+ Trả lời Chủ đề
Trang 3 của 4 Đầu tiênĐầu tiên 1 2 3 4 CuốiCuối
Kết quả 21 đến 30 của 31

Chủ đề: "Hải trình nhật ký: Đi về phía Ban Mai"

  1. #1
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts

    "Hải trình nhật ký: Đi về phía Ban Mai"

    Tiếng gọi Trường Sa luôn là một khát khao với mình từ những năm cuối ngồi giảng đường Bách Khoa. Trượt một chuyến đi ra biển Lớn, thay vào đó là tuyến đường Trường Sơn với điểm đầu thời chiến cầu Xuân Sơn và con đường 20 Quyết Thắng những ngày hè năm 2001. 10 năm cho một hoài niệm - 10 năm cho một cung đường đầu tiên.

    Giờ đây, đọc bài viết "Hải trình nhật ký: Đi về phía Ban Mai" lại cảm thấy ấm lòng vì như cảm thấy Trường Sa lại rất gần qua những hình ảnh của một người bạn. Xin chia sẻ cùng các Mông dân và hy vọng sẽ có một thời điểm, một Mông dân sẽ được " Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa"

    Link gốc bài viết: http://otofun.net/showthread.php?t=168863&page=1

    Hải trình nhật ký: Đi về phía Ban Mai
    Lời giới thiệu

    Một chuyến đi dài. Bộn bề, ngổn ngang và lâng lâng những cảm xúc. Đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen khi đến giờ thấy mình vẫn còn bồng bềnh như trên sóng. Lính hải quân người ta gọi cảm giác ấy là Say đất. Nhưng có lẽ mình đã Say sóng, giờ Say đất và sẽ còn Say mãi cái tình của những gương mặt đã gặp; dù ngắn ngủi nhưng như đã trở thành bằng hữu tâm giao. Ấy không chỉ đơn thuần là cái Tình của hai người bạn hữu duyên mà còn lớn hơn nữa; đó là cái Tình của những người con Việt đối với giang sơn cẩm tú.
    Vâng, đã từng có mặt trên những con tầu ở Biển Bắc, Đại Tây dương, Địa Trung Hải, lần này tôi mới có dịp đi trên biển lớn của Tổ quốc trên một con tầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam oai hùng để đi về phía Ban Mai của tổ quốc: Về Trường Sa.
    Cảm xúc đến ào ạt quá, mãnh liệt quá đặc biệt vào đúng những ngày tháng kỷ niệm chiến thắng của cả dân tộc nên quả nhiên rất khó để hệ thống lại bài bản, dẫn dắt câu chuyện một cách lớp lang, bài vở. Chỉ biết rằng, cho dù không thể đưa gia đình nhỏ bé đi xem bắn pháo hoa tối 30/4, hay duỗi dài người dưới nắng vàng, biển xanh của một resort nào đó cùng ly Margarita lạnh quắn môi (hic, dấu đôi mắt khả nghi sau cặp kính mắt để dõi theo những cô gái chân dài, mắt ướt ... tả thế cho nó hiện thực nhỉ) thì kỳ nghỉ này vẫn mãi sẽ là kỳ nghỉ có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi.
    Không có bức ảnh nào hơn để đưa vào lời giới thiệu này xứng đáng hơn ảnh tấm poster này - tầm poster mà chắc rằng có mặt trên mọi con tầu, mọi căn cứ cũng như mọi con tim của mỗi người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam




    Lên đường
    Lên đường

    Mỗi lần quay lại Sài Gòn đều muốn trèo lên cao cao một chút, phóng tầm mắt ra xa. Có thế mới thấy được sự nảy nở đến từng giờ của thành phố.

    Những khối nhà, những tay cẩu ken kín chân trời







    Đường phố cờ hoa luôn tấp nập không chỉ trong Tết thống nhất ... Sài Gòn đẹp quá Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi ...



    Sài Gòn hôm nay còn có cả những du thuyền xa xỉ cùa lớp thượng lưu ... không giống như con thuyền của các anh đi ra biển




    Có chăng nét thân thuộc cũ chính là những con phà bến Thủ Thiêm A vẫn cần mẫn hàng ngày nối liền giao thông hai bờ sông Sài Gòn trong khi chờ đợi thời điểm kết thúc sứ mệnh lịch sử. Có lẽ thời khắc ấy cũng không còn xa khi thành phố đã có vô số những cây cầu và sắp tới là cả con đường ngầm rộng thênh thênh ...



    Vài bước loanh quanh lại thấy mình đang đứng trước nơi đã từng là Givral Cafe. Thẫn thờ vác máy ảnh về tay không vì mong muốn 1 lần nữa được ngồi ở Givral để chứng kiến nhịp đời Sài Gòn đã không thể thành hiện thực. Buồn. Có lẽ ở góc phố đó rồi sẽ có 1 Givral mới ... nhưng chắc cảm xúc sẽ chẳng được cũ kỹ như xưa.
    Nên chăng tôi phải thay đổi chính mình ...

  2. #21
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts
    Câu chuyện Nhà Dàn DK

    Nhà dàn DK 1, cái tên nghe thật "lành" ... nhưng chỉ những người hiểu chuyện mới biết những thách thức cả về vật chất lẫn tinh thần mà những người lính đứng chân trên DK hàng ngày đối mặt ... nói cho đúng, những người lính đang trực chiến ở nơi ấy.
    Ai đã từng một thời qua lính thì đã hiểu mỗi khi đơn vị trong tình trạng báo động chiến đấu cao là như thế nào. Nhưng đối với lính bộ thì nâng cấp sẵn sàng chiến đấu cũng chỉ trong vài ngày, cùng lắm 1 tuần ... rồi hạ cấp dần. Còn đối với những người lính DK tôi biết, họ luôn trực chiến trong suốt cả năm ... trên hơn 100 m vuông nhà dàn chông chênh giữa biển ... Vâng, chông chênh lắm giữa biển khơi vô tận, trước sự nhòm ngó rình rập của "tàu lạ" ...

    Tại bãi Phúc Tần, các DK của ta nằm rải rác như những đầu tăm trên biển. Từ điểm này đến điểm khác cũng có thể nhìn nhau bằng ống nhòm chuyên dụng. Thẳng phía trước chúng tôi là DK 1/2 Phúc Tần ... Các anh linh liệt sĩ đã phù hộ cho chúng tôi trởi êm bể lặng hôm nay, để chúng tôi có thể lên được thăm anh em DK



    Lên DK không phải lúc nào cũng dễ như hôm nay ... Nhiều chuyến tầu vào thăm DK đã phải neo từ xa mà chào nhau qua Icom, văn công cũng hát qua Icom vì sóng từ cấp 4 - 5 trở lên việc đưa cano cập chân DK đã là cực khó ... trèo lên được còn khó hơn. Biển lặng tênh như thế này đây; độ sâu tầm 50 m,; nước trong nhìn thấu đáy



    Cẩu lại thả cano để lai dắt chúng tôi đến sát chân DK



    Nhà dàn đã gần hơn một chút; đã thấy những bóng người đưa tay vẫy






    Gần hơn nữa ...


    Bố Cú - Mẹ Kún yêu Sóc + Thỏ con nhiều nhiều...

  3. #22
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts
    Sau trận Hải chiến Trường Sa, 1988, một số tàu chiến, tàu thăm dò của nước ngoài đã bắt đầu xuất hiện sâu trong thềm lục địa phía Nam Việt Nam, nơi có tiềm năng lớn về dầu khí và có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng.

    Trước tình hình đó, ngày 17 tháng 10 năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký văn bản 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là khu DK1). Cùng thời gian này, tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương cũng đã khẩn cấp giao cho Lữ đoàn 171 nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Đông Nam. Với những trang thiết bị đo độ sâu, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 do trung tá lữ đoàn trưởng Phạm Xuân Hoa chỉ huy đã ra khơi khảo sát, đo đạc trên vùng biển rộng 60.000km2, tìm ra các điểm cạn và định vị các bãi đá ngầm san hô Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính và Huyền Trân. Chính từ những dữ liệu đó, hệ thống nhà giàn DK1 được xây dựng.

    Tháng 6 năm 1989, đại úy Nguyễn Văn Nam chỉ huy một đơn vị nhỏ thuộc lữ đoàn 171 hải quân lần đầu tiên ra bám trụ nhà giàn DK1/3 ở bãi Phúc Tần.

    Ngày 5 tháng 7 năm 1989, Thủ tướng chính phủ Việt Nam ra chỉ thị số 180UT về việc xây dựng cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (trước là đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo), xác định lại chủ quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa này.

    Tháng 12 năm 1990, ngôi nhà giàn DK1/3 bị sập đổ vì bão làm 3 người lính hy sinh.

    Năm 1998 nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị sóng cuốn trôi, đánh sập, 9 người bị rơi xuống biển trong đó có 3 người (Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng, Vũ Quang Chương) hy sinh.

    Khu vực nhà giàn DK1 gồm sáu cụm* Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè với 15 nhà giàn dựng trên thềm lục địa. Giai đoạn đầu các nhà giàn tương đối thô sơ, kết cấu dạng pông-tông (một dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng kim loại) đặt trên nền san hô, dễ bị dịch chuyển bập bềnh trong nước khi có sóng lớn cấp 4 hoặc dòng nước chảy mạnh.

    Hiện nay các nhà giàn sử dụng 4 cọc thép chắc chắn cắm sâu xuống đáy biển, phía trên là tổ hợp sinh hoạt, công tác có diện tích sàn khoảng 100m2.

    Như những cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại vùng thềm lục địa này, các nhà giàn được những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam canh giữ đêm ngày. Những người làm nhiệm vụ trên nhà giàn khu DK1 thường ít nhất phải trải qua 8-9 tháng mới trở về đất liền.


    Cano cập chân nhà dàn DK



    Cuộc sống của anh em dù chỉ bó hẹp trong hơn 100 m vuông nhưng họ sống không hề dễ dãi, luôn đủ 12 chế độ trong ngày theo Điều lệnh quản lý Bộ đội ... dù là tăng gia hay thể dục thể thao. Mọi khoảng trống đều được tận dụng có hiệu quả. Rau hẹ và rau muống



    Ớt, diếp cá, rau thơm các loại






    Mồng tơi nhà dàn. Đúng là: "Nâng niu từng cọng rau xanh, Đảo xa một dậu mồng tơi quê nhà"




    Tinh thần thể thao giữa biển cũng như trên đất liền



    Mò vào bếp chiến sĩ ... Woah, nem cá và cá hấp đã gỡ sẵn



    Bếp núc gọn gàng ở mức tốt nhất có thể



    Ngăn nắp góc chiến sĩ


    Bố Cú - Mẹ Kún yêu Sóc + Thỏ con nhiều nhiều...

  4. #23
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts
    Cá nhiều vô kể, các sĩ quan trên nhà dàn đều nói vui với chúng tôi là "cá trong ao", thả cước và lưỡi có chút mồi là cắn. Điển hình là cá kìm dài thân, đầu nhọn (hơi giống cá tầm Nga màu xanh biếc rất đẹp). Cá nhiều quân ta làm mắm để ăn và phơi làm khô (chủ yếu làm quà cho đất liền). Món khô cá kìm tối đến tôi đã được nếm qua, nướng trên bếp điện, hơi cứng nhưng nhai kỹ đệm một ly hạt mít "nước mắt quê hương" thì ngọt vô cùng. Giá mà có bếp than hoa thì thôi rồi "chú bé liên lạc" ... Biển dữ dội nhưng Biển cũng vô cùng hào phóng



    Khô cá kìm phơi nắng biển



    Mắm cốt trong màu hổ phách



    Con tầu đưa chúng tôi đến với Trường Sa nhìn từ phía nhà dàn ... Với một em gái mộng mơ đất liền nào đó thì có lẽ chỉ thiếu một cánh buồm đỏ thắm ... Cuộc sống của các anh vừa thơ vừa thực



    Và điều rất thực là họ vẫn thường xuyên luyện tập không ngơi nghỉ, nhìn chỉ một tấm bia nổi này làm ví dụ thôi thì có lẽ "tàu lạ" nào cũng phải ngần ngại trước mũi súng, đường đạn của họ (khi bắn trên biển phải tính toán bù trừ dao động của mục tiêu và của chính mình nữa)



    Vững tay súng canh biển trời quê hương tổ quốc, có chúng tôi những người lính nhà dàn
    Bố Cú - Mẹ Kún yêu Sóc + Thỏ con nhiều nhiều...

  5. #24
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts
    Trời Hà Nội dịu hẳn sau mấy cơn mưa. Nghịch lý là nhìn trời mưa mà lại nhớ nắng Trường Sa. Ước gì ... lại ước gì (nghe nó cứ teen teen thế nào ấy nhỉ) Trường Sa cũng có mưa để trời dịu lại. Cái nắng Trường Sa như đã dịu màu đi từng ngày trên hai cánh tay tôi sau hơn 1 tuần trở lại phòng máy lạnh, tách 1 cái lại lẩn xuống đường khề khà ly trà đá (nhưng phải thật đặc) hay thi thoảng lại được chị em bồi dưỡng cho ly sinh tố bơ béo ngậy gọi mang tận nơi ... Lại nhớ những hụm nước chiến sĩ để trong cái thùng inox để đầu hè nóng như rang, uống đến đâu ra mồ hôi đến đấy ... Nghịch lý, mâu thuẫn nhưng không vô lý. Những con cua gạch, lobster to tướng đỏ au trong nhà hàng giờ ăn cứ nhàn nhạt, chai Pinot Blanc lạnh toát mồ hôi cũng thẫn thờ mân mê nâng lên đặt xuống ... để rồi nhớ con cá bò sừng, con tuộc hấp dã chiến ở Trường Sa với thứ rượu trắng cay nồng.

    Thực ra, từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với lính Hải quân nhiều nhất. Trước đó, hình ảnh những anh lính Hải quân đối với tôi luôn là những anh chàng quê quê, quỷnh quỷnh, rất vụng về, ngơ ngác khi ở trên bờ (chả là trước đây tôi cũng có thời lê la không ít ở bến tầu, bến xe). Nhưng, như có 1 cái "click" (bản quyền của bác kiple). Cảm nhận lần này đối với tôi về lính Hải quân đã khác lắm rồi. Dù ở Trường Sa Lớn, Đá Tây hay ở nhà dàn DK, từ chiến sĩ trẻ cho đến vị chỉ huy cao nhất, họ đều hết mực tài hoa giữa biển trời. Hay vì họ đang ở đúng môi trường tác chiến (cá gặp nước mà). Ngón đàn, giọng ca của họ như đã nói, đến văn công cũng phải ngạc nhiên. Họ hóm hỉnh một cách tự nhiên, chan hòa, ấm áp, cư xử đúng mực mà lại không chút dễ dãi, suồng sã; quân kỷ, quân phong vẫn như sơn.

    Những chàng sĩ quan nhà dàn DK chính là một ví dụ điển hình. Không dám nói là có những khuôn mặt đẹp nhưng những hoàng tử teen pop cùng những lọn tóc 2 light nằm vắt vẻo kiểu Hàn nhưng với vóc dáng từ tầm thước cho đến cao lớn, nước da nâu nổi bật trong màu binh phục trắng thì tôi cam đoan rằng bất cứ cô gái nào trong bờ nhìn thấy họ (ít nhất là giữa biển trời Tổ quốc như khi tôi chứng kiến) chắc đều phải xao lòng. Hì, mình lại không phải gái ...

    Thực sự, tôi không hiểu được sao biết bao em gái, em trai thị thành (và cả nông thôn) lại có thể tốn nhiều giấy mực, tâm trí và cả nước mắt nữa cho những chàng trai Hàn Quốc ẻo lả không biết đang hát hay đang thở (thậm chí có cả em gái sẵn sàng qua đêm với người lạ để có được vé xem show diễn của thần tượng Hàn Quốc ... Nghĩ mà đau quá; đời con gái chỉ thế thôi chăng?). Chân giá trị ở đâu, cái đẹp ở đâu ... nào có xa xôi gì, chính ở quanh ta đó ... Tiếc rằng, vẫn còn chưa có những cái "click"đúng chỗ ... (đâm kết cái câu này của bác kiple).

    Giờ mới thật sự hiểu tại sao các Hoàng gia châu Âu đương đại đều đưa các hoàng tử hay kể cả các công chúa vào quân đội để rèn luyện, mà không phải bất kỳ quân chủng nào, đa số vẫn phải là Hải quân. Thật lòng như đã nói (và phải nhắc lại), tôi đâm nhỏ nhen mà thầm ghen tỵ với bộ binh phục trắng ấy (dù chỉ đôi chút lăn tăn)

    Các chàng trai biển giao lưu cùng ca sĩ rất tự nhiên






    Sát vai bên nhau, như vốn là như thế, những thành viên trong đoàn cũng say sưa hòa ca cùng chiến sĩ và văn công (từ già đến trẻ, từ cấp vụ trưởng đến người phụ trách, loa đài ánh sáng, đến cấp dưỡng hay phóng viên ...). Thì vẫn là những bài rất quen thuộc như Nhánh Lan rừng, Nơi đảo xa, Lời của gió, Bài ca người lính, Bài ca không quên, .... chỉ bập bùng với tiếng ghita thùng nhưng sao mang một hơi thở mới ... Hơi thở của Lính Nhà dàn, của Biển trời Tổ quốc ... Tôi nhớ rằng mình cũng đã dõng dạc hát cùng anh em bài Giai điệu Tổ quốc của Trần Tiến ... "Tôi yêu giai điệu Tổ quốc tôi ..."

    Một nụ cười rất tươi làm tôi ấn tượng ở DK ... Vẻ đẹp nó phải là thế này đây



    Thiếu tá chuyên nghiệp Đậu Đình Phú, người có vẻ nhiều tuổi nhất, hiền đến mức kỳ lạ, 9 lần ra ở nhà dàn. Hỏi gì cũng cười lành và ấp úng như không thể nói trọn lời (người ngồi góc trái trên ảnh)



    Sĩ quan chỉ huy nhà dàn có cái tên rất lạ, hẳn như định trước rằng cuộc đời anh sẽ gắn liền với biển, sẽ tung bay khắp biển, Thiếu tá Trang Hải Âu. 15 năm gắn bó với nhà dàn từ những lúc còn khó khăn nhất (tất nhiên là có giai đoạn cách quãng). Anh cười hào sảng nói với chúng tôi rằng: Vẫn thua Chính trị viên của tôi, có thâm niên 16 năm ở Nhà dàn. Chợt nhớ lại 1 cuốn tiểu thuyết về Nhà Tình báo, Nhà báo Phạm Xuân Ẩn có tựa đề "Tên người như cuộc đời" ...



    Anh làm cả đoàn chúng tôi ngây người trước đủ 6 câu vọng cổ ca rất ngọt ... mỗi lúc "xuống xề" là những tràng pháo tay lại cứ ran lên.

    Người lính cũng là con người nên cũng phải tâm sự. Nhưng trong chốc lát thì lại một lần nữa tâm sự của cánh Hải Âu ấy lại làm tôi xúc động: Chẳng phải vấn đề cơm áo, gạo tiền, đãi ngộ, hay quân hàm, quân hiệu (như anh giờ mới thiếu tá, tôi thầm đoán khi về hưu cũng chỉ được quân hàm trung tá vì đã "kịch trần" và đủ thâm niên), vấn đề là sắp về hưu mà còn sức, phải xa anh em, xa biển, xa nhà dàn thì buồn quá, chịu sao thấu; chả lẽ ngày ngày đứng trước biển mà vọng về hướng nhà dàn ... Nếu muốn viết gì đó để tuyên truyền cổ động, có lẽ tôi không chọn kênh diễn đàn xã hội, nên câu chuyện này hãy cứ tin là thật

    Thế rồi, nấn ná mãi thì chuyến cano cuối cùng rời nhà dàn cũng buộc chúng tôi phải chia tay ...



    Tôi không muốn viết thêm nữa về giây phút ấy, chỉ biết rằng Nhà dàn cứ lùi xa mãi về phía thềm lục địa Tây Nam của Tổ quốc. Sao chúng tôi nhỏ bé đến vậy, sao biển khơi bao la đến vậy, còn bao nhà dàn nữa mà chúng tôi không thể qua thăm ... Vài chị em đưa ngón tay lau khóe mắt. Còn tôi, cứ đứng trân trối quay về phía ấy cho đến khi bị giục leo trở lại lên tầu ... Chào tạm biệt DK, chào tạm biệt anh em Hải quân nơi ấy ...
    Bố Cú - Mẹ Kún yêu Sóc + Thỏ con nhiều nhiều...

  6. #25
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts
    Tầu chúng tôi quay mũi về đất liền. Chỉ còn nốt đêm cuối, mai chúng tôi sẽ xa biển, rời tầu. Ai lại về việc nấy, lại quay cuồng với những lo toan thường nhật. Những lỗ lãi bạc tiền. Những bon chen danh lợi. Những ánh điện xa xỉ của đô thành. Những bụi bặm, xô bồ, gấp gáp ...
    Con tầu lượng giãn nước hơn 1.000 tấn như vẫn không thể chở hết được cái tình mang theo từ đảo về bờ. Lòng chúng tôi như trĩu nặng vì không biết có lần thứ 2 được sống những giây phút mênh mang tình người, tình biển đến vậy không? Nhưng cũng lại cảm thấy yên bình biết bao vì đã có những người lính như các anh đang là mắt, là tai, là những thành lũy tiền đồn phía ấy, nơi đón nhận những tia nắng Ban Mai đầu tiên của Tổ quốc Việt Nam. Ấy là cái lẽ mà tôi đặt tên cho ký sự của mình là "Hải trình Nhật ký: Đi về phía Ban Mai"

    Biển trời đất nước mình như vậy không thổn thức trong lòng sao đặng (không có 1 tý PS nào hết ae nhé)



    Hoàng hôn trên biển Lớn khác hẳn với hoàng hôn Resort



    Rồi những Mỏ Rồng vẫn ngày đêm nhả ngọc phun châu






    Tối đó, chúng tôi thả neo trước Mỏ Rồng và ghép tầu với 2 tầu của Vietsopetrol là Phú Quý và Vân Hải (không nhớ số hiệu lắm) để giao lưu văn nghệ và tổng kết chuyến hải hành. Không có gì nhiều để kể vì đối với tôi, những cảm xúc sâu nặng nhất đã để lại với lính hải quân ở Đảo nổi, Đảo chìm và cả nhà dàn DK. Những thủy thủ dầu khí dù giới thiệu cũng là cựu lính hải quân nhưng ... cũng chỉ là "cựu" mà thôi (tình cảm lúc ấy nó thế, không xoay chuyển được chứ bản thân tôi cũng không xem thường gì họ). Dù sao, trong đêm tối, Mỏ Rồng cũng thật lung linh



    ... nhưng cũng lung linh đêm ngày được vậy là vì có các anh em Hải quân ngoài ấy ... "Nơi đảo xa" ấy

    Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
    Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thươ ng quê nhà
    Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
    Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua

    Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền
    Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi
    Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô
    Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em
    Ơi ánh mắt em yêu như trời xanh như biển xanh trong nắng mới
    Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai
    Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
    Đây con tầu xa khơi, đây con tầu xa khơi

    Vầng trăng sáng trên biển xa, vầng trăng sáng ngoài đảo xa
    Vẳng nghe tiếng ngân nga ru lòng ta bao lời ca quê nhà
    Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
    Quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng

    Tháng năm con tầu quen sóng cả quen gió biển
    Nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép
    Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi
    Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em
    Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó
    Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu
    Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
    Đây con tầu xa khơi, đây con tầu xa khơi ...
    Bố Cú - Mẹ Kún yêu Sóc + Thỏ con nhiều nhiều...

  7. #26
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts
    Vĩ thanh

    Những ghi chép về chuyến hải trình của tôi đã đi vào hồi kết. Dù còn nhiều chuyện, nhiều chi tiết, nhiều bức ảnh nhưng có lẽ không nên kéo dài hơn để câu chữ, cảm xúc trở nên sáo rỗng và nhàm chán. Điều quan trọng là tôi đã chuyển tải được phần nào – dù chỉ phần nào thôi - cái nhịp sống Trường Sa với thời gian gần như thực. Tình cảm mà diễn đàn dành cho Trường Sa – Hoàng Sa; cho biển đảo và cho những con người ngoài ấy là vô cùng đáng quý (bài viết, câu chữ, ảnh của tôi không gì hơn chỉ là một công cụ, một phép nối). Một vài thông tin cuối chia sẻ trước khi đóng lại ký sự này:

    - Từ tháng 4 đến tháng 5/2010 có khoảng 10 chuyến tầu kết hợp quân, dân, chính, đảng, đoàn thể, tôn giáo ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với các lộ trình khác nhau. Trong đó có tới cả trăm phóng viên các báo đài (anh em nên tìm đọc thêm sản phẩm trên các báo để ghép nối toàn cảnh về Trường Sa và biển đảo cho phong phú). Phần lớn các tầu công tác này là các tầu khách chuyên dụng của Hải quân Nhân dân nên cái sự vất vả, gian lao đã giảm đi nhiều lắm cho các đoàn dân sự (nhất là lại vào mùa “biển lặng” – là “lặng” với lính Hải quân thôi). Sinh hoạt trên tầu lại được đảm bảo đến mức tối đa (ăn uống không nói làm gì nhưng tắm giặt theo nhu cầu).

    Trong khi đó, với các tầu vận tải nhỏ, thường phải mất cả tuần chiến sĩ ta mới ra được điểm đảo đầu tiên trong điều kiện khắc nghiệt về sinh hoạt (đặc biệt là về nước). Cả hải trình khép kín dài đến 2 tháng lênh đênh. Vào mùa biển động, trong suốt cả hải trình, quần áo chiến sĩ hiếm khi khô. Lớp muối trước chưa kịp khô trên da thì đã chồng lớp muối mới. Hàng, vật nuôi, người nằm lẫn lộn. Sóng đánh tràn boong, từ mạn này qua mạn khác. Sau mỗi đợt sóng,lại thấy cá biển dãy đành đạch trên boong. Khi tôi hỏi một sĩ quan Hải quân rằng: “Hải quân liệu có say sóng?” thì đã nhận được câu trả lời tỉnh bơ như sau: “Hải quân cũng là người, sóng cấp 5 chưa say thì cấp 8 – cấp 9 cũng say, nôn, ói như thường. Có điều Hải quân lỳ đòn, cứ kệ cho sóng nhồi; nôn, ói xong thì cứ đúng quy trình công tác của mình mà thực hiện giờ nào việc nấy, không có chuyện nằm bệt. Khác với người thường ở chỗ ấy mà thôi”.

    - Mỗi chuyến tầu ra thăm đảo như đã nói trên có chi phí cực kỳ tốn kém (nghe giật mình luôn) – nhưng theo bản thân tôi, đó là một sự tốn kém cần thiết. Cần thiết không phải vì vài trăm bọc quà, vài trăm triệu đồng mà đất liền ủng hộ cho quân, dân biển đảo mà cần thiết hơn là cho chính những người ở đất liền như chúng tôi. Nói chuyện với nhiều bạn phóng viên báo, đài, tôi hơi lăn tăn về công thức thường gặp “ ... đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên, tặng quà ... cho các chiến sĩ ở ...”. Theo tôi nghĩ nên dùng từ “tri ân” mới là chuẩn xác (nhưng nghe nó hơi Hán Việt và có phần “âm” quá). Quân dân ngoài ấy vẫn vui, đâu có cần “động viên”. Họ có cả biển, cả trời, có nhiều hơn tất cả những gì chúng ta đang có ... chính họ mới đang “chia sẻ” cho chúng ta những giá trị không thể đong đếm bằng vật chất. Nói cách khác, ra biển đảo để “soi mình” mà sống.

    - Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã chia sẻ tại Đảo Đá Tây (đại ý): Khi còn làm việc, đã 4 lần tôi định ra Trường Sa nhưng rồi lại không đi được vào phút cuối. Tôi vẫn áy náy như còn một món nợ. Lần này, khi đã nghỉ, được ra Trường Sa là tôi đã thỏa mãn tâm nguyện bấy lâu. .... Có ra tận nơi, chứng kiến cuộc sống của quân, dân trên đảo mới thấy mình nhỏ bé.

    - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa nói tại buổi tổng kết đoàn (đại ý): Ngày nay, đi Nhật, Mỹ, Úc ... đối với nhiều người là chuyện dễ dàng nhưng đi Trường Sa thì không phải lúc nào cũng đi được, ai ra được Trường Sa người ấy tích đức được nhiều hơn, công phúc dày hơn và đặc biệt là trưởng thành hơn.

    - Trước khi lên đường, bản thân tôi (một kẻ vốn coi đi đây đó là một cái thú) cũng ít nhiều có ý nghĩ rằng được đi Trường Sa thật là oách. Một chuyến đi “hiếm” và ‘độc”; đến nơi không phải ai muốn cũng đi ngay được (vâng, vì thế nên nghĩ là “oách” đấy ạ). Nhưng qua từng ngày trên hải trình của mình, tôi thấy bản thân mình đã thật “tầm thường” vì lẽ đến với Trường Sa là hơn một chuyến đi (theo nghĩa “khám phá”). Đúng nghĩa, đây là “chuyến hành hương về với tình người, về với những giá trị thiêng liêng trong tâm thức”. Ngộ ra điều ấy, tôi nghĩ tôi cũng đã “trưởng thành” hơn 1 bậc. Trong vòng có nửa tháng mà một con người đã “trưởng thành” hơn như vậy, ngẫm thấy lời chuẩn Đô đốc Hòa thật sâu sắc.

    - Một câu chuyện truyền miệng khác là trong một lần giao lưu với đoàn công tác ra thăm đảo, một sĩ quan cao cấp của Quân chủng Hải quân có hỏi anh em rằng hiện nay đất ở đâu đắt nhất (như một câu chuyện chơi chơi vậy thôi). Người thì nói Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội); người nói Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi (Tp. HCM) .. etc ... Thế nhưng, thật bất ngờ, người sĩ quan Hải quân đã chỉ tay ngay xuống lớp sỏi và xương san hô dưới chân mình mà nói “Tôi thì nghĩ đất ở đây mới là đắt nhất”. Cả đen và bóng. Im lặng và thấm thía.

    - Ghi chép của tôi ít nhiều đã làm một số anh em xúc động (tôi nghĩ vì chính tôi cũng quá xúc động). Thế nhưng, đừng nên nghĩ quá tiêu cực về cuộc sống hiện tại của mình (kiểu như “quá nhỏ bé, chưa làm gì nhiều cho xã hội” ... etc ...). Mỗi người đã có một sự lựa chọn (hay số phận đã lựa chọn ai đó) và hạnh phúc (hoặc cố gắng tìm hạnh phúc) trong sự lựa chọn ấy. Còn xúc động là còn tín hiệu tích cực (chưa bị chai lỳ). Cái Tâm, cái Tình ấy vốn rất đáng trân trọng rồi.

    Tôi xin cám ơn mọi sự quan tâm, tình cảm của anh em trên diễn đàn (mem, Min, Mod) đã cùng tôi trên “Hải trình nhật ký: Đi về phía Ban Mai” trong những ngày qua.

    Chúc anh em luôn khỏe, hạnh phúc và nhiều niềm vui trong cuộc sống.
    Bố Cú - Mẹ Kún yêu Sóc + Thỏ con nhiều nhiều...

  8. #27
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts
    Ký sự Trường Sa - Đài TH Hưng Yên thực hiện
    Phần 1 - Từ đất liền tới hải đảo


    Phần 2 - Trường Sa và người lính biển


    Phần 3 - Vững Tin ở Trường Sa
    Last edited by icemain; 04-06-2011 at 04:07 PM.
    Bố Cú - Mẹ Kún yêu Sóc + Thỏ con nhiều nhiều...

  9. #28
    Mông dân icemain's Avatar
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    425
    Thanks
    177
    Thanked 246 Times in 119 Posts
    Về vấn đề sân bay tại quần đảo Trường Sa, theo thông tin vỉa hè có được thì thế này:

    - Sân bay ở đảo Phú Lâm dài 2800m hoàn thành 2005
    - Sân bay đảo Thị Tứ dài 1600m
    - Sân bay đảo Ba Bình dài 1300m
    - Sân bay đá Hoa Lau dài 1500m.
    - Sân bay Trường Sa dài khoảng 800m, quân mình dự kiến kéo dài thêm 300m nữa để cho máy bay thương mại. Nhưng do cái hiệp định gì đó năm 2002 nên mình không kéo dài được. Và nếu mình kéo dài đường băng ra, TQ nó cũng xây ngay cái cảng ở bãi Vành Khăn ngay. Tương quan bây giờ mình bất lợi.

    Và thông tin quan trọng nhất phi đội SU 27 hoàn toàn có thể cất cánh / hạ cánh tại Trường Sa



    Các vết lốp chằng chịt cho thấy hiện nay có nhiều máy bay đáp xuống đây thường xuyên hơn


    Việt Nam đã thành công cho AN-26 đáp với dù hãm xuống TS


    Sân bay lúc xây dựng


    Bố Cú - Mẹ Kún yêu Sóc + Thỏ con nhiều nhiều...

  10. #29
    Mông dân hado0601's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Ha Noi
    Bài viết
    350
    Thanks
    28
    Thanked 135 Times in 70 Posts
    sao bên trang 1 có mấy bài bị lỗi ảnh hay sao ý bác Chính ạ.

  11. #30
    Mông dân McMillant's Avatar
    Ngày tham gia
    Apr 2011
    Bài viết
    115
    Thanks
    41
    Thanked 12 Times in 9 Posts
    link ảnh die hết rồi anh ạ, sao a không up lên flick hay phôtbucket ý, con cóc hay bị die ảnh lắm

    mà sao chả thấy nhắc gì đến hoàng sa nhỉ, mọi người toàn nói về trường sa
    Last edited by McMillant; 05-06-2011 at 01:31 PM.

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình