+ Trả lời Chủ đề
Trang 2 của 5 Đầu tiênĐầu tiên 1 2 3 4 ... CuốiCuối
Kết quả 11 đến 20 của 50

Chủ đề: GÓC CAMERA (TT&VH Cuối tuần)

  1. #1
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts

    GÓC CAMERA (TT&VH Cuối tuần)

    Chuyên mục GÓC CAMERA của TT&VH Cuối tuần là một diễn đàn có rất nhiều bài viết hay và sinh động về xã hội. Những vấn đề xã hội ở đây được nhìn qua lăng kính văn hóa đáng để người đọc suy ngẫm.

    Với mục đích làm cho hoạt động của box xã hội trong emong.org thêm sinh động, eMông sẽ cập nhật những bài viết từ chuyên mục này để chia sẻ với các bạn.

    Kín hay hở ?


    (TT&VH Cuối tuần) - Viết về phụ nữ lẽ ra phải viết trước ngày 8/3, lẽ thường là thế. Nhưng ngoài chuyện phụ nữ số đông và thông thường đang méo mặt vì chợ búa và giá cả. Những tin tức liên quan đến một nửa thế giới vào mấy ngày vừa rồi khiến Camera chẳng thể đặt ống kính vào đâu, dù đặt đâu cũng chỉ là để cho tiện chứ chẳng cần suy nghĩ gì, vì sự kiện cứ bày ra ngổn ngang

    Thử liệt kê nhé, riêng ngày 7/3, tin tức về phụ nữ bao gồm: một nữ sinh học viện báo chí nhảy từ tầng 4 xuống đất tự tử (có tin nói là sinh viên một trường cao đẳng); một quý bà đi Lexus gây tai nạn rồi đâm vào cột điện (nhìn xe méo xệch méo xẹo, vỡ tung cả đầu mà thương xe); Hoàng Thùy Linh mất phong độ (đúng là tin động giời); rồi tin nữa là Công an tỉnh Long An đã giám định xong chữ viết của vợ nhà báo bị đốt (nghe nói đồng nghiệp nhiều báo hứa không đưa tin câu khách vụ này nhưng rốt cuộc tin vẫn nhiều)…

    Kể ra lặt vặt tin liên quan đến phụ nữ thì còn khối, chẳng mấy tin tốt, người yêu cầu thủ Quốc Vượng có đâm anh ta hay không? Mỹ Tâm mặc váy xẻ táo bạo… Đáng kể nhất, cũng là đáng chào thua nhất vì Camera chưa bao giờ nghĩ người ta cứ đem quay lên phim những chuyện như vậy để hồn nhiên phát tán, là những clip sex của nữ sinh. Liên tiếp trong mấy ngày trời, nữ sinh các trường Cao đẳng Nghệ thuật HN, Đại học Xây dựng rồi cả Đại học Sư phạm HN nữa đều nhớn nhác vì cảnh riêng tư với bạn trai của một cô bỗng dưng xuất hiện trên mạng, đủ cả tên tuổi địa chỉ. Não lòng…! Sống trong thời đại công nghệ thông tin mà xã hội lại đầy những kẻ tâm tính man rợ, hễ chôm được bí mật của người khác là quẳng ngay lên mạng thế này thì thà đập tất mấy cái điện thoại quay được phim (toàn phim lờ tờ mờ) ấy đi cho rảnh. Nếu không thì cứ tắt đèn im lặng như các cụ thời xưa ấy, đã hở hang lại đi bày đặt quay phim chụp ảnh làm gì cho mang họa…

    Tệ thật, ngày 8/3 thứ 100 mà tin tức tốt về đời sống của chị em hầu như thiếu vắng. Đã vậy, còn phiên tòa xử Sầm hiệu trưởng sắp diễn ra lại là phiên tòa xử kín. Camera chắc phải bó tay. Khổ thân mấy cô gái trẻ, chuyện phải kín bỗng dưng bị phơi lên cho bàn dân thiên hạ cười ồ. Giờ chuyện cần được công khai lại thành ra chuyện kín, chẳng biết đâu mà lần!

    Xét về độ kín và hở thì không chuyện nào tệ bằng chuyện của Lượm. Đúng vào ngày 8/3, nhà đài đành lên sóng “lấy làm tiếc” rút kinh nghiệm. Rút cho mình xong tiện thể rút luôn cho người: ”Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu không chỉ cho riêng nhóm biên tập của chuyên mục Người xây tổ ấm mà còn cho các nhà báo nói chung”. Giải báo chí quốc gia năm nay nên dành cho Lượm vì đã làm được một việc là bắt tất cả các nhà báo rút kinh nghiệm. Camera thực lòng cũng muốn rút kinh nghiệm, nhưng đúng ngày 8/3, camera còn phải đi ngóng cuộc “lai dẫn” cụ rùa, đúng hơn là đi ngóng những người đi ngóng cuộc lai dẫn cụ rùa. Mất những 6 tiếng đồng hồ. Clip về cuộc này đầy trên mạng rồi, đưa thêm chỉ thừa. Bình gì cũng thiếu, Camera chỉ xin đưa ra một nhận xét đúng tinh thần ngày Quốc tế Phụ nữ là: Cụ rùa (ngần ấy tuổi giới tính chẳng biết có còn quan trọng gì nữa không) nhưng chắc chắn là cụ bà chứ không phải cụ ông, cụ bà mới quyết đào thoát khỏi cái lưới như thế, thà quay về hồ ăn mèo chết chứ không chịu lên chỗ điều trị (mấy hôm nay lại có tờ báo cứ như mới được Wikileaks cho biết, bỗng nhiên phao lên rằng Tháp Rùa chẳng qua chỉ là ngôi mộ) để nếm mùi tam thất và mùi của sự chăm sóc quá đỗi tận tình (dĩ nhiên trừ đoạn lưới bị rách!).


    Camera
    Last edited by eMông; 25-07-2011 at 09:00 PM.

  2. The Following 2 Users Say Thank You to eMông For This Useful Post:

    ChanNhoiBong (18-07-2011), musstol (04-05-2011)

  3. #11
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    CAMERA

    Học sớm là vừa

    (TT&VH Cuối tuần) - Lần đầu tiên, một đề thi, mà chỉ là thi Toán cấp II thôi, lại cập nhật thông tin hơn cả báo chí như thế: “Một lít xăng giá 18.000 đồng. Lúc đầu tăng 20%, sau đó tiếp tục tăng 10%. Hỏi sau hai lần tăng, giá một lít xăng là bao nhiêu?”.

    Đề thi này do Phòng GDĐT huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ra cho học trò lớp 6 thi hết học kỳ II. Câu chuyện xăng tăng giá đưa vào đề thi cuối tuần qua làm báo chí một phen nhộn nhạo. Người bảo hay, người lắc đầu quầy quậy rằng như thế làm khó học trò. Theo khảo sát của nhóm cho rằng đề thi này khó, các em lúng túng lắm khi xử lý đề, em lấy 30% của giá 18.000 đồng để tính giá xăng sau hai lần tăng. Có em lấy 20% của 18.000 đồng tính ra giá xăng tăng lần một, sau đó lấy 10% cũng của giá 18.000 đồng để tính giá xăng tăng lần hai… Nói chung, sự lúng túng ấy nếu hình dung ra thì chẳng khác gì sự lúng túng của người lớn khi đi mua xăng, vừa rút tiền trả vừa ú ớ tưởng bị lừa hay bị đong ăn gian. Có điều, lúng túng của người lớn là một lúng túng kéo dài chứ không chỉ trong một lần thi học kỳ như vậy. Ngoài yếu tố hay, đề thi phải ra phù hợp với trình độ chung của học sinh.

    Về phía mình, Camera thấy cái cách ra đề như vậy là nên, thậm chí trẻ em cũng nên làm quen với bài tập về sự tăng giá, kiểu lúc đầu tăng 20%, sau đó 10% hoặc lại 20%. Không chỉ giá xăng… cái gì liên quan đến đời sống mà hay tăng giá đều nên học. Việc học này chắc chắn được áp dụng trong thực tế chứ không phải học xong là để đấy, lâu dần quên đi như nhiều môn học khác.

    Camera ví dụ chuyện báo chí đang gọi là “quái thú” ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Sau đến cả mươi ngày rồi, tin đồn vẫn cứ là tin đồn. Học hành nghiên cứu về hổ báo, beo, gấu, chó sói… thì ắt là các nhà khoa học nước mình, nhất là các vị học hàm học vị cao đều đã học. Nhưng khi đã có đến 20 con chó nhà bị giết một cách đầy bí ẩn thì chỉ thấy dân kể lại, chẳng thấy chuyên gia nào lên tiếng. Dân mà kể tất nhiên ly kỳ lắm, chẳng hạn dấu chân cào đất trước hiên nhà sâu hơn 2cm. Người thì kể thấy con có lông màu đen xám, trọng lượng nặng khoảng 35 - 40kg, thở hì hộc. Người khác lại kể con có màu lông đen vằn, cặp mắt sáng đối diện đèn xe máy đỏ rực… Người khác nữa nói lông nó đen trũi. Vài nhà khoa học nghe xong bảo rằng toàn chuyện phóng đại, lấy đâu ra chuyện một con thú lạ nặng 40kg ăn 5 con chó nhà (chẳng riềng mẻ mắm tôm gì sất) chỉ trong một đêm…

    Nghĩa là đến hôm nay chưa ai biết nó là con gì, có khi chỉ là con bẹc-giê nhà ai xổng xích. Thú dữ vào thôn mà cứ phỏng đoán mãi, biết chuyện gì xảy ra. Hồ Gươm bé teo có mấy cụ rùa, mấy con rùa, mà phỏng đoán đến mấy chục năm chưa ngã ngũ. Vụ này tính chất bạo tàn ác liệt như vậy, kéo dài thêm nghĩ cũng rất hoang mang…Thế nhưng các nhà chức trách chỉ có mỗi cách là khuyến cáo người dân hết sức đề phòng với hành vi của thú dữ. Không cho người già, trẻ em đi đêm, đi một mình nơi thú dữ hay xuất hiện, ban đêm phải khóa cửa nhà cẩn thật, nếu phát hiện thú về nhà thì phải đồng loạt nhiều người đổ ra đuổi thú đi… Toàn những biện pháp đơn sơ chẳng cần học nhiều cũng biết.

    Bởi vậy, cái gì học được sớm cũng nên học.


    Camera

  4. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    ChanNhoiBong (22-06-2011)

  5. #12
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    CAMERA

    Một phút dành cho tưởng tượng

    (TT&VH Cuối tuần) - Cứ sắp đến ngày Tết thiếu nhi (cả dịp Trung thu nữa), là xã hội lại rộ lên vấn đề chăm sóc trẻ.

    Những câu hỏi muôn năm cũ bao gồm: Đồ chơi cho trẻ ra sao? (rất nhiều là đồ chơi Trung Quốc độc hại), thực phẩm cho trẻ thế nào (hôm nọ có nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia bảo không an toàn, nhiễm kim loại nặng, nhiễm chì quá mức cho phép nhiều lắm)…, càng hỏi lắm càng lo lắng nhiều. Việc học báo động thường trực rồi, việc chơi cũng đầy bất ổn, chẳng có chỗ nào chơi cho ra hồn. Việc giải trí thì đúng quy định là nhạt nhẽo, sai quy định là nguy hại… Tóm lại, làm trẻ em bây giờ không vui lắm.

    Người ta bảo trẻ em bây giờ đủ đầy quá, nên một trong những lý do làm tuổi thơ có phần kém đi một số niềm vui ấy là vì trí tưởng tượng của trẻ không còn phong phú như xưa. Nhưng cần phải biết, một khi bọn trẻ vẫn say đắm cậu bé phù thủy Harry Potter, chú mèo máy Doremon và một số nhân vật tương tự (chuyện này kiểm định cực dễ, chỉ cần căn cứ vào doanh thu của hai NXB in hai cuốn truyện này là đủ) thì trí tưởng tượng của trẻ vẫn chưa cạn kiệt. Nếu có bị vơi bớt phần nào, thì đó là bởi người lớn.

    Trẻ em nhìn vào môi trường sống của mình, thắc mắc... Như thắc mắc mới đây của em Phạm Thị Mẫn được đăng tải trên mạng VietNamNet, tựa đề là: Cô ơi, sao giả dối vẫn ngang nhiên trong trường. Em Mẫn viết: Giờ học ầm ầm như cái chợ vẫn được điểm 10 vì thầy cô nể nhau. Một số thầy cô thực tập lên lớp còn lúng ta lúng túng, thậm chí dạy sai cả kiến thức, nhưng nghe thầy hiệu trưởng công bố kết quả xếp loại thì vẫn thấy những thầy cô ấy đạt loại xuất sắc! Hàng ngày thầy cô sa sả mắng học trò dốt nát, nhưng cuối năm vẫn cứ 70% học lực khá giỏi, 90% hạnh kiểm tốt, tốt nghiệp vẫn 100%. Thầy cô luôn dạy chúng em phải trung thực, nhưng trước khi thi tốt nghiệp, thầy cô lại dặn phải gây thiện cảm với giám thị, nếu là bạn trường mình thì phải “giúp đỡ”, nhưng với trường ngoài thì tuyệt đối không để cho “người ta” nhìn bài. Tại sao lại thế hả cô? Chính thức, thì thầy cô cả nước nên tổ chức hội thảo về bức thư này. Bởi lâu lâu cứ phải dùng trí tưởng tượng quá nhiều cho những lời giải đáp, tạm gọi là tưởng tượng hộ, nên hệ lụy tất nhiên là người lớn đã làm thui chột trí tưởng tượng của trẻ.

    Mà phân tích nhiều cũng chẳng thể thuyết phục bằng vụ quái thú ăn thịt 20 con chó ở Quảng Ngãi mới đây. Từ thuở con người thành homo sapien, lịch sử chăn nuôi gia súc gia cầm lâu lắm mới có một dòng bi thảm như vậy. Con lợn rừng (nuôi) nặng ngót tạ chết tội nghiệp quá. Chết vì tình, do bạn gái bận nuôi con. Chết vì to (nặng một tạ cơ mà). Chết vì oan ức…, song rốt cục là chết bởi sự tưởng tượng của một số người. Huyền thoại quái thú khủng khiếp đã khép lại lãng nhách như vậy, hỏi bọn trẻ con còn lòng dạ nào mà tưởng tượng…

    Kể nữa dài dòng. Tạm khép lại clip này bằng một tưởng tượng là sang năm, báo chí thôi không hỏi Hè này trẻ em chơi ở đâu?


    Camera

  6. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    ChanNhoiBong (22-06-2011)

  7. #13
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    CAMERA

    Lại chuyện học hành thi cử

    (TT&VH Cuối tuần) - Mấy hôm nay lũ trẻ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, để tháng sau thi vào đại học. Khổ, trời thì nắng, mấy hôm đi sờ đầu rùa chẳng biết có may mắn gì không? Thí sinh lo một, bố mẹ thí sinh lo mười, nhưng dù bố mẹ lo lắng lễ lạt đủ đường đủ nơi rồi, chợ phao vẫn cứ rộn ràng với con, cho chắc. Tình cảnh hoa phượng đỏ trời đối với phao rơi trắng đất mùa thi năm nào cũng vậy. Camera thực sự hoang mang lắm mỗi mùa thi.

    Thi năm nay, có chuyện gây dư luận từ lúc bắt đầu đăng ký hồ sơ tuyển sinh, là khối C chưa đến 5% số hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Người ta thống nhất rằng điều này bố cáo tình trạng mất cân bằng tinh thần trong xã hội. Một giáo sư khả kính đã coi đây là sự xuống cấp của văn hóa. Và đương nhiên là bất bình thường.

    Một khi, như giáo sư phân tích: Chúng ta đang phải sống trong môi trường nhiễm độc bởi không khí kiếm tiền, làm giàu và tiêu tiền... Khi mà một vé xem ca nhạc là 4 triệu đồng, bằng 1 tháng lương hưu của một giáo sư đại học. Đó là sự bất công, là nghịch lý đến khó hiểu. Với một xã hội như thế tất yếu sẽ tạo nên tâm lý phải đi kiếm tiền. Vào tài chính, ngân hàng thì lương 10 - 20 triệu đồng/tháng, còn vào sư phạm với lương 2 - 3 triệu đồng mà xin việc lại khó thì tất nhiên chẳng ai muốn vào. Điều đó tạo ra trong xã hội tâm lý không bình thường chút nào và nó hủy hoại tất cả những ước muốn lành mạnh và trong sáng. Mà một khi người ta không lành mạnh trong sáng, người ta không thi khối C!
    Giáo sư chắc chắn… nhầm. Cực kỳ lành mạnh và hồn nhiên, chẳng cần khối C, thi hay là học. Làm như ở Việt Nam cứ phải học khối C mới có ước muốn lành mạnh và trong sáng, mới biết làm thơ viết văn… Nếu ông thử đặt chân đến một nơi gọi là Đại Nam Văn Hiến, ông sẽ thấy thơ, văn, câu đối tràn ngập nơi nơi. Phần lớn văn thơ ở đây… không cần vần điệu. Một tờ báo nhận định: sai cơ bản về gieo vần, thanh điệu, rỗng tuếch về nội dung mà còn hỏng về mặt kiến thức một cách nghiêm trọng, Camera mới đọc vài bài tí nữa ngã lăn xuống ghế. Đại khái thế này: Về thăm văn hiến trầm hương, lung linh 18 đời vương Đại Hùng. Về thăm văn hiến Nhị Nùng, khi về chở cả trống đồng hạo nhiên”. Loại thơ này, viết chữ lớn, sơn son thếp vàng treo to tướng, rồi in thành sách, chép ra đĩa… Ông chủ ở đây chính là tác giả biển thơ này. Ông ta có thể học khối C hoặc không, nhưng ông ấy có tiền và ông ấy muốn làm gì thì làm, kể cả làm thơ!

    Nữa, tấm bia thiêng liêng khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Lũng Cú, cực Bắc Tổ quốc, còn viết sai chính tả. Người ta lên được Lũng Cú vất vả khó khăn để nhìn thấy một tấm bia có thể làm đỏ mặt nếu đi cùng một bạn nước ngoài. Tấm bia ấy cũng chỉ tương đương về độ thiêng liêng với tấm bia ghi tên doanh nghiệp gần đấy. Viết sai ở đâu chẳng viết, nhằm đúng bia chủ quyền để sai. Mà sai không bị sửa… Khối C có đóng vai trò gì ở đây không?

    Nhìn trẻ con chen chúc khổ sở đi thi, tự dưng chẳng muốn nói gì!


    Camera

  8. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    ChanNhoiBong (22-06-2011)

  9. #14
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    CAMERA

    Tiền tỷ

    TT&VH Cuối tuần) - Có một ngày như Chủ nhật vừa rồi, để hiểu “sóng biển Đông trong tâm hồn người Việt” ào ạt và mạnh mẽ thế nào. Tinh thần yêu nước vẫn luôn tồn tại và hiện hữu, ngay từ những bộc lộ nhẹ nhàng thôi, kiểu như đi bộ…

    Theo Camera, tinh thần yêu nước đáng coi trọng ấy cần và nên thể hiện thêm nhiều chỗ khác nữa. Chẳng hạn, như sách vẫn nói yêu nước là phải làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh (còn làm thế nào cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh thì tầm vĩ mô, Camera không nói được). Trong vô vàn những việc có thể làm để bày tỏ lòng yêu nước, trong hoàn cảnh hiện nay, điều Camera hay được nghe, là phải thực hành tiết kiệm.

    Tiết kiệm, như bản thân mình thì là chuyện đã đành, một khi giá cả mỗi ngày một leo thang. Nhưng mình tiết kiệm thì đáng bao nhiêu. Tiết kiệm được vài triệu bạc là cùng, mỗi gia đình người dân may ra làm được vậy. Bàn chuyện tiết kiệm nên bàn ở những dự án tiền nhiều như nước. Chẳng hạn, “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015” mà một giáo sư đưa lên báo rằng sẽ có kinh phí thực hiện khoảng bảy mươi ngàn tỷ đồng (Camera thử ngồi viết con số này ra giấy, viết mãi vẫn không đúng vì dãy số O đằng sau quá dài) đang gây nhiều băn khoăn cho những ai quan tâm giáo dục mấy hôm nay. Mà nói “những ai”, chứ thực ra là cả xã hội, nhà nào chẳng có trẻ em đi học, không con thì cháu. Giáo dục cứ đổi mới luôn luôn, mãi vẫn chưa ổn, nên nhiều ý kiến bàn ra tán vào lắm về số tiền khổng lồ ấy. Cũng may, một giáo sư khác cụ thể hơn cho biết 70.000 tỷ đồng ấy không phải chỉ để biên soạn chương trình sách giáo khoa mới mà còn dự kiến cho nhiều hạng mục khác của đề án như xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, đào tạo giáo viên... Kinh phí dành cho việc đổi mới sách giáo khoa chỉ có 962 tỷ đồng. Nhưng gì thì gì, 962 tỷ đồng cũng là lớn.

    Lớn hàng nghìn tỷ, tất nhiên còn nhiều dự án nữa. Cái Bảo tàng Hà Nội mới hoạt động dạo tháng 10 năm ngoái nhân 1.000 năm Thăng Long giờ đã có những dấu hiệu xuống cấp như thấm nước, hiện vật trưng bày hư hỏng. Do vậy, dù nghe nói người thăm chẳng mấy (phần trưng bày đã hoàn thiện đâu), nhưng bảo tàng sẽ được đầu tư thêm 760 tỷ đồng để hoàn thiện, nâng tổng mức đầu tư lên 2.800 tỷ đồng. Xót thì rất xót bởi tiền Nhà nước cũng là tiền do dân - tức là do mình, đóng góp. Nhưng chẳng biết làm gì khác ngoài xót, nên nói nữa vẫn thế mà thôi.

    Vả lại, vấn đề đâu chỉ là bao nhiêu nghìn nghìn tỷ. Đầu tư cho giáo dục, cho văn hóa, nếu đích đáng, càng lớn thì càng mừng. Camera chỉ nghĩ là bày tỏ lòng yêu nước đến đâu, chăm lo cho lớp trẻ đến đâu, cũng chẳng thể đem lại kết quả như ý, nếu ngày nào trên mạng cũng quá nhiều tin phản văn hóa, phản giáo dục: Em rể cô bảo mẫu xâm hại bé gái 4 tuổi hoặc Tối thứ Bảy tuần trước, một bé gái 8 tuổi đã bị một gã thanh niên trẻ tuổi hãm hiếp trong nhà vệ sinh tại bữa tiệc cưới (việc này tận Malaysia); hay bình luận “ngỡ ngàng” vì vòng một của siêu mẫu 13 tuổi Bảo Trân… hàng chục tin kiểu đó mỗi tuần, đầy trên các báo chính thống. Để câu view một cách rẻ tiền, đến cả trẻ em cũng là đối tượng.

    Cái đang bị lãng phí và hủy hoại nhất, chính là nhân cách!

    Camera nghĩ, yêu nước chính là phải chăm lo giáo dục lớp người sau này làm chủ đất nước. Nghìn nghìn tỷ liệu có cứu được sự xuống cấp của cả môi trường văn hóa giáo dục hiện nay không?

    Tìm chưa thấy câu trả lời ở đâu. Thì đọc được “Kiều Trinh thách trả nửa tỷ cho ai phát hiện mình ngực giả”.

    Camera khóc!


    Camera

  10. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    ChanNhoiBong (22-06-2011)

  11. #15
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    CAMERA

    Đáng là bao?

    (TT&VH Cuối tuần) - Cả tuần nay, đề án trị giá 70 nghìn tỷ của Bộ Giáo dục & Đào tạo về “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” dù phân tích thế nào, dù được coi mới chỉ là bản nháp vội, không khả thi… thì cũng vẫn cứ làm người ta đồng loạt phản ứng.

    Lạ thế, ai nghe cũng thấy phải góp lời bình luận. Từ báo (giấy và mạng) đến các nhà khoa học, giáo viên, học sinh… đâu đâu cũng bàn 70 nghìn tỷ. Như thể số tiền đó đang bày ra trên bàn, sắp chia thành nhiều món, mà vẫn chưa biết món nào cần hơn món nào…

    Camera thoạt đầu cũng choáng với con số 70 nghìn tỷ. Cũng phải, 70 nghìn tỷ viết hết các số 0 cũng mỏi tay, nghĩ cũng mỏi đầu, là một con số quá lớn! Nhưng khi đã được nghe rõ là trong số đó, dành cho sách giáo khoa có 962 tỷ thôi, mà con số 962 tỷ ấy cũng chỉ để làm được hơn 1km đường Kim Liên thôi. Thì sự choáng về tiền suy giảm hẳn.

    Vậy thì, đừng bàn về tiền mà hãy bàn về giáo dục. Chẳng nơi đâu, có lẽ vậy, sự học được đề cao như nước mình. Hôm trước, đọc báo thấy chuyện một bà cụ 70 tuổi sống tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, suốt bốn năm lê thân hình gầy ốm ăn mặc rách rưới đi ăn xin để nuôi một đứa cháu không phải ruột thịt cho nó lên đại học. Cháu vào đại học mở rồi, tất nhiên là bà đi ăn xin tiếp, mà phải xin được nhiều hơn nữa, vì học đại học chắc chắn tốn kém hơn hồi rau cháo ở nhà. Tiền trọ, tiền ăn, tiền học, giấy vở sách bút một năm ít nhất cũng tới cả chục triệu đồng, không biết bà xin thế nào? Cô gái 20 tuổi hẳn cũng coi đại học là con đường duy nhất thoát nghèo cho hai bà cháu, nên đành lòng mà cầm số tiền bà ăn xin nuôi mình lên thành phố… Người đọc báo chạnh lòng muốn hỏi: học đại học để làm gì khi bà phải đi ăn xin? Sao không ăn xin nuôi bà nếu không biết làm gì khác? Còn nếu lành lặn khỏe mạnh thì nên kiếm việc làm trước, học sau, chưa nuôi được bà thì cũng nên tự lo cho mình, đừng bắt bà cụ lê bước ngửa tay từng ngày. Người được đi học biết đạo nghĩa ai làm thế?

    Để cứu đạo nghĩa, cũng là vì nền giáo dục? Nhà nước sẽ cần bao nhiêu tiền? Camera cứ vơ vẩn tự hỏi. Nhất là mấy ngày nay giá thực phẩm tăng quá, không biết bà cụ ăn xin thế nào? Người nghèo đông lắm, mà báo chí thì vẫn cứ tung tăng đưa mấy tin óng ánh màu vàng: triệu phú mua nhà 500 tỷ, Lý Nhã Kỳ diện hoa tai 7 tỷ, đại gia ngày nào cũng ăn rùa vàng 8,5 triệu/kg hoặc đầu bếp với thực đơn 80 triệu/người… Hóa ra so thế phở 800.000 đồng/bát vẫn là thức ăn con nhà nghèo!

    70 nghìn tỷ, so thế, cũng đáng là bao?


    Camera
    Last edited by eMông; 21-06-2011 at 09:26 PM.

  12. The Following 2 Users Say Thank You to eMông For This Useful Post:

    Casper_HN (21-06-2011), ChanNhoiBong (22-06-2011)

  13. #16
    Banned ChanNhoiBong's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    225
    Thanks
    733
    Thanked 64 Times in 36 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi eMông Xem bài viết
    CAMERA

    Tiền tỷ

    TT&VH Cuối tuần) [I]
    Cái Bảo tàng Hà Nội mới hoạt động dạo tháng 10 năm ngoái nhân 1.000 năm Thăng Long giờ đã có những dấu hiệu xuống cấp như thấm nước, hiện vật trưng bày hư hỏng. Do vậy, dù nghe nói người thăm chẳng mấy (phần trưng bày đã hoàn thiện đâu), nhưng bảo tàng sẽ được đầu tư thêm 760 tỷ đồng để hoàn thiện, nâng tổng mức đầu tư lên 2.800 tỷ đồng.
    hôm trước buồn quá chẳng biết làm j, em đi vào xem cái bảo tàng Hn xem nó thế nào, chẳng có ai cả, vào cửa đã thấy chán rồi, gì mà tiền tỷ với tiền tấn, đút vào túi các ông nào hết rồi hay sao ấy, đến cái tủ giữ đồ còn ko có, phải để đồ lên cái bàn gỗ, nản hẳn luôn

  14. #17
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    CAMERA

    Lộ diện và phát sốt

    (TT&VH Cuối tuần) - Đã qua ngày báo chí, những lời chúc mừng coi như cất ngăn kéo sang năm lôi ra tái sử dụng. Sáng nay Camera bị một độc giả không quen tên biết mặt bỗng dưng gọi gửi mail đến, lời lẽ như mắng: Tôi cứ tưởng báo chí làm được việc gì tử tế nên đã gửi bài cho chị, đợi mãi, ba ngày rồi không trả lời trực tiếp cho tôi là có đăng được hay không? Bài tôi là bài phản ánh cuộc sống tinh thần mệt mỏi vất vả của những người bán thực phẩm chức năng bị mang tiếng lừa đảo…, các chị chỉ chú ý tin tức đâu đâu thôi, quan tâm gì đến người dân.

    Camera ngạc nhiên lắm. Mọi khi độc giả này, do thấy tên không có chữ Thị, nên vẫn gọi Camera là anh và Camera… kệ. Sao hôm nay chị biết tôi là chị chứ không phải anh? Tại chị lộ diện rồi, hôm qua chị trả lời trực tuyến về xin đừng “play hóa” báo chí. Tôi biết chị là ai rồi. Thư trả lời như vậy.

    Lộ diện đúng là phiền!

    Thế mà hôm nay, trên báo nhặt ra đến mươi chữ lộ diện chứ không ít. Sẽ kinh khiếp nữa nếu vào Gúc gõ “lộ diện” 51.600.000 kết quả cho 0,17 giây. Nhan nhản lộ diện khắp nơi. Nokia, Apple lộ diện phiên bản mới - thế đã đành. Lộ diện “kỷ vật tình yêu” Thanh Thảo - Bình Minh; Lộ diện người thứ ba của Tăng Thanh Hà… Giật gân nhất là: Con trai Hà - Cường lộ diện. Vào đúng ngày lễ thôi nôi, hình ảnh “cục cưng” của gia đình Hà Hồ - Cường đô la đã bị lộ ra trên mạng xã hội. Thông tin này đang khiến cho cư dân mạng gần như “phát sốt”. Tấm ảnh đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt, và cậu bé được khẳng định là con trai Hà Hồ. Thằng nhỏ vừa đầy một tuổi bị đem ra soi miệng giống ai, mắt giống ai, để khẳng định đúng là đã được sinh ra bởi chính mẹ nó. Kinh hãi thật! Cũng điêu toa thật, cư dân mạng nào phát sốt? - cứ như mỗi “cư dân mạng” đều phải cặp nách một cái nhiệt kế! Đứa trẻ một tuổi được tổ chức sinh nhật, khách khứa đầy mà cứ bí hiểm như nhân vật quyền lực nào mới được tái sinh để thay đổi thế giới. Camera đọc tin mà thấy... phát sốt.

    Nhưng phát sốt, hỡi ơi, cũng là từ câu khách của truyền thông. Ảnh đứa bé một tuổi làm cư dân mạng phát sốt, cư dân mạng cũng phát sốt vì vẻ đẹp của một cô gái 22 tuổi mà như 7 tuổi. Một cô gái Trung Quốc đã trang điểm biến hóa trông như “ngọc nữ” 7 tuổi, với cặp mắt to tròn ngơ ngác và đôi môi căng mọng. Nhưng sự thực cô gái này đã 22 tuổi… Bảo Trân cũng làm phát sốt, cô người mẫu nhí 13 tuổi ấy, vì vòng 1… Phát sốt nhiều đến mức có cảm giác cả mạng đang ấm đầu.

    Sau khi bình tĩnh lại để ý thức rằng sự lộ diện của mình cũng không sao, vì mình rất tầm thường, không thuộc hàng sao, xa cách đám chân dài ngực khủng một khoảng cách dài hàng km nên không cần phát sốt làm gì. Vấn đề còn lại là chẳng biết vì sao báo chí càng ngày càng lộ diện nhiều cây bút chẳng có tý tẹo tự trọng nào như thế. Chui rào viết bài cũng phải chọn rào mà chui chứ, loanh quanh mấy cái nhà đại gia mà miệt mài nhòm ổ khóa. Họ có đọc lại xem mình viết gì không? Nếu xem, sao không phát sốt đi!


    Camera
    Last edited by eMông; 12-07-2011 at 11:02 AM.

  15. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    ChanNhoiBong (12-07-2011)

  16. #18
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    CAMERA

    Học gian lận, láu cá

    (TT&VH Cuối tuần) - Người Việt ta có rất nhiều thứ phải học hỏi người phương Tây, trừ sự gian lận, láu cá...

    Camera tôi nghĩ rằng, không chỉ bởi vì đó là những thói xấu, cần hạn chế nhập khẩu, mà còn vì, những cái đó chúng ta (hay một bộ phận trong chúng ta) đã có thừa, thậm chí còn làm lây lan sang người khác. Nhiều người Việt còn đem xuất khẩu những thói xấu đó qua con đường “tiểu ngạch” khi sống ở hải ngoại…

    Vì thế, Camera tôi rất bất ngờ khi biết người phương Tây lại có tham vọng muốn xuất khẩu một số trò láu cá sang bên ta. Họ viết ra thành văn bản hẳn hoi, “cài cắm” vào trong một bộ sách, nghe nói là đồ sộ và mang đầy tính giáo dục. Ban đầu nghe tin này tôi hơi hoảng, nhưng sau khi đọc kỹ, tôi lại có suy nghĩ khác. Trước hết, tôi không tin những đối tác xuất bản ở bên ta lại ẩu đến nỗi chẳng “kiểm hóa” bộ sách ngoại, cứ thế dịch nguyên xi… ra thành sách, phát hành rộng rãi cho con cháu làm dư luận tá hỏa… Tôi ngờ rằng hình như họ có ý đồ gì đây?



    Bộ sách Kiến thức cho thiếu nhi có nội dung dạy trẻ em "Làm thế nào để gian lận?"

    Thật vậy, bộ sách Kiến thức cho thiếu nhi gồm 3 tập, được giới thiệu rằng hơn 1 triệu bản đã bán trên thế giới và tái bản nhiều lần ở Anh, Mỹ cùng một số nước. Tác giả là hai ông Tây Matthew Morgan và Samatha Barnes. Khi giải đáp một câu hỏi mà rất nhiều học trò, đặc biệt là các sĩ tử xứ ta trong mùa thi tới rất quan tâm, ấy là “Làm thế nào để gian lận”? Hai tác giả Tây đã quá tự tin khi bật mí các mẹo mực sau: Thu tất cả các câu trả lời vào máy thu âm và nói với cô giáo rằng bạn đang cố giảm bớt căng thẳng bằng cách nghe nhạc qua tai nghe. Viết đáp án lên tay áo của bạn. Dán bìa sách giáo khoa lên bìa sách hướng dẫn giải bài tập và dùng nó như sách giáo khoa. Kết bạn với một bạn học khác lớp, người đã làm bài kiểm tra ấy trước đó...
    Dư luận bất bình vì cuốn sách “dạy nói dối” này. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Camera tôi nghiệm ra rằng đây đúng là phần non yếu nhất trong bộ sách, nhưng không chỉ vì nội dung của nó “phản giáo dục” mà vì hai tác giả Tây kia đã đánh giá quá thấp trình độ gian lận của học trò ở xứ ta, cho nên lên mặt dạy dỗ về những điều sơ đẳng đó. Nếu rỉ tai các trò láu cá này cho một bộ phận học trò luôn vượt qua các kỳ thi nhờ gian lận thì chắc chắn chúng sẽ bật cười vì sự ngô nghê, ngốc nghếch và xưa cũ như trái đất…

    Đất nước ta, do điều kiện thi cử khắc nghiệt và do giám thị ngày càng tinh khôn ra, cho nên trình độ láu cá và gian lận trong thi cử của các học trò càng ngày càng tới mức “thượng thặng” mà ít nhiều báo chí cũng đã biết. Chẳng hạn buộc phao vào dây chun và cột dây chun vào trong áo lót, quần lót. Giám thị đến gần, lập tức buông tay cho dây chun bật lại, kéo cục phao chui tọt vào... chỗ không thể khám xét. Hoặc sử dụng các thiết bị máy truyền tin tinh vi gắn vào tai, giấu dưới tóc… Chả thế mà năm nào sau mùa thi, không chỉ giám thị mà cả cơ quan công an cũng phải đau đầu đối phó với những thủ đoạn gian lận công nghệ cao của đám học trò.

    Bởi thế Camera tôi nghĩ rằng, những trò gian lận, láu cá trong cuốn sách của mấy ông Tây kia gần như “vô hại” đối với nền thi cử khắc nghiệt của nước ta, và bộc lộ sự non kém trong trình độ gian lận của học trò phương Tây. Hỡi các nhà kinh doanh sách, sau khi “tạm nhập” cuốn sách này, các vị có thể dấn lên một bước nữa, bổ sung những trò gian lận thượng thặng của học trò xứ ta, rồi đem “tái xuất” bộ sách đã được “Việt hóa” này sang bên Tây, đảm bảo sách của các vị sẽ đắt như tôm tươi. Các vị sẽ được một vốn bốn lời, hơn gấp mấy lần lợi nhuận từ việc nhập khẩu nguyên xi cuốn sách này.


    Camera

  17. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    ChanNhoiBong (12-07-2011)

  18. #19
    Phát ngôn viên eMông Group eMông's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    3,138
    Thanks
    1,066
    Thanked 3,375 Times in 1,082 Posts
    CAMERA

    Những lý do tuyển người theo vòng một

    (TT&VH Cuối tuần) - Lại chuyện vòng một! Báo chí chẳng đã bão hòa chuyện này, nói làm gì nữa! Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ vì việc 12 cô giáo dự xét tuyển viên chức giáo dục mầm non ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ), dù có điểm số vượt trội so với các thí sinh khác vì công tác tại trường theo diện hợp đồng lao động hơn chục năm, lại là người dân tộc thiểu số, mà lại bị loại với lý do “Giấy khám sức khỏe thiếu chỉ số thể lực”..., cụ thể là trượt vì số đo vòng ngực mà Camera bỗng dưng muốn bàn về vòng 1. Dù sao cũng phải công nhận rằng trong việc đánh giá con người (chủ yếu là phụ nữ) số đo vòng ngực đúng là một yếu tố cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa lớn lao tỷ lệ thuận với số cm. Đây không đơn giản về mặt hình thể, mà còn là tài năng, nhân cách và nhiều thứ nữa. Cả một buổi truyền hình trực tiếp về vị đại tướng lẫy lừng mà điểm nhấn quan trọng lại là vòng 1 của một cô diễn viên… Tiếc thay dư âm của một vở kịch lịch sử lại là chuyện vòng 1 của nữ diễn viên phụ

    Ngực bé không được dạy học đúng là chuyện cực kỳ khôi hài. Nhưng sau chuyện ngực bé không được đi xe máy của Bộ Y tế trước đây, vụ này chẳng có gì xuất sắc hơn. Hàng trăm ý kiến sau bài báo đưa tin này nói trên có chung thái độ là phẫn nộ. Nhưng phẫn nộ mấy cũng nên nhìn nhận theo hướng lạc quan hơn một tẹo, rằng như vậy chẳng bao lâu nữa là miền ngược tiến kịp miền xuôi. Với giáo viên dạy mầm non, vấn đề số đo vòng 1 rõ ràng quan trọng, vì nó đặt nền móng cho việc phát triển nhân cách trẻ em. Gì thì gì, cô giáo mầm non có vòng 1 hoàn hảo cũng gây ấn tượng thẩm mỹ tốt cho các cháu! Đặc biệt cho cha mẹ các cháu (nếu mẹ các cháu tự dưng biến thái và quan tâm đến giáo viên của con chỉ ở số đo hình thể) !!!

    Cứ hình dung xem, ít lâu nữa, Phú Thọ hoặc địa phương xa xôi nào khác cũng sẽ có những trường mầm non sang và xịn như Thủ đô bây giờ. Những nơi ấy, nộp thêm mỗi tháng một triệu đồng là bố mẹ ngồi đâu cũng quan sát được con vì lớp học nào cũng gắn camera nối với máy tính bố mẹ. Nhìn con mãi có thể chán, vì nói chung, trẻ thì ăn nghịch, ngồi bô rồi ngủ… đơn điệu lắm. Lúc ấy nhìn gì nữa nào? Nhìn cô giáo chứ còn gì nữa! Lý do vì sao vòng 1 quan trọng là như thế. Về điều này, Camera nghĩ rằng đừng nên trách ngành giáo dục huyện nọ nhiều quá. Có ai chịu trách nhiệm về hành vi của ai nữa không, một khi xã hội mặc nhiên công nhận đạo đức ngày càng tha hóa và những chuẩn mực về con người đang xô lệch đến mức không kiểm soát được?

    Vấn đề là trước khi có thể nộp một triệu mỗi tháng như các bậc cha mẹ thành phố làm, cốt để tìm hiểu xem ở lớp, đứa con bé bỏng của mình thỉnh thoảng có bị ăn đòn hoặc dán băng keo vào miệng hay không - nhu cầu này chính đáng hoàn toàn - thì nên nghĩ thế nào để các cô giáo miền xa có thêm một triệu đồng thu nhập một tháng để sống qua cơn bão giá. Lo được chuyện ấy xong, các nhà quản lý ơi, hãy nghĩ đến chuyện tuyển dụng dựa vào số đo các vòng 1, 2, 3!


    Camera

  19. The Following User Says Thank You to eMông For This Useful Post:

    ChanNhoiBong (12-07-2011)

  20. #20
    Banned ChanNhoiBong's Avatar
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    225
    Thanks
    733
    Thanked 64 Times in 36 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi eMông Xem bài viết
    CAMERA

    Những lý do tuyển người theo vòng một

    (TT&VH Cuối tuần) [I] Cả một buổi truyền hình trực tiếp về vị đại tướng lẫy lừng mà điểm nhấn quan trọng lại là vòng 1 của một cô diễn viên… Tiếc thay dư âm của một vở kịch lịch sử lại là chuyện vòng 1 của nữ diễn viên phụ

    Camera
    Đùa chứ đã ai xem cái clip này chưa ạ, bưởi ko thể tả nổi, chết cười

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình