủ thư ở Thư viện Hà Nội thế là cắm chốt ở lại Việt Nam để “cưa” cô, rồi “cưa” đổ thì ở lại luôn đây. Ông là chuyên gia nước ngoài nên hai vợ chồng được cấp căn nhà to đẹp nhất phố này… Thuyết này được nhiều bà buôn chuyện ở phố tôi nói chắc nịch như đinh đóng cột, nên ta cứ tạm tin như vậy. Ông ở đây lâu lắm rồi, Việt hóa cũng nhiều, bọn tôi ngày bé còn có trò chửi nhau bằng cách lôi tên bố mẹ ra mà réo. Thằng Nghĩa thì nó lợi thế vì bố nó người Đức tên thì ôi thôi là dài lê thê, chưa kể phát âm thì méo cả mồm, nên khoái lắm. Chúng tôi đành chửi tắt là thằng Nghĩa “Đức tây”… Giờ thì tôi ngót bốn mươi cái mùa xuân, thằng Nghĩa thì cũng đôi lần vào tù ra khám giờ đang thân tàn ma dại ở nhà họ hàng xa trong đồng bằng sông Cửu Long gì đó, còn ông người Đức giờ nghiễm nhiên có tên là Đức “tây”.

    Mẹ thằng Nghĩa là điển hình của một nhà giáo mô phạm ngày trước, nghiêm chỉnh và nguyên tắc. Thằng Nghĩa lớn lên với sự giáo dục tôn trọng cá nhân của bố nó và luật lệ hà khắc của mẹ. Tóc xoăn, mắt phơn phớt xanh, da trắng trẻo… Nó lên cấp 3 với hành trang là vô số bằng khen và vài giải cấp quận hay thành phố về toán. Một thời gian dài, gia đình nó là đỉnh cao ngưỡng mộ của cả phố, khối cô bé cũng khấp khởi mong có ngày bước qua năm bậc cửa cao ngất kia để vào trong với tư cách là kẻ giặt quần áo, thổi cơm, sinh con đẻ cái cho cậu công tử Nghĩa…

    Ông Đức “tây” yêu quý và tự hào về nó không kém mẹ nó tự hào về nó. Sự tự hào đó lớn tới mức nhiều khi tôi mơ ước bé lại mấy tuổi để cùng lứa với nó, để được chơi với nó như những thằng bạn, để được thơm lây từ tiếng tốt của nó. Chỉ duy có điều làm mẹ nó buồn là nó lại chơi thân với thằng Hệ, cháu gọi thủ phạm vụ kỳ án nổi tiếng “5 chiếc cúc áo” là bác ruột (vụ án khủng khiếp này tôi không tiện viết lại ra ở đây…). Trò đời cũng éo le, một thằng đỉnh cao của ngưỡng mộ lại đi chơi với một thằng tột cùng của dè bỉu. Nhà thằng Hệ “còi”, ngoài bác nó đã bị xử bắn thì chú, mẹ, bố, dì… đều làm những nghề mà xã hội không ưa như ăn cắp, bảo kê, ma cô dắt gái… Nó hàng ngày dậy từ 5h sáng để dun nước, dọn hàng, hãm nhân trần… cho cái quán nước mà nó phải ngồi đó bán từ sáng sớm để đón khách đám ma tại Nhà tang lễ Thành phố, sau đó chiều đi học thì mẹ nó tiếp quản để đánh tam cúc và ghi số đề…

    Nó vất vả bao nhiêu thì ham học bấy nhiêu, hầu như chả mấy khi thấy nó không cầm cuốn sách. Nó chơi với thằng Nghĩa rất thân, học thì giỏi chả kém gì thằng Nghĩa, hai thằng thường tranh nhau vị trí nhất trường, nhưng lạ là thằng Hệ chưa bao giờ được đi thi cấp phường chứ đừng nói tới cấp quận hay Thành phố, nên dễ hiểu là nó chả bao giờ có bằng khen giấy khen hay giải nọ giải kia như thằng Nghĩa. Tôi vẫn nhớ ánh mắt sáng rực và nụ cười hiền khô của nó ngày đó, chả khác gì bây giờ.

    Giữa những năm 90, cơn bão nghiện hút tràn về Hà Nội, hai thằng cùng đang học Đại học, thằng Nghĩa là Xây dựng, thằng Hệ là Kinh tế. Hai thằng vẫn thi thoảng tụ bạ với nhau. Thằng Hệ loắt chắt, đen nhẻm, hay ngáp vặt mặc nhiên được khu phố coi là… nghiện với gia cảnh bất hảo của người thân. Mẹ thằng Nghĩa càng gay gắt hơn trong việc cấm nó chơi với thằng Hệ, đỉnh điểm là lần mẹ nó dẫn cả chú công an hộ tịch vào nhà thằng Hệ làm ầm lên gì đó. Hai đứa từ đó không còn chơi với nhau…

    Vài năm sau, thằng Hệ bỏ học, mở quán bán cơm nắm muối vừng bởi những người đi thăm mộ rất thích mua món này để mang đi, thằng Nghĩa thì đùng một cái bị bắt vì trộm xe máy và tổ chức sử dụng ma túy trái phép. Phân nửa thanh niên phố tôi hoặc đi tù, hoặc đi cai nghiện, trong đó không có thằng Hệ chủ hàng cơm nắm…

    Đầu những năm 2000, hầu hết thanh niên đi tù về vào làm cho thằng Hệ. Thằng Nghĩa ra tù, thân tàn ma dại vì bị đánh đập, trình độc Đại học của nó giờ còn con số không, nó vật vờ ra vào. Thằng Hệ lôi nó ra làm cùng mình, giao cho việc đi giao cơm. Được vài hôm, mẹ thằng Nghĩa lại làm loạn lên một lần nữa, không cho nó quan hệ với thằng “vô học”, “nghiện hút”!!!

    Bây giờ thằng Hệ đã thành ông chủ thực sự với cửa hàng cơm to tướng, hàng chục người làm, vẫn nhẹ nhàng ít nói như ngày xưa. Thằng Nghĩa thì mới đi cai nghiện lần thứ 4 về, chỉ còn nặng khoảng 30kg, bước đi cũng phải mẹ nó dìu. Nhà ngay gần quán cơm rồi đến đường đi chợ, nhưng bao năm nay mẹ thằng Nghĩa còn thậm chí không thèm đi đường đó, toàn đi vòng phía ngược lại để đi chợ. Ông Đức “tây” dạo này già xọm, hình như nghe phong phanh là đang làm thủ tục hồi hương…


    Cái ngõ nhà tôi với tôi thì nó chả đẹp đẽ gì, thậm chí sau khi thấy tấm ảnh chụp ngõ nhà tôi đẹp quá tôi lọ mọ mang máy ra chụp thử, xem lại thấy… xấu thế. Hóa ra tư tưởng tôi ám ảnh rằng nó thường lắm, xấu lắm… thì làm sao chụp nó đẹp lên cho nổi. Khổ thân thằng Nghĩa, trong mắt mẹ nó, nó là một đứa quý tộc, thông minh và giỏi giang, không “giao du” với loại như thằng Hệ…

    Tôi sẽ chụp cho kỳ được ngõ nhà tôi thật đẹp, phố nhà tôi thật đẹp như người khác chụp mới thôi!

  12. The Following 3 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    BlackCaffe (29-08-2013), hung (19-08-2013), tuansaker9 (21-08-2014)

  13. #16
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,670 Times in 672 Posts


    Chuyện phố tôi (6)

    Nhà có điều kiện…

    Mấy năm nay khủng hoảng kinh tế cũng nghiêm trọng, điển hình như cái Tết vừa rồi, nhà nào nhà nấy cứ im như ru, Tết đến đít rồi mà chả thấy mua sắm rộn ràng gì cả. Cửa miệng ai cũng dính câu “một năm kinh tế buồn”…

    Hoàn cảnh các gia đình trong cái phố bé tí nhà tôi cũng khác nhau nhiều lắm. Nào là gia đình giáo viên, gia đình buôn bán, gia đình công chức hay gia đình chạy chợ… Cái phố ngắn chỉ khoảng trăm mét gãy khúc giữa mà có tới 3 hàng nước vỉa hè, hay gọi nôm na là 3 “Thông tấn xã phố”. Trông thoáng thì vậy, cơ mà cũng phân cấp hẳn hòi. Nhà cô Chuyên giữa ngay khúc gãy ở phố, là cấp cao nhất, ngày xưa thì toàn những dân anh chị mặc bộ “ga” đi dép tiền phong trắng quai hậu hoặc các bà chủ sạp hàng ở chợ Hàng Da… ngày nay thì chỉ những tay cho vay nặng lãi, chủ đề, nhà cái làm bóng… lui tới trà thuốc nơi này. Tôi ít khi ngồi trà thuốc nên cũng ít ngồi hàng nước, nhưng hàng nước nhà cô Chuyên thì mấy chục năm nay chắc chỉ ghé tới tối đa là đôi ba bận…

    Đoạn cuối phố thì là quán nước cô Trang, dành cho dân các tỉnh lân cận về gửi thúng mẹt, buôn bán nhỏ lẻ quốc xẻng làm thêm trong ngày, cũng có tí úi xùi. Duy chỉ có quán nhà cô Trà chú Hoa ở đầu phố là đại chúng nhất, tiếp được cả khách uống nước sang trọng lẫn khách chợ búa, cả khách Nhà tang lễ lẫn khách ăn cưới Trung tâm thương mại Hàng Da…

    Chú Hoa là thương binh, đấy là nghe chú nói vậy lúc trà dư tửu hậu, chứ nào đã ai từng thấy nhà chú có cái bằng Tổ quốc Ghi công nào, cũng như chả ai thấy chú tham gia tham dự Hội Cựu chiến binh. Mấy bà độc mồm còn nói xa xôi, là chú trốn bộ đội, leo lên cây ổi trốn bị ngã xuống cầu ao ở quê nên mới sứt sẹo thế thôi… Ôi xời, cũng là tin từ Thông tấn xã vỉa hè mà ra. Độ trung thực của nó cũng vầy vậy thôi. Cô Trà thì ác khẩu, ai mà động nói bóng nói gió về công lao của chú là y như rằng hàng phố lại được nghe một bài chửi dài lê thê, vần điệu ngọt ngào lên trầm xuống bổng, lôi nào cu li tỉ muội họ hàng nội ngoại ba bề bốn bên ra mà nghe. Chanh chua độc đoán thì chả nhất cũng nhì cái làng Hà Nội to đùng này. Ấy thế mà có cái chuyện cười ra nước mắt là hôm cô đang ngồi vắt chéo chân nhấp ngụm trà nóng cho mềm giọng, đằng hắng bài ca chửi lốc nhốc cả lò nhà thằng Thắng dám bắt nạt con cô thì có một đoàn Tây balô đi qua, họ ngơ ngác đứng nghe, rồi chắc “ca từ” rồi “vần điệu” của cô hay quá, họ cứ cười khành khạch rồi vỗ tay lộp độp, nhún nhảy ra vẻ kéo bè kéo mảng cho “bài ca” của cô… Ối cha mẹ ơi, cả phố được bữa cười lăn lê bò toài… Thậm chí sau này còn tương truyền là ông Huân “sứt” cắt tóc ở đầu phố vốn xuất hiện tên “sứt” từ buổi ly kỳ đó. Số là ông cắt tóc ở vỉa hè nhà ông Đức “tây”, đối diện quán nước nhà cô Trà, ngay sau lưng đám Tây balô. Lúc chúng nó nhún nhẩy vỗ tay ông buồn cười quá va cả mặt vào chậu cây, để lại đôi chiếc răng cửa. Tôi cũng dăm lần để ý, cũng thấy cặp răng cửa của ông trắng sáng hơn hẳn đám răng vàng ươm ám khói thuốc lào của ông. Chắc từ hàng Minh Sinh nổi tiếng ở Phùng Hưng cách đây vài trăm mét thôi, rõ khổ, cười cũng gặp hạn.

    Chuyện vỉa hè thì nó cứ lan man thế, ông nọ dẫn bà kia, cũng đủ hấp dẫn để ba hàng nước sống khỏe trong cái phố bé tí teo. Tôi nói sống khỏe là vì nhà nào cũng có của ăn của để, cũng thấy sung túc lắm. Nhất là nhà chú Hoa với cô Trà. Còn nhớ khi ông Đức “tây” có cái xe Simson đầu tiên của phố, thì sau chỉ chừng nửa năm, chú Hoa cũng chở cả nhà 5 người trên một chiếc như thế màu đỏ… Sau đó dăm năm, chú Phong sắm con DD đầu tiên của phố, cũng chỉ vài bữa chú Hoa cũng có… Điển hình nhất là mươi năm trước cả phố có mỗi nhà cô Hương hải sản có ô tô thì đùng một cái, Công ty Kinh doanh nhà Hà Nội mua lại nhà cô chú, đền cho một căn hộ ở đâu đó mạn Hoàng Hoa Thám, thì chú cũng sắm cho thằng Tuấn cái ô tô đỏ rực.

    Phố tôi giờ thì ngoài sự nổi tiếng của người giúp việc nhà cô Hương lương cao hơn lương Chuyên viên Sở ngoại vụ thâm niên 8 năm của vợ tôi thì gia đình nhà cô Trà chú Hoa là điển hình còn lại. Chỉ bán nước bao năm nay mà có xe hơi, nhà lầu… con cái thì chỉ chạy loanh quanh bán hoa cổng nhà Tang lễ thành phố mà toàn đi ô tô, SH với dùng iPhone đời mới nhất…

    Giờ thì quán nước nhà cô vắng teo rồi, sau hôm một lũ đầu trâu mặt ngựa ở đâu đến đập phá quán, lấy đi cả ô tô lẫn SH, thậm chí cả cái tủ bán hàng lặt vặt của cô lẫn cái giá toàn đồ lễ hiếu của thằng Tuấn. Nghe nói cô cầm dây họ gì đó to lắm, cứ dây này đập dây kia, mấy năm liền lấy tiền mua xe ô tô, mua xe máy. Tới lúc lãi mẹ đẻ lãi con, thì những người chơi họ đòi mãi không được, thuê đầu gấu tới bắt nợ hết cả đồ đạc, cái nhà hình như cũng bán lâu rồi, giờ đang ở đó nhưng là thuê của chủ nhà mới. Thảo nào mà dạo này cô nói với hàng phố là ngủ luôn tại quán vỉa hè vì sáng sớm đón khách đi tảo mộ sớm bán hàng cho họ, về nhà xa xôi…

    Hôm nọ, tôi gặp cô bạn cũ cùng cơ quan ngày còn đi làm cùng, nghe than thở “kinh tế buồn” não nề lắm. Lương ba cọc ba đồng, thưởng thì chả có mà lại còn bị nợ… Cuối buổi hỏi vay tôi ít tiền, tôi buồn rầu nói rằng tôi giờ dốc ngược cả người cả gia đình vợ con lên cũng chả mua được cái iPhone 5 cô đang dùng chứ đừng nói tới cái xe Liberty cô đang đi…

    Hic, một năm kinh tế buồn, có khi tôi đi bán cái điện thoại LG LTE2 đổi sang cái Lenovo K900 mới ra dùng xem sao.

    Khổ quá, tiền chả có…

  14. The Following 2 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    BlackCaffe (29-08-2013), hung (20-08-2013)

  15. #17
    Mông dân dự bị hung's Avatar
    Ngày tham gia
    Apr 2011
    Bài viết
    196
    Thanks
    1,525
    Thanked 160 Times in 73 Posts
    Khổ như bác em cũng muốn, biết bao giờ mới có LG LTE2 hay Lenovo K900 mà dùng đây.
    Em chỉ đến Nó kìa 1280 thôi ợ
    Ôi 1 năm kinh tế buồn

  16. #18
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,670 Times in 672 Posts


    Chuyện phố tôi (7)

    Ông Huân “sứt”

    Hồi đầu những năm 90, tôi với thằng Trường và thằng Tùng bạn học thường không bỏ qua cái hộ chợ Giảng Võ nào. Tôi thì cứ mê mải những hình ảnh về những chiếc ô tô. Tất nhiên, hồi đó làm gì có lắm xe ô tô và cũng tất nhiên hồi đó xe xấu hơn bây giờ nhiều. Nhưng với thằng nhỏ 16 – 17 tuổi, thời đó, thì quả thật nó quá là long lanh, quá là đáng mơ ước. Tôi không chỉ nhủ thầm mà còn nói ra cho hai thằng bạn biết rằng kiểu gì mười năm nữa cũng lái được xe, cũng có ô tô đi…

    Giờ thì đã hai mươi mấy năm từ cái hồi đó rồi, tóm lại là xe tôi lái hàng chục loại rồi, nhưng cái xe của tôi thì vẫn chưa cái nào được mọi người gọi là ô tô, vì đơn giản tôi vẫn chưa mua được ô tô. Nhưng với gần 20 năm biết lái xe, thì số “giờ bay” của tôi ở phố chắc chỉ kém mỗi ông Huân “sứt” cắt tóc. Phải nói là về nghề cắt tóc thì ông thua xa lão “tia la ze” đầu phố, nhưng ông vẫn có một lượng khách quen đáng kể vì giọng nói trầm ấm và kho chuyện thú vị của cuộc sống gần 40 năm lái xe đường dài. Mỗi tháng một lần, sau gần mười năm, mỗi lần một chuyện, thì giờ tôi đã hiểu rõ nhiều câu hỏi ngày xưa vẫn rất tò mò muốn biết.

    Thứ nhất, vợ ông Huân “sứt” rất xinh và trẻ. Mà rõ là trẻ so với ông ấy. Để dễ hình dung, ông Huân về hưu dăm năm rồi, còn cô Liên thì năm tới mới về hưu, hai người cách nhau dễ đến hơn một giáp. Thứ nữa, là cô Liên hiện là phó giám đốc một công ty Kinh doanh nhà Hà Nội, còn thời điểm ông Huân về hưu, ông ấy vẫn là lái xe. Tôi còn nhớ hồi 16-17 tuổi, cô Liên lúc đó mới khoảng 30, một con. Mỗi sáng cô đi làm, mà cô luôn mặc cái áo sơ mi trắng muốt, tóc mượt mà gọn gàng, đạp xe đèo con bé Tâm phía sau, cạp lồng cơm ở giỏ, chạy dọc phố về phía chợ Hàng Da, thì cả cái hàng bún cô Trinh yên ả hẳn, vì ai cũng ngoái cổ ra nhìn theo tới khuất cái bóng áo trắng mới thôi, quay vào ăn tiếp. Tất nhiên, những câu chuyện đang nói dở sẽ chuyển qua đề tài khác, vì chắc ai cũng quên tiệt lúc nãy mình đang nói gì. Hồi đó thanh niên còn ngố rừng lắm, tôi cũng vậy, nhưng sáng nào cũng muốn nhìn thấy cô đi làm qua rồi mới làm gì thì làm. Bây giờ sau hàng chục năm chụp ảnh, gặp hàng trăm cô gái trẻ xinh đẹp, nhưng chưa một lần tôi thấy cảm giác nào như cảm giác nhìn cô Liên ngày đó…

    Ông Huân “sứt” hay chuyện lắm, cao lớn, trắng trẻo, bàn tay nhỏ nhắn, thư sinh, giọng nói trầm ấm, cuốn hút. Hồi nhỏ ít gặp ông vì ông đi lái xe suốt, nên giờ chỉ nhìn vào hiện tại, tôi nghĩ chắc ngày trước ông cũng đẹp ngất ngư. “Tao biết thừa hàng phố chê tao ăn bám vợ, nhưng nói thật với mày nhé, tao tháng nào cũng đưa tiền về cho vợ suốt mấy chục năm nay. Kể cả về hưu, tao cũng đưa cả cho vợ lương hưu, tiền cắt tóc thừa cho tao vui thú tuổi già rồi…” Ông kể ngay khi lần đầu tôi ngồi xuống ghế cắt tóc. Cũng có thể vì thế, mà tôi bỏ ông “tia la ze” để chuyển sang cắt tóc chỗ ông. Tôi hám nghe chuyện lắm, lại cũng tò mò về thân thế cuộc sống mọi người.

    Ngày còn trẻ, ông Huân yêu cũng nhiều vì cao to đẹp trai, hơn nữa làm lái xe chở nông thổ sản thời bao cấp, thì tiền bạc đồ ăn thức uống rủng rỉnh lắm, nên “gái hồi đó theo tao như ruồi thấy mật”. Cái này thì tôi tưởng tượng ra được, vì ngay thời bây giờ, anh nào cao to đẹp trai lại lắm tiền sẵn đồ ăn thì có mà đuổi không hết các em bám theo ấy chứ. “Nhưng nhà chẳng còn ai, mà tao cũng hay trên đường suốt, nên cứ yêu vung vít mà tịnh không lần nào nghĩ tới chuyện lấy một cô nào nhé, lạ lắm” – ông cười khục khục trong cổ. “Cái Liên…” ông này lạ là luôn gọi vợ bằng cách đó “… hồi đó cũng xinh, nhưng thật sự là tao không để ý, vì tính tao không thích những đứa đoan trang, trông ngây ngấy là!”
    Chuyện tình của ông lâm ly thật sự, tôi nghe chăm chú lắm, tưởng như được xem một bộ phim cổ điển diễm tình luôn. Cô Liên vào làm thủ kho chỗ ông làm khi mới học xong trung cấp, trẻ măng. Xinh xắn, nhỏ nhắn và đoan trang. Hồi đó tất cả đám trai tráng làm cùng đều mê mệt, trừ ông Huân “sứt” (hồi đó ông chưa sứt nhé, chứ sứt rồi thì chắc mọi chuyện đã khác!). Mà vì một lý do kỳ lạ là “không thích gái đoan trang”. Tất nhiên, một cô cái thông minh như cô Liên hồi đó chắc cũng biết điều này, thế nhưng thói đời ghét của nào trời trao của ấy, hai người lại bị số phận gắn vào nhau. Người đi theo hàng để bàn giao cùng xe ông lại bị ốm nặng, cả công ty có mỗi kho cô Liên là có 2 người vì cô mới về, nên tất nhiên cô phải đi cùng xe ông để giao nhận hàng…

    “Tao với nó…” (hết “cái” lại “nó”, ông này có cách gọi vợ hay thật là hay luôn) “… đi cùng nhau mỗi ngày 1 chuyến Hà Nội – Hải Phòng nhưng dễ phải hàng chục ngày chả thèm nói chuyện với nhau nửa chữ. Gớm, tưởng ta đây lắm hả, tao hồi đó gái đầy, nên cũng chả thèm quan tâm chăm sóc nó làm gì. Đến bữa tao ăn việc tao nó ăn việc nó, tới nơi giao nhận tao nằm ngủ đợi xong thì dậy lái xe về. Đấy là thời gian chán nhất khi tao đi lái xe, vì lúc nào ngồi xe cũng như ngồi xe đám ma, có người đi cùng mà như không. Thế rồi hơn chục ngày sau, tao cũng… hay nhìn nó vì cái mùi bồ kết ở tóc nó cũng như nó lại còn để xõa tóc bay tung tóe, thi thoảng lại vuốt vuốt. Mà thế chó nào cả tháng đi cùng nhau lại thấy nó cũng… xinh xinh mới sợ chứ, thế là yêu thế là lấy thôi, đơn giản toẹt!” Ông nói chuyện nghe cứ như kiểu bóc củ khoai ăn, dễ dàng và đơn giản thế cơ chứ. Tất nhiên nếu chuyện có vậy thì chả có gì hay ho diễm lệ cả, mà là do cái tính hay liên tưởng, tò mò của tôi mà tôi mới biết nguyên nhân sâu xa của mối tính này.

    Chả là ngày xưa sách truyện cũng ít, quyển nguyệt san Văn nghệ Quân đội dày cộp với vô vàn thông tin, truyện ngắn, truyện dài rất đáng để đọc. Cô Liên cũng hay làm thơ, hay viết bài cộng tác với báo, nên tháng nào cũng có. Hàng phố, nên cô đọc xong bao giờ cũng cho mọi người mượn, tôi cũng nằm trong đám người được “thơm lây” từ cô. Tới một hôm, tôi đọc một câu chuyện ngắn dưới đề tên tác giả là cô, và liên tưởng câu chuyện của ông Huân, thì hóa ra như thế này…

    Cô cũng ghét lão Huân lắm, còn tức tối một phần vì dù gì cô biết mình đẹp, thanh niên trong công ty theo đuổi ghê lắm mà lão lái xe này cứ lờ đi, cứ như cô chả tồn tại trên đời. Cô nhủ thầm là có ở giá cũng chả bao giờ lấy loại đàn ông chơi bời mà lại khinh người như thế… Tất nhiên ngồi cùng xe, nhưng cô cũng chả hơi đâu nhìn hay nói chuyện với lão, việc ai nấy làm thôi. Nhưng với sự nhạy cảm của người con gái, ngay từ buổi đầu, cô thấy lão rất hay nhìn trộm cô, lạ ở chỗ là ngay cả khi đường đông lão cũng hay nhìn trộm cô lắm. Cô nghĩ là nhìn trộm vì lão chỉ nhìn liếc thoáng 1 cái là ngoảng đi ngay, chứ chả bao giờ dám nhìn thẳng hay nhìn lâu. Ban đầu cô cũng kệ. Nhưng rồi ngày nào cũng thế, chuyến nào cũng thế, cô cũng… sao động, lại nghĩ có khi lão này thích mình nhưng ra vẻ thế thôi. Bất giác, cô cũng chăm chút hơn khi đi giao hàng. Sáng nào cũng dậy sớm gội đầu bồ kết, quần áo là lượt thẳng thớm, còn bôi cả tí son nữa. Thỉnh thoảng, khi lão quay sang nhìn cô lại vuốt tóc, lại như vô tình làm đỏm để lão thấy. Tất nhiên, lão cũng có để ý hơn, ánh nhìn có lúc cũng lâu hơn… Cho đến một hôm… “Tránh ra, vuốt vuốt cái gì lắm thế, đâm mẹ nó vào người ta bây giờ, lui ra cho tao nhìn gương!”. Cô choáng váng bật khóc…

    Sau đó lão có vẻ biết lỗi, cứ năn nỉ xin lỗi, rồi săn đón cô khác hẳn. Cô cũng nguôi ngoai rồi… đổ lúc nào không hay, thế là nên vợ nên chồng. Có điều, cái cách cứ trang điểm làm dáng trước khi đi làm đã thành một cái nếp, khiến bao lâu nay cô vẫn hút bao ánh mắt nhìn mỗi khi ra cửa đi làm.

    Sau này tôi vẫn đến cắt tóc chỗ ông Huân “sứt”, nhưng không phải để nghe chuyện của ông để tin, mà chỉ nghe chuyện của ông để mà làm vui, để cười thầm thôi. Hóa ra các ông đào hoa đều giống nhau cả ở cái tính nói phét, hay như thanh niên bây giờ gọi là “chém gió”. Sau này mua được ô tô, có chở mẫu đi đây đi đó chụp ảnh, tôi chắc cũng phải đuổi các em ra phía sau ngồi kẻo lại bị hiểu lầm thì chết!

    Ấy thế mà tôi quen vợ tôi lần đầu trên xe taxi khi tôi làm tài xế, và tất nhiên vợ tôi ngồi ghế phụ…

  17. The Following 3 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    BlackCaffe (29-08-2013), hung (21-08-2013), Na chín (21-08-2013)

  18. #19
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,670 Times in 672 Posts


    Những tờ giấy ở hàng giấy cũ…

    Nhà bạn tôi ở mặt phố trung tâm quận Hoàn Kiếm, vì rất nhiều lý do mà việc cho thuê, sửa chữa làm đẹp hoặc kinh doanh mặt hàng nào khác để có doanh thu cao hơn nhiều lần nghề đang làm là điều không thể. Nên cho dù con phố ngập tràn nào là mỹ phẩm, thời trang, đồ công nghệ… đầy màu sắc, thì vẫn có một cửa hàng nhà ống cũ kỹ, cửa gỗ có tuổi hàng trăm năm, vẫn hàng ngày kinh doanh sách giấy báo cũ, hộp thùng các tông…
    Từ khi còn nhỏ, thì hiệu giấy cũ nhà bạn tôi là một thế giới khác với tôi, vì ở đó có những tờ họa báo đầy màu sắc mà những năm 80 là thứ quý giá, những cuốn sách mất đầu mất cuối đầy bí ẩn, những bộ hồ sơ, nhật ký… thậm chí cả giấy đăng ký kết hôn… Tôi rất hay ngồi chơi ở nhà bạn mình, cho dù nhiều khi bạn ấy không có nhà, ngồi chơi để xem xét cái thế giới rộng lớn trong những tập giấy. Đến giờ, tôi vẫn còn giữ một tập hồ sơ gây ấn tượng lớn cho mình, tôi đã xin và giữ lại đến tận bây giờ. Nó gồm mấy tờ giấy cũ kỹ viết tay, một tờ có vẻ như là hồ sơ bệnh án, một tấm ảnh mờ mờ.

    “Hà Nội ngày…”
    “Tôi biết mình sắp mất tất cả, mất luôn điều quý giá nhất một kiếp người có thể có, đó là thể xác của mình. Tôi rất mong ai đọc đến đây đừng cười khẩy, đây là một sự thật, là một lời cảnh báo tới nhân thế. Linh hồn đã quý, nhưng thể xác có một giá trị lớn hơn nhiều, nhiều khi hơn cả một linh hồn. Chắc chỉ còn vài giờ nữa, khi mặt trời lên, chắc rằng linh hồn tôi sẽ lang thang vạ vật vô định, không biết đường để siêu thoát vì tôi thực sự chưa chết, cái thể xác của tôi vẫn tung tẩy đâu đó, và khi thể xác chưa chết thì chẳng có cánh cửa siêu thoát nào được mở ra. Tôi rất ân hận.

    Tôi là một cô gái, nhớ nhé, là một cô gái. Tôi cũng có gia đình bố mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm… và hơn nữa, tôi từng có một thể xác đẹp đẽ của mình. Những ngày tươi đẹp đó, đáng lẽ tôi phải trân quý, phải tận hưởng, phải hạnh phúc tột cùng với việc được sinh ra, được là một kiếp người trọn vẹn. Nhưng, ở đời mọi chuyện đều từ cái chữ “nhưng” tàn ác này mà ra, tôi không bằng lòng với những gì mình có. Tôi thấy mình tuy đẹp nhưng chưa đẹp hơn người khác, tôi thấy gia đình mình khá giả nhưng chưa giàu có, tôi thấy mình được di đây đi đó nhưng chưa biết… bay, tôi biết tôi cần tìm một cái gì đó, một sự phá cách nào đó. Và ngày định mệnh đó đã đến, dưới hình dạng một giấc mơ…

    Trong mơ, tôi đã gặp anh em nhà nó. Thằng anh trắng trẻo và nhẹ nhàng, con em gái xinh đẹp và sắc sảo. Chúng nó nói chúng nó sẵn sàng giúp tôi tự do, bay lượn tận hưởng cuộc sống dưới hình dạng một linh hồn tự do, giá tôi phải trả thì đơn giản lắm, đổi giấc mơ của mình cho chúng nó sử dụng. Chúng nó cam kết là sẽ chẳng liên quan gì tới cuộc sống của tôi, thậm chí tôi sẽ không hề biết rằng mình đã bán giấc ngủ. Cuộc đời hiện tại tôi vốn thấy đã quá nhàm chán, tôi gật đầu không do dự. Giấc mơ nhanh chóng trôi qua… Những ngày sau, tôi cũng quên mất giấc mơ đó, đến một đêm…

    Tôi đang bay, tôi lượn quanh căn phòng của mình, tôi nhìn cái thể xác nặng nề của tôi đang ngủ. Một con bé nhỏ nhắn và khổ sở, mặt mũi nhăn tít, ôm chặt cái gối ôm. Có tiếng nói của con em văng vẳng trong đầu tôi “chị bay đi, đi chơi đi, làm bất cứ điều gì mình thích…”. Tôi thử nhấc người, linh hồn tôi vút bay khỏi không gian, nhìn xuống trái đất hình cầu quay miệt mài, vũ trụ đẹp tuyệt vời lấp lánh… Tôi lao xuống, lướt qua những hàng cây rì rào, không khí lạnh chạy xuyên qua linh hồn, mắc lại vài miếng bụi nước li ti. Hóa ra, linh hồn cũng có thể tác động tới cuộc sống, tôi lay lá, thổi gió, giật áo mấy chị quét rác đêm. Tôi có thể đến bất cứ đâu chỉ bằng ý nghĩ… Trời gần sáng, tôi bừng tỉnh, thấy mình đang nằm trên nghế dưới phòng khách. Sao mình lại ở đây nhỉ? Rõ ràng đêm qua tôi ngủ trong phòng mình. Mặc kệ.

    Tôi thấy ban ngày thật chán, cuộc sống như những thời khóa biểu đan chen buồn tẻ, tôi mong đêm đến, tôi mong đến giờ linh hồn có thể lượn lờ tìm kiếm tự do. Cuộc sống của tôi bỗng như đảo ngược, tôi sống vật vờ qua ngày để đợi tới đêm, tới lúc linh hồn có thể rời đi, tôi tự do vô ngã. Đêm của tôi ngày càng dài ra, dần dần tôi thoát xác ngay cả khi mặt trời đã lên, tôi đã quen với cuộc đời của một linh hồn hơn là cuộc đời của một con người đầy đủ. Tôi mãn nguyện, tôi tự do, tôi không ràng buộc…

    Một hôm linh hồn tôi bỗng đột ngột nhập vào thể xác khi tôi đang ngồi ngơ ngác ngắm mây trên đỉnh núi cao nào đó. Tôi thấy cái thể xác mệt mỏi của tôi khi tôi nhập vào. Tôi đang ngủ trưa ở cơ quan, gục mặt trên bàn đầy giấy tờ. Tôi ngơ ngác nhìn văn phòng lạ hoắc, những hợp đồng tôi chưa từng đọc, những tấm ảnh có tôi mà tôi chưa từng biết. Tôi không hiểu tại sao linh hồn tôi không thoát ra được thể xác như mình muốn. Tôi vào khu vệ sinh rửa mặt định thần. Tôi nhìn mình trong gương, trắng trẻo, xinh xắn và gọn gàng. Tôi bỗng thấy mình chỉ tay vào gương nói to “Mày ra ngay, ra khỏi thể xác của tao, mày bay đi, tìm cuộc sống của mày đi. Cuộc đời của mày là ban đêm, là tự do!” Tôi bỗng thấy người trong gương là mình, cái thể xác của tôi ngạo nghễ vuốt tóc, tô lại son rồi chỉnh lại váy đi ra. Ơ, vậy tôi đâu? Tôi là ai? Tôi giận giữ trong gương, tôi không thể thoát ra được, tôi không còn thể xác để về nữa sao? Thằng anh bỗng hiện ra gằn giọng “mày bán thể xác của mày rồi mà, mày đã vi phạm hợp đồng của chúng ta khi mày thoát xác cả khi mày thức, mày từ bỏ rồi, vậy cứ sống ở giấc ngủ đi, giờ ban ngày là của em tao, mày là ban đên, là cái thể xác đang ngủ ấy…”

    Vậy là sao? Tôi giờ là ai? Có còn là tôi nữa không? Bố mẹ tôi, anh em tôi, bạn bè tôi thì sao? Họ giờ đang yêu quý, đang mắng mỏ con kia à? Tôi đây mà, tôi thực sự đây cơ, nhưng tôi làm sao là mình được nữa?

    Đêm đến, không bay lượn nữa, tôi đợi thể xác của mình đi ngủ, tôi nhập vào, tôi cố giũ giấc ngủ để thức dậy nhưng sao khó thế. Mắt trĩu xuống, thể xác nặng chịch, tôi gần như không điều khiển nổi. Thằng anh cười khẩy trong đầu tôi “Mày đừng cố nữa, có ai làm gì tỉnh táo trong khi ngủ đâu, tao sắp lấy nốt giấc ngủ của mày rồi, mày cứ lang thang đi, chơi bời đi. Anh em tao đã chán thế, chán cảnh vật vờ hàng trăm năm này rồi, chúng tao cần phải được chết, cần được sống vài chục năm rồi chết, rồi siêu thoát, ha ha ha…”

    Mặt trời lên, tôi bỗng điều khiển lại được thân thể mình nhưng không thể bước đi được, tôi lăn xuống giường, tôi cố bò ra cửa, tôi muốn ôm chặt lấy bố mẹ tôi… Nó đã đến, nó cười khẩy đợi mặt trời lên hẳn, tôi lại mất thể xác mình. Thời gian tôi làm chủ được thể xác ngày càng ngắn dần, tôi sắp mất cả giấc ngủ của mình, tôi sắp không còn cả thể xác nữa…

    Hôm nay, tôi dồn hết tất cả tâm lực để viết ra. Có thể khi ai đó đọc được cái này, tôi đã là một linh hồn vô định, hoàn toàn mất thể xác của mình, không còn đường siêu thoát. Tôi không thể lừa các linh hồn khác để lấy thể xác của họ cũng như tôi không đủ mạnh để trở lại thể xác của mình. Tôi sẽ mất tất cả, không ai có thể cứu được tôi…”

    Một tấm ảnh cũ nhàu có hình một cô gái xinh xắn đang cười ôm một con gấu.

    Một tờ giấy ghi đầy các thông số sức khỏe, phía dưới có dòng : “Rối loạn đa nhân cách, đã cho các nhân cách đối thoại và loại bỏ hoàn toàn nhân cách ngoại lai, trở lại bình thường. Hẹn kiểm tra định kỳ ngày…”

    Tôi không hiểu tại sao mình không thể từ bỏ mấy tờ giấy cũ này, nó cứ ám ảnh tôi nhưng không vứt đi được. Sợ hãi…

    (Hà Nội, 26.08.13)

  19. The Following 2 Users Say Thank You to Casper_HN For This Useful Post:

    BlackCaffe (29-08-2013), tuansaker9 (21-08-2014)

  20. #20
    Đánh trống múa rối Casper_HN's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Nơi nào đó có em
    Bài viết
    2,027
    Thanks
    1,634
    Thanked 1,670 Times in 672 Posts


    Chuyện phố tôi (9)

    Tin ở hoa hồng...

    Ông Anh mất ở tuổi mất của Bác Hồ, 79 tuổi. Những ngày cuối đời, khi hầu như không biết gì nữa, các con ông đưa ông về để chăm sóc, nên khi ông mất, lễ tang tổ chức tại nhà con trai lớn. Theo nguyện vọng của ông, thì xe tang trước khi đưa ông ra Hóa thân Hoàn Vũ, sẽ đi qua nhà số 17 phố tôi, nơi ông sống những năm cuối đời. Hình ảnh bà Ánh bé nhỏ tay cầm bông hồng khô đứng sâu trong ngõ nhìn ra ám ảnh tôi rất nhiều…

    Ông Anh và bà Ánh sống trong căn phòng bé tí vốn ngày xưa là kho, diện tích chỉ chừng 15m chia hai bằng tấm cót ép, mỗi người một bên. Khi tôi bắt đầu lớn lên và có nhận thức về nhân thế, thì ông bà đã ở đó lâu rồi. Ông là giáo viên một trường tiểu học ở Chèm, bà làm thủ thư ở Học viện Tài chính. Ông vẫn hàng sáng đèo bà đi bằng chiếc xe đạp Viha vốn ngày xưa là màu xanh lá, trên giỏ là hai cái cạp lồng cơm nhôm trắng. Hình ảnh này quen với tuổi thơ tôi đến nỗi cứ nghĩ đến giáo viên là tôi lại mặc nhiên nghĩ về hình ảnh này. Mãi sau này đến khi ông nghỉ hưu và mở lớp dạy chữ cho bọn nhóc lang thang ở chợ Hàng Da thì ông bà mới thôi đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ. Chỉ có một điều khiến tôi tò mò là họ sống rất kín đáo, hầu như không có thông tin gì về con cái và gia thế… Mãi đến khi ông mất, tôi mới biết chuyện của họ. Không biết nên gọi là gì, bi kịch chả phải, mà hạnh phúc cũng không đúng…

    Ông bà có một tuổi trẻ lãng mạn vô cùng. Ông dân gốc làng Ngọc Hà, bà quê ở Chèm. Ngày trước ông làm giáo viên ở làng nhà bà. Trai Hà Nội thư sinh trắng trẻo, gần như các cô gái cả làng mê mẩn. Bà Ánh gia cảnh đông anh chị em, bác ruột ở Phan Đình Phùng nhận nuôi và cho đi học ở trường Chu Văn An. Đợt về quê nghỉ hè phụ giúp gia đình ông và bà gặp nhau, rồi yêu nhau. Ông vốn là dân văn nên lãng mạn vô cùng, nhà ở Ngọc Hà đất hoa, nhà ông cũng trồng một vườn hồng, khi hoa nở thì mỗi sáng thứ bảy khi đi ông đều mang theo một bông hồng, đợi chiều tối bà về thăm nhà là tặng, nếu chưa có hoa, ông cũng ngắt một cành hồng chỉ có lá tặng bà. Bà vào Đại học, ai cũng tưởng họ cưới nhau đến nơi, bỗng bà bỏ học đi Thanh niên xung phong rồi bặt tin… Ông chờ mãi, tìm mãi không có thông tin gì, rồi lập gia đình.

    Gia đình ông cổ hủ, ông là con trai một, gia đình cũng có gia thế nên không ai đồng ý cho ông lấy một cô gái quê. Bà biết vậy thương ông, dứt lòng đi vào chiến trường không liên lạc nữa để xa ông. Khi giải phóng về, bà không về quê mà đến ở nhờ nhà họ hàng ở phố tôi, nhà anh Thành “pháo”. Ngày xưa, đất đai nhà cửa cũng chả có gì, gia đình anh Thành cho bà ở nhờ cái kho cũ phía sau.

    Không biết ngày xưa mọi người sống với nhau thế nào, mà nghe nói ông xin lỗi gia đình, vợ con đến ở với bà ở phố tôi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hai ông bà ở riêng hai bên của căn nhà bé tí ngăn bằng cót ép. Ông bà là góc lặng duy nhất ở con phố mà chuyện gì cũng được đưa ra vỉa hè bàn. Hình như mặc nhiên, ai cũng tôn trọng hai con người này, hoặc tại vì cuộc sống của ông bà khác mọi người quá. Họ cứ im lặng trước mọi dèm pha, cứ âm thầm sống nhẹ nhàng bất kể điều tiếng thế nào. Ông thì cứ chiều thứ bảy lại ra cồng chợ Hàng Da mua một bông hoa hồng về cắm ở bình hoa trên bàn phía bên kia tấm cót ép. Họ không có ai đến thăm, không có họ hàng tới chơi, Tết nhất ngoài việc đến thăm chúc tết từng nhà trong phố và tiếp tất cả mọi người đến chơi, thì cuộc sống của họ cứ âm thầm trôi đi.

    Ông ốm nặng, vợ con ông thường xuyên đến thăm, nhưng mãi khi gần mất mới mang ông đi…

    Cả phố tôi ồn lên chuyện ông Anh và Ánh sau khi ông mất 49 ngày, bà Ánh vào một ngôi chùa ở miền Trung, di chúc trả lại căn nhà bé cho nhà anh Thành cùng một số vàng nho nhỏ. Ai cũng đoán già đoán non về câu chuyện của ông bà. Tôi cũng định viết một thiên tình sử lãng mạn về ông bà, nhưng không hiểu sao, khi viết ra, nó chỉ như trên, chứ không viết khác đi được…

    Ngày trước, cách đây gần hai chục năm, tôi cũng có một mối tình diễm lệ, tôi cũng có thói quen tặng em một bông hồng mỗi thứ bảy gặp nhau. Bốn năm năm trời yêu nhau tha thiết, đến sau này chia tay thì tôi chả biết lý do vì sao, nhưng vết thương lâu mãi cũng lành. Trong cuộc đời, sẽ có lúc tôi gặp lại xưa cũ, đụng chạm vết thương, nhưng chắc rằng nó chỉ gợn lên những nỗi đau nhè nhẹ, chứ mãnh liệt và cồn cào như hai ông bà thì quả thật kỳ lạ.

    Tôi không hiểu sao cứ ám ảnh với hoa hồng, nó có gì để mãnh liệt đến vậy nhỉ? Vết thương do nó gây ra liệu có thể lành?

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình