PDA

View Full Version : Nói sao cho con nghe - Nghe sao cho con nói



Na chín
13-06-2013, 05:45 PM
eMông nhà mình chơi với nhau cũng đã được hơn 5 năm. Gặp nhau từ thời còn thanh niên trai trẻ, đến giờ đã có nhiều người lập gia đình và có con, con cái nhiều người cũng đã và sắp đến cái giai đoạn lên 3 "khủng hoảng", với sự bướng bỉnh và dễ tổn thương đặc trưng của lứa tuổi.

Mình cũng là một người như thế. Con mình sắp lên 3 và nhiều lúc, mình ko làm sao có thể kiềm chế mình để khỏi cáu gắt, khỏi quát mắng, khỏi cư xử xấu với con. Trong khi lang thang trên internet để tìm những kinh nghiệm và chia sẻ của các nhà giáo dục, của các bậc cha mẹ khác, mình tìm thấy quyển sách này How to Talk So Kids Will Listen & Listen So Kids Will Talk của tác giả Adele Faber và Elaine Mazlish, đã được một bạn có nick là mecudau trên webtretho dịch ra tiếng Việt. Chắc cũng còn rất nhiều sách khác bàn và đưa ra giải pháp trong trường hợp này, nhưng quyển này mình đã đọc và thấy rất hay. Mình cũng đã áp dụng thử một số biện pháp được đề cập đến trong sách và thấy có tác dụng.

Vì thế, mình định sẽ copy&paste phần dịch cuốn sách đó ra đây. Hy vọng những Mông dân đã làm cha làm mẹ, những Mông dân có con đang ở trong lứa tuổi ương bướng, nói ko chịu nghe sẽ tìm được đôi điều có ích.

Na chín
13-06-2013, 05:51 PM
How to Talk So Kids Will Listen & Listen So Kids Will Talk
By Adele Faber, Elaine Mazlish


MỤC LỤC

CHƯƠNG I......GIÚP TRẺ THÍCH ỨNG VỚI CẢM XÚC CỦA MÌNH
CHƯƠNG II.....KHUYẾN KHÍCH SỰ HỢP TÁC
CHƯƠNG III....GIẢI PHÁP THAY THẾ CHO TRỪNG PHẠT
CHƯƠNG IV....KHUYẾN KHÍCH SỰ ĐỘC LẬP
CHƯƠNG V.....KHEN NGỢI
CHƯƠNG VI....GIẢI PHÓNG TRẺ KHỎI VAI DIỄN
CHƯƠNG VII...TỔNG HỢP

Na chín
13-06-2013, 05:54 PM
CHƯƠNG I. GIÚP TRẺ THÍCH ỨNG VỚI CẢM XÚC CỦA MÌNH

Phần 1

Tôi đã từng là một phụ huynh tuyệt vời trước khi tôi có con. Tôi đã từng là một chuyên gia về những vấn đề nuôi dạy con cái của người khác. Nhưng giờ tôi có ba đứa con.

Nuôi dạy trẻ em phải rất thực tế. Mỗi sáng tôi lại tự nhủ “Hôm nay sẽ là một ngày khác” và quả thật không buổi sáng nào giống buổi sáng nào: “Mẹ cho chị nhiều hơn con!”, “Đây là cốc hồng, con muốn cốc xanh”, “Ngũ cốc này trông phát kinh”, “Anh ý đấm con”, “Con chưa sờ vào nó”, “Con không về phòng, mẹ không phải là sếp của con!”.

Bọn trẻ làm tôi phát ốm. Và cuối cùng tôi cũng làm điều mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm, tôi gia nhập một nhóm cha mẹ. Nhóm này gặp nhau tại một trung tâm giáo dục trẻ em gần nhà và có một nhà tâm lý học làm điều phối, Bác sỹ Haim Ginott.

Buổi gặp rất thú vị. Chủ đề về “Cảm xúc của trẻ” và kéo dài 2 giờ. Tôi về nhà đầu óc quay cuồng với những ý tưởng mới và đầy những ghi chép về các ý tưởng còn chưa suy nghĩ hết:

- Kết nối trực tiếp giữa việc trẻ em cảm thấy thế nào và hành động thế nào.
- Khi trẻ cảm thấy đúng, chúng sẽ xử sự đúng
- Làm sao chúng ta giúp chúng cảm thấy đúng?
- Bằng cách chấp nhận cảm xúc của chúng.

Vấn đề là: Cha mẹ không phải lúc nào cũng chấp nhận cảm xúc của trẻ. Ví dụ: “Con không thực sự thấy như thế”; “Con chỉ nói thế vì con mệt”; “Không có lý do gì để chán cả”… Việc người lớn liên tục phủ nhận cảm xúc của trẻ có thể làm trẻ bối rối và tức giận. Và khiến trẻ không nhận thức được chính xác cảm xúc của mình, không tin tưởng vào chính chúng.

Sau buổi gặp ở hội, tôi tự nhủ “Có lẽ những cha mẹ khác mới mắc lỗi thế chứ mình thì không”. Rồi tôi bắt đầu chú ý hơn. Và đây là mấy ví dụ về những cuộc nói chuyện ở nhà tôi – chỉ trong một ngày.

Trẻ: Mẹ, con mệt
Mẹ: Sao mà mệt được, con vừa mới ngủ trưa dậy.
Trẻ: (nói to hơn) Nhưng đúng là con mệt
Mẹ: Con không mệt. Con chỉ hơi buồn ngủ. Mặc quần áo vào đi.
Trẻ: (lè nhè) Không, con mệt thật

Trẻ: Mẹ, con nóng
Mẹ: Trời lạnh, con đừng cởi áo len ra
Trẻ: Nhưng con nóng
Mẹ: Mẹ bảo “Con không cới áo len”
Trẻ: Không, con nóng

Trẻ: Chương trình này chán ốm
Mẹ: Không, nó hay đấy chứ
Trẻ: Nó như trò trẻ con
Mẹ: Đâu, nó có tính giáo dục thế còn gì
Trẻ: Chương trình như dở hơi
Mẹ: Con không được nói bậy

Na chín
13-06-2013, 05:56 PM
Bạn có thấy điều gì đang diễn ra không/ Không những tất cả các đoạn nói chuyện của chúng tôi đều trở thành tranh luận, tôi còn liên tục khiến cho trẻ không tin vào nhận thức và cảm xúc của chúng mà phải dựa vào của tôi.

Khi nhìn ra vấn đề, tôi quyết tâm thay đổi. Nhưng tôi thật sự không chắc phải làm thế nào. Và cuối cùng tôi đặt mình vào vị trí của trẻ. Tôi tự hỏi “Nếu tôi thực sự là một đứa trẻ đang mệt, nóng nực, và chán chường”, “Nếu tôi muốn tất cả những người lớn biết rằng tôi đang cảm thấy gì?”

Trong vòng những tuần tiếp theo, tôi cố gắng đặt mình vào suy nghĩ của trẻ và khi đó lời nói của tôi cũng tự điều chỉnh theo. Tôi không cố áp dụng mẹo gì. Tôi cảm thấy mình thực lòng nói “Thế con vẫn cảm thấy mệt mặc dù vừa ngủ xong à”, “Mẹ lạnh, nhưng có thể hơi nóng với con”, “Mẹ có thể thấy là con không quan tâm đến chương trình đó lắm”. Rốt cuộc, tôi và con là hai cá thể riêng biệt, hoàn toàn có thể là chúng tôi có những cảm xúc khác nhau. Không ai đúng hay sai. Mỗi người đều có cảm nhận của mình.

Sau một thời gian, tôi cảm thấy kỹ năng của mình thật sự có ích. Những cuộc tranh luận giữa trẻ và tôi giảm đi đáng kể. Rồi một ngày, con gái tôi bỗng nói “Con ghét bà”, vâng nó đang nói đến mẹ tôi đấy ạ. Phản ứng tức thời của tôi là “Nói như thế thật không hay” rồi tôi nói thêm “Con biết là con không thực sự có ý như thế chứ. Mẹ không muốn nghe những lời như thế thốt ra từ miệng con đâu”.

Đoạn nói chuyện khiến tôi nhận ra một điều. Tôi đã biết chấp nhận phần lớn cảm xúc của trẻ nhưng chỉ cần một đứa nói điều gì đó làm tôi bực mình hoặc lo lắng, tôi lại lập tức trở lại trạng thái ngày xưa.

Na chín
13-06-2013, 05:58 PM
Tôi biết rằng phản ứng của mình không phải hiếm. Ở phần tiếp theo, bạn sẽ thấy những ví du về những câu nói của trẻ thường khiến người lớn phủ nhận. Hãy đọc và viết ra những gì bạn nghĩ cha mẹ có thể nói khi họ phủ nhận cảm xúc của trẻ.

- Trẻ: Con không thích em
- Trẻ: Bữa tiệc sinh nhật của con thật chán (Sau khi bạn đang rất mất công để tổ chức một buổi lễ tuyệt vời
- Trẻ: Con không đeo niềng răng ngu ngốc này nữa đâu. Nó đau lắm. Mặc kệ nha sỹ nói gì thì nói
- Trẻ: Con ghét huấn luyện viên mới. Con chỉ muộn có một phút mà ông ý đã đuổi con khỏi đội rồi

Bạn có thấy mình viết những điều như:

- “Không phải thế. Mẹ biết rằng con thực sự yêu em”
- “Con nói gì thế? Con có một bữa tiệc tuyệt vời – kem, bánh sinh nhật, bóng bay. Được rồi, đấy sẽ là bữa tiệc cuối cùng bố mẹ làm cho con”
- “Niềng răng của con làm gì đau đến thế. Bố mẹ đã tốn bao nhiêu tiền, con phải đeo dù có thích hay không”
- “Con không có quyền cáu HLV. Đấy là lỗi của con. Con đáng nhẽ phải đúng giờ”

Đa phần chúng ta thường nói như trên. Nhưng trẻ cảm thấy như thế nào khi phải nghe những lời như vậy.

Na chín
13-06-2013, 06:01 PM
Để hiểu cảm giác khi cảm xúc của một người bị phủ nhận, hãy thử làm một số việc sau:

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang ở chỗ làm. Sếp của bạn giao cho bạn thêm việc và muốn bạn làm xong vào cuối ngày. Bạn muốn làm ngay nhưng có một loạt việc cấp bách khác chen ngang và bạn quên hẳn. Có quá nhiều việc và bạn còn không có cả thời gian để ăn trưa. Khi bạn và một số đồng nghiệp chuẩn bị rời chỗ làm, sếp bạn tiến đến và đề nghị nộp kết quả. Bạn ngay lập tức giải thích hôm nay bạn quá bận thế nào. Nhưng sếp ngắt lời và hét lên với bạn “Tôi không quan tâm tới lý do. Thế cô nghĩ tôi trả lương cho cô làm gì, để ngồi không cả ngày chắc?”. Khi bạn vừa mở mồm định nói tiếp thì ông ta chặn lại “Thôi” và bước ra thang máy. Các đồng nghiệp giả vờ không nghe thấy gì. Bạn thu dọn hết các thứ và đi về.

Trên đường về nhà, bạn gặp một người bạn và kể lại điều đang khiến bạn chán. Bạn của bạn cố giúp bạn theo tám cách. Khi bạn đọc mỗi cách của bạn bạn, hãy viết lại phản ứng của bạn:

1. Phủ nhận cảm xúc: “Không có lý do gì để chán cả. Ngố mà cảm thấy như thế. Có lẽ bồ chỉ cảm thấy mệt và mọi việc tự dưng quá lên thôi. Mọi việc không tệ như bạn nghĩ đâu. Thôi nào, thư giãn đê”

2. Triết lý: “Nghe này, cuộc sống là thế. Mọi việc không phải lúc nào cũng như ý mình. Chúng mình phải cố gắng dũng cảm chấp nhận. Không có gì là hoàn hảo cả”

3. Lời khuyên: “Bồ có biết mình nghĩ bồ nên làm gì không? Sáng mai, bồ đi thẳng đến phòng sếp và thừa nhận “Ok, tôi biết là mình sai”. Sau đó về hoàn thành việc hôm qua bồ bỏ quên. Cố gắng đừng để những việc nhỏ khác cuốn đi. Và nếu bồ khôn ngoan và muốn giữ công việc, tốt nhất là đừng để những việc tương tự xảy ra nữa”

4. Câu hỏi: “Thế chính xác là những việc gì khiến bồ có thể quên một việc quan trọng như thế?”. “Bồ không thấy là sếp sẽ cáu thế nào nếu bồ không làm ngay việc mà ông ý yêu cầu à?”. “Việc này đã bao giờ xảy ra chưa?”. “Tại sao khi bồ không đi theo sếp mà cố gắng giải thích lần nữa?”

5. Bảo vệ người khác: “Mình có thể hiểu phản ứng của sếp bồ. Ông ý có lẽ đang chịu nhiều áp lực. Bồ may là ông ý cũng ít khi nổi đóa như thế đấy”

6. Thương cảm: “Ồ, tội nghiệp bồ. Tệ quá. Mình cảm thấy tiếc cho bồ quá. Mình có thể khóc lên được”

7. Phân tích tâm lý nghiệp dư: “Bồ có nghĩ rằng lý do thực sự khiến bồ chán là vì sếp bồ như một người cha đối với bồ? Là con, bồ sẽ lo lắng việc làm bố mình thất vọng và khi sếp mắng bạn, nó khiến bạn lại có cảm giác sợ hãi bị chối bỏ. Đúng không?”

8. Thông cảm: “Trời, nghe có việc to chuyện đấy nhỉ. Khổ thân bồ phải chịu mắng trước bao nhiêu người, trong khi bản thân bồ cũng vừa phải trải qua một ngày làm việc vất vả”

Bạn vừa khám phá phản ứng của mình với một số cách nói thông dụng. Giờ tôi muốn chia sẻ với bạn một số phản ứng của bản thân tôi.

Khi tôi buồn hay tổn thương, điều cuối cùng tôi muốn nghe là lời khuyên, triết lý, phân tích tâm lý hay quan điểm của người khác. Những kiểu nói đó chỉ khiến tôi cảm thấy tệ hơn. Thương cảm khiến tôi cảm thấy tự thương hại; câu hỏi khiến tôi cảm thấy phải bảo vệ mình; và đáng ghét nhất là phải nghe rằng tôi không có quyền cảm thấy những gì mà tôi cảm thấy. Phản ứng của tôi đối với phần lớn những kiểu chia sẻ ở trên là “Thôi, quên đi. Đừng nói chuyện này nữa”.

Nhưng nếu có ai thực sự lắng nghe, thực sự thừa nhận nỗi đau của tôi và để tôi nói về những điều khiến tôi đau lòng, tôi sẽ cảm thấy bớt buồn, bối rối và sẽ dễ dàng vượt qua cảm xúc và vấn đề của mình hơn. Tôi thậm chí có thể tự thừa nhận “Sếp mình thường thì cũng công bằng thôi. Mình nghĩ là lẽ ra mình nên làm báo cáo đó ngay.. nhưng mình vẫn không thể hoàn toàn bỏ qua những gì ông ý làm... sáng mai mình sẽ đến sớm và làm ngay báo cáo đó... nhưng khi mình nộp, mình sẽ nói với sếp rằng mình bị tổn thương vì cách sếp nói với mình như thế nào... và rằng nếu sau này sếp có gì chỉ trích thì mình rất mong sếp sẽ chỉ nói riêng với mình thôi”.

Na chín
13-06-2013, 06:04 PM
Chuỗi sự việc này không khác gì với con cái của chúng ta. Chúng cũng có thể tự giúp mình nếu được lắng nghe và thông cảm. Nhưng ngôn ngữ cảm thông không dễ nói. Nó không phải là một phần “ngôn ngữ tự nhiên”. Phần lớn chúng ta lớn lên với cảm xúc bị phủ nhận. Để trôi chảy ngôn ngữ của sự chấp nhận, chúng ta phải thực hành. Đây là một số cách để giúp trẻ xử lý được cảm xúc của mình

1. Lắng nghe một cách chủ ý
2. Thừa nhận cảm xúc của trẻ bằng những từ như “ồ”, “ừ”, “mẹ hiểu”
3. Đặt tên cho cảm xúc của trẻ
4. Cho phép trẻ có những điều ước

Trong vài trang tới, bạn sẽ thấy sự đối lập giữa những phương pháp này và những phương pháp mà người lớn thường phản ứng với trẻ đang gặp phải sự cố.

1. Lắng nghe một cách chú ý

A. Trường hợp 1: (Bố đang xem tivi, con đến nói)

Trẻ: Eric vừa đấm con nên...Bố, bố có nghe con không?
Bố: Có, con nói đi
Trẻ: Thế là con đấm lại nó. Nó đấm lại con. Bố có nghe không?
Bố (vẫn đang xem ti vi): Có, bố nghe từng lời con nói đây.
Trẻ: Không, bố chẳng nghe gì cả
Bố: Bố vừa xem vừa nghe được mà. Con nói tiếp đi.
Trẻ: Thôi, quên đi.

Chẳng có ích gì khi nói với một người chỉ nói là lắng nghe

B. Trường hợp 2: (Bố đang xem tivi, con đến nói)

Trẻ: Eric vừa đấm con nên...Bố, bố có nghe con không?
Bố (quay lại lắng nghe con)
Trẻ: Thế là con đấm lại nó. Nó đấm lại con – còn đau hơn. Nó thật là ích kỷ
Bố (vẫn lắng nghe con)
Trẻ: Bố biết không? Bây giờ con sẽ chỉ chơi với Danny. Bạn ý không đánh người khác

Sẽ dễ dàng hơn nhiều để nói chuyện với bố mẹ thực sự lắng nghe. Đôi khi, sự im lặng cảm thông là tất cả những gì trẻ cần.

C. Trường hợp 3: (Trẻ nói chuyện, mẹ lắng nghe nhưng lại đưa ra câu hỏi và lời khuyên)

Trẻ: Ai vừa lấy mất của con cái bút chì mới màu đỏ
Mẹ: Con chắc là con không làm mất đấy chứ?
Trẻ: Không, nó còn ở trên bàn khi con đi vào nhà vệ sinh mà.
Mẹ: Thế sao con để đồ vương vãi thế. Con đã từng bị lấy cắp đồ rồi. Mẹ vẫn bảo con là phải cất đồ có giá trị vào ngăn bàn. Vấn đề là con không nghe mẹ gì cả.
Trẻ: Ôi, mẹ để con yên đi.

Rất khó để trẻ nghĩ rõ ràng, rành mạch khi bị ai đó chất vấn, trách mắng hay khuyên nhủ.

Na chín
14-06-2013, 02:40 PM
2. Thừa nhận với những từ “ồ, ừ, mẹ hiểu”

A. Trường hợp 1:

Trẻ: Ai vừa lấy mất của con cái bút chì mới màu đỏ
Mẹ: Ồ
Trẻ: Con để nó trên bàn khi con đi vào nhà vệ sinh và ai đó đã lấy nó
Mẹ: ừ
Trẻ: Đây là lần thứ ba con mất bút chì rồi đấy
Mẹ: ừ
Trẻ: Từ giờ, mỗi khi đi ra khỏi phòng, con sẽ giấu bút chì vào ngăn bàn
Mẹ: Mẹ hiểu

Những từ đơn giản như “ồ, ừ, mẹ hiểu” đôi khi rất hữu ích. Những từ như vậy đi kèm với thái độ quan tâm là cách để khuyến khích trẻ tự khám phá suy nghĩ, cảm xúc và có thể tự tìm ra giải pháp.

B. Trường hợp 2:

Trẻ: Con rùa của con bị chết rồi. Sáng nay nó vẫn sống mà
Bố: Thôi đừng buồn nữa con yêu. Đừng khóc. Chỉ là con rùa thôi mà
Trẻ (càng khóc to hơn)
Bố: Thôi, nín đi. Bố sẽ mua cho con con rùa khác
Trẻ (vẫn khóc): Con không muốn con khác
Bố: Thôi con vừa phải thôi chứ

Thật lạ. Khi chúng ta, dù rất nhẹ nhàng, khuyến khích trẻ chối bỏ một cảm xúc tiêu cực, trẻ dường như càn thất vọng hơn.

3. Đặt tên cho cảm xúc

A. Trường hợp 1:

Trẻ: Con rùa của con bị chết rồi. Sáng nay nó vẫn sống mà
Bố: Ôi, không. Thật buồn quá nhỉ.
Trẻ: Nó là bạn của con.
Bố: Ừ, mất một người bạn thật buồn
Trẻ: Con đã dạy nó bao nhiêu trò
Bố: Con và nó đã từng chơi rất vui
Trẻ: Con cho nó ăn hàng ngày
Bố: Con đúng là rất quan tâm đến nó

Phụ huynh thường không phản ứng kiểu này vì họ sợ khi đặt tên cho cảm xúc, họ sẽ làm cho cảm xúc đấy càng trầm trọng. Nhưng thực tế lại ngược lại. Trẻ khi được nghe từ miêu tả cảm xúc của chúng sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều vì cảm xúc bên trong được người khác thừa nhận.

B. Trường hợp 2: (Trẻ nói chuyện với mẹ. Mẹ không đặt tên cho cảm xúc mà lại giải thích)

Trẻ: Con muốn ăn Toastie Crunchies.
Mẹ: Mình không còn nữa con ạ
Trẻ: Con muốn ăn nó
Mẹ: Mẹ vừa nói với con là nhà mình không còn rồi. Con ăn Nifty Crispies nhé
Trẻ: Không (bắt đầu khóc lóc)

Khi trẻ muốn gì mà không thể có, phụ huynh thương phản ứng với những lời giải thích hợp lý, hợp tình tại sao trẻ không thể có. Nhưng thường, chúng ta càng giải thích, trẻ càng bướng bỉnh phản đối

Na chín
14-06-2013, 02:41 PM
4. Cho phép trẻ có những điều ước

A. Trường hợp 1: (Trẻ nói chuyện với mẹ)

Trẻ: Con muốn ăn Toastie Crunchies.
Mẹ: Mẹ ước rằng nhà mình có món đó cho con
Trẻ: Con muốn ăn nó
Mẹ: Mẹ biết là con rất muốn
Trẻ: Con ước rằng con có nó bây giờ
Mẹ: Mẹ ước mẹ có phép thuật để hiện ra một hộp ngũ cốc to đùng loại đấy cho con
Trẻ: Hay là con ăn một ít Nifty Crispies vậy
Mẹ: Ồ

Đôi khi có ai đó thấu hiểu nỗi mong ước của bạn về một điều gì đó sẽ giúp bạn chấp nhận sự thật dễ hơn nhiều


Vậy đó, bạn có bốn cách để giúp đỡ trẻ đang căng thẳng: lắng nghe một cách chú ý, thừa nhận cảm xúc của trẻ bằng từ ngữ, đặt tên cho cảm xúc của trẻ và cho phép trẻ được ước mơ.

Nhưng quan trọng hơn từ ngữ là thái độ của chúng ta. Nếu chúng ta không thực sự cảm thông, những gì chúng ta nói chỉ là sáo rỗng hoặc điều khiển trẻ. Chỉ khi lời nói của chúng ta đi cũng với sự thông cảm thực sự, chúng mới với tới được trái tim của trẻ.

Trong bốn kỹ năng vừa được minh họa, khó nhất có lẽ là lắng nghe và đặt tên cho cảm xúc của trẻ. Bạn cần luyện tập và tập trung để có thể nhìn thấu và vượt qua những gì trẻ nói để xác định được thật sự những gì trẻ đang cảm thấy. Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể cho trẻ một từ để gọi tên sự thất trong lòng chúng. Khi đó, chúng có thể tự giúp mình.

Na chín
14-06-2013, 02:42 PM
Bạn có thấy tốn nhiều suy nghĩ và công sức như thế nào để khiến trẻ biết là bạn hiểu được những gì trẻ đang cảm thấy không? Phần lớn chúng ta không tự nhiên mà nói được những điều như:

“Con trai, con có vẻ giận dữ”
“Hẳn điều đó rất thất vọng đối với con”
“Hừm, con có vẻ không chắc về việc đi dự bữa tiệc đó nhỉ”
“Nghe có vẻ con ghét tất cả các bài tập đấy”
“Ồ, điều đó hẳn rất bực mình”
“Bạn thân chuyển đi như vậy hẳn làm con rất buồn”

Tuy nhiên, những lời nói như vậy giúp trẻ cảm thấy được an ủi và khiến chúng bắt đầu tự giải quyết các vấn đề của mình (đừng ngại dùng những thuật ngữ mới hoặc to tát, cách tốt nhất để học một từ mới là nghe chúng trong đúng ngữ cảnh).

Bạn có thể nghĩ, “Được rồi, trong bài tập này, tôi có thể thể hiện rằng tôi ít nhiều hiểu được vấn đề. Nhưng rồi những cuộc nói chuyện này sẽ dẫn đến đâu? Tôi nên tiếp tục thế nào? Sau đó có nên đưa ra lời khuyên không?”. Xin đừng đưa ra lời khuyên vội. Tôi biết bạn sẽ rất dễ bị cuốn vào việc giải quyết các vấn đề của trẻ bằng cách đưa ra một giải pháp tức thời:

“Mẹ, con mệt”. “Thế thì nằm xuống mà nghỉ”
“Con đói”. “Thế thì ăn gì đó đi”
“Con không đói”. “Thế thì không ăn nữa”

Hãy cưỡng lại cám dỗ “sửa chữa” ngay lúc đó. Thay vì đưa ra lời khuyên, hãy chấp nhận và phản ứng theo cảm xúc của trẻ.

Na chín
14-06-2013, 02:44 PM
Đây là một ví dụ minh họa.

Một người bố trong nhóm của chúng tôi kể rằng con trai của ông ta lao vào nhà và hét lên “Con muốn đấm vào mũi của Michael”. Người bố nói “Thông thường, cuộc đối thoại sẽ diễn ra như sau:

- Con trai: Con muốn đấm vào mũi của Michael
- Bố: Tại sao thế? Chuyện gì xảy ra thế?
- Con: Nó ném sách của con xuống đất bẩn
- Bố: Thế con làm gì trước?
- Con: Không
- Bố: Con chắc chứ
- Con: Con thề, con không chạm vào nó
- Bố: Rồi. Michael là bạn con. Nếu con nghe lời bố, con nên bỏ qua mọi chuyện. Con cũng có lúc không hoàn hảo, con biết đấy. Đôi khi con cũng gây sự rồi lại đổ cho người khác- như cách con làm với anh con ý
- Con: Không, con không làm thế. Nó gây sự trước. Ôi con không nói chuyện với bố nữa”.

Nhưng người bố vừa tham dự khóa học giúp trẻ thích nghi với cảm xúc của mình vì thế cuộc nói chuyện thật sự diễn ra như sau:

- Con: Con muốn đấm vào mũi của Michael
- Bố: Con trai. Con đang cáu đấy
- Con: Con muốn đấm vào cái mặt béo của nó
- Bố: Con cáu thế cơ à
- Con: Bố biết nó làm gì không? Nó túm lấy vở của con ở trạm xe buýt và ném nó xuống đất. Mà chẳng có lý do gì.
- Bố: Ừ
- Con: Con đoán là nó nghĩ con làm vỡ con chim đất sét của nó ở lớp Nghệ thuật
- Bố: Con nghĩ vậy à
- Con: Vâng, nó cứ nhìn con trong lúc nó khóc
- Bố: Ồ
- Con: Nhưng con không làm vỡ
- Bố: Con biết chắc là con không làm vỡ phải không
- Con: À, con không chủ ý làm vỡ nhưng mà là do bạn Debby xô con vào bàn
- Bố: Vậy là Debby xô con
- Con: Vâng. Có rất nhiều thứ bị đổ nhưng chỉ có con chim bị vỡ. con không cố ý làm vỡ. Con chim của bạn ý cũng đẹp.
- Bố: Con không cố ý làm vỡ đúng không nào
- Con: Nhưng nó sẽ không tin con
- Bố: Con nghĩ là bạn ý sẽ không tin con nếu con nói sự thật với bạn ý à
- Con: Con không biết. Con sẽ nói với bạn ý- dù bạn ý có tin hay không. Và con nghĩ bạn ý cũng nên xin lỗi con vì đã vứt vở của con.

Người bố rất ngạc nhiên. Ông không hề phải hỏi nhưng cậu con trai đã kể lại cả câu chuyện. Ông không phải đưa ra lời khuyên nhưng cậu con đã tự nghĩ ra giải pháp của mình. Ông không thể tin được rằng ông có thể giúp con mình nhiều đến vậy chỉ bằng lắng nghe và thừa nhận cảm xúc của mình.

Làm một bài tập viết và đọc một đoạn hội thoại mẫu là một chuyện. Áp dụng kỹ năng lắng nghe vào tình huống thực tế lại là một chuyện khác. Các phụ huynh trong nhóm của tôi kể rằng họ thường cùng nhau đóng vai và luyện tập một chút trước khi đương đầu với tình huống thực tế ở nhà.

Na chín
21-06-2013, 11:48 AM
CHƯƠNG I. GIÚP TRẺ THÍCH ỨNG VỚI CẢM XÚC CỦA MÌNH (tiếp tục)

Phần 2: Bình luận, câu hỏi và các câu chuyện của phụ huynh

Các câu hỏi của phụ huynh

1. Có thật sự quan trọng là tôi luôn phải thông cảm với con không?

Không. Nhiều đoạn nói chuyện của chúng ta chỉ là những trao đổi thông thường. Nếu trẻ nói “Mẹ, con quyết định con sẽ đến nhà David chơi sau giờ học”. Bạn sẽ không cần phải trả lời “Vậy con đã quyết định đi thăm bạn chiều nay à” mà chỉ cần nói “Cám ơn con đã cho mẹ biết” cũng đã đủ để thể hiện sự thừa nhận của bạn.

Bạn cần bày tỏ sự thông cảm khi đứa trẻ muốn bạn biết cảm xúc của nó. Phản ứng theo những cảm xúc tích cực của trẻ không có vấn đề gì khó. Không khó để trả lời cho một đứa trẻ đang sung sướng khoe “Con được 97% cho bài kiểm tra toán hôm nay” bằng một lời đáp cũng nhiệt tình “97%. Con hài lòng lắm nhỉ”. Chính là những cảm xúc tiêu cực của trẻ mới cần đến kỹ năng của chúng ta. Đó là khi chúng ta phải vượt qua cám dỗ để lờ đi, phủ nhận, giảng giải,...

Một người cha nói rằng ông nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của con khi ông coi những xúc cảm bị thương tổn, buồn bã của trẻ cũng nghiêm trọng như những vết thương thể chất. Đôi khi hỉnh ảnh một vết thương giúp ông nhận ra cần nhanh chóng và nghiêm túc quan tâm đến cảm xúc của trẻ như khi ông phải xử lý vết thương ở đầu gối của con.

2. Có sai gì khi hỏi thẳng trẻ “Tại sao con lại cảm thấy thế?”

Một số trẻ có thể giải thích cho bạn tại sao chúng sơ, cáu hoặc buồn. Nhưng đối với nhiều trẻ, câu hỏi “Tại sao” luôn chỉ làm vấn đề của chúng thêm trầm trọng. Ngoài việc phải đương đầu với căng thẳng ban đầu, chúng giờ lại phải phân tích nguyên nhân và đưa ra một lời giải thích hợp lý. Thường thì trẻ không hiểu tại sao chúng lại cảm thấy như vậy. Những khi khác chúng lại ngại ngần không nói ra vì sợ rằng những lý do của chúng không đủ thuyết phục trong mắt người lớn (có thế mà con cũng khóc à).

Sẽ có ích hơn nhiều cho một đứa trẻ đang buồn khi được nghe “mẹ thấy có gì đó đang khiến con buồn” hơn là bị tra vấn với những câu hỏi “Chuyện gì xẩy ra?”, “Sao con lại thấy thế?”. Sẽ dễ nói chuyện với một người lớn chấp nhận cảm xúc của bạn hơn là ép bạn phải đưa ra lời giải thích.

3. Có cần thiết cho trẻ biết chúng ta đồng ý với cảm xúc của chúng?

Trẻ không cần có sự đồng thuận với cảm xúc của chúng, chúng cần sự chấp nhận với chính bản thân chúng. Câu nói “Con đúng rồi” có thể lọt tai lúc này nhưng có thể ngăn trẻ suy nghĩ thêm cho đến khi thấu đáo.

Ví dụ 1:
- Trẻ: Cô giáo nói là sẽ hủy vở kịch của lớp con. Cô thật là xấu
+ Phụ huynh: Sau tất cả những buổi tập sao? Mẹ đồng ý với con. Mẹ cũng thấy thế.

Cuộc nói chuyện kết thúc.

Ví dụ 2: Giờ hãy để ý trẻ dễ suy nghĩ rành mạch hơn khi cảm xúc của mình được chấp nhận:

- Trẻ: Cô giáo nói là sẽ hủy vở kịch của lớp con. Cô thật là xấu
+ Phụ huynh: Hẳn là con rất thất vọng. Con rất mong đến vở kịch mà
- Trẻ: vâng, Mà chỉ bởi một số bạn nghịch ngợm lúc tập. Đấy là lỗi của mấy bạn ấy
+ Phụ huynh (vẫn lắng nghe)
- Trẻ: Cô còn cáu vì không ai nhớ vai của mình cả
+ Phụ huynh: Mẹ hiểu
- Trẻ: Cô nói nếu bọn con chỉnh đốn lại, cô có thể cho bọn con một cơ hội nữa. Có lẽ con nên đi học lại lời thoại của con đây. Tối nay, mẹ giúp con nhé?

Kết luận: dù ở tuổi nào, cái người ta cần vào lúc căng thẳng không phải là sự đồng ý hay không đồng ý, họ cần được ai đó nhận ra những gì họ đang trải qua.

Na chín
21-06-2013, 11:50 AM
4. Nếu tôi phải chỉ cho con thấy là tôi hiểu, sao không nói đơn giản “Mẹ hiểu con cảm thấy thế nào”?

Vấn đề với việc nói “Mẹ hiểu con cảm thấy thế nào” là nhiều trẻ không tin bạn. Chúng sẽ trả lời “Không, mẹ không hiểu”. Nhưng nếu bạn chịu khó cụ thể hơn (“Ngày đầu tiên đi học có thể hơi đáng sợ vì phải làm quen với quá nhiều thứ mới), khi đó trẻ sẽ biết rằng bạn thực sự hiểu.

5. Nếu tôi cố gắng xác định cảm xúc của trẻ nhưng tôi lại làm sai. Sau đó sẽ thế nào?

Không sao. Trẻ sẽ sửa cho bạn ngay. Ví dụ:

- Trẻ: Bố, bài kiểm tra của con được hoãn đến tuần sau
+ Bố: Con thấy nhẹ nhõm hẳn đúng không
- Trẻ: Không, con bực mình. Giờ con lại phải ôn lại lần nữa cho tuần tới
+ Bố: Bố hiểu. Con đang mong nó xong đi hả.
- Trẻ: Vâng

Sẽ quá chủ quan cho rằng một người có thể luôn đúng về cảm xúc của người khác. Tất cả những gì chúng ta cần làm là cố gắng hiểu cảm xúc của con cái chúng ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng thành công, nhưng cố gắng của chúng ta sẽ thường được trẻ rất trân trọng.

6. Tôi biết rằng cảm xúc cần được chấp nhận nhưng tôi thấy khó mà phản ứng lại khi nghe những câu như “Mẹ xấu”, “Con ghét mẹ”

Nếu câu “Con ghét mẹ” khiến bạn buồn, bạn có thể để trẻ biết “Mẹ không thích điều mẹ vừa nghe. Nếu con bực một điều gì, hãy nói với mẹ theo cách khác. Lúc đấy mẹ có thể sẽ giúp con”.

Na chín
21-06-2013, 11:53 AM
7. Có cách nào giúp một đứa trẻ đang buồn ngoài việc để cho cháu biết bạn hiểu cảm xúc của nó? Con trai tôi rất khó chịu khi cáu giận. Thỉnh thoảng, khi tôi thừa nhận cảm xúc và nói những câu như “Điều đó thật bức mình”, nó cũng giúp cháu. Nhưng thường khi cháu đang ở trong trạng thái như vậy, cháu chẳng nghe gì đến tôi.

Phụ huynh trong nhóm của chúng tôi phát hiện ra rằng khi trẻ cực kỳ thất vọng, đôi khi một hoạt động nào đó có thể giúp giải tỏa bớt cảm xúc. Chúng ta đã nghe nhiều về chuyện trẻ đang cáu có thể bình tĩnh hơn khi đấm vào gối, đập các hộp thức ăn; đập và nhào đất sét; hét lên như sư tử; ném lao. Nhưng một hoạt đông có lẽ dễ để cha mẹ yên tâm nhất khi nhìn và trẻ thỏa mãn nhất khi làm là vẽ ra cảm xúc của chúng. Hai ví dụ sau xảy ra cách nhau một tuần:

Tôi vừa từ cuộc hội thảo về nhà và thấy cậu con trai 3 tuổi của mình đang nằm trên nền nhà và cáu kỉnh. Chồng tôi đứng đó nhìn đầy bực bội. Anh bảo “Đây, chuyên gia trẻ em, xem em xử lý tình huống này thế nào nào”. Tôi cảm thấy mình phải giải quyết được tình huống này. Tôi nhìn xuống Joshua, người vẫn đang vùng vẫy, la hét rồi tôi nắm một cái bút chì và giấy ở gần điện thoại. Tôi quỳ xuống, đưa bút và giấy cho Joshua và nói “Đây, chỉ cho mẹ xem con cáu thế nào. Vẽ cho mẹ một bức tranh về việc con cảm thấy thế nào”. Joshua nhảy lên ngay lập tức và bắt đầu vẽ những vòng tròn giận dữ. Sau đó, nó đưa cho tôi và bảo “Đây, con cáu thế này này”. Tôi trả lời “Con thật sự cáu đấy” và xé một mảnh giấy khác “Vẽ thêm cho mẹ nữa nào”.

Cháu tiếp tục vẽ đầy cáu giận lên giấy. Tôi thốt lên “Chà, cáu thế cơ à”. Chúng tôi lặp lại một lần nữa. Khi tôi đưa cho cháu tờ giấy thứ tư, cháu đã bình tĩnh hơn rất nhiều. Cháu nhìn vào tờ giấy một lúc rồi nói “Giờ con sẽ vẽ những vòng tròn hạnh phúc” và cháu vẽ một vòng tròn với hai mắt và miệng cười. Thật là khó tin. Trong vòng hai phút, cháu đã thay đổi từ một đứa trẻ cáu giận thành mỉm cười – chỉ vì tôi đã để cháu bày tỏ cảm xúc của mình. Sau cùng chồng tôi thừa nhận “Em nên tiếp tục đi đến nhóm cha mẹ đó”.

Ở buổi gặp nhóm sau đó, một người mẹ kể về kinh nghiệm của mình đối với kỹ năng đó như sau. Khi tôi nghe về chuyện của Joshua tuần trước, tôi tự nhủ “Gía mà mình cũng làm được như thế với Todd”. Todd ba tuổi nhưng bé bị liệt não. Những điều tự nhiên với những đưa trẻ khác là cả một kỳ công đối với cháu – đứng mà không ngã, giữ cho đầu thẳng. Cháu đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn rất dễ cáu. Mỗi khi cháu cố làm gì nhưng không được, cháu sẽ la hét hàng giờ. Chưa có cách nào tôi có thể ngăn được việc này. Điều tệ nhất là cháu đá và tìm cách cắn tôi. Tôi nghĩ rằng cháu cho rằng những khó khăn của cháu là lỗi của tôi và tôi phải làm điều gì đó. Cháu gần như lúc nào cũng cáu với tôi. Trên đường về nhà từ cuộc gặp tuần trước, tôi nghĩ “mình nên tiếp cận Todd khi cháu chưa lên đỉnh điểm của cơn cáu giận”.

Chiều đó, khi cháu đang chơi trò xếp hình mới của mình. Trò đó rất đơn giản, chỉ có một vài miếng lớn. Dù sao, cháu không thể nào ghép được miếng cuối cùng và sau một vài lần thử cháu bắt đầu có vẻ mặt trước khi cáu. Tôi nghĩ “Không, đừng có thế nữa”. Tôi chạy lại và hét “Dừng lại... Dừng mọi việc lại... Đừng cử động...mẹ có cái này”. Cháu có vẻ ngạc nhiên. Tôi tìm thấy một cái bút chì tím và một mảnh giấy vẽ. Tôi ngồi xuống sàn cạnh cháu và bảo “Todd, có phải con cảm thấy giận dữ thế này không?” Và tôi vẽ những đường zic-zac. “Vâng”, cháu bảo và giằng cây bút chì khỏi tay tôi và vẽ nhưng đường lung tung. Cháu đâm vào tờ giấy không ngừng cho đến khi nó toàn lỗ thủng. Tôi cầm tờ giấy lên trước ánh sáng và nói “Con đúng là quá cáu”. Cháu giằng tờ giấy khỏi tôi, vừa khóc vừa xé cho đến khi không còn gì ngoài những mẩu giấy. Khi kết thúc, cháu ngẩng lên và nói “Con yêu mẹ”. Đây là lần đâu tiên cháu nói điều đó.

Na chín
21-06-2013, 11:54 AM
8. Nếu tôi chấp nhận tất cả các cảm xúc của trẻ, liệu có khiến cháu tưởng rằng cháu có thể làm gì cũng được? tôi không muốn quá dễ dãi.

Chúng ta hơi quá lo lắng về việc tỏ ra dễ dãi. Nhưng dần chúng ta sẽ nhận ra rằng phương pháp này chỉ dễ dãi nếu tất cả các cảm xúc được cho phép. VD: “Mẹ thấy con đang thích thú tạo hình miếng bơ của con bằng dĩa đấy nhỉ”. Phương pháp này không có nghĩa là bạn cho phép trẻ hành động theo những cách mà bạn không chấp nhận. Khi bạn chuyển miếng bơ đi bạn có thể bảo “nghệ sỹ” trẻ rằng “miếng bơ khong phải để nghịch. nếu con muốn nhào nặn, con có thể dùng đất sét”. Chúng tôi thấy rằng khi chúng ta chấp nhận cảm xúc của trẻ, chúng sẽ dễ chấp nhận những giới hạn được đề ra.

9. Tại sao lại phản đối việc đưa ra lợi khuyên khi trẻ có vấn đề?

Khi chúng ta cho trẻ lời khuyên hay một giải pháp ngay lúc đó, chúng ta khiến trẻ không còn được tự vật lộn với những vấn đề của chính chúng. Liệu có bao giờ nên đưa là khuyên không? Chắc chắn. Nhưng chúng ta sẽ trao đổi ở phần sau.

10. Liệu chúng ta có thể làm gì khi nhận ra vừa thực hiện một phản ứng không có ích đối với trẻ? Hôm qua, con gái tôi rất buồn khi từ trường trở về. cháu muốn kể với tôi về chuyện cháu bị trêu trọc ở sân trường. Tôi thì đang mệt và bận nên bảo cháu đi chỗ khác và nín khóc đi, chuyện bị trêu có phải là quá tệ đâu. Cháu rất thất vọng và đi về phòng. Tôi biết tôi đã làm cháu thấy tệ hơn nhưng tôi có thể làm gì được nữa?

Mỗi lần một cha mẹ tự nhủ “Giá mình đừng nói thế. Sao mình không nghĩ ra điều này để nói”, phụ huynh đó đã tự cho mình một cơ hội. cuộc sống với trẻ em luôn có kết mở. Luôn có cơ hội khác – sau này bạn có thể nói “Mẹ đã nghĩ về việc con kể với mẹ chuyện các bạn trêu con ở trường. Bây giờ mẹ hiểu là con đã rất buồn. Sự thông cảm luôn được trân trọng, dù đến sớm hay muộn.

Na chín
25-06-2013, 10:05 AM
Thận trọng

1. Trẻ thường phản đối khi lời của chúng bị lặp lại

2. Một số trẻ không thích nói chuyện khi chúng buồn vì chuyện gì đó. Đối với chúng, sự có mặt của bố/ mẹ là đủ để an ủi

3. Một số trẻ cáu khi chúng tỏ ra nghiêm trọng và bố mẹ dù phản ứng “đúng” nhưng hơi nhẹ nhàng

VD: Tại một cuộc hội thảo của chúng tôi, một cô bé vị thành niên kể rằng. Một chiều, cô về nhà trong cơn tức giận vì bị bạn thân tiết lộ một bí mật rất quan trọng của mình. Khi cô kể với mẹ mình thì mẹ chỉ nói “Con cáu à”. Cô bé nói cô không thể kiềm được một câu trả lời chua chát “Mẹ đùa à”. Khi chúng tôi hỏi thế cô muốn mẹ trả lời thế nào. Cô nghĩ một lúc rồi trả lời “vấn đề không phải là từ ngữ mà là cách mẹ cháu nói. Cứ như thể mẹ cháu đang nói về cảm xúc của ai đó mà mẹ cháu không thật sự quan tâm. Cháu nghĩ rằng cháu chỉ muốn mẹ thực sự ở vị trí như cháu. Nếu mẹ nói “Chà, Cindy, con hẳn phải phát điên lên với bạn ý nhỉ” thì cháu đã cảm thấy là mẹ hiểu cháu.”

4. Không cần thiết nếu cha mẹ phản ứng nghiêm trọng hơn mức mà trẻ cảm nhận

5. Trẻ không thích bị cha mẹ nhắc lại những tên gọi mà chúng tự gọi mình

VD: Khi một đứa trẻ bảo mình là dốt, xấu xí hoặc béo. Đừng nhắc lại những từ này....

Na chín
25-06-2013, 10:07 AM
CHƯƠNG II. KHUYẾN KHÍCH SỰ HỢP TÁC

Phần 1

Đến giờ, con bạn đã khiến bạn có rất nhiều cơ hội thực hành kỹ năng lắng nghe. Trẻ thường cho chúng ta biết rất rõ ràng khi có gì khiến chúng bận lòng. Tôi biết như ở nhà mình, mỗi ngày với trẻ như một đêm ở nhà hát. Một món đồ chơi bị mất, một mái tóc quá ngắn,.. cũng đủ gây ra nước mắt và xúc cảm cho một vở kịch 3 màn. Chúng ta không bao giờ thiếu cơ hội thực hành. Điều khác biệt duy nhất là ở nhà hát, khi màn hạ, khán giả về nhà. Phụ huynh không có được sự xa xỉ đó. Chúng ta phải đương đầu với tất cả những giận giữ, tổn thương và thất vọng mà sau tất cả, vẫn phải giữ được sự tỉnh táo.

Một người cha kể rằng “Tôi đã thử nhưng không có kết quả. Một hôm con gái tôi từ trường học thêm về, mặt dài ra. Thay vì hỏi “Sao con lại cáu thế?” tôi nói “Con có vẻ đang thất vọng chuyện gì à?” Cháu bật khóc và chạy về phòng, đóng sập cửa”. Tôi giải thích với người cha rằng, khi “nó không có kết quả”, thực ra “nó đang có kết quả”. Con của ông rồi sẽ nhận ra rằng có người quan tâm đến cảm xúc của cháu. Tôi khuyến khích ông tiếp tục thử. Và quả đến lúc, khi Amy nhận ra cháu có thể trông cậy vào phản ứng chấp nhận của cha mình, cháu cảm thấy an toàn để mở lòng nói về những gì làm phiền cháu.

Na chín
25-06-2013, 10:08 AM
Tới giờ, chúng tôi vẫn đang tập trung vào việc cha mẹ giúp con cái đương đầu với những cảm xúc tiêu cực. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung vào việc giúp cha mẹ đương đầu với cảm xúc tiêu cực của chính họ. Một trong những nỗi bực mình thường trực nhất của việc làm cha mẹ là việc hàng ngày buộc trẻ phải xử sự theo những phép tắc mà chúng ta và xã hội thấy là đúng đắn. Việc này rất mệt mỏi và phát điên. Một phần vấn đề là ở chỗ sự xung đột về nhu cầu. Những gì cha mẹ muốn là sự ngăn nắp, trật tự, lịch sự và nề nếp. Nhưng trẻ chẳng quan tâm gì đến những điều này. Liệu có đứa trẻ nào, một cách tự giác, đi tắm, nói “cám ơn”, “làm ơn” hay thay đồ lót? Liệu có đứa nào tự chịu mặc đồ lót? Rất nhiều công sức làm cha mẹ đổ vào việc giúp trẻ điều chỉnh theo những chuẩn mực xã hội. Nhưng hình như chúng ta càng cố gắng, trẻ càng chống đối.

Tôi biết rằng có những lúc con tôi coi tôi như “kẻ thù” – một người luôn bắt chúng làm những việc chúng không muốn: “rửa tay đi.. dùng khăn đi...nói nhỏ đi... treo áo khoác lên... con làm bài tập chưa...con đánh răng chưa... quay lại giật nước ở bồn cầu đi... mặc quần vào... đi ngủ đi”.

Tôi cũng là người ngăn chúng làm những gì chúng muốn “đừng có gặm móng tay nữa... đừng đá vào bàn...đừng vứt rác... đừng nhảy trên ghế... đừng kéo đuôi mèo...đừng cho hạt đậu vào mũi”.

Thái độ của trẻ là “Con làm gì con muốn”. Thái độ của tôi là “Con làm những gì mẹ bảo” và cuộc chiến tiếp diễn. Đến mức mà tôi thấy sợ thắt cả ruột mỗi lần phải yêu cẩn trẻ làm điều gì đó dù là đơn giản nhất.

Liệu có giải pháp nào không?

Na chín
25-06-2013, 10:12 AM
Trước hết hãy xem một vài phương pháp người lớn thường dùng để trẻ hợp tác. Với mỗi ví dụ bạn đọc, hãy giả vờ bạn là trẻ và đang lắng nghe người lớn nói. Bạn cảm thấy gì và hãy viết ra những suy nghĩ của mình.

Khiển trách & Buộc tội
- Con lại sờ tay bẩn lên cửa rồi kìa. Sao con cứ làm thế mãi thế? ... Có vấn đề gì với con thế?... Sao con không thể làm gì đúng được à?...Mẹ phải nói bao nhiều lần nữa chuyện dùng núm cửa? Vấn đề của con là con không lắng nghe gì cả.

Gọi tên
- Hôm nay trời rất lạnh mà con chỉ mặc áo khoác mỏng thế à. Con ngốc vừa thôi
- Nào, để bố sửa xe cho con. Sao mà con vụng về thế
- Nhìn cách con ăn kìa. Ghê quá
- Con là mọi thì mới ở trong căn phòng bẩn như thế. Như là chuồng gia súc ý

Đe dọa
- Con mà sờ vào đèn lần nữa con sẽ bị đánh đấ
- Con mà không nhè kẹo cao su ra ngay, mẹ sẽ cạy miệng và moi ra đấy
- Nếu con không mặc xong khi mẹ đếm đến 3, mẹ sẽ đi và kệ con ở lại.

Yêu cầu
- Mẹ muốn con dọn phòng ngay lập tức
- Giúp mẹ bê gói này với. nhanh lên
- Con vẫn chưa vứt rác à? Làm ngay đi. Còn đợi gì nữa. Động đậy đi.

Giảng giải và thuyết giáo
- Con có nghĩ làm như thế là hay không - giằng sách từ mẹ ý. Mẹ thấy con không hiểu được tầm quan trọng của cách cư xử. Con phải hiểu rằng nếu con muốn được người khác lịch sự với mình thì con phải lịch sự trước đã....

Cảnh báo
- Coi chừng, con bị bỏng bây giờ
- Cẩn thận, con bị xe đâm bây giờ
- Đừng có trèo lên đó. Con muốn ngã à
- Mặc áo vào không cảm bây giờ

Dày vò
- Hai đứa ngừng hét ngay. Các con muốn mẹ sao đây... ốm à... đau tim à
- Đợi đến khi nào con có con đi. Rồi con sẽ hiểu thế nào là bực mình
- Con có thấy tóc mẹ bạc đi không? Là do con đấy.

So sánh
- Sao con không giống anh con nhỉ? Anh luôn làm bài xong trước giờ
- Lisa xử sự rất ngoan ở bàn. Con có thấy bạn ý ăn bốc bao giờ không

Mỉa mai
- Con biết là có bài kiểm tra ngày mai mà lại để quên sách ở trường à? Ồ, thông minh quá nhỉ. Đấy là một việc quá xuất sắc đấy.

Tiên đoán
- Con nói dối mẹ về sổ liên lạc phải không? Con có biết rồi con sẽ thế nào không? Một người mà không ai tin được.

Na chín
25-06-2013, 10:12 AM
Có cách nào để khuyến khích sự hợp tác của trẻ mà không phải tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ hoặc khiến trẻ cảm thấy tồi tệ? Có cách nào dễ hơn và ít thiệt hơn đối với cha mẹ?

Chúng tôi muốn chia sẻ năm kỹ năng đã giúp ích chúng tôi và các phụ huynh trong các hội thảo. Không phải kỹ năng nào cũng có tác dụng đổi với mọi đứa trẻ. Không phải kỹ năng nào cũng phù hợp với tích cách của bạn. Và không kỹ năng nào lúc nào cũng có tác dụng. Những gì 5 kỹ năng này tạo ra là bầu không khí tôn trọng ở đó tinh thần hợp tác có thể phát triển.

- Miêu tả những gì bạn thấy và vấn đề
- Đưa thông tin
- Nói ngắn gọn trong một từ
- Nói về cảm xúc của bạn
- Viết ra

NHOCBEO
03-07-2013, 10:38 AM
Thanks chị Na nhé. Em đang hóng tiếp, cóp về đọc dần dần. Mặc dù Kẹo chưa lên 3 nhưng em nhận ra rằng con hành xử khác nhau khi e đối xử với con khác đi. Cùng là một việc, nếu cứ giật đồ ở tay con thì con sẽ khóc rất to, nhưng nếu bảo là mẹ xin hoặc con đưa cho bố đi thì con làm theo ngay, hoặc 1 lúc sau mới đưa, dù mất nhiều thời gian hơn nhưng con sẽ ko khóc. Sự kiên nhẫn và ko nổi nóng là điều em cũng đang phải rèn luyện. Em nhận ra, công cuộc làm mẹ là điều thật sự khó khăn, và phải học rất nhiều mới có thể làm tốt được.