+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 8 của 8

Chủ đề: Chuyện vỉa hè

  1. #1
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts

    Chuyện vỉa hè

    eMông mở topic này với nguồn bài viết trong mục Chuyện vỉa hè trên TTVH cuối tuần.
    Đây là những câu chuyện xã hội qua góc nhìn vỉa hè...

  2. #2
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    Cuối tuần nhai kẹo cao su


    (TT&VH Cuối tuần) - Một tuần khủng khiếp bởi toàn những cơn bão lốc thông tin lớn đến mức không tượng tượng nổi.

    Một đại gia chân ngắn đầu bạc làm lu mờ hết thảy các chân dài nhan sắc trong những cuộc thi hoa hậu cả quốc tế lẫn quốc gia. Làm lu mờ cả sự kiện về hai Armstrong, một phi hành gia năm 1969 đã bước đi những bước đầu tiên của con người trên Mặt trăng, vừa qua đời và một Armstrong bị tước hết những danh hiệu cao quý của cả 7 lần đua xe đạp Tour de France. Nổ nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela hay cháy nhà gỗ phố Hồng Hà. Cốc Khai Lai nhận án tử hình hay hung thủ cắt cổ nữ chủ quán cà phê ở Gia Lâm bị bắt… Toàn những tin sốt dẻo, mọi khi dân vỉa hè quan tâm lắm, giờ chìm nghỉm trong đống thông tin nhặt nhạnh từ các trang báo in, báo mạng. Trên vỉa hè xuất hiện nhiều chuyên gia bình luận và phán đoán. Các thầy bói mọi khi chậm chạp và nhàn rỗi trong những xó xỉnh thành phố, tuần vừa rồi phát cuồng vì lượng người hoảng hốt trước thời cuộc nhao nhao lên hỏi đủ thứ. Chen giữa những chuyện to tát, lại hỏi cả chuyện chứng minh nhân dân có cần in tên cha mẹ hay không, chuyện xăng vừa tăng giá xong vì cớ gì lại nhấp nhổm tăng tiếp, Đàm Vĩnh Hưng còn nói gì về Thanh Lam, siêu mẫu vừa bị loại khỏi một cuộc thi nhan sắc có đâm đơn khởi kiện... Nhìn cả tuần, những tay sừng sỏ nhất trong lĩnh vực buôn chuyện vỉa hè hầu như đều chóng hết cả mặt, không biết nên bắt đầu hoặc dừng lại ở chuyện nào. Đúng là kinh khủng!

    Cũng may, cuối tuần, cùng với thông tin hệ thống ngân hàng đã hoạt động trở lại bình thường, mọi chuyện lại trở nên không có gì đáng nói… Sáng nay, tiết Thu mát mẻ, N. lại ra làm chén trà nóng vỉa hè, bà bán nước thông báo rằng một công ty bán kẹo cao su đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng/ năm ở thị trường Việt Nam. Bà khoe bán được nhiều sản phẩm của hãng này lắm, nó là kẹo cao su thương hiệu Mỹ được đóng gói tại Việt Nam. N. nghe cũng giật mình. Doanh thu ấy có vẻ cũng đáng ước mơ với nhiều đại gia thời khủng hoảng. Bán kẹo cao su mà được nhiều tiền thế, kinh doanh vàng, bất động sản thì còn giàu đến đâu?

    Tôi chẳng quan tâm đến vàng hay bất động sản chú ạ! Bà bán nước bảo, nhưng tôi tin sang năm công ty bán kẹo cao su này còn lãi nữa, vì ai cũng thích có cái nhai trong miệng cho quên nói (đỡ vạ miệng), quên ăn (đỡ phải uống thuốc giảm béo) hoặc quên đi nhiều thứ… Giật mình nhìn sang bên cạnh, đúng là mấy tay buôn chuyện vỉa hè đều đang nhai kẹo cao su. Có gì mà nói chứ, cái hố tử thần rộng ngoác trên đường Lê Văn Lương được kết luận nguyên nhân lún sụt là do mưa!

    Thế thôi mà!



    Hà Phạm

  3. The Following 6 Users Say Thank You to eMông For This Useful Post:

    atraclayla (21-03-2013), ickstanripedri (06-04-2013), iczrustewnkiew (21-03-2013), inglinettslitt (04-04-2013), tyletynt (24-03-2013), zakaseezllez (03-04-2013)

  4. #3
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    Chưa thể khẳng định...


    (TT&VH Cuối tuần) - Mới mấy hôm trước, mọi chuyện tưởng rõ như ban ngày rồi. Cái chuyện xăng dầu rởm ấy mà, lâu nay toàn nghe nói, giờ mọi người được thấy tận mắt. Một nhóm nhà báo, chắc thế, cả nam lẫn nữ, đã đột nhập vào khu sản xuất xăng rởm, nghe đâu giữa Sài Gòn, để quay phim, chụp ảnh, viết bài điều tra phản ánh lên báo, phát lên ti-vi… Họ đã vạch mặt, chỉ tên những kẻ đã pha chế nước lã, tạp chất vào xăng dầu, để đầu độc cả chục triệu cỗ máy trên toàn quốc, mà những cỗ máy ấy lại gắn với sự an toàn của biết bao sinh mệnh… Có (xăng rởm và người làm xăng rởm) hay không, thế là đã rõ.


    Thế nhưng mọi chuyện lại lùi vào bóng râm. Bởi vì sau đó, đoàn thanh tra liên ngành có đến kiểm tra, nhưng khu liên hợp xăng dầu rởm ấy đã ngừng hoạt động, chỉ còn là bãi đất hoang. Các nhân vật rút ruột hoặc pha chế xăng dầu rởm, bị các nhà báo quay cận cảnh, rõ mặt, rõ cả tiếng nói… cũng không còn thực hiện “công nghệ hóa dầu” của họ ở đó nữa. Cũng phải thôi. Họ đều có chân cả, và tai họ không bị điếc, nghe báo chí nói ầm ầm như thế, họ không ngừng lại mới là lạ. Mà họ đã ngừng rồi. Vậy thì “chưa thể khẳng định” là sẽ có đủ bằng chứng để kết tội… Giống như vấn nạn cháy xe ầm ĩ từ cuối năm ngoái, bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu kết luận được đưa ra, nhưng rồi vẫn “chưa thể khẳng định” lý do cháy xe là tại đâu. Mà thận trọng là phải. Nếu đưa ngay ra kết luận là chất lượng xăng dầu kém, là nguyên nhân dẫn tới hư hỏng tài sản và có thể cả tính mạng của nhân dân, thì làm sao có thể tăng giá vùn vụt 3 lần trong 1 tháng và vẫn còn dọa dẫm tăng thêm nữa?

    Cũng như cái vụ phá ngôi chùa ngàn năm ở cách Hà Nội nhõn 30 cây số ấy, hai hạng mục là Nhà Tổ và Gác Khánh đã bị dọn sạch tinh tươm và thay bằng nhà, gác mới, nhưng đến giờ các cơ quan quản lý vẫn chưa thể kết luận được mức độ và phạm vi vi phạm. “Không thể vội vàng trước một vụ việc liên quan đến một vấn đề lớn như vậy được đâu”, ông Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội đã nói thế.


    Ờ, thế mà sao mấy ông y tế lại dám lên tiếng vội vã là cái con a-míp ăn não người nhởn nhơ trong các ao hồ sông suối ấy tuy nguy hiểm nhưng mà hiếm gặp? Chuyện này liên quan đến sinh mạng con người, cũng là vấn đề lớn vậy, không thể vội vàng được đâu.

    Không thể vội vàng. Chờ kết luận. Từ cuối tuần này, bố con N. bị cắt suất bơi ở Thắng Lợi. Vì tuyên bố của vợ N. còn to hơn Bộ Y tế: Chưa thể khẳng định cái con a-míp ấy không có trong hồ bơi…

    Hà Doãn

  5. #4
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    Chẳng liên quan gì!


    (TT&VH Cuối tuần)
    - Có những điều cứ tưởng có liên quan, chẳng hạn, hôm qua N. trông thấy một cuốn sách mới có tên là Ký ức đô thị. Nó làm N. nhớ đến cuốn Thời tiết đô thị, và cùng lúc, nhớ đến một truyện ngắn của một nhà văn nổi tiếng có tên Thời tiết của ký ức…cả ba tác phẩm này cũng như tác giả của chúng chẳng liên quan gì đến nhau, thậm chí rất khác biệt.

    Nghĩ linh tinh, là bởi vỉa hè, và bởi mùa thu… Mùa thu liên quan đến tất thảy, ký ức, thời tiết, đô thị. Thu Hà Nội tuyệt vời hơn ở bất cứ đâu! N. tin vậy. Một chút heo may, một chớm lạnh se se sớm mai nào đó bỗng dưng làm người ta quên đi cuộc sống hiện tại, quên những hệ lụy ngày thường. Người ta có thể ngồi nhìn chiếc lá rơi vu vơ, dù biết giá xăng vẫn cứ tăng tuần tới. Nhưng sự quên ấy chẳng thể kéo dài, bởi liên quan đến mùa thu còn vô số chuyện. Cũng là những chuyện chẳng liên quan gì đến nhau, kiểu như thời tiết, đô thị và ký ức, nhưng lại có một mối dây loằng ngoằng kéo chúng lại, trong liên tưởng của một ai đó. Chẳng hạn, danh tính cha mẹ trong chứng minh thư và đạo đức xã hội…

    Ngày N. còn nhỏ. Nếu thân được với bạn giữ sổ lớp, là có thể biết được bí mật động trời: tên cha mẹ bạn nào đó. Giống như nắm giữ vũ khí bí mật. Trẻ con bị cấm chửi nhau, thỉnh thoảng vu vơ động đến tên cha mẹ của bạn nào, mà nó biết là cố tình, tức là gây ra xúc phạm lớn, và cuộc chiến vì danh dự đương nhiên sẽ nổ ra. Người lớn thì không bị cấm chửi. Nên việc réo tên ông bà, cha mẹ đối thủ là việc xảy ra thường xuyên ở xóm ngõ. Chưa kể mấy nhà độc địa, rất hay dọa đem tên cha mẹ kẻ nào mình căm hận đặt cho con, để đánh chửi thoải mái. Trong họ hàng vì thế phải kỵ húy…Tóm lại, có một thời, tên cha mẹ là điều cần tôn trọng và giữ bí mật trong gia đình. Ở quê, có gọi để phân biệt thì người ta gọi kèm tên con, bố cu nọ, mẹ hĩm kia…Không ai gọi ai bằng tên đính kèm tên cha mẹ, ông bà…

    Thế nên, cái mẫu chứng minh thư mới mà ngành công an kiên quyết áp dụng sẽ là một bộc lộ ghê gớm bí mật gia đình người được cấp chứng minh thư. Ngoài quê quán, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, thì dấu vân tay hay đặc điểm nhận dạng chưa đủ để một con người chứng minh mình là cá nhân độc lập trong xã hội. Phải có tên bố mẹ nữa. Chứng minh thư là thứ đâu cũng phải chìa ra, vi phạm luật giao thông, ra ngân hàng, đi học, đi làm…, đâu đâu người ta cũng biết tên bố mình. Còn có người không có bố, thiếu gì, nhìn vào chứng minh thư là biết ngay…Mãi mới đến tuổi được cấp chứng minh thư, nhưng cầm chứng minh thư vẫn thấy mình trẻ con, chưa được rời bố mẹ.

    Về mọi nhẽ, N. phản đối chuyện đem danh tính bố mẹ lên chứng minh thư. Nhưng gần đây có vài chuyện, không liên quan đến chứng minh thư mà liên quan đến cha mẹ khiến N. nghĩ phải có sự nhắc nhở người ta về các đấng sinh thành một cách thường xuyên hơn thế nào đó. Báo chí đang lên án ầm ầm vụ một cụ ông gần 90 không được con cháu cho vào nhà sau khi ra viện, phải nằm vỉa hè…Gần hơn nữa là chuyện nghịch tử tưới xăng đốt 11 người trong dòng họ, thiêu chết cả mẹ mình…

    Thế, nếu chứng minh thư làm cho con người đối xử tốt với bố mẹ hơn, N. sẽ không phản đối việc nêu danh tính cha mẹ trên đó. Có điều, sẽ chẳng liên quan gì, chứng minh thư để quản lý người ta về mặt hành chính. Quản lý sự hiếu thảo phải nhờ những cách khác kia…

    Cách ấy ra sao…Câu hỏi ấy ai trả lời?

    Hà Phạm


  6. The Following 6 Users Say Thank You to eMông For This Useful Post:

    atraclayla (21-03-2013), ickstanripedri (06-04-2013), iczrustewnkiew (21-03-2013), inglinettslitt (04-04-2013), tyletynt (24-03-2013), zakaseezllez (03-04-2013)

  7. #5
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    Thất đức!



    (TT&VH Cuối tuần) - Bà chủ quán nước chè vỉa hè của N. vốn là người kiệm lời, N. hay ngồi quán của bà vì lẽ ấy. Cứ lặng lẽ rót nước, bóc thuốc, hay mở lọ kẹo vừng… đặt trước mặt khách, không nói một câu. Có chuyện để kể cũng chỉ dăm ba điều, rồi thôi. Thế mà hôm nay, quán vắng, N. vừa ngồi xuống, bà chủ đã rên lên như để giãi bày tâm sự: “Thất đức, đúng là thất đức…!”.


    N. chưa vội hỏi. Chuyện thất đức đầy rẫy khắp nơi. Tuần trước, nào đổ xăng đốt cả họ, nào con cái đẩy bố đẻ mới ốm dậy ra nằm đường… Tuần này, báo chí bịa đặt vụ bố chồng dính con dâu. Bao nhiêu chuyện đọc xong muốn ói, bao nhiêu chuyện nghe xong không muốn kể, không muốn nhớ. Không biết bà chủ quán còn bức xúc chuyện gì?

    Chuyện bức xúc của bà ấy, một lúc sau nghe đầy đủ, là chuyện cơm từ thiện bán trước cổng bệnh viện Nhi Trung ương. N. đã nghe chuyện ấy. Cơm 5.000 bán mới có vài tháng, vào cái thời giá cả tăng vùn vụt, miếng ăn khó khăn với người nghèo, nhất là với gia đình các bệnh nhi từ nông thôn dắt díu lên bệnh viện trung ương chữa bệnh cho con, chừng ấy tiền có được một bữa ăn là quý lắm. Thế mà, quán cơm 5 nghìn bị bệnh viện xua đuổi, cả nhóm có tên Đồng hành thiện nguyện, phát cháo sáng cho bệnh nhi ở đây cũng bị xua đuổi và cấm. Lý do nghe nghiêm túc lắm: bệnh viện bảo chưa kiểm tra độ an toàn thực phẩm, xảy ra ngộ độc thì phức tạp…

    Muốn làm việc thiện hóa ra không dễ!

    N. nghe bà chủ quán, mới vào thăm cháu trong viện, kể lại cảnh những thanh niên muốn đem một chút ấm áp tình người đến cho những người bất hạnh hơn mình bị bảo vệ đuổi như đuổi bọn bất lương mà cay mắt. Sống tốt chưa đủ, phải biết tìm chỗ dựa dẫm nữa. Nếu bệnh viện muốn sạch, muốn tốt cho bệnh nhân của mình, thì cho mấy thanh niên một chỗ sạch sẽ để bán cơm, đồng thời kiểm tra vệ sinh thực phẩm. Khổ nỗi, trong bệnh viện có căng-tin, cơm căng-tin bán cho người nhà bệnh nhân cũng rẻ thôi, 25 nghìn đồng/ suất. Muốn phát cho bệnh nhân cũng được, nhưng phải phát suất 25 nghìn ấy, như vậy bình thường mỗi suất 5 nghìn, các bạn làm việc thiện bù thêm 10 nghìn, mua suất ăn của bệnh viện đi phát, phải thêm 20 nghìn… Bọn trẻ đâu có giàu, để có suất cơm 5 nghìn, chúng phải tự lo lắng bươn chải, làm tất mọi việc chợ búa nấu nướng, đem công sức mình chia sẻ bớt nỗi khổ của người khác, vậy mà bị cấm…

    Tôi uất lắm, bà chủ quán bảo. Những người nghèo đùm bọc nhau mà cũng khó. Xã hội sao nhiều chuyện lạ như thế mà vẫn để yên? Sao Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội hay Sở gì gì nữa không giúp họ, mấy suất cơm nghèo ấy có làm căng-tin bệnh viện thất thu nhiều không mà phải cấm? Bệnh viện Nhi, những người chăm sóc sức khỏe trẻ em đâu có nghèo đến mức phải kiếm lợi từ việc bán mấy suất ăn trong căng-tin? - Bà nói. Hay là tại mấy chủ thầu căng-tin? Gì thì chẳng qua cũng là vì lối suy nghĩ chỗ nào kiếm ăn được là không cho người khác đặt chân vào. Ở chỗ chữa bệnh cứu người mà còn làm thế! Thất đức!

    Chén trà đắng ngắt trong miệng N. Phố đã heo may, chẳng mấy nữa trời sẽ lạnh. Năm ngoái vào thăm người ở quê nằm trong viện vì một bệnh không nặng, đã cảm thấy nỗi khổ không thể tả bằng lời của những người chẳng may ốm và chẳng may có người nhà ốm phải vào viện. Trong đầu những người chỉ nghĩ bạc tỷ, lấy chỗ đâu cho những suất ăn đáng giá 5 nghìn!

    Hà Phạm


  8. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    Na chín (03-10-2012)

  9. #6
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    Ai là chính hiệu?




    (TT&VH Cuối tuần) - Sáng đầu tuần ghé quán nước chè vỉa hè. Bà bán nước mời N. miếng bánh gai, một góc chiếc bánh cắt ra vuông vức, thơm mùi dầu chuối. Có người về Nam Định mang lên cho chục bánh gai Bà Thi, mời chú một miếng cho thơm thảo, bà bảo.


    N. suýt nữa thì nói nhà anh cũng đang có bánh gai, nhưng lịch sự nên kịp ngừng. Vừa mới Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, người thủ đô về tấp nập cho nên bánh gai mang lên cũng nhiều. Tất cả đều là bánh gai Bà Thi. Nghe nói dưới ấy, bánh gai Bà Thi cũng nhiều như ốc Ông Già trên hồ Tây. Dọc phố Trần Hưng Đạo, rồi đường Điện Biên của thành phố Nam Định, bánh gai Bà Thi la liệt. Có không phải một mà nhiều cửa hàng đề chữ Bà Thi chính hiệu. Cũng như trên Quảng Bá, ốc Ông già chính hiệu không phải một. Chẳng biết Bà Thi còn hay mất, Ông Già cũng chẳng biết còn không, vì đã lên hàng “ông”, “bà” rồi thì tình hình sức khỏe cũng “dự báo thời tiết” lắm. Đã lâu N. không lên hồ Tây ăn ốc. Trước, để bảo đảm là đúng hàng Ông Già, ông già phải ra ngồi ngoài cửa. Cũng chỉ để khách quen biết thôi! Chứ khách không biết, ông già nào chẳng là… ông già và có phải chỉ một cụ ông ra cửa ngồi đâu. Bánh gai Bà Thi đúng là ngon, khen một câu cho bà hàng nước vui lòng. Đấy, chú xem, bánh đúng của Bà Thi thì để mấy ngày rồi vẫn mềm, thơm…, có mùi lá gai thật, bánh nhà khác vừa ngọt vừa cứng đơ, có tôi cũng chẳng dám mời chú…


    Chắc cũng đã lâu bà bán nước không xuống Nam Định, bà tin tưởng một thương hiệu đã được nhắc nhiều. Nếu bà thấy bánh gai Nam Định chẳng có bánh nào khác ngoài bánh gai Bà Thi, nên bánh Bà Thi thật và bánh Bà Thi “fake” chẳng có gì phân biệt, có thể bà sẽ đỡ hào hứng khi bóc cái bánh ra mời khách. Có thương hiệu lợi thế đấy! N. nghĩ. Người ta cứ phải tranh giành thương hiệu là vì thế. Dạo trước N. đi qua phố Hàng Điếu, thấy một nhà đề biển Bánh khúc ngon nhất Hà Nội, ít lâu sau, thấy nhà bên cạnh cũng bán bánh khúc, biển đề là Bánh khúc ngon nhất phố. Ngon nhất Hà Nội chắc gì là nhất, nếu ở phố có hàng ngon hơn. Thế mà hai cái biển ấy cứ song song tồn tại mãi… Và chắc, cái ngon với mỗi người là không giống nhau nên cả hai cùng có khách, không đến nỗi nào…


    Hết chuyện bánh gai Bà Thi, N. nghe người ta hỏi nhau xem cái sừng tê giác của đại gia Trầm Bê, đúng ra là câu chuyện về cái sừng tê giác của ông Trầm Bê là chính hiệu của con tê giác Nam Phi đã nhập về từ năm 2006 hay không? Chuyện này nghe nói cực kỳ khó phân định, một khi sừng đã một nơi và thân một nẻo. Thân tê giác đã nhồi bông. Người bảo cái sừng bị mất cắp đúng của con có phép, người bảo không phải. Đại gia có thể có không chỉ một tê giác và không chỉ sở hữu riêng một sừng tê… Thử tưởng tượng, ít lâu nữa, nhỡ có tiền đi mua sừng tê giác “làm thuốc”, thể nào chẳng nghe ối ông thầy thuốc rỉ tai bảo yên tâm sử dụng, mẩu sừng tê này là lấy từ con tê giác nhà ông Trầm Bê, đúng là của cái con nhồi bông ấy, kẻ trộm bán cho. Nhìn từng mẩu sừng riêng lẻ, mấy ai biết đúng sừng tê giác nhà đại gia hay không…

    Thế rồi cứ muôn đời, chẳng biết gì là chính hiệu!



    Hà Phạm

  10. The Following 6 Users Say Thank You to eMông For This Useful Post:

    atraclayla (21-03-2013), ickstanripedri (06-04-2013), iczrustewnkiew (21-03-2013), inglinettslitt (04-04-2013), tyletynt (24-03-2013), zakaseezllez (03-04-2013)

  11. #7
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    Tìm chim


    (TT&VH Cuối tuần) - Cô bạn học cũ của N. đang làm một công việc mà theo anh là lãng mạn nhất trong các công việc ở Việt Nam bây giờ. Cô ấy đi bảo tồn các loài chim.


    Một cách chuyên môn như cô ấy nói, bảo tồn luôn cả sinh cảnh của chúng và tính đa dạng sinh học toàn cầu, liên kết nhắm tới mục tiêu sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong một tổ chức phi chính phủ có tên là BirdLife International. Tóm lại, cô ấy đi tìm hiểu, theo dõi, ngắm nghía đời sống của những con chim hoang dã bay trên trời, không phải những con đập cánh ngửa cổ hót trong lồng, càng không phải những con đã rán vàng bày trên đĩa (bọn ở trên đĩa đối với những kẻ không làm công việc bảo tồn thực ra cũng chứa đựng một vài yếu tố hấp dẫn tuy rằng không lãng mạn).

    Cứ quãng tháng 9, tháng 10 đến đầu Xuân năm sau, gặp cô bạn của N. là thấy lỉnh kỉnh những máy chụp và ống nhòm chuyên dụng. Và câu chuyện của cô ấy liên quan đến những loài chim mà theo cô ấy, còn thấy xuất hiện ở Việt Nam là mừng lắm. Mấy con cò con diệc lông xanh lông xám mỏ cong mỏ quặp..., nhìn con nào cũng thấy như nhau, N. chẳng thấy quý giá gì, thế mà cô ấy bảo là rất nhiều loài, có loài sắp tuyệt chủng...

    Tóm lại, người nhìn chim sải cánh trên trời suy nghĩ không giống kẻ ngắm chim không bay ở tất cả mọi dạng. Nghe thì cũng nể bạn, nhưng nghĩ lại thương. Cứ đúng mùa bạn đi khảo sát những đàn chim di trú từ đâu đó rất xa xôi bay về là chim hoang dã cũng từ đâu đó ập về nhiều vỉa hè trong thành phố, tất nhiên là nằm trong lưới, hốt hoảng và tội nghiệp. Rồi sau những cuộc bán mua mặc cả, những con chim hoang dã ấy bị vặt lông sống, máu rỉ theo những vết lông bay tả tơi trong gió, bị bóp chết và thui trên lửa. Nghĩ mà rùng mình! Nhưng nhậu chim trời là thú vui, bán chim trời có khi lãi cả triệu mỗi ngày. Nhưng người bán người mua đều vì miếng ăn, cấm khó lắm. Họ cũng chẳng biết trong những con chim sa lưới, con nào thuộc loài quý hoặc sắp tuyệt chủng. Người ta cứ sống thế thôi, biết là ác vẫn làm. Bao nhiêu cái ác lớn hơn trên đời, con người ác với con người, mà còn được bỏ qua. Nên việc ác với những con chim không bị xem như điều cấm kỵ trong cuộc sống.

    Hổ người ta còn tận diệt, huống gì chim, một bạn uống trà sáng nói với N. như vậy. Cấm, phạt, đủ cách rồi mà lâu lâu lại thấy một vụ giết hổ xẻ thịt, lại thấy hổ trong xe ô-tô nhe nanh đi vào thành phố, tất nhiên chỉ là xác hổ, nhưng yếu bóng vía nghe thế cũng hãi. Chim trời, người nghèo cũng ăn được, hổ gấu là của người có tiền. Tóm lại, từ thứ ít tiền đến thứ nhiều tiền, ai ai cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê hoặc tự mình tàn sát động vật, con bay trên trời, con bò dưới đất, con sống dưới lòng biển sâu, con ẩn kín giữa rừng xanh..., chẳng con nào lọt vào mắt con người mà thoát... Cô bạn của N. đã từng khóc rất lâu trước một cái lông chim vương trên hè phố mà cô ấy nghĩ của một con chim hiếm sắp tuyệt chủng. Vỉa hè vương đầy những lông chim xam xám. Khóc hết cho những con chim bị giết, bao nhiêu nước mắt cho vừa?

    Một ngày nào đó, thật kinh hãi khi nghĩ chỉ còn loài người sống với loài người trên Trái đất này.

    Hà Phạm


  12. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    traitimchumnho (03-01-2013)

  13. #8
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    Tin nhau quá khó!



    (Thethaovanhoa.vn) - Trời lạnh, một thứ thời tiết rất không thích hợp cho việc ngồi vỉa hè. Nhưng chỉ định ghé qua vài phút uống tách trà nóng theo thói quen, N. đã bị bà hàng nước tuôn ra hàng chuỗi lời ai oán. Thế là đành chịu rét ngồi lại, nghe những điều tưởng như muôn năm. Giá điện tăng. Khổ quá, ai chẳng biết giá điện tăng. Không tận thế thì tận thu, ngành nào chẳng thế, còn sống thì phải có tiền để sống chứ cạp đất mà ăn à? Ngành giao thông cũng thu phí đường bộ. Ngành ngân hàng thu phí ATM. Ngành xăng dầu vài tháng chưa tăng một lần thì còn gì là ngành xăng dầu nữa, nên kêu gì chuyện phí, chuyện giá… Ngành điện năm nay nghe nói sẽ tăng giá điện bốn lần cơ, cứ tạm ứng hết cả bốn lần ngỡ ngàng ngay từ đầu năm cũng được. Bà cũng nên tăng giá nước chè lên thêm mỗi cốc một nghìn đồng mà đua với các doanh nghiệp lớn đùng, cho sang! N. bảo.

    Nói như chú chẳng ra sao, bà chủ quán nước trà lắc đầu. Chỉ cần tôi thêm vài cái lá linh tinh vào ấm đun trà thì một cân trà khô tôi pha được gấp đôi lượng nước. Ngồi đây chỉ mong có đồng rau đồng gạo, chứ làm giàu bằng chè chén vỉa hè chắc chắn không được. Tôi tăng giá làm gì, mang tiếng. Mỗi ngày kiếm vài chục nghìn là may, còn giữ với các chú một chút lòng tin và để phúc để đức cho con cho cháu sau này chú ạ…

    Nghe đến chữ lòng tin ở bà bán nước, tự nhiên ngậm ngùi. Thời buổi này tin nhau quá khó. Không nói những chuyện hy hữu, kiểu như vụ thảm án mới đây ở Thái Bình, chủ nhà đón tiếp chu đáo xong khách bẻ chân tủ đập chết cả nhà để cướp tài sản, niềm tin vào nhân tính đồng loại mất hẳn với người trong cuộc. Những vụ tỏ ra lòng tin suy giảm đến cùng kiệt là hôm qua, một anh chàng bán hoa cây cảnh bị cùm chân vì mang dao tỉa cành trong người. Biết người ta làm nghề gì, giấy tờ nhân thân đầy đủ, vật chứng là hoa cây cảnh rất nhiều, thế mà một con dao tỉa cành cũng có thể đưa một người vào chỗ bị giam giữ, bị đe dọa phạt tiền, lại còn bị cùm chân như tội phạm…Chẳng thể nào lại có chuyện không tin người ta đến mức đối xử như thế! Kiểu này, mấy anh bán dừa quả, mấy bà bán cá thịt cứ chuẩn bị tinh thần tra chân vào cùm bất cứ lúc nào vì luôn luôn mang hung khí bên người. Công an mà đã không tin vào dân, những chuyện như thế sẽ không là chuyện hiếm nữa.

    Nhưng, sự xúc phạm mà anh chàng bán cây cảnh phải chịu chưa phải là biểu hiện cao nhất của sự thiếu lòng tin. Bé lớp 2 bị cô đưa ra công an vì nghi lấy của cô một triệu đồng. Thêm chuyện nữa để chứng tỏ tiền Việt Nam rất có giá. Sợ mất ngần ấy tiền, cô giáo và cả một tập thể giáo viên khác có thể đem lại sự kinh hoàng và mất lòng tin cả đời cho một đứa bé. Mà vì sợ quá đã nhận linh tinh. Một cô bé hoàn cảnh đáng thương vô cùng, ở với bà vì cha mẹ bỏ đi, đã không được nâng đỡ về tinh thần mà còn bị ép đến mức như vậy. Ai đo đếm được những sang chấn tâm lý của bé đáng giá bao nhiêu và sự thiếu hụt lòng tin ở mức cao như thế sau này sẽ dẫn đến đâu?

    Con người cứ bớt tin nhau mãi thế này, rồi làm sao sống nổi?


    Hà Phạm

    Link http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van...7141157911.htm


  14. The Following 6 Users Say Thank You to eMông For This Useful Post:

    atraclayla (21-03-2013), ickstanripedri (06-04-2013), iczrustewnkiew (21-03-2013), inglinettslitt (04-04-2013), NHOCBEO (03-05-2013), zakaseezllez (03-04-2013)

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình