PDA

View Full Version : GÓC CAMERA (TT&VH Cuối tuần)



eMông
28-03-2011, 12:31 PM
Chuyên mục GÓC CAMERA của TT&VH Cuối tuần là một diễn đàn có rất nhiều bài viết hay và sinh động về xã hội. Những vấn đề xã hội ở đây được nhìn qua lăng kính văn hóa đáng để người đọc suy ngẫm.

Với mục đích làm cho hoạt động của box xã hội trong emong.org thêm sinh động, eMông sẽ cập nhật những bài viết từ chuyên mục này để chia sẻ với các bạn.


Kín hay hở ?

(TT&VH Cuối tuần) - Viết về phụ nữ lẽ ra phải viết trước ngày 8/3, lẽ thường là thế. Nhưng ngoài chuyện phụ nữ số đông và thông thường đang méo mặt vì chợ búa và giá cả. Những tin tức liên quan đến một nửa thế giới vào mấy ngày vừa rồi khiến Camera chẳng thể đặt ống kính vào đâu, dù đặt đâu cũng chỉ là để cho tiện chứ chẳng cần suy nghĩ gì, vì sự kiện cứ bày ra ngổn ngang

Thử liệt kê nhé, riêng ngày 7/3, tin tức về phụ nữ bao gồm: một nữ sinh học viện báo chí nhảy từ tầng 4 xuống đất tự tử (có tin nói là sinh viên một trường cao đẳng); một quý bà đi Lexus gây tai nạn rồi đâm vào cột điện (nhìn xe méo xệch méo xẹo, vỡ tung cả đầu mà thương xe); Hoàng Thùy Linh mất phong độ (đúng là tin động giời); rồi tin nữa là Công an tỉnh Long An đã giám định xong chữ viết của vợ nhà báo bị đốt (nghe nói đồng nghiệp nhiều báo hứa không đưa tin câu khách vụ này nhưng rốt cuộc tin vẫn nhiều)…

Kể ra lặt vặt tin liên quan đến phụ nữ thì còn khối, chẳng mấy tin tốt, người yêu cầu thủ Quốc Vượng có đâm anh ta hay không? Mỹ Tâm mặc váy xẻ táo bạo… Đáng kể nhất, cũng là đáng chào thua nhất vì Camera chưa bao giờ nghĩ người ta cứ đem quay lên phim những chuyện như vậy để hồn nhiên phát tán, là những clip sex của nữ sinh. Liên tiếp trong mấy ngày trời, nữ sinh các trường Cao đẳng Nghệ thuật HN, Đại học Xây dựng rồi cả Đại học Sư phạm HN nữa đều nhớn nhác vì cảnh riêng tư với bạn trai của một cô bỗng dưng xuất hiện trên mạng, đủ cả tên tuổi địa chỉ. Não lòng…! Sống trong thời đại công nghệ thông tin mà xã hội lại đầy những kẻ tâm tính man rợ, hễ chôm được bí mật của người khác là quẳng ngay lên mạng thế này thì thà đập tất mấy cái điện thoại quay được phim (toàn phim lờ tờ mờ) ấy đi cho rảnh. Nếu không thì cứ tắt đèn im lặng như các cụ thời xưa ấy, đã hở hang lại đi bày đặt quay phim chụp ảnh làm gì cho mang họa…

Tệ thật, ngày 8/3 thứ 100 mà tin tức tốt về đời sống của chị em hầu như thiếu vắng. Đã vậy, còn phiên tòa xử Sầm hiệu trưởng sắp diễn ra lại là phiên tòa xử kín. Camera chắc phải bó tay. Khổ thân mấy cô gái trẻ, chuyện phải kín bỗng dưng bị phơi lên cho bàn dân thiên hạ cười ồ. Giờ chuyện cần được công khai lại thành ra chuyện kín, chẳng biết đâu mà lần!

Xét về độ kín và hở thì không chuyện nào tệ bằng chuyện của Lượm. Đúng vào ngày 8/3, nhà đài đành lên sóng “lấy làm tiếc” rút kinh nghiệm. Rút cho mình xong tiện thể rút luôn cho người: ”Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu không chỉ cho riêng nhóm biên tập của chuyên mục Người xây tổ ấm mà còn cho các nhà báo nói chung”. Giải báo chí quốc gia năm nay nên dành cho Lượm vì đã làm được một việc là bắt tất cả các nhà báo rút kinh nghiệm. Camera thực lòng cũng muốn rút kinh nghiệm, nhưng đúng ngày 8/3, camera còn phải đi ngóng cuộc “lai dẫn” cụ rùa, đúng hơn là đi ngóng những người đi ngóng cuộc lai dẫn cụ rùa. Mất những 6 tiếng đồng hồ. Clip về cuộc này đầy trên mạng rồi, đưa thêm chỉ thừa. Bình gì cũng thiếu, Camera chỉ xin đưa ra một nhận xét đúng tinh thần ngày Quốc tế Phụ nữ là: Cụ rùa (ngần ấy tuổi giới tính chẳng biết có còn quan trọng gì nữa không) nhưng chắc chắn là cụ bà chứ không phải cụ ông, cụ bà mới quyết đào thoát khỏi cái lưới như thế, thà quay về hồ ăn mèo chết chứ không chịu lên chỗ điều trị (mấy hôm nay lại có tờ báo cứ như mới được Wikileaks cho biết, bỗng nhiên phao lên rằng Tháp Rùa chẳng qua chỉ là ngôi mộ) để nếm mùi tam thất và mùi của sự chăm sóc quá đỗi tận tình (dĩ nhiên trừ đoạn lưới bị rách!).

Camera

eMông
31-03-2011, 02:12 PM
CAMERA

VÌ SAO NÊN ĐỌC SÁCH

(TT&VH Cuối tuần) - Chuyện này ở bên Anh, mới đây ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng trẻ em nước Anh đọc ít sách quá, phần lớn chúng chỉ đọc một hoặc hai cuốn sách lấy lệ để vượt qua các kỳ thi quốc gia, như vậy khiến các tiêu chuẩn học thuật đối với học sinh Anh đã “quá thấp trong một thời gian quá dài”. Và để khắc phục, ông Bộ trưởng nói trẻ em từ 11 tuổi trở lên nên đọc 50 cuốn sách mỗi năm như một phần trong nỗ lực nâng cao khả năng đọc. Số sách đó, quy về lượng, thì mỗi đứa trẻ trên 11 tuổi sẽ đọc mỗi tuần một cuốn tiểu thuyết.

Nghe xong chuyện này, Camera lấy làm ngỡ ngàng lắm, việc giáo dục bên Anh… kém thế mà sao con cái đại gia lại cứ tìm đường sang Anh du học với mức học phí cao nhất thế giới nhỉ? Ở nước mình, trẻ em giỏi hơn nhiều. Nếu có bắt đọc sách, số lượng chừng ấy hoặc một nửa chừng ấy, thì đầu tiên nên bắt người lớn đọc.

Bằng chứng thì đây: chẳng người lớn (có trách nhiệm) nào đọc, nên một trong những Cánh diều Bạc cho những người làm phim trẻ năm nay, phim Đường kiến sau hơn một tuần nhận giải, đến giờ bị phát giác là đạo, đạo từ tên đến ý tưởng, đến cốt truyện. Người phát giác đưa ảnh chụp rất đầy đủ, những chữ trên trang truyện ngắn Đường kiến của nhà văn Kinh Dương Vương (một bút danh của nhà văn Nguyễn Tuấn Khanh, vẽ tranh thì ký tên là Rừng, họa sĩ Rừng, đăng trên tạp chí Văn năm 1969, quả thật là rành rành khó cãi. Đạo diễn trẻ sinh năm 1984 “dũng cảm” thuổng tất tần tật ngần ấy thứ mà không sợ bị phát hiện, có thể đơn giản là vì cậu ta cho rằng những người có trách nhiệm kiểm định bây giờ không biết, không biết do không đọc, nghĩa là rất thông minh, cậu chẳng lạ gì văn hóa đọc của người lớn… Mà đúng, chẳng người lớn nào đọc thật, cứ khen ngợi ầm ầm rồi đường kiến kiến đi. Chỉ riêng chuyện này thôi, văn hóa đọc của người lớn mới đáng là điều cần bàn chứ chẳng phải chuyện giải đã trao rồi, chẳng may bị phát giác, không rõ sẽ xử lý hoặc phủi đi ra sao cho đỡ ngượng. Cách tốt nhất, đơn giản và lâu dài nhất để tránh những chuyện tương tự, là bắt các nhà cầm cân nảy mực trong ngành văn hóa… đọc sách, thay vì toàn đọc chính sách rồi cứ văn bản nọ lẫn với văn bản kia. Sự đọc của một số người làm văn hóa “quá thấp trong thời gian quá dài” nên cứ hay nhiều chuyện linh tinh.

Nhưng, Camera cũng thấy yên lòng, vì mới đây, Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề Đạo văn trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nghĩa là chuyện nói mãi vẫn mới này chưa bị thôi hẳn không nói nữa vì tuyệt vọng. Các nhà quản lý giáo dục đưa ra ý kiến rằng cần bỏ thói quen bắt học sinh học theo kiểu thuộc lòng để “tăng tính sáng tạo và độc lập trong cách học tập và nghiên cứu của các em”.

Đấy mới là chuyện của các em! Làm thế nào để bắt người lớn học thuộc lòng có khi phải tổ chức hội thảo khác! Văn hóa đọc suy giảm, cứ kêu thế, nhưng có ai nói xem nó suy giảm từ hồi nào đâu. Mà một khi suy giảm lâu rồi thì bắt trẻ em đọc, tác dụng có khi ngược lại!

Camera

eMông
09-04-2011, 09:51 AM
Hu hu cập nhật dữ liệu bị mất vậy :(


PHIM MA

(TT&VH Cuối tuần) - Nếu bị bắt buộc phải làm một đoạn phim cho sự kiện nổi bật nhất tuần này, Camera tin rằng mình phải đi học làm phim rất rất nhiều năm, để biết cách làm phim… câm, tức là không có thoại.

Phim sẽ gần gần giống phim ma mà không kinh dị, gần gần giống phim hành động mà tất cả nhân vật tuy chạy lăng xăng nhưng lại như cái bóng chỉ biết nói một mình… Đại khái là một phim rất khó nói, rất trừu tượng. Giá cứ sa đà vào các câu chuyện cực kỳ lá cải, kiểu như ai đã làm Tào Tháo rơi nước mắt, hoặc chết lâm sàng khi gặp người yêu (có tờ báo lề phải dạo này hay đưa những tít như vậy) thì đi một nhẽ, bới chuyện linh tinh ra nói. Đằng này Camera lại chỉ muốn đưa những clip ít nhiều thời sự. Nên tuần này nó thế, chắc là chẳng nói được gì!

Khó nói, bởi những việc kiểu như Sầm hiệu trưởng đột nhiên cho rằng bản án TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên là không công bằng và sẽ chống án tới cùng. Một vụ án nhắc tới là các nhà làm giáo dục thông thường cảm thấy đỏ mặt, giá cứ lẳng lặng chấp thành rồi tích cực cải tạo để sớm được ân xá thì đỡ ngượng hơn là tiếp tục gây ồn ào. Nhưng biết làm sao được, chỉ có người trong cuộc thấy nên làm gì hơn là người ngoài phán xét, danh dự coi là không còn thì giữ cái gì nữa mà chẳng cố. Tuy nhiên, đây là một việc phần nào mang màu sắc bí ẩn. Có nhiều cái bóng tồn tại quanh vụ kháng án. Nó gây thắc mắc, nghi ngờ…

Người ta dạo này đâm nghi ngờ nhiều thứ. Hoàn toàn khác với câu chuyện vớ vẩn trên. Gần đây trên mạng người ta xôn xao những cái bóng nào đó bên cạnh những bức thư rất cảm động gửi về từ nước Nhật những ngày động đất. Một câu chuyện do tác giả Hà Minh Thành kể, nhiều tờ báo chính thống đã trích đăng hay đăng lại toàn bộ, như một bài học quý giá về cách ứng xử của con người với con người mà tác giả học được từ một em 9 tuổi. Có người bảo đó là một câu chuyện bịa đặt. Lại liên quan bịa đặt, sau một thời gian “lấy làm tiếc” và chắc là do bị chỉ trích quá nhiều, lại còn bị phạt tiền kha khá (vụ cô Dương, hay gọi cách khác là cô mang bóng cô Lượm) nhà đài đã chính thức nói lời xin lỗi với khán giả xem truyền hình. Giá như ít bữa trước, lời xin lỗi này được thốt lên một cách chân thành thì đã nhẹ nhõm biết bao. “Tôi xin lỗi vì tôi đã quá tin người!”. Chỉ cần một câu như thế, người đi lừa ắt phải xấu hổ chứ không phải người cho rằng bị lừa. Nhưng chẳng ai nói thế ngay từ đầu, người ta thực ra không tin vào lòng tốt của chính mình, nên không tin người khác. Người ta chỉ nhăm nhăm tìm xem cái gì được coi là đúng hoặc sai một cách đầy lý tính, trong những cuộc ấy, tìm ra những gì đã bị lộ để chỉ trích, bới móc. Người trót lộ thì làm ra vẻ bất ngờ… Tóm lại, bên cạnh mỗi sự kiện, là sự lờ mờ ẩn hiện cái bóng lạnh lẽo của sự không tin ai, không muốn ai lừa mình… Kỹ thuật cao cường mấy, Camera tuần này cũng đành bó tay. Chỉ ngậm ngùi nghĩ rằng sao trên đời bây giờ, người ta chẳng tin gì vào những câu chuyện cảm động nữa. Cứ phải rành rọt mọi câu chuyện trong thế giới quá nhiều phù thủy. Tâm tính con người còn chỗ nào cho truyện cổ tích nữa không?

Camera

nongdancoi
12-04-2011, 10:33 PM
he he, đọc phần này rất hay, càng ngày mình càng nghiện emong mất rùi...

eMông
13-04-2011, 12:15 AM
CAMERA

Những bất ngờ không thú vị

(TT&VH Cuối tuần) - Có ba số 9, và chẳng có chút liên quan gì giữa chúng với nhau, ngoài chuyện chúng đứng trong mấy hàng title liền kề trong mục tin mới của một trang điểm báo, và chúng như sau:

Số 9 thứ nhất: Khởi tố lái xe khách vụ đâm tàu làm 9 người chết.

Thông tin này liên quan đến sự việc xảy ra chiều 30/3, lái xe Hùng đã điều khiển ô tô 16 chỗ ngồi biển kiểm soát 20L-4564 băng ngang đường sắt bất chấp đèn tín hiệu báo tàu đang tới gần.

Chiếc xe ô tô ngay lập tức bị tàu khách mang số hiệu SE8 đâm phải khiến 7 người tử vong tại chỗ, 2 người khác tử vong khi cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp 1.

Số 9 thứ hai: Không chịu nói chuyện, bị bạn trai cũ đâm 9 nhát. Thông tin này hóa ra tận nước ngoài: Một nữ sinh 14 tuổi tại Anh đã bị bạn trai cũ đâm 9 nhát vào cổ gần cổng Trường trung học Ridgewood ở Stourbridge, West Midlands.

Số 9 thứ ba: Nữ quái 9x dùng dao ép bạn khỏa thân để quay phim. Nội dung của nó như sau, một nhóm “nữ quái” trẻ người mà hung tính cao đã dùng dao đe dọa, bắt ép 4 nữ sinh 4 Trường THPT huyện Mường Tè cởi quần áo để quay phim, chụp ảnh, rồi tán phát những hình ảnh đó cho người khác. Mấy nữ quái này sống tận huyện Mường Tè, Lai Châu và đã bị khởi tố, tạm giam...

Ba con số 9 cạnh nhau thường là thể hiện đẳng cấp, tuổi của vàng hoặc số xe, số di động của đại gia, nhiều người ao ước chúng, tất nhiên nếu chúng không đóng vai trò nào trong câu chuyện gần như vô tình và lạnh lẽo của hệ thống điểm tin tức. Chúng xuất hiện như một sự tình cờ.

Camera không muốn nhấn vào sự bất ngờ tình cờ này. Một khi nó buồn!

Và chẳng liên quan gì đến ba con số 9 vừa rồi. Một tuần giá cả tung tăng. Đô-la tăng, xăng tăng, thực phẩm tăng… chẳng có gì bất ngờ. Bất ngờ là khi một ngôi nhà 5 tầng bất ngờ đổ sụp giữa Thủ đô trong một ngày không có động đất. Dân tình thì bảo có lẽ do dư chấn trận động đất ở Nhật, rồi ở Miến Điện vừa rồi. Cơ quan chức năng thì bảo có lẽ do gia chủ đã tự cải tạo, phá kết cấu của nhà mà không xin phép. Động đất là chuyện bất ngờ, chẳng báo trước, cũng chả cần xin phép ai. Đất nằm dưới sức nặng bao nhiêu tòa nhà, bao nhiêu công trình xây dựng, bao nhiêu chân người, lâu lâu nó mỏi, nó phải cựa mình mấy cái, mà cũng chỉ cựa vài giây, cùng lắm là vài phút thôi… Chỉ còn nhà cao tầng, cột mỏng manh, tường dày có 10 phân, không dưng đập hết vách ngăn, đập cả mặt tiền, thì không sụp mới lạ! Cải tạo đụng đến kết cấu thì phải xin phép. Ai bảo không xin phép nào! Chẳng có gì bất ngờ cả. May mà không có thương vong.

Nhưng không có được cái may mắn ấy, trong cái ngày có nhiều sự sập đổ ấy, 20 mạng người đã bị cướp đi khi mỏ đá Lèn Cờ, Nghệ An bất ngờ đổ sập. Nguyên nhân của tai nạn này nhanh chóng được công bố: Theo quy trình, phải khai thác, bóc gỡ đất đá từ trên xuống dưới và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khác nhưng doanh nghiệp lại để công nhân khai thác từ dưới lên, làm chân núi bị rỗng, không an toàn, dẫn đến đất đá đổ sập. Làm ăn ngược đời, đi ngược lại mọi quy định về an toàn như thế, thì tai nạn, đúng ra, là chẳng có gì bất ngờ. Càng không bất ngờ, khi tại hiện trường mỏ đá, nhiều người dân xã Nam Thành, huyện Yên Thành, cho biết những vụ sạt lở tương tự ở mỏ đá này đã diễn ra nhiều lần, vào những năm trước, song may là không gây thương vong.

Vụ động đất, sóng thần thì đúng là Camera bó tay, vì quá bất ngờ. Còn những tai nạn được báo trước…, Camera hoàn toàn không bất ngờ vì điều này!

Camera

eMông
19-04-2011, 05:38 PM
CAMERA

ĐOÁN GIÀ ĐOÁN NON

(TT&VH Cuối tuần) - Bây giờ thì không cần phải đoán già đoán non về giới tính hay cân nặng của rùa hồ Gươm nữa. Chẳng riêng Camera mà vô số đồng bào cả nước yên tâm hẳn sau khi Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm thông báo rằng: sau một tuần chữa trị, sức khỏe rùa tiến triển tốt, nhóm nghiên cứu đã xác định tới 99% rùa này là rùa cái, cân nặng 169kg, nhẹ hơn rùa tiêu bản tại đền Ngọc Sơn.

Bệnh cũng thường thôi, da liễu, do môi trường không sạch, chứ không phải bệnh trọng hiểm nguy đến tính mạng rùa. Hội đồng chữa trị như vậy cũng nhàn, nhàn hơn Hội đồng bắt rùa. Suốt đến mấy chục năm trời, mơ mơ màng màng về rùa hồ Gươm, khoa học dựa trên phỏng đoán, rùa cứ nhô đầu khỏi mặt nước là người người chen nhau phỏng đoán, nghiên cứu rùa tiến hành trong khói sương huyền thoại bảng lảng huyền bí, đến giờ về rùa, giới tính cân nặng đủ cả, thấy nhẹ cả người.

Kể ra mấy chục năm là không ít, nhưng để giải đáp một thắc mắc vô cùng lớn lao như thế, cũng chẳng nên tiếc thời gian làm gì. Mấy hôm nay Camera đang quan tâm đến những thông tin đưa ra từ cái chết của anh Gagarin (một cái tên rất đỗi quen thuộc với thế hệ nước mình mấy chục năm nay băn khoăn về rùa hồ Gươm). Anh Gagarin là phi hành gia đầu tiên của nhân loại bay vào vũ trụ, lẫy lừng lắm, mà suốt 50 năm bên ấy cũng đoán già đoán non về cái chết của anh, công bố tài liệu mới “Sự thật về cái chết của Gagarin” mà Camera đọc xong vẫn cứ phải hiểu là nên đoán già đoán non tiếp vì sự thật vẫn chưa đầy đủ…

Đấy, trách gì thỉnh thoảng người ta cứ đưa ra những thông tin cũ rích cũ rỉ, những thông tin bị quần nát từ thông sử, huyền sử, dã sử, từ phim, từ truyện, từ sân khấu hay từ tỷ tỷ tác phẩm chính thống và không chính thống, kiểu như “Người đàn bà đã biến ái phi của chồng thành người lợn”. Giời ạ, Lữ Hậu thời Tây Hán, vài trăm năm trước Công nguyên, không đọc sử ký thì phim trên ti vi cũng đến chục bộ, mà cứ như thông tin mới. Mà tin kiểu ấy có ít đâu. Đời chưa từng động đến sách thì cứ vào search Google, mất giây rưỡi là biết thông tin trên nóc tháp Rùa xưa kia có cái gì, việc gì phải úp úp mở mở “Nóc tháp Rùa từng có tượng thần Tự do”, như thể chuyện này vừa mới rò rỉ từ Wikileaks, xã hội nhiều người rảnh việc thế, trách gì bao năm rồi cứ rùa nổi là hồ Gươm đông như hội. Chẳng biết từ cụ Rùa chuyển sang mụ Rùa, còn đông thế không? Tất nhiên vẫn có chuyện để đoán già đoán non tiếp, kiểu như bà rùa này có phải hậu duệ cụ Rùa đích thực đòi Lê Lợi trả gươm hay không? Để đoán già đoán non, chẳng bao giờ hết chuyện…

Đấy, nói chuyện hội, ai cũng kêu Quốc lễ Đền Hùng năm nay đông quá, hàng triệu người, người ta chẳng quản hiểm nguy leo núi Nghĩa Lĩnh dựng đứng trơn trượt để lên thắp hương đền Thượng, đền Trung. Camera lại thấy như thế là quý lắm, quý nhất năm nay không thấy thông tin về bánh chưng to, bánh dày to, ly cà phê to, chai rượu to… Trước hội Đền Hùng, cứ đoán (cũng đoán) là năm nay doanh nghiệp nào sẽ PR cho bản thân bằng lễ vật dâng tiên tổ? Vật khủng xuất hiện năm nay là gì? Có nát bét, có sống sít hay độn xốp bên trong không? Không có, cũng nhẹ người!

Nghĩ cho cùng, đưa thông tin sớm hay muộn, để người ta đoán rồi lại đoán cũng là việc cần cho nhiều người trong xã hội. Camera đoán rằng tới đây, vụ ô tô vào thành phố dựa trên biển chẵn biển lẻ cũng làm người ta đoán già đoán non không ít. Cứ đoán thôi, chắc sẽ có người mua 2 ô tô để… ngày nào cũng được ra đường. Mà khi người ta mua thêm ô tô, đường sẽ chật thêm. Chắc chắn là như vậy. Chuyện này chẳng đoán cũng biết. Vui thật!

Camera

eMông
26-04-2011, 10:06 PM
CAMERA

Ở đâu mình có quyền?

(TT&VH Cuối tuần) - Sáng nay Camera đi ngoài phố, chuyện cũ vô kể, giá có ghi lại thì mỗi ngày tốn ít nhất 20 km băng hình, là chuyện xe cộ va vào nhau. Người đi đúng đường quát người đi sai, quát khi đang lồm cồm bò dậy: Đi gì mà ngu như lợn thế? (may trên phố chẳng có con lợn nào, nghe được khéo lợn nó giận). Người đi sai, tạt đầu xe làm người ta ngã, sừng sộ quát lại: Tao đi thế nào kệ tao, mày quyền gì mà nói! Tất nhiên tuổi tác ở đây không được tính là quyền, vì người ngã tuổi ít ra gấp đôi người đâm. Đi đúng đường cũng không được tính là quyền, có ai đứng ra phân xử ở chỗ ấy đâu mà nói chuyện sai hay đúng… Nói tóm lại, đang đi đường, bỗng dưng nghĩ ra một cái quyền gì đó của bản thân mình khi tham gia giao thông, trong khi đường đông xe cộ vùn vụt chạy, thì tức là đã phạm phải một khuyết điểm nặng là quá hoang tưởng. Ngã đau cũng đừng nên trách!

Người tiêu dùng cũng có quyền, ai cũng biết thế, nước mình có Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thỉnh thoảng nghĩ đến cho ấm lòng. Nhưng ai cũng biết tốt nhất nên tự bảo vệ mình trước khi nhờ hiệp hội. Trong thời kỳ giá tăng quá thể là tăng, Camera hễ cứ đi chợ lần nào cũng chỉ muốn để quên ống kính ở nhà cho đỡ phải nhìn những gương mặt đầy suy tư đăm chiêu trước mớ rau con cá, thì hạn chế tiêu dùng là việc cần phải làm chứ không phải việc đòi quyền lợi người tiêu dùng…

Kể thêm nữa có nhiều việc dễ gây tủi thân, nhất là khi người ta ít tiền mà phải ra vào những nơi công cộng như bến xe, bệnh viện hay những chỗ tương tự, phải nhờ phải lụy ai đó cho được việc… Do vậy, bàn đến quyền, Camera đồng ý với một số người là cứ về nhà, quát nạt hay làu bàu thế nào cũng được với vợ con, chó, mèo, tivi..., đỡ stress mà an toàn.

Tuy nhiên, có một chỗ mà quyền có giá hơn hẳn mọi chỗ khác. Đấy là âm nhạc. Quyền đây là tác quyền, đừng nhầm. Không phải quyền với âm nhạc là thích thì hát lên cho quên sầu đau, hát vì lợi ích tinh thần của bản thân, hát thầm trong nhà. Cứ nghĩ thế mà ra chỗ đông hay hát để được lợi ích vật chất, điều cần quan tâm là có khi bị thu phí tác quyền.

Camera đang theo dõi vụ gần đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) thông báo mức thu tác quyền mới từ 500.000 đồng/bài lên 1.000.000 đồng/bài cho CD, VCD; từ 750.000 đồng/bài lên 1.500.000 đồng/bài cho DVD. Giá tăng khắp nơi, xăng, điện, thịt cá…, lẽ nào tác quyền không tăng. Nghe nói hầu hết nhạc sĩ dự họp đều cho rằng mức thu tác quyền của VCPMC hiện nay là quá thấp so với thực tế thị trường nên đề nghị tăng giá, thậm chí có người còn đề nghị mức thu 3.000.000 đồng/ bài khi sản xuất một đĩa nhạc mới hợp lý.

Tất nhiên việc này khiến các nhà sản xuất băng đĩa lo lắng lắm. Đang thời buổi kinh tế khó khăn, mấy ai hào hứng mua đĩa nhạc về nghe cho quên nỗi cá rau đắt đỏ, sản lượng băng đĩa nhạc giảm từ 1/5 đến 1/10 so với các năm trước. Nên các nhà sản xuất băng đĩa phải lên tiếng đề nghị không tăng tác quyền… Nhưng VCPMC khẳng định: tiền tác quyền mà VCPMC thu theo giá cũ là bất hợp lý với tình hình thị trường hiện nay, tăng là đúng…

Ngã ngũ chuyện này ra sao, Camera chưa biết. Có thể nghe được “nhạc chùa” khi đi qua sân khấu ngoài trời. Điều đáng nói là dù sao ở đâu đó trên đời, vẫn có một chữ Quyền được viết hoa. Ước gì Camera thành nhạc sĩ!


Camera

eMông
03-05-2011, 10:50 PM
CAMERA

TẢN MẠN… ĐỈA

(TT&VH Cuối tuần)Bọn trẻ thời nay có thể rất ít biết về loài đỉa, ngay cả bọn trẻ sinh trưởng ở nông thôn. Lý do giản đơn là lâu nay, từ ngày làng quê chuyển mình đô thị hóa, đỉa trở thành thứ động vật hiếm. Một khi ruộng đồng được phun đủ thứ thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, diệt ốc bươu vàng… thì ngay cả loài sống dai như đỉa cũng khó tồn tại.

Không biết thế nào về đỉa cũng có cái thiệt. Chẳng hạn, sẽ không hiểu nổi mấy thành ngữ cực kỳ phổ biến: Dai như đỉa hoặc Giãy như đỉa phải vôi. Vốn văn hóa dân gian cứ bớt đi thành ngữ nào là mai một đi tí ấy. Không có đỉa, đời sống cũng bớt những niềm vui dân dã. Một cô gái xắn quần xuống đồng phát hiện bị đỉa bám là cả một cơ hội tốt cho chàng trai nào đứng gần. Anh hùng cứu mỹ nhân không tốn kém bao nhiêu công sức mà lợi thì nhỡn tiền. Cảnh này đậm chất xi-nê-ma lắm, kịch tính lắm. Làm phim vớ vẩn kiểu như Camera rất mong vớ được một pha để… tung lên mạng.

Đỉa trông rất kinh, sờ vào còn kinh nữa nhưng ngày xưa còn là thứ trò chơi. Bọn trẻ con bây giờ không biết gì về đỉa đúng là thiệt thòi. Lứa trẻ sống vào thời đồng ruộng còn chiếm diện tích chủ yếu trên đồng bằng đều chơi những trò oái oăm như căng đỉa ra, lộn trái đỉa, quăng đỉa vào hố vôi… Game hành động cũng chỉ đến thế. Đỉa gợi nên rất nhiều hình ảnh. Camera nhớ xưa kia có đọc đâu đó chuyện một nhân tài thời trẻ đắp con voi mà tai là hai cái lá, còn vòi là một con đỉa. Quãng những năm 1970 - 1980, bọn trẻ có một menu kinh dị: Giun xào, đỉa luộc, cóc nấu đông, chuồn chuồn áp chảo (còn vài món nữa không kể được vì mất vệ sinh quá)… để hát nghịch.

Bàn nhiều về đỉa thế này vì Camera biết gần đây có thông tin đỉa được thu mua với giá trên 1 triệu đồng một kg, ở nhiều nơi thuộc các tỉnh phía Bắc và cả miền Trung. Sự trở về của đỉa có nhẽ rồi đây là hoành tráng. Ngoài đồng nông dân đang thi nhau đi bắt đỉa. Mà đỉa ngoài tự nhiên gần như là cạn kiệt, nên nhiều người đã nghĩ chuyện lập trại nuôi con vật nhùn nhũn kinh khủng ấy. Đỉa sống dai lắm, cắt ra từng mảnh vẫn sống, mỗi mảnh thành một con. Đốt mà nếu không cháy hết, còn sót lại vài mẩu con con gặp điều kiện thuận lợi thì lại ngo ngoe được… Như vậy việc nuôi đỉa sẽ nhanh chóng phát triển… Đỉa nhiều, là bọn trẻ con bây giờ sẽ hiểu thành ngữ xưa, sẽ rủ nhau xuống ruộng dạo chơi… Thôi thì về mặt dân gian có đôi ba điều lợi.

Chỉ lo khi chăn nuôi đỉa phát triển quá rồi, giá đỉa lại hạ xuống, đỉa không bán được sẽ tràn lan khắp nơi. Bây giờ đỉa 10 ngàn một con, sẽ có ngày 10 ngàn cả tạ… Nghĩ cũng rùng mình! Chất xi-nê-ma chắc là càng đậm đặc. Ngẫu hứng đỉa, lại nhớ những ngẫu hứng ốc bươu vàng, hải ly, rùa tai đỏ đã làm không chỉ ruộng đồng mà cả môi sinh nhiều nơi tan tành.

Trách ai bây giờ? Câu này có hỏi dai như đỉa thì các nhà khoa học có giãy lên đành đạch như đỉa phải vôi cũng khó trả lời.

Camera

eMông
09-05-2011, 11:22 PM
CAMERA

Sao họ lại thế?

(TT&VH Cuối tuần) - Cách đây vài ba chục năm, tàu xe đi lại là thứ vô cùng khó. Cảnh chen chúc trên xe bus bây giờ, nếu có, thì cứ nhân số hành khách lên gấp chừng hai mươi lần may ra các bạn trẻ mới hình dung được.

Mà không chỉ người, cái thuở xe riêng là chuyện chưa ai hình dung, thì lên xe lên tàu nói chung, về quê ra phố ai cũng đều có nhu cầu mang theo ít nhất một làn rau, bao gạo, một bu gà, bu vịt hay một con heo, con chó… tất cả lèn vào nhau, người, đồ vật, vật… cộng hưởng mùi trên các phương tiện giao thông công cộng là một hỗn hợp không thể tả nổi. Vào thời ấy, thấy ai được đi máy bay, cảm thấy họ đúng là thuộc một nhân loại khác!

Cách đây ít lâu, Camera có việc đến sân ga hàng không, đến cửa chờ làm thủ tục lên máy bay thấy cảnh vừa quen vừa lạ. Dăm người ngồi co chân trên ghế băng nhai bánh mì uống LaVie, mươi người lót dép ngồi luôn dưới sàn, chuyện trò như pháo nổ, cười ré rõ to, chửi thề chửi đệm rầm rầm… Quen, vì cảnh này nhìn giống như sân ga, bến tàu ngày trước. Lạ, vì cái cung cách hành khách đi máy bay bây giờ. Đất nước đúng là đổi mới, văn minh tiến bộ lên nhiều, đi máy bay dễ (quái lạ, giá có rẻ đâu mà dễ thế), nên hình như bà con kéo nhau đi cả họ cả làng. Rồi đến lúc rồng rắn làm thủ tục, Camera có cảm tưởng bà con không vội vàng cũng phải chen lấn xô đẩy cho… đúng truyền thống. Lên máy bay, thấy sự dễ còn bày ra vô khối nữa. Chẳng may chỗ ngồi gần cửa nhà vệ sinh, nhìn sự chen chúc, cằn nhằn… mới thấy phương tiện có văn minh lên mà con người vẫn như xưa, thì văn minh gấp mười lần chưa chắc đã lại… Đi máy bay mà nhìn sang người ngồi cạnh, tưởng như quay lại thời ngồi tàu hỏa, có khác là khác ở chỗ thấy mây trắng ngoài cửa sổ.

Chỉ có một điều khác nữa, khác hẳn, là ngày xưa ít ai mạnh dạn kêu ca nhà xe nhà tàu như bây giờ người ta kêu máy bay. Cửa quyền của nhà xe nhà tàu thì vẫn như xưa, khổ là ai cũng khổ, kêu chủ yếu kêu thầm. Bây giờ ý thức mình là khách, là Thượng đế, mình có quyền đòi hỏi lớn tiếng đã được không ít người đinh ninh trong lòng. Nên họ kêu dữ lắm, kêu luôn cả phần người khác, đi máy bay lại càng kêu… Camera đọc tất cả những ý kiến “còm” vào vụ HLV và hãng hàng không VNA vừa rồi, tự dưng thấy nhớ lại cảnh người ta ngồi co chân lên ghế trước cửa làm thủ tục ra máy bay và chửi thề vì chưa đến lượt… Chẳng muốn bàn xem lỗi ở đâu, vì lỗi tất nhiên ở đâu đó, mỗi bên một ít. Bên phục vụ xuống cấp một phần, bên đòi hỏi nóng nảy một phần. Nhưng cái cuối cùng là sự văn minh không có mặt trong sự cố ấy, đặc biệt trong những bàn luận ấy. Và khi số đông nhao nhao lên bởi một chuyện nào đó, thì sự thật thường là biết thân trốn biệt…

Đôi khi chúng ta hỏi về người khác: “Sao họ lại thế?”, họ cũng hỏi lại chúng ta câu tương tự. Giá như câu ấy được dùng để hỏi chính mình!

Camera

eMông
16-05-2011, 10:49 PM
CAMERA

Tự nguyện

(TT&VH Cuối tuần) - Không phải Camera định hát bài “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng…”. Bây giờ mà ước thành bồ câu, có khi bị… nấu cháo sớm. Bồ câu giống quý Đại lễ ngàn năm Thăng Long năm ngoái đấy, nuôi trong Công viên Bách thảo chưa đầy tháng, mấy trăm con đã ngót đi quá nửa…

Tự dưng nhắc đến chữ tự nguyện, là vì hôm nay có hai chuyện tự nguyện nghe xong rầu lòng lắm. Một là về cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt, (chuyện ầm ĩ từ hai chục ngày nay) 33 tuổi, quê Tiền Giang, nguyên Trưởng phòng quản lý kho thành phẩm công ty TNHH lốp Kumho (huyện Bến Cát, Bình Dương), theo báo cáo chính thức của cơ quan công an tỉnh, thì là anh tự nguyện ở lại trụ sở cơ quan công an để làm rõ việc công ty Kumho bị mất 6.628 lốp ô tô trị giá trên 6 tỷ đồng. Báo cáo này cho biết: Anh Nhựt tự nguyện làm rõ nhiều đầu mối liên quan đến việc mất mát trên xong rồi tự tử (nghĩa là tự nguyện chết) bằng dây điện thoại bàn… Sao trên đời lại có thứ tự nguyện chẳng ra sao như vậy, tuổi đang trẻ thế, bố mẹ già vợ dại con thơ để ai chăm? Chuyện này chỉ nói rầu lòng thôi nhẹ quá. Đau lòng cũng vẫn còn là nhẹ…

Thêm một tự nguyện nữa, tự nguyện này rầu lòng lắm, là tự nguyện chạy cho con vào trường học. Đầu cấp nào cũng chạy. Ai đời một chỗ ngồi học, cho trẻ làm có mỗi việc là tập cho thuộc mặt chữ, đánh vần ê a dăm câu thơ, làm cộng trừ vài ba phép tính thôi… mà không ít bố mẹ cứ phải cuống cuồng lo chạy chọt... Nghe cái chuyện tự nguyện này xong, chẳng biết có nên nghĩ cha mẹ trẻ con mới là có “vấn đề” hay không?

Rồi lại chuyện làng cổ Cự Đà. Camera giờ đây sợ không còn muốn về cái nơi chốn cách đây ít lâu còn là ngôi làng cổ nổi tiếng, đẹp đẽ đến thế đang tự nguyện biến mình thành một nơi ngổn ngang cát bụi. Tự nguyện phá đi rất nhiều nhà cổ. Những cổng làng đặc trưng văn hóa Bắc bộ, những số nhà độc đáo trên những cửa nhà cổ kính đang bị đập nát dần từ ngày Cự Đà trở thành thành viên của Thủ đô. Đất bỗng dưng lên giá vì những khu đô thị mới sắp mọc lên trên đất nông nghiệp của làng, những khu đô thị hào nhoáng và hợm hĩnh. Nghe đâu có nhà được đền bù gần chục tỷ đồng. Thế là chẳng cần gì đến quy hoạch giữ gìn làng cổ. Tiền nhiều thì cứ việc ai thích đến đâu thì cứ đập nhà cũ ra, đua nhau xây nhà mới và sắm sửa đến đấy. Tự nguyện thôi. Chỉ thương cho làng cổ, thương cho văn hóa. Thương cho những ý thức tự nguyện lụi tàn!

Camera

eMông
24-05-2011, 11:02 AM
CAMERA

Học sớm là vừa

(TT&VH Cuối tuần) - Lần đầu tiên, một đề thi, mà chỉ là thi Toán cấp II thôi, lại cập nhật thông tin hơn cả báo chí như thế: “Một lít xăng giá 18.000 đồng. Lúc đầu tăng 20%, sau đó tiếp tục tăng 10%. Hỏi sau hai lần tăng, giá một lít xăng là bao nhiêu?”.

Đề thi này do Phòng GDĐT huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ra cho học trò lớp 6 thi hết học kỳ II. Câu chuyện xăng tăng giá đưa vào đề thi cuối tuần qua làm báo chí một phen nhộn nhạo. Người bảo hay, người lắc đầu quầy quậy rằng như thế làm khó học trò. Theo khảo sát của nhóm cho rằng đề thi này khó, các em lúng túng lắm khi xử lý đề, em lấy 30% của giá 18.000 đồng để tính giá xăng sau hai lần tăng. Có em lấy 20% của 18.000 đồng tính ra giá xăng tăng lần một, sau đó lấy 10% cũng của giá 18.000 đồng để tính giá xăng tăng lần hai… Nói chung, sự lúng túng ấy nếu hình dung ra thì chẳng khác gì sự lúng túng của người lớn khi đi mua xăng, vừa rút tiền trả vừa ú ớ tưởng bị lừa hay bị đong ăn gian. Có điều, lúng túng của người lớn là một lúng túng kéo dài chứ không chỉ trong một lần thi học kỳ như vậy. Ngoài yếu tố hay, đề thi phải ra phù hợp với trình độ chung của học sinh.

Về phía mình, Camera thấy cái cách ra đề như vậy là nên, thậm chí trẻ em cũng nên làm quen với bài tập về sự tăng giá, kiểu lúc đầu tăng 20%, sau đó 10% hoặc lại 20%. Không chỉ giá xăng… cái gì liên quan đến đời sống mà hay tăng giá đều nên học. Việc học này chắc chắn được áp dụng trong thực tế chứ không phải học xong là để đấy, lâu dần quên đi như nhiều môn học khác.

Camera ví dụ chuyện báo chí đang gọi là “quái thú” ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Sau đến cả mươi ngày rồi, tin đồn vẫn cứ là tin đồn. Học hành nghiên cứu về hổ báo, beo, gấu, chó sói… thì ắt là các nhà khoa học nước mình, nhất là các vị học hàm học vị cao đều đã học. Nhưng khi đã có đến 20 con chó nhà bị giết một cách đầy bí ẩn thì chỉ thấy dân kể lại, chẳng thấy chuyên gia nào lên tiếng. Dân mà kể tất nhiên ly kỳ lắm, chẳng hạn dấu chân cào đất trước hiên nhà sâu hơn 2cm. Người thì kể thấy con có lông màu đen xám, trọng lượng nặng khoảng 35 - 40kg, thở hì hộc. Người khác lại kể con có màu lông đen vằn, cặp mắt sáng đối diện đèn xe máy đỏ rực… Người khác nữa nói lông nó đen trũi. Vài nhà khoa học nghe xong bảo rằng toàn chuyện phóng đại, lấy đâu ra chuyện một con thú lạ nặng 40kg ăn 5 con chó nhà (chẳng riềng mẻ mắm tôm gì sất) chỉ trong một đêm…

Nghĩa là đến hôm nay chưa ai biết nó là con gì, có khi chỉ là con bẹc-giê nhà ai xổng xích. Thú dữ vào thôn mà cứ phỏng đoán mãi, biết chuyện gì xảy ra. Hồ Gươm bé teo có mấy cụ rùa, mấy con rùa, mà phỏng đoán đến mấy chục năm chưa ngã ngũ. Vụ này tính chất bạo tàn ác liệt như vậy, kéo dài thêm nghĩ cũng rất hoang mang…Thế nhưng các nhà chức trách chỉ có mỗi cách là khuyến cáo người dân hết sức đề phòng với hành vi của thú dữ. Không cho người già, trẻ em đi đêm, đi một mình nơi thú dữ hay xuất hiện, ban đêm phải khóa cửa nhà cẩn thật, nếu phát hiện thú về nhà thì phải đồng loạt nhiều người đổ ra đuổi thú đi… Toàn những biện pháp đơn sơ chẳng cần học nhiều cũng biết.

Bởi vậy, cái gì học được sớm cũng nên học.

Camera

eMông
31-05-2011, 03:04 PM
CAMERA

Một phút dành cho tưởng tượng

(TT&VH Cuối tuần) - Cứ sắp đến ngày Tết thiếu nhi (cả dịp Trung thu nữa), là xã hội lại rộ lên vấn đề chăm sóc trẻ.

Những câu hỏi muôn năm cũ bao gồm: Đồ chơi cho trẻ ra sao? (rất nhiều là đồ chơi Trung Quốc độc hại), thực phẩm cho trẻ thế nào (hôm nọ có nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia bảo không an toàn, nhiễm kim loại nặng, nhiễm chì quá mức cho phép nhiều lắm)…, càng hỏi lắm càng lo lắng nhiều. Việc học báo động thường trực rồi, việc chơi cũng đầy bất ổn, chẳng có chỗ nào chơi cho ra hồn. Việc giải trí thì đúng quy định là nhạt nhẽo, sai quy định là nguy hại… Tóm lại, làm trẻ em bây giờ không vui lắm.

Người ta bảo trẻ em bây giờ đủ đầy quá, nên một trong những lý do làm tuổi thơ có phần kém đi một số niềm vui ấy là vì trí tưởng tượng của trẻ không còn phong phú như xưa. Nhưng cần phải biết, một khi bọn trẻ vẫn say đắm cậu bé phù thủy Harry Potter, chú mèo máy Doremon và một số nhân vật tương tự (chuyện này kiểm định cực dễ, chỉ cần căn cứ vào doanh thu của hai NXB in hai cuốn truyện này là đủ) thì trí tưởng tượng của trẻ vẫn chưa cạn kiệt. Nếu có bị vơi bớt phần nào, thì đó là bởi người lớn.

Trẻ em nhìn vào môi trường sống của mình, thắc mắc... Như thắc mắc mới đây của em Phạm Thị Mẫn được đăng tải trên mạng VietNamNet, tựa đề là: Cô ơi, sao giả dối vẫn ngang nhiên trong trường. Em Mẫn viết: Giờ học ầm ầm như cái chợ vẫn được điểm 10 vì thầy cô nể nhau. Một số thầy cô thực tập lên lớp còn lúng ta lúng túng, thậm chí dạy sai cả kiến thức, nhưng nghe thầy hiệu trưởng công bố kết quả xếp loại thì vẫn thấy những thầy cô ấy đạt loại xuất sắc! Hàng ngày thầy cô sa sả mắng học trò dốt nát, nhưng cuối năm vẫn cứ 70% học lực khá giỏi, 90% hạnh kiểm tốt, tốt nghiệp vẫn 100%. Thầy cô luôn dạy chúng em phải trung thực, nhưng trước khi thi tốt nghiệp, thầy cô lại dặn phải gây thiện cảm với giám thị, nếu là bạn trường mình thì phải “giúp đỡ”, nhưng với trường ngoài thì tuyệt đối không để cho “người ta” nhìn bài. Tại sao lại thế hả cô? Chính thức, thì thầy cô cả nước nên tổ chức hội thảo về bức thư này. Bởi lâu lâu cứ phải dùng trí tưởng tượng quá nhiều cho những lời giải đáp, tạm gọi là tưởng tượng hộ, nên hệ lụy tất nhiên là người lớn đã làm thui chột trí tưởng tượng của trẻ.

Mà phân tích nhiều cũng chẳng thể thuyết phục bằng vụ quái thú ăn thịt 20 con chó ở Quảng Ngãi mới đây. Từ thuở con người thành homo sapien, lịch sử chăn nuôi gia súc gia cầm lâu lắm mới có một dòng bi thảm như vậy. Con lợn rừng (nuôi) nặng ngót tạ chết tội nghiệp quá. Chết vì tình, do bạn gái bận nuôi con. Chết vì to (nặng một tạ cơ mà). Chết vì oan ức…, song rốt cục là chết bởi sự tưởng tượng của một số người. Huyền thoại quái thú khủng khiếp đã khép lại lãng nhách như vậy, hỏi bọn trẻ con còn lòng dạ nào mà tưởng tượng…

Kể nữa dài dòng. Tạm khép lại clip này bằng một tưởng tượng là sang năm, báo chí thôi không hỏi Hè này trẻ em chơi ở đâu?

Camera

eMông
13-06-2011, 11:35 AM
CAMERA

Lại chuyện học hành thi cử

(TT&VH Cuối tuần) - Mấy hôm nay lũ trẻ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, để tháng sau thi vào đại học. Khổ, trời thì nắng, mấy hôm đi sờ đầu rùa chẳng biết có may mắn gì không? Thí sinh lo một, bố mẹ thí sinh lo mười, nhưng dù bố mẹ lo lắng lễ lạt đủ đường đủ nơi rồi, chợ phao vẫn cứ rộn ràng với con, cho chắc. Tình cảnh hoa phượng đỏ trời đối với phao rơi trắng đất mùa thi năm nào cũng vậy. Camera thực sự hoang mang lắm mỗi mùa thi.

Thi năm nay, có chuyện gây dư luận từ lúc bắt đầu đăng ký hồ sơ tuyển sinh, là khối C chưa đến 5% số hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Người ta thống nhất rằng điều này bố cáo tình trạng mất cân bằng tinh thần trong xã hội. Một giáo sư khả kính đã coi đây là sự xuống cấp của văn hóa. Và đương nhiên là bất bình thường.

Một khi, như giáo sư phân tích: Chúng ta đang phải sống trong môi trường nhiễm độc bởi không khí kiếm tiền, làm giàu và tiêu tiền... Khi mà một vé xem ca nhạc là 4 triệu đồng, bằng 1 tháng lương hưu của một giáo sư đại học. Đó là sự bất công, là nghịch lý đến khó hiểu. Với một xã hội như thế tất yếu sẽ tạo nên tâm lý phải đi kiếm tiền. Vào tài chính, ngân hàng thì lương 10 - 20 triệu đồng/tháng, còn vào sư phạm với lương 2 - 3 triệu đồng mà xin việc lại khó thì tất nhiên chẳng ai muốn vào. Điều đó tạo ra trong xã hội tâm lý không bình thường chút nào và nó hủy hoại tất cả những ước muốn lành mạnh và trong sáng. Mà một khi người ta không lành mạnh trong sáng, người ta không thi khối C!
Giáo sư chắc chắn… nhầm. Cực kỳ lành mạnh và hồn nhiên, chẳng cần khối C, thi hay là học. Làm như ở Việt Nam cứ phải học khối C mới có ước muốn lành mạnh và trong sáng, mới biết làm thơ viết văn… Nếu ông thử đặt chân đến một nơi gọi là Đại Nam Văn Hiến, ông sẽ thấy thơ, văn, câu đối tràn ngập nơi nơi. Phần lớn văn thơ ở đây… không cần vần điệu. Một tờ báo nhận định: sai cơ bản về gieo vần, thanh điệu, rỗng tuếch về nội dung mà còn hỏng về mặt kiến thức một cách nghiêm trọng, Camera mới đọc vài bài tí nữa ngã lăn xuống ghế. Đại khái thế này: Về thăm văn hiến trầm hương, lung linh 18 đời vương Đại Hùng. Về thăm văn hiến Nhị Nùng, khi về chở cả trống đồng hạo nhiên”. Loại thơ này, viết chữ lớn, sơn son thếp vàng treo to tướng, rồi in thành sách, chép ra đĩa… Ông chủ ở đây chính là tác giả biển thơ này. Ông ta có thể học khối C hoặc không, nhưng ông ấy có tiền và ông ấy muốn làm gì thì làm, kể cả làm thơ!

Nữa, tấm bia thiêng liêng khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Lũng Cú, cực Bắc Tổ quốc, còn viết sai chính tả. Người ta lên được Lũng Cú vất vả khó khăn để nhìn thấy một tấm bia có thể làm đỏ mặt nếu đi cùng một bạn nước ngoài. Tấm bia ấy cũng chỉ tương đương về độ thiêng liêng với tấm bia ghi tên doanh nghiệp gần đấy. Viết sai ở đâu chẳng viết, nhằm đúng bia chủ quyền để sai. Mà sai không bị sửa… Khối C có đóng vai trò gì ở đây không?

Nhìn trẻ con chen chúc khổ sở đi thi, tự dưng chẳng muốn nói gì!

Camera

eMông
13-06-2011, 11:38 AM
CAMERA

Tiền tỷ

TT&VH Cuối tuần) - Có một ngày như Chủ nhật vừa rồi, để hiểu “sóng biển Đông trong tâm hồn người Việt” ào ạt và mạnh mẽ thế nào. Tinh thần yêu nước vẫn luôn tồn tại và hiện hữu, ngay từ những bộc lộ nhẹ nhàng thôi, kiểu như đi bộ…

Theo Camera, tinh thần yêu nước đáng coi trọng ấy cần và nên thể hiện thêm nhiều chỗ khác nữa. Chẳng hạn, như sách vẫn nói yêu nước là phải làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh (còn làm thế nào cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh thì tầm vĩ mô, Camera không nói được). Trong vô vàn những việc có thể làm để bày tỏ lòng yêu nước, trong hoàn cảnh hiện nay, điều Camera hay được nghe, là phải thực hành tiết kiệm.

Tiết kiệm, như bản thân mình thì là chuyện đã đành, một khi giá cả mỗi ngày một leo thang. Nhưng mình tiết kiệm thì đáng bao nhiêu. Tiết kiệm được vài triệu bạc là cùng, mỗi gia đình người dân may ra làm được vậy. Bàn chuyện tiết kiệm nên bàn ở những dự án tiền nhiều như nước. Chẳng hạn, “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015” mà một giáo sư đưa lên báo rằng sẽ có kinh phí thực hiện khoảng bảy mươi ngàn tỷ đồng (Camera thử ngồi viết con số này ra giấy, viết mãi vẫn không đúng vì dãy số O đằng sau quá dài) đang gây nhiều băn khoăn cho những ai quan tâm giáo dục mấy hôm nay. Mà nói “những ai”, chứ thực ra là cả xã hội, nhà nào chẳng có trẻ em đi học, không con thì cháu. Giáo dục cứ đổi mới luôn luôn, mãi vẫn chưa ổn, nên nhiều ý kiến bàn ra tán vào lắm về số tiền khổng lồ ấy. Cũng may, một giáo sư khác cụ thể hơn cho biết 70.000 tỷ đồng ấy không phải chỉ để biên soạn chương trình sách giáo khoa mới mà còn dự kiến cho nhiều hạng mục khác của đề án như xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, đào tạo giáo viên... Kinh phí dành cho việc đổi mới sách giáo khoa chỉ có 962 tỷ đồng. Nhưng gì thì gì, 962 tỷ đồng cũng là lớn.

Lớn hàng nghìn tỷ, tất nhiên còn nhiều dự án nữa. Cái Bảo tàng Hà Nội mới hoạt động dạo tháng 10 năm ngoái nhân 1.000 năm Thăng Long giờ đã có những dấu hiệu xuống cấp như thấm nước, hiện vật trưng bày hư hỏng. Do vậy, dù nghe nói người thăm chẳng mấy (phần trưng bày đã hoàn thiện đâu), nhưng bảo tàng sẽ được đầu tư thêm 760 tỷ đồng để hoàn thiện, nâng tổng mức đầu tư lên 2.800 tỷ đồng. Xót thì rất xót bởi tiền Nhà nước cũng là tiền do dân - tức là do mình, đóng góp. Nhưng chẳng biết làm gì khác ngoài xót, nên nói nữa vẫn thế mà thôi.

Vả lại, vấn đề đâu chỉ là bao nhiêu nghìn nghìn tỷ. Đầu tư cho giáo dục, cho văn hóa, nếu đích đáng, càng lớn thì càng mừng. Camera chỉ nghĩ là bày tỏ lòng yêu nước đến đâu, chăm lo cho lớp trẻ đến đâu, cũng chẳng thể đem lại kết quả như ý, nếu ngày nào trên mạng cũng quá nhiều tin phản văn hóa, phản giáo dục: Em rể cô bảo mẫu xâm hại bé gái 4 tuổi hoặc Tối thứ Bảy tuần trước, một bé gái 8 tuổi đã bị một gã thanh niên trẻ tuổi hãm hiếp trong nhà vệ sinh tại bữa tiệc cưới (việc này tận Malaysia); hay bình luận “ngỡ ngàng” vì vòng một của siêu mẫu 13 tuổi Bảo Trân… hàng chục tin kiểu đó mỗi tuần, đầy trên các báo chính thống. Để câu view một cách rẻ tiền, đến cả trẻ em cũng là đối tượng.

Cái đang bị lãng phí và hủy hoại nhất, chính là nhân cách!

Camera nghĩ, yêu nước chính là phải chăm lo giáo dục lớp người sau này làm chủ đất nước. Nghìn nghìn tỷ liệu có cứu được sự xuống cấp của cả môi trường văn hóa giáo dục hiện nay không?

Tìm chưa thấy câu trả lời ở đâu. Thì đọc được “Kiều Trinh thách trả nửa tỷ cho ai phát hiện mình ngực giả”.

Camera khóc!

Camera

eMông
21-06-2011, 08:47 PM
CAMERA

Đáng là bao?

(TT&VH Cuối tuần) - Cả tuần nay, đề án trị giá 70 nghìn tỷ của Bộ Giáo dục & Đào tạo về “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” dù phân tích thế nào, dù được coi mới chỉ là bản nháp vội, không khả thi… thì cũng vẫn cứ làm người ta đồng loạt phản ứng.

Lạ thế, ai nghe cũng thấy phải góp lời bình luận. Từ báo (giấy và mạng) đến các nhà khoa học, giáo viên, học sinh… đâu đâu cũng bàn 70 nghìn tỷ. Như thể số tiền đó đang bày ra trên bàn, sắp chia thành nhiều món, mà vẫn chưa biết món nào cần hơn món nào…

Camera thoạt đầu cũng choáng với con số 70 nghìn tỷ. Cũng phải, 70 nghìn tỷ viết hết các số 0 cũng mỏi tay, nghĩ cũng mỏi đầu, là một con số quá lớn! Nhưng khi đã được nghe rõ là trong số đó, dành cho sách giáo khoa có 962 tỷ thôi, mà con số 962 tỷ ấy cũng chỉ để làm được hơn 1km đường Kim Liên thôi. Thì sự choáng về tiền suy giảm hẳn.

Vậy thì, đừng bàn về tiền mà hãy bàn về giáo dục. Chẳng nơi đâu, có lẽ vậy, sự học được đề cao như nước mình. Hôm trước, đọc báo thấy chuyện một bà cụ 70 tuổi sống tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, suốt bốn năm lê thân hình gầy ốm ăn mặc rách rưới đi ăn xin để nuôi một đứa cháu không phải ruột thịt cho nó lên đại học. Cháu vào đại học mở rồi, tất nhiên là bà đi ăn xin tiếp, mà phải xin được nhiều hơn nữa, vì học đại học chắc chắn tốn kém hơn hồi rau cháo ở nhà. Tiền trọ, tiền ăn, tiền học, giấy vở sách bút một năm ít nhất cũng tới cả chục triệu đồng, không biết bà xin thế nào? Cô gái 20 tuổi hẳn cũng coi đại học là con đường duy nhất thoát nghèo cho hai bà cháu, nên đành lòng mà cầm số tiền bà ăn xin nuôi mình lên thành phố… Người đọc báo chạnh lòng muốn hỏi: học đại học để làm gì khi bà phải đi ăn xin? Sao không ăn xin nuôi bà nếu không biết làm gì khác? Còn nếu lành lặn khỏe mạnh thì nên kiếm việc làm trước, học sau, chưa nuôi được bà thì cũng nên tự lo cho mình, đừng bắt bà cụ lê bước ngửa tay từng ngày. Người được đi học biết đạo nghĩa ai làm thế?

Để cứu đạo nghĩa, cũng là vì nền giáo dục? Nhà nước sẽ cần bao nhiêu tiền? Camera cứ vơ vẩn tự hỏi. Nhất là mấy ngày nay giá thực phẩm tăng quá, không biết bà cụ ăn xin thế nào? Người nghèo đông lắm, mà báo chí thì vẫn cứ tung tăng đưa mấy tin óng ánh màu vàng: triệu phú mua nhà 500 tỷ, Lý Nhã Kỳ diện hoa tai 7 tỷ, đại gia ngày nào cũng ăn rùa vàng 8,5 triệu/kg hoặc đầu bếp với thực đơn 80 triệu/người… Hóa ra so thế phở 800.000 đồng/bát vẫn là thức ăn con nhà nghèo!

70 nghìn tỷ, so thế, cũng đáng là bao?

Camera

ChanNhoiBong
22-06-2011, 01:07 AM
CAMERA

Tiền tỷ

TT&VH Cuối tuần) [I]
Cái Bảo tàng Hà Nội mới hoạt động dạo tháng 10 năm ngoái nhân 1.000 năm Thăng Long giờ đã có những dấu hiệu xuống cấp như thấm nước, hiện vật trưng bày hư hỏng. Do vậy, dù nghe nói người thăm chẳng mấy (phần trưng bày đã hoàn thiện đâu), nhưng bảo tàng sẽ được đầu tư thêm 760 tỷ đồng để hoàn thiện, nâng tổng mức đầu tư lên 2.800 tỷ đồng.


hôm trước buồn quá chẳng biết làm j, em đi vào xem cái bảo tàng Hn xem nó thế nào, chẳng có ai cả, vào cửa đã thấy chán rồi, gì mà tiền tỷ với tiền tấn, đút vào túi các ông nào hết rồi hay sao ấy, đến cái tủ giữ đồ còn ko có, phải để đồ lên cái bàn gỗ, nản hẳn luôn

eMông
26-06-2011, 09:38 PM
CAMERA

Lộ diện và phát sốt

(TT&VH Cuối tuần) - Đã qua ngày báo chí, những lời chúc mừng coi như cất ngăn kéo sang năm lôi ra tái sử dụng. Sáng nay Camera bị một độc giả không quen tên biết mặt bỗng dưng gọi gửi mail đến, lời lẽ như mắng: Tôi cứ tưởng báo chí làm được việc gì tử tế nên đã gửi bài cho chị, đợi mãi, ba ngày rồi không trả lời trực tiếp cho tôi là có đăng được hay không? Bài tôi là bài phản ánh cuộc sống tinh thần mệt mỏi vất vả của những người bán thực phẩm chức năng bị mang tiếng lừa đảo…, các chị chỉ chú ý tin tức đâu đâu thôi, quan tâm gì đến người dân.

Camera ngạc nhiên lắm. Mọi khi độc giả này, do thấy tên không có chữ Thị, nên vẫn gọi Camera là anh và Camera… kệ. Sao hôm nay chị biết tôi là chị chứ không phải anh? Tại chị lộ diện rồi, hôm qua chị trả lời trực tuyến về xin đừng “play hóa” báo chí. Tôi biết chị là ai rồi. Thư trả lời như vậy.

Lộ diện đúng là phiền!

Thế mà hôm nay, trên báo nhặt ra đến mươi chữ lộ diện chứ không ít. Sẽ kinh khiếp nữa nếu vào Gúc gõ “lộ diện” 51.600.000 kết quả cho 0,17 giây. Nhan nhản lộ diện khắp nơi. Nokia, Apple lộ diện phiên bản mới - thế đã đành. Lộ diện “kỷ vật tình yêu” Thanh Thảo - Bình Minh; Lộ diện người thứ ba của Tăng Thanh Hà… Giật gân nhất là: Con trai Hà - Cường lộ diện. Vào đúng ngày lễ thôi nôi, hình ảnh “cục cưng” của gia đình Hà Hồ - Cường đô la đã bị lộ ra trên mạng xã hội. Thông tin này đang khiến cho cư dân mạng gần như “phát sốt”. Tấm ảnh đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt, và cậu bé được khẳng định là con trai Hà Hồ. Thằng nhỏ vừa đầy một tuổi bị đem ra soi miệng giống ai, mắt giống ai, để khẳng định đúng là đã được sinh ra bởi chính mẹ nó. Kinh hãi thật! Cũng điêu toa thật, cư dân mạng nào phát sốt? - cứ như mỗi “cư dân mạng” đều phải cặp nách một cái nhiệt kế! Đứa trẻ một tuổi được tổ chức sinh nhật, khách khứa đầy mà cứ bí hiểm như nhân vật quyền lực nào mới được tái sinh để thay đổi thế giới. Camera đọc tin mà thấy... phát sốt.

Nhưng phát sốt, hỡi ơi, cũng là từ câu khách của truyền thông. Ảnh đứa bé một tuổi làm cư dân mạng phát sốt, cư dân mạng cũng phát sốt vì vẻ đẹp của một cô gái 22 tuổi mà như 7 tuổi. Một cô gái Trung Quốc đã trang điểm biến hóa trông như “ngọc nữ” 7 tuổi, với cặp mắt to tròn ngơ ngác và đôi môi căng mọng. Nhưng sự thực cô gái này đã 22 tuổi… Bảo Trân cũng làm phát sốt, cô người mẫu nhí 13 tuổi ấy, vì vòng 1… Phát sốt nhiều đến mức có cảm giác cả mạng đang ấm đầu.

Sau khi bình tĩnh lại để ý thức rằng sự lộ diện của mình cũng không sao, vì mình rất tầm thường, không thuộc hàng sao, xa cách đám chân dài ngực khủng một khoảng cách dài hàng km nên không cần phát sốt làm gì. Vấn đề còn lại là chẳng biết vì sao báo chí càng ngày càng lộ diện nhiều cây bút chẳng có tý tẹo tự trọng nào như thế. Chui rào viết bài cũng phải chọn rào mà chui chứ, loanh quanh mấy cái nhà đại gia mà miệt mài nhòm ổ khóa. Họ có đọc lại xem mình viết gì không? Nếu xem, sao không phát sốt đi!

Camera

eMông
12-07-2011, 11:01 AM
CAMERA

Học gian lận, láu cá

(TT&VH Cuối tuần) - Người Việt ta có rất nhiều thứ phải học hỏi người phương Tây, trừ sự gian lận, láu cá...

Camera tôi nghĩ rằng, không chỉ bởi vì đó là những thói xấu, cần hạn chế nhập khẩu, mà còn vì, những cái đó chúng ta (hay một bộ phận trong chúng ta) đã có thừa, thậm chí còn làm lây lan sang người khác. Nhiều người Việt còn đem xuất khẩu những thói xấu đó qua con đường “tiểu ngạch” khi sống ở hải ngoại…

Vì thế, Camera tôi rất bất ngờ khi biết người phương Tây lại có tham vọng muốn xuất khẩu một số trò láu cá sang bên ta. Họ viết ra thành văn bản hẳn hoi, “cài cắm” vào trong một bộ sách, nghe nói là đồ sộ và mang đầy tính giáo dục. Ban đầu nghe tin này tôi hơi hoảng, nhưng sau khi đọc kỹ, tôi lại có suy nghĩ khác. Trước hết, tôi không tin những đối tác xuất bản ở bên ta lại ẩu đến nỗi chẳng “kiểm hóa” bộ sách ngoại, cứ thế dịch nguyên xi… ra thành sách, phát hành rộng rãi cho con cháu làm dư luận tá hỏa… Tôi ngờ rằng hình như họ có ý đồ gì đây?

http://media.thethaovanhoa.vn/2011/07/04/09/27/son.jpg

Bộ sách Kiến thức cho thiếu nhi có nội dung dạy trẻ em "Làm thế nào để gian lận?"

Thật vậy, bộ sách Kiến thức cho thiếu nhi gồm 3 tập, được giới thiệu rằng hơn 1 triệu bản đã bán trên thế giới và tái bản nhiều lần ở Anh, Mỹ cùng một số nước. Tác giả là hai ông Tây Matthew Morgan và Samatha Barnes. Khi giải đáp một câu hỏi mà rất nhiều học trò, đặc biệt là các sĩ tử xứ ta trong mùa thi tới rất quan tâm, ấy là “Làm thế nào để gian lận”? Hai tác giả Tây đã quá tự tin khi bật mí các mẹo mực sau: Thu tất cả các câu trả lời vào máy thu âm và nói với cô giáo rằng bạn đang cố giảm bớt căng thẳng bằng cách nghe nhạc qua tai nghe. Viết đáp án lên tay áo của bạn. Dán bìa sách giáo khoa lên bìa sách hướng dẫn giải bài tập và dùng nó như sách giáo khoa. Kết bạn với một bạn học khác lớp, người đã làm bài kiểm tra ấy trước đó...
Dư luận bất bình vì cuốn sách “dạy nói dối” này. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Camera tôi nghiệm ra rằng đây đúng là phần non yếu nhất trong bộ sách, nhưng không chỉ vì nội dung của nó “phản giáo dục” mà vì hai tác giả Tây kia đã đánh giá quá thấp trình độ gian lận của học trò ở xứ ta, cho nên lên mặt dạy dỗ về những điều sơ đẳng đó. Nếu rỉ tai các trò láu cá này cho một bộ phận học trò luôn vượt qua các kỳ thi nhờ gian lận thì chắc chắn chúng sẽ bật cười vì sự ngô nghê, ngốc nghếch và xưa cũ như trái đất…

Đất nước ta, do điều kiện thi cử khắc nghiệt và do giám thị ngày càng tinh khôn ra, cho nên trình độ láu cá và gian lận trong thi cử của các học trò càng ngày càng tới mức “thượng thặng” mà ít nhiều báo chí cũng đã biết. Chẳng hạn buộc phao vào dây chun và cột dây chun vào trong áo lót, quần lót. Giám thị đến gần, lập tức buông tay cho dây chun bật lại, kéo cục phao chui tọt vào... chỗ không thể khám xét. Hoặc sử dụng các thiết bị máy truyền tin tinh vi gắn vào tai, giấu dưới tóc… Chả thế mà năm nào sau mùa thi, không chỉ giám thị mà cả cơ quan công an cũng phải đau đầu đối phó với những thủ đoạn gian lận công nghệ cao của đám học trò.

Bởi thế Camera tôi nghĩ rằng, những trò gian lận, láu cá trong cuốn sách của mấy ông Tây kia gần như “vô hại” đối với nền thi cử khắc nghiệt của nước ta, và bộc lộ sự non kém trong trình độ gian lận của học trò phương Tây. Hỡi các nhà kinh doanh sách, sau khi “tạm nhập” cuốn sách này, các vị có thể dấn lên một bước nữa, bổ sung những trò gian lận thượng thặng của học trò xứ ta, rồi đem “tái xuất” bộ sách đã được “Việt hóa” này sang bên Tây, đảm bảo sách của các vị sẽ đắt như tôm tươi. Các vị sẽ được một vốn bốn lời, hơn gấp mấy lần lợi nhuận từ việc nhập khẩu nguyên xi cuốn sách này.

Camera

eMông
12-07-2011, 11:39 AM
CAMERA

Những lý do tuyển người theo vòng một

(TT&VH Cuối tuần) - Lại chuyện vòng một! Báo chí chẳng đã bão hòa chuyện này, nói làm gì nữa! Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ vì việc 12 cô giáo dự xét tuyển viên chức giáo dục mầm non ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ), dù có điểm số vượt trội so với các thí sinh khác vì công tác tại trường theo diện hợp đồng lao động hơn chục năm, lại là người dân tộc thiểu số, mà lại bị loại với lý do “Giấy khám sức khỏe thiếu chỉ số thể lực”..., cụ thể là trượt vì số đo vòng ngực mà Camera bỗng dưng muốn bàn về vòng 1. Dù sao cũng phải công nhận rằng trong việc đánh giá con người (chủ yếu là phụ nữ) số đo vòng ngực đúng là một yếu tố cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa lớn lao tỷ lệ thuận với số cm. Đây không đơn giản về mặt hình thể, mà còn là tài năng, nhân cách và nhiều thứ nữa. Cả một buổi truyền hình trực tiếp về vị đại tướng lẫy lừng mà điểm nhấn quan trọng lại là vòng 1 của một cô diễn viên… Tiếc thay dư âm của một vở kịch lịch sử lại là chuyện vòng 1 của nữ diễn viên phụ

Ngực bé không được dạy học đúng là chuyện cực kỳ khôi hài. Nhưng sau chuyện ngực bé không được đi xe máy của Bộ Y tế trước đây, vụ này chẳng có gì xuất sắc hơn. Hàng trăm ý kiến sau bài báo đưa tin này nói trên có chung thái độ là phẫn nộ. Nhưng phẫn nộ mấy cũng nên nhìn nhận theo hướng lạc quan hơn một tẹo, rằng như vậy chẳng bao lâu nữa là miền ngược tiến kịp miền xuôi. Với giáo viên dạy mầm non, vấn đề số đo vòng 1 rõ ràng quan trọng, vì nó đặt nền móng cho việc phát triển nhân cách trẻ em. Gì thì gì, cô giáo mầm non có vòng 1 hoàn hảo cũng gây ấn tượng thẩm mỹ tốt cho các cháu! Đặc biệt cho cha mẹ các cháu (nếu mẹ các cháu tự dưng biến thái và quan tâm đến giáo viên của con chỉ ở số đo hình thể) !!!

Cứ hình dung xem, ít lâu nữa, Phú Thọ hoặc địa phương xa xôi nào khác cũng sẽ có những trường mầm non sang và xịn như Thủ đô bây giờ. Những nơi ấy, nộp thêm mỗi tháng một triệu đồng là bố mẹ ngồi đâu cũng quan sát được con vì lớp học nào cũng gắn camera nối với máy tính bố mẹ. Nhìn con mãi có thể chán, vì nói chung, trẻ thì ăn nghịch, ngồi bô rồi ngủ… đơn điệu lắm. Lúc ấy nhìn gì nữa nào? Nhìn cô giáo chứ còn gì nữa! Lý do vì sao vòng 1 quan trọng là như thế. Về điều này, Camera nghĩ rằng đừng nên trách ngành giáo dục huyện nọ nhiều quá. Có ai chịu trách nhiệm về hành vi của ai nữa không, một khi xã hội mặc nhiên công nhận đạo đức ngày càng tha hóa và những chuẩn mực về con người đang xô lệch đến mức không kiểm soát được?

Vấn đề là trước khi có thể nộp một triệu mỗi tháng như các bậc cha mẹ thành phố làm, cốt để tìm hiểu xem ở lớp, đứa con bé bỏng của mình thỉnh thoảng có bị ăn đòn hoặc dán băng keo vào miệng hay không - nhu cầu này chính đáng hoàn toàn - thì nên nghĩ thế nào để các cô giáo miền xa có thêm một triệu đồng thu nhập một tháng để sống qua cơn bão giá. Lo được chuyện ấy xong, các nhà quản lý ơi, hãy nghĩ đến chuyện tuyển dụng dựa vào số đo các vòng 1, 2, 3!

Camera

ChanNhoiBong
12-07-2011, 12:22 PM
CAMERA

Những lý do tuyển người theo vòng một

(TT&VH Cuối tuần) [I] Cả một buổi truyền hình trực tiếp về vị đại tướng lẫy lừng mà điểm nhấn quan trọng lại là vòng 1 của một cô diễn viên… Tiếc thay dư âm của một vở kịch lịch sử lại là chuyện vòng 1 của nữ diễn viên phụ

Camera
Đùa chứ đã ai xem cái clip này chưa ạ, bưởi ko thể tả nổi, chết cười

http://www.youtube.com/watch?v=yPmmv7oDih0

eMông
18-07-2011, 12:08 PM
CAMERA

Vẫn bình thường

(TT&VH Cuối tuần) - Mỗi mùa xét trao các giải thưởng lớn… là sóng gió lại dậy lên quanh những bản danh sách đề cử. Camera có lần chứng kiến một họa sĩ lão thành tóc bạc trắng mà uất ức đến mức suýt nữa khóc khi năm đó, một họa sĩ trẻ hơn ông nhiều (mà ông đánh giá bằng một từ kiểu như “lưu manh”) lọt vào danh sách nhận giải, mà danh sách ấy lại chẳng hề có tên ông, dù ông nghĩ mười mươi phải có.

Một sự kiện đang được quan tâm của dư luận: biên kịch Phan Thanh Tú đã gửi kiến nghị tới Bộ VH,TT&DL về kết quả xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với cụm công trình của đạo diễn Nguyễn Thước.

Năm nay, đã 5, rồi 8 nhạc sĩ viết đơn bày tỏ thất vọng về đề cử giải thưởng Nhà nước. Bên điện ảnh, cũng 2 nữ biên kịch và chắc còn nhiều hơn thế nữa đồng ký tên vào một bản kiến nghị…Các nhạc sĩ viết đơn vì cho rằng Hội đồng xét duyệt đã làm việc không minh bạch. Hơn 300 tác phẩm của 68 nhạc sĩ mà họ chỉ nghe và đọc trong hơn 2 ngày đã xong. Có những nhạc sĩ đi lấy lại hồ sơ, tài liệu sau khi có thông tin bị loại đã sững sờ khi hồ sơ còn nguyên… dấu niêm phong. Tất nhiên, đây là nhạc, Hội đồng xét duyệt thể nào chẳng trả lời thế. Toàn những bài hát đã vang trên sóng phát thanh và ngân trong lòng người nghe đến non nửa thế kỷ nay. Cần gì mở hồ sơ khi giai điệu đã thuộc lòng. Đến Camera, trình độ nghe nhạc vào loại kém nhất nước, cũng thấy băn khoăn vì trong số danh sách các nhạc sĩ được đề cử nhận giải, có những nhạc sĩ nghe tên rất lạ, chắc họ sáng tác những ca khúc hoặc những bản nhạc không thuộc thể loại bình dân, nghĩa là không phổ biến rộng rãi nên ít người thuộc.

Hai nữ biên kịch thì bức xúc bởi đạo diễn đăng ký xin xét tặng cả hai danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật của hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương năm 2011. Về danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, các chị không có ý kiến gì. Nhưng một khi đã là giải thưởng Nhà nước, thì những tên phim trong hồ sơ đều là những tên phim các chị được giải cao cấp quốc gia về kịch bản và lời bình, trong khi đạo diễn không hề có giải thưởng cá nhân liên quan đến các phim nói trên…

Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL khẳng định rằng giải thưởng sẽ được bình xét theo đúng quy chế, và năm nào cũng vậy thôi, bức xúc là điều bình thường!

Nhưng nghe cho kỹ, bức xúc, Camera nghĩ, không bình thường lắm. AI ĐÃ BỊ LOẠI không quan trọng như AI SẼ ĐƯỢC THƯỞNG. Hầu như tất cả những nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn… từng bày tỏ nỗi thất vọng chung quanh mỗi mùa trao giải đều nói họ buồn cho họ ít thôi, buồn thế thái nhân tình nhiều hơn. Đã nói đến thế thái nhân tình, là nói đến cái bóng của sự bất công lởn vởn đâu đó.

Chẳng nhẽ nói rằng, bất công, thì cũng vẫn là bình thường ư?

Camera

eMông
23-07-2011, 11:11 PM
CAMERA

Máu chảy ruột mềm

(TT&VH Cuối tuần) - Có những ngày thật buồn!

Mất mát là buồn, hôm trước, một cô người mẫu than thở trên báo vì mất một cái túi, nào điện thoại Vertu trị giá 10.000USD, nào iPad nào thẻ ngân hàng…, tổng cộng 300 triệu đồng chứ đâu ít, tất cả đựng trong một túi xách hàng hiệu, giá chắc cũng vài ngàn đô. Vụ này, so với vụ mất 4 tỷ đồng trước đó của một ca sĩ (gồm 2 nhẫn kim cương trị giá 200.000USD, 9.000USD và 5 triệu đồng tiền mặt sau một live show), thì nhỏ hơn. Gần đây là trong lúc lên nhận giải Bài hát của năm, một ca sĩ cũng lại bị kẻ gian cuỗm đi chiếc túi xách hàng hiệu, bên trong cũng có chiếc Vertu đắt tiền cùng một số vật dụng khác trị giá khoảng 300 triệu đồng, đúng bằng với cô người mẫu nói trên. Toàn là chuyện mất đồ mới thấy hóa ra họ là kẻ giàu sang phú quý. Cô người mẫu nói đã bật khóc vì… tiếc của.

Camera không muốn bàn chuyện giàu nghèo. Bởi vì vô chừng quá! Giàu thì tốt thôi, nhưng với những người mà cách đây vài ngày, Camera gặp trong một bệnh viện dành cho người bị ung thư, một người nhà bệnh nhân không phải là bật khóc mà khóc ròng vì đánh mất tấm phiếu nhận suất ăn từ thiện, một người bần thần bẻ cái bánh mì, giá hai nghìn đồng, chia đôi cho chị để cùng nhau tạm qua được một bữa, thì câu chuyện của những người mất đồ này nghe phũ phàng lắm. Khi giá thực phẩm tăng gấp đôi, miếng thịt mỏng đi một nửa trên bát cơm người bệnh, mà bát cơm ấy còn bị mất, thì đem chuyện giàu của người nọ kể lể trước mặt những người nghèo kia, nếu chỉ coi là vô tâm vẫn nhẹ…

Người ta, trong thời điểm như vậy, thật muốn nói về hai chữ đồng bào! Sự vô tâm cũng có khi gần sự nhẫn tâm. Tất nhiên có nhiều lý do để phản bác lý lẽ này của Camera, ai cũng có hoàn cảnh, có số phận riêng, mỗi bài báo cũng có những người đọc riêng, mà người đọc vô tâm thì quan tâm gì đến một phiếu ăn cho bữa ăn từ thiện bị đánh mất…? Phải ở đấy, phải nhìn thấy nước mắt của người nhà bệnh nhân, chưa nói đến chính bệnh nhân, mới thấy câu máu chảy ruột mềm, cùng là đồng bào một nước, no đói mỗi người không phải chuyện dễ dửng dưng như vậy.

Nhưng nghĩa đồng bào đâu chỉ là chuyện liên quan đến bát cơm nghèo hay chiếc nhẫn kim cương kia! Camera cảm thấy buồn và mất mát nặng nề bởi sáng Chủ nhật, hình ảnh người đàn ông trên xe bus đạp chân vào mặt, vào miệng một người đàn ông bị khiêng vứt lên xe… Bất kể vì lý do gì, hành động ấy là không thể, không thể chấp nhận được! Không phải chuyện cá nhân nữa, mà là chuyện hành xử giữa người với người, giữa những người đồng bào trong một nước. Máu chảy ruột mềm ở đâu?

Đó là cái clip đau lòng nhất trong tuần vừa rồi!

Camera

ChanNhoiBong
24-07-2011, 01:56 PM
CAMERA

Máu chảy ruột mềm

(TT&VH Cuối tuần) -

Camera không muốn bàn chuyện giàu nghèo. Bởi vì vô chừng quá! Giàu thì tốt thôi, nhưng với những người mà cách đây vài ngày, Camera gặp trong một bệnh viện dành cho người bị ung thư, một người nhà bệnh nhân không phải là bật khóc mà khóc ròng vì đánh mất tấm phiếu nhận suất ăn từ thiện, một người bần thần bẻ cái bánh mì, giá hai nghìn đồng, chia đôi cho chị để cùng nhau tạm qua được một bữa, thì câu chuyện của những người mất đồ này nghe phũ phàng lắm. Khi giá thực phẩm tăng gấp đôi, miếng thịt mỏng đi một nửa trên bát cơm người bệnh, mà bát cơm ấy còn bị mất, thì đem chuyện giàu của người nọ kể lể trước mặt những người nghèo kia, nếu chỉ coi là vô tâm vẫn nhẹ…

Người ta, trong thời điểm như vậy, thật muốn nói về hai chữ đồng bào! Sự vô tâm cũng có khi gần sự nhẫn tâm. Tất nhiên có nhiều lý do để phản bác lý lẽ này của Camera, ai cũng có hoàn cảnh, có số phận riêng, mỗi bài báo cũng có những người đọc riêng, mà người đọc vô tâm thì quan tâm gì đến một phiếu ăn cho bữa ăn từ thiện bị đánh mất…? Phải ở đấy, phải nhìn thấy nước mắt của người nhà bệnh nhân, chưa nói đến chính bệnh nhân, mới thấy câu máu chảy ruột mềm, cùng là đồng bào một nước, no đói mỗi người không phải chuyện dễ dửng dưng như vậy.

Nhưng nghĩa đồng bào đâu chỉ là chuyện liên quan đến bát cơm nghèo hay chiếc nhẫn kim cương kia! Camera cảm thấy buồn và mất mát nặng nề bởi sáng Chủ nhật, hình ảnh người đàn ông trên xe bus đạp chân vào mặt, vào miệng một người đàn ông bị khiêng vứt lên xe… Bất kể vì lý do gì, hành động ấy là không thể, không thể chấp nhận được! Không phải chuyện cá nhân nữa, mà là chuyện hành xử giữa người với người, giữa những người đồng bào trong một nước. Máu chảy ruột mềm ở đâu?

Đó là cái clip đau lòng nhất trong tuần vừa rồi!

Camera
camera có thể cho Trym cái link ấy đc ko?

eMông
24-07-2011, 11:44 PM
Link bài báo

http://www.thethaovanhoa.vn/475N20110721164536956T0/mau-chay-ruot-mem.htm

Link clip

http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/07/nha-van-nguyen-ngoc-tiep-tuc-len-tieng.html

eMông
25-07-2011, 12:11 AM
camera có thể cho Trym cái link ấy đc ko?

À quên, bẹn Trym phải nói là eMông nhé. eMông chỉ sưu tầm bài của bạn Camera thôi.

ChanNhoiBong
25-07-2011, 09:33 AM
vâng ạ, tks eMong nhiều :ex10::ex10::ex10::ex10::ex10::ex10::ex10::ex10:

eMông
01-08-2011, 04:36 PM
CAMERA

Ngỡ ngàng

(TT&VH Cuối tuần) Đọc báo mạng dạo này luôn ngỡ ngàng… Mới liếc mắt đọc titre, camera tưởng lại chuyện xưa như diễm là có người đẹp nào lộ hàng. Hóa ra không phải hàng họ gì, cũng không hẳn chuyện của người, mà là chuyện của chó. Chó sinh nhật một tuổi, là chó của sếp, nhưng vẫn khiến người được mời dự tiệc sinh nhật ngỡ ngàng… He he, ngỡ ngàng là phải!

Yêu động vật là một đức tính tốt. Yêu chó cũng là quá đúng, con vật tinh khôn trung thành và dễ thương luôn đầy tình cảm với người nuôi. Nhưng đại gia yêu chó quả cũng khác người thường, ôm ấp vuốt ve chăm sóc thôi là chưa đủ, yêu trong nhà cũng chưa đủ, phải yêu chốn công cộng mới bõ, mà phải làm cho chó cưng của mình thành ngôi sao cho xứng mặt mình… Trong đám nhân viên quây quần tại bữa tiệc hát bài Happy Birthday chó, thể nào chẳng có người ngậm ngùi (chứ không phải ngỡ ngàng)…

Khoảng cách giàu nghèo bây giờ có nhẽ đã không còn đo được, đã là biền biệt xa xôi. Một phong bì mừng sinh nhật chó, theo tiết lộ của người kể chuyện, là tới 200 USD, trên bốn triệu đồng, ngang thu nhập cả quý của một lao động thường thường. Người lao động thường thường thì đang méo mặt vì giá cả, chẳng xa xỉ gì, giá thực phẩm cho vài ba bữa hàng ngày thôi. Mỗi bữa ăn vỉa hè cũng tới vài ba chục ngàn. Với không ít người, tiền học cho con chưa đủ, tiền tổ chức sinh nhật con (nếu nghĩ đến trên đời có ngày sinh nhật) lại càng không đủ. Mà để ăn vỉa hè, ai cũng biết là mạo hiểm tính mạng lắm.

Camera nhớ những năm trước, ở Tp.Hồ Chí Minh hay vài nơi khác, mỗi lần giá cả tăng, cuộc sống người lao động gặp khó khăn, đâu đó lại có trên đường những quán cơm cân, những bình nước miễn phí… Xã hội bây giờ giàu lên rồi, người đi làm từ thiện cũng nhiều lên, sang lên…Vậy mà vẫn có chuyện sinh tố từ trái cây hỏng vứt đi, ngay cả đến trà uống cho thanh tao con người cũng lại là đồ uống bẩn, cũng trộn lẫn xi măng, phân bón… Khi giá thịt lợn chẳng biết tại sao mà tăng, vẫn cứ vùn vụt tăng, thì tôm chết cá ươn ngoài chợ tẩm gia vị nghiễm nhiên thành món chính thơm lừng trong các quán ăn bình dân cho người bình dân đúng nghĩa. Cho người khác ăn những đồ vứt đi rồi, thế mà cũng coi nhau là đồng loại…! Viết đến đây thật chẳng muốn nói về hai chữ ngỡ ngàng nữa, chắc phải dùng hai chữ khác, cũng rất quen trên mạng: Kinh hoàng!


http://image2.chaobuoisang.net/cs/2011/08/01/ngo-ngang-0.jpg

Nghĩ ngược lại tiệc sinh nhật chó, lại càng muốn nhắc lại hai chữ ấy. Kinh hoàng!

Camera

eMông
08-08-2011, 02:56 PM
CAMERA

Bình thường!


(TT&VH Cuối tuần) - Cuối tháng 6 vừa rồi, Tổng cục Thống kê đưa ra con số về thu nhập thực tế của người dân (sau khi khảo sát mức sống của 69.360 hộ dân trên cả nước). Khảo sát này cho biết thu nhập bình quân 1 người/tháng trong 2010 theo mức giá hiện hành đạt 1,387 triệu đồng, còn chi tiêu đạt 1,211 triệu đồng.

Camera đã hình dung, cầm chỗ tiền ấy mà đi chợ, lo đủ ăn cho cả tháng là mệt người lắm. Mà chẳng hiểu các ngân hàng lớn khoe ăn nên làm ra thế nào, nhưng theo như số liệu nêu trên, dân mình kiếm đồng nào ăn đồng đó, coi như hết tiền để dành.

Báo chí khi đưa tin này cũng có nhận định rằng mặc dù mức thu nhập lớn hơn chi tiêu, nhưng thực tế lạm phát cao, giá cả hàng hóa tăng đang khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn. Tuy nhiên, ở trang báo mà Camera đọc, thì bài phỏng vấn kèm theo với một vị PGS-TS thông thạo kinh tế Việt Nam, lại nói chi tiêu tiến sát thu nhập của người dân là hoàn toàn bình thường!

Vị học giả này nói rằng con số thống kê hàm ý rằng chúng ta đang tiêu nhiều lên và tiết kiệm ít đi, xu hướng này là khá thú vị trong điều kiện ta hội nhập nhiều hơn, mức sống được cải thiện hơn, nước ta bước vào nhóm thu nhập trung bình, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi, cộng với lạm phát tăng cao, ông cho rằng, con số này là hoàn toàn bình thường.

Tuần vừa rồi, Camera lại nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo nhận định: trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 (môn Sử - NV) là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Ừ thì đúng là quá bình thường, năm nào đến kỳ thi quốc gia mà có môn Sử, rồi thi đại học những khối thi đương nhiên có môn Sử, chẳng có lần nào không có chuyện dân ta ngồi khóc vì điểm thi môn Sử ta quá tệ. Bài thi Sử của thí sinh ta quá đỗi buồn cười… Lỗi, nói cho cùng, chẳng của riêng lớp trẻ. Trách lớp trẻ làm gì một khi di tích cứ trùng tu là mất, điện ảnh làm phim lịch sử nào cũng không hiệu quả (chưa nói không được chiếu)... Sau nữa, lý do chủ quan mà ai cũng thấy, đó là không ít người trẻ không chịu học hành, chỉ thích chơi game chứ không đọc sách… Có sai đâu nếu Bộ trưởng bảo là bình thường.

Sau lần bình thường ấy, thấy sự bình thường của việc tiền kiếm được bao nhiêu dân chỉ lo cho chạy bữa (tất nhiên dân nghèo thôi) cũng bình thường. Suy cho cùng, cứ tình hình thực tiễn như vừa qua và hiện nay thì nhận định của chuyên gia kinh tế và của Bộ trưởng đều là đúng thực tế, không sai!

Nhưng mà, nhiều chuyện bình thường quá trong một tuần, có vẻ như không dễ chấp nhận lắm! Cần ngồi tĩnh tâm và niệm hai chữ bình thường cho qua mọi sự.

Camera

eMông
17-08-2011, 11:41 AM
Tiếng Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Bảng chữ cái tiếng Việt có thể có thêm các ký tự F, J, W, Z, theo như một đề xuất vào bản dự thảo thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính. Lịch sử tiếng Việt sắp sang trang mới, thật hồi hộp!

Hồi hộp cũng đúng thôi! Thêm có mấy ký tự, nhưng ít nhiều thì cũng vẫn cứ là cải tổ chữ quốc ngữ. Mà cải tổ lại chữ quốc ngữ rõ ràng không phải việc nhỏ. Nên khi thấy rằng từ nay F, J, W, Z thành ra nghiễm nhiên là từ tiếng Việt, theo nguyên tắc về âm, nhỡ đâu bọn trẻ con về sau được quyền viết Fở là một món ăn ngon, hoặc có quán đề biển Fở Ja truyền có thể không phạm lỗi chính tả thì cũng… lăn tăn lắm! Mà báo chí đã viết sở dĩ có sự cải tổ chữ quốc ngữ là bởi nhiều chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng, chữ quốc ngữ, chữ viết chính thức ở Việt Nam hiện nay (xưa là do các cố đạo người Pháp, người Bồ Đào Nha… tóm lại là Tây, sáng tạo dựa trên việc sử dụng các ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt) suốt thời gian qua đã bóp méo một cách không cần thiết bảng chữ cái Latin, khiến cho việc viết chữ Việt trở nên khó hơn và khó hòa nhập quốc tế hơn. Các chữ cái trong bảng chữ cái Latin bị lãng phí trong tiếng Việt gồm có chữ F, J, W, Z. Để bù lại cho sự lãng phí đó là sự phức tạp hóa bằng các chữ kép. Chữ PH được sử dụng để thay cho F... Vì vậy, khá là khoa học, các chuyên gia cho rằng việc thừa nhận nó trong bảng chữ cái tiếng Việt là điều phải làm. Hiểu một cách nông cạn như Camera thì đây là việc tiết kiệm, tránh lãng phí. Ai đời để 4 chữ cái Latin không sử dụng, phí thế ai chịu nổi! Làm cầu vượt bao nhiêu tiền xong rồi lăm le phá chưa chắc đã phí bằng…

Các nhà ngôn ngữ từ thời nào đến giờ vẫn tranh luận với nhau, Từ điển tiếng Việt nhiều khi đưa những giải đáp rất lờ mờ… đọc xong thấy như chẳng biết. Từ thuở đi học tiểu học, bọn trẻ phải biết cách đánh dấu huyền dấu sắc vào đâu, thế đã khó, khó nữa lúc nào i ngắn lúc nào Y dài, lúc nào sờ nặng lúc nào xờ nhẹ… Nghĩ cũng đủ toát mồ hôi! Thêm ký tự nọ, bớt ký tự kia có khi rắc rối tiếng Việt hơn mà không giải quyết vấn đề sai chính tả. Ngày nào đọc báo không thấy dăm lỗi sai chính tả là hân hoan rồi, giờ đây có vẻ như khó nữa.

Tuy thế, thời đại công nghệ thông tin phát triển thế này, lo F, J, W, Z làm gì cho nặng đầu, đằng nào chẳng có một phần mềm chuẩn hóa tất cả. Sắp tới chẳng cần viết, nghĩ trong đầu là máy tự ghi lại, định dạng văn bản, có khi còn căn lề trái lề phải đàng hoàng, chuẩn font Unikey hoặc hơn thế nữa, rồi in, sao lưu… Đời cứ gọi là fơi fới, thậm chí chẳng cần biết sẽ viết là Ja hay Za trong chữ Gia đình, máy cũng sẽ tự chỉnh cho mình!

Mà như vậy, tới đây, Từ điển tiếng Việt sẽ phải soạn lại, các nhà ngôn ngữ tha hồ việc, chỉ tiếc năm nay trẻ con thi vào các ngành xã hội ít quá, chứ đã học, ra trường khỏi lo thất nghiệp. Cũng đã đến lúc “Rùi, roài, ùi, oài“ nên được công nhận chính thức trong ngôn ngữ tiếng Việt do tần suất sử dụng rất cao của nó.

Hay quá, F, J, W, Z!

Camera

Na chín
17-08-2011, 12:18 PM
Tiếng Việt

...

Camera

Huhuhu.... mọi khi mình hay chê bai ghét bỏ cái lối viết xì tin làm kí rì hok bik......... nhưng cứ theo cái đà cải tổ tiếng Việt thế này thì chính mình mới là người lạc hậu mất thôi :((

eMông
17-08-2011, 12:38 PM
Bạn Na chín cũng chẳng nên buồn làm gì.
Ngày xưa cha ông ta bỏ Hán học chuyển sang Tây học còn trăn trở nhiều lắm ý chứ. Thay đổi hẳn hệ tư tưởng còn gì.
So với việc đó thì việc này nếu có gì cũng chỉ là xây xước ngoài Za mà thôi. Zậy thì hãy cười lên cho đời nó Zui =))

eMông
23-08-2011, 03:39 PM
Cả nước thương nhau!

(TT&VH Cuối tuần) - Chẳng có vàng để mà mua hay bán, nhưng nhìn đám đông nháo nhào theo sự nhảy múa cuồng loạn của giá vàng tuần vừa rồi, Camera cũng đâm lo, thậm chí lo đến toát cả mồ hôi.

Lo vì vàng sao mà có nghĩa trong đời sống đến thế (lạy giời nói ra câu này không bị ai chửi), trong khi có những điều cứ nghĩ quý hơn vàng thì lại bị người ta coi chẳng ra gì. Hàng trăm người lao vào cướp đồ cúng cô hồn nhân lễ Vu Lan (đông cũng như người đợi mua vàng) là một ví dụ không cần lời bình. Chủ tịch xã đánh dân. Dân đánh CSGT. Thêm chuyện người nhà bệnh nhân vào tận bệnh viện đâm bác sĩ, nổ súng trên phố, quái xế gây loạn…Toàn những chuyện kể đến đâu buồn đến đấy. Buồn nhất là để ngăn chặn được những chuyện ấy, chỉ cần sống với nhau tử tế hơn một chút là được, không cần đến nhiều vàng hay tiền…

Kể ra, trách sự cần thiết vật chất của người ta là làm ra vẻ cao ngạo và hẳn hoi không đúng, nhưng đây lại là chuyện khác. Chuyện nhu cầu con người. Có người chẳng mảy may liên quan đến vàng vì còn chạy ăn hai bữa chưa đủ. Ngay cả những người chen chúc nhau đến ngạt thở ở cửa hàng vàng trong thời tiết nắng nóng cũng là những người rất cần được thương, so với những người không lộ mặt mà ngồi hay nằm êm ái đâu đó trong phòng điều hòa mát rượi để điều hành cuộc chạy đến điên rồ của giá vàng. Mà, cả với những người điều hành được giá vàng, có khi cũng vẫn cần thương, biết đâu đấy. Việt Nam hiện thời vẫn nghèo, mua một cái xe đẹp về cũng chẳng có đường đẹp mà đi, mua được mảnh đất đẹp xây nhà thì có khi rác hàng phố lại ném vào gần cửa… Nói chung, nhiều bất cập và thiếu đồng bộ, nên coi như nhìn kỹ mọi chuyện sẽ nảy sinh tâm trạng cả nước thương nhau.

Trong tâm trạng nhìn đâu cũng thương ấy, dễ hiểu vì sao các bạn nước ngoài lắm khi có những nhận định bất ngờ. Chẳng hạn đường quốc lộ 1A với dân mình, xét về mặt giao thông và độ an toàn… thì dễ sợ lắm. Thế mà một trang chỉ dẫn du lịch rất có uy tín tên là Lonely Planet lại coi đây là con đường lý tưởng để đi xe đạp vào loại nhất trên thế giới. Lý lẽ của họ chẳng có gì sai: con đường mang tính biểu trưng của đất nước hình chữ S. Chạy dọc từ Bắc chí Nam, cung đường đi qua những bãi biển đẹp bậc nhất châu Á, ngoài ra, du khách cũng có dịp chinh phục đèo Hải Vân, ngắm những cánh đồng lúa bát ngát, lặn ngắm san hô, câu cá… dọc dường. Tóm lại, nếu không đi mà tưởng tượng, mọi điều tốt đẹp hơn là vừa chạy vừa sợ trên con đường đầy xe cộ, ổ gà, rơm rạ, chợ búa… ấy.



http://media.thethaovanhoa.vn/2011/08/20/23/59/anh-2-3%20%282%29.jpg

Quốc lộ 1A - con đường lý tưởng để đạp xe đẹp nhất thế giới

Tốt nhất, mình nhìn mình như nước ngoài nhìn. Đưa hồ sơ đi xét tuyển di sản thế giới mới đây chắc cũng đã ý thức điều ấy nên Camera thấy người ta đưa cả hồ sơ khu sinh thái Trường An. Nước mình đâu đâu cũng là di sản…

Thương nhau càng nhiều!

Camera

eMông
01-09-2011, 01:43 PM
Cổng trường rộng mở!

(TT&VH Cuối tuần) - Hôm trước, đọc bài báo viết về việc các trường đại học ngoài công lập đang tìm nhiều cách để thu hút thí sinh, chẳng hạn chi 20 tỷ đồng tặng học viên mới, thưởng tiền cho thí sinh điểm cao và các cơ sở giáo dục giới thiệu thí sinh vào trường..., nghe na ná các chiêu khuyến mãi của các siêu thị điện máy.

Camera thấy buồn cười, rồi nghĩ, cười gì chứ? Hoàn cảnh lắm, trường đã xây, bao nhiêu tiền bạc đổ vào để có một cơ sở vật chất tàm tạm, bao nhiêu công sức khác nữa để gây dựng một đội ngũ giáo viên mà chẳng có học trò! Không người học chắc chắn nhà trường sẽ lỗ - nói theo từ ngữ buôn bán là như vậy - các thầy cô có bằng cấp giáo sư tiến sĩ làm công tác giảng dạy ở trường sẽ buồn… Như thế, trong các trường đại học ấy, có thể tạm vận dụng câu ví von là nhà trường và học sinh như cá với nước. Nước không có cá, nước buồn… cá không có nước, cá tìm ao khác có cả nước, có cả rong rêu. Vấn đề là cá có đủ nước thì bơi hay không bơi, học hay không học…, việc này may ra chỉ nước mới biết. Cũng chỉ có trường mới biết chất lượng giáo dục thế nào! Biết, người ngoài không khéo lại buồn!

Để đỡ buồn, lời khuyên đúng đắn của Camera là không nên đọc báo hoặc xem truyền hình, vì như thế nỗi buồn sẽ nhân đôi. Camera nói vậy vì sau khi ngẫm nghĩ về các trường đại học thiếu vắng học trò, tin tức ngẫu nhiên rơi vào mắt lại là một tin gây buồn khác. Có một thí sinh sẽ không được đi học. Thí sinh lớp 12 này năm tới cũng không được đi thi nữa, vì còn phải… chấp hành án 9 tháng tù. Tội đánh cảnh sát giao thông giữa đường. Tòa nhận định, Linh (tên cô gái) chưa phạm tội lần nào, nhân thân tốt, nhưng hành vi lại manh động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của lực lượng làm nhiệm vụ và an ninh trật tự xã hội, nên 9 tháng tù giam với cô là hợp lẽ. Phiên xử vào 23/8 vừa rồi.

Tội nghiệp, lời tuyên án làm cô bé ngất xỉu!

Camera không bênh cô tội đánh người, nhất là lại đánh cảnh sát. Án nặng dễ hiểu thôi, chắc là do xem lại clip cô tát cảnh sát bôm bốp, tòa chạnh lòng. Nhưng mà đánh người giữa phố, bao nhiêu trường hợp, trường hợp bị xử, trường hợp không, vụ xử cô gái tên Linh này có vẻ như án điểm. So với mấy anh thanh niên nông dân một lần uống rượu say đi bắt vịt nhà người ta rồi chịu án mười mấy năm tù, hỏng hết cả đời, pháp luật nghiêm như vậy chưa đến nỗi ra tay nặng quá với cô. Đành an ủi vậy! Hết 9 tháng rồi về thi học tiếp. Không xử nặng thế, làm sao răn đe được những kẻ manh động ngày càng nhiều ngoài đường. Hôm 22/8, trên mạng vừa có thêm clip một phụ nữ (được gọi là cụ bà) giữa trưa nắng bỗng dưng chặn đầu, trấn tiền ô tô giữa đường Minh Khai, Hà Nội. Thấy bảo người này không có tiền sử thần kinh. Vậy là hành động đòi tiền bình thường. Dấu hiệu nguy hiểm thật sự nếu đàn bà cứ ra đường múa máy linh tinh như thế!

Rồi cũng hôm qua, báo lại đưa một tin khác: Ngoại tứ tuần vẫn mang súng, đao đi tập võ. Anh chàng bị bắt có mang súng tự chế, súng bắn điện và nhiều hung khí khác trên ô tô. Anh ta khai đang trên đường… tới lò tập võ thì bị cảnh sát phát hiện. Công an huyện Từ Liêm (Hà Nội) hiện phải giữ anh ta để làm rõ về hành vi tàng trữ vũ khí trái phép. Giả sử anh ta bị chặn đường theo cách ai đó bỗng dưng múa máy đầu xe để đòi tiền, mấy hung khí ấy có khi gây họa…, nên giữ là phải, cũng như đánh cảnh sát, chịu tù là phải. Chỉ nhắn cô gái vào tù mềm tính bớt để nhanh nhanh ra đi học. Cổng trường đại học vẫn luôn rộng mở với tất cả mọi người!


Camera

eMông
08-09-2011, 09:31 PM
Sạch sạch một chút...


(TT&VH Cuối tuần) - Sắp đến mấy ngày nghỉ lễ, từ ngày cuộc sống văn minh, đi chơi đã thành thói quen với dân thành thị, nên sáng nay Camera nghe thấy ngoài phố người ta hỏi nhau về các tour du lịch nội địa. Một câu trả lời rất đáng chú ý là: đi đâu cũng được, không đẹp cũng được, miễn là sạch sạch một chút…

Khi mà cái sạch sạch một chút nghiễm nhiên là tiêu chí đầu tiên của việc chọn lựa chốn thư giãn, thì cần phải hiểu một nguyên nhân đơn giản là ở những nơi người ta có thể đến, sự bẩn ngập tràn. Phố xá bẩn, chung cư bẩn, xóm thôn cũng ngập rác, tất cả các dòng sông đều bẩn, các bãi biển cũng đều bẩn, điểm du lịch núi cũng chẳng hơn gì…Môi trường khắp nơi gói gọn trong một từ: Ô nhiễm! Nhưng ô nhiễm bởi đâu? Trả lời câu hỏi này chẳng khó gì, chỉ có tại- sao- lại- chẳng- khó- gì mới khó trả lời mà thôi.

Mang thí dụ gần nhất mà báo chí nêu cách đây vài tuần: việc Cty CP dịch vụ Sonadezi bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường làm cho dư luận ngỡ ngàng lắm. Đây dù sao cũng là một đơn vị của một DN nhà nước, đã được tặng danh hiệu Anh hùng và là một thương hiệu nổi tiếng về xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Đã vậy, từ lâu doanh nghiệp này còn được coi là hình mẫu về bảo vệ môi trường. Hơn nữa còn là DN làm dịch vụ xử lý nước thải cho khoảng 40 DN khác trong KCN Long Thành, đã nhận của các DN này hàng bao nhiêu tỷ phí xử lý nước thải. Và hơn thế nữa, 9.000m3 ngày đêm của nhà máy xử lý nước thải của Sonadezi đầu độc sông Đồng Nai (Vedan cũng chỉ xả tới 5.000m3) suốt từ năm 2004 đến giờ, mắt thường ai cũng thấy, chỉ cơ quan chức năng là bất ngờ.

Camera, từ khi nghe câu trả lời của bà Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng Cty Sonadezi (cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIII) với cử tri rằng: “Chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan chức năng” thì lờ mờ hiểu ngay vì sao câu hỏi ô nhiễm bởi đâu khó trả lời. Trả lời thế khác gì người ngoài. Mà đã coi việc đơn vị mình gây ra như việc của đơn vị khác, thì tinh thần trách nhiệm để đâu? Mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thế nào? Những bệnh lạ kỳ không gọi được tên ngày càng nhiều trên các miền đất nước bởi ô nhiễm tràn lan có căn nguyên từ sự ích kỷ của người có trách nhiệm, dễ hiểu quá còn gì…

Quay lại với mấy ngày lễ, chẳng có chỗ sạch sạch một chút đi chơi, thôi thì ở nhà, nhàn tản với nhau thưởng trà ngắm sen cuối mùa...Tưởng thế là yên, nào ngờ vừa nghe hai chữ thưởng trà, camera đã nghe có người rú lên: Trà à! Cẩn thận đấy! Hôm nọ nghe tin trà Yên Bái bẩn, hôm nay nghe tin trà Lâm Đồng cũng bẩn… Người ta trộn bã vào trà để bán… Não người! Sống với nhau thế này, sạch sạch một chút thôi mà cũng có khi chẳng thể có mà trông mong.



Camera

eMông
17-09-2011, 05:26 PM
Ngắn, gọn!


(TT&VH Cuối tuần) - Dạo trước, nghe nói ở xứ người có một cuộc thi viết ngắn, điều kiện bắt buộc là tác phẩm dự thi phải đề cập đầy đủ các vấn đề tôn giáo, hoàng gia và đạo đức. Tác phẩm được giải nhất, cực kỳ xứng đáng, chỉ vỏn vẹn thế này: Chúa ơi! Công chúa nói, tôi có bầu rồi mà không biết ai là cha đứa bé!

Chuyện này hình như không thật lắm. Hiếm khi có Hội đồng xét tuyển nào, kể cả ở nước khác, thông minh hóm hỉnh đến thế. Hoặc đây chỉ là cuộc thi vui, không liên quan văn chương. Nhưng quả thật đáng phục!

Cái tít của một bài mà Camera đọc trên báo, cũng một dòng vỏn vẹn thế này: Thầy giáo bị hành hung, đốt xe máy vì nghi trộm chó, ngẫm ra thấy cũng đáng phục không kém. Giả sử nước mình có cuộc thi tương tự và có một hội đồng chấm thi vô tư tương tự, câu văn này ắt sẽ đạt giải nhất, nhưng đề tài không phải tôn giáo, hoàng gia…mà là an ninh, giáo dục, tất nhiên cũng đạo đức.

Câu ngắn thế, mà bao nhiêu là vấn đề!

Đầu tiên là vấn đề trộm chó, chó bị bắt nhiều quá. Đã từng có nơi xảy ra không chỉ chuyện đốt xe, mà còn đốt luôn cả kẻ trộm, đủ thấy việc trộm chó bị dân căm thù thế nào? Và cũng thấy an ninh cấp xóm kém đến thế nào. Xóm làng, nhà nhà sẽ không yên bình một khi chó, vốn là kẻ trông nhà đuổi trộm, nay lại bị ăn trộm!

Rồi đến vấn đề hành xử. Từ căm thù bọn trộm chó, chuyển sang hành động quá khích. Mới có nghi trộm đã hành hung và đốt xe máy người ta. Thế tức là sẵn sàng lấy ác báo ác, không còn coi trọng pháp luật nói chung, nhân nghĩa nói riêng, sẵn sàng xuống tay làm chuyện bạo lực không cần điều tra xét xử.

Còn thêm chút nữa, thầy giáo mà bị nghi kẻ trộm, ngoài chuyện chẳng nên hỏi về tướng mạo thầy (sư phạm xét tuyển nghe đâu có tiêu chuẩn về hình thức) thì cũng đã thấy sự thiếu coi trọng thầy giáo và trường sở (kể cả thầy xã bên). Đạo học như vậy chắc kém! Mà đánh người đốt xe là đương nhiên kém.

Thầy giáo bị hành hung, đốt xe máy vì nghi trộm chó.

Phân tích sơ sơ thế, đã thấy tình hình an ninh ở vùng này tệ đến đâu và con người ở đấy đối xử với nhau thế nào. Phải công nhận, một câu ngắn thế mà suy ra không ít điều chẳng mấy hay ho về an sinh xã hội. Đúng là ngắn gọn, và đủ!

Nhân dịp nói về chữ ngắn. Sao dạo này, báo chí cứ thích làm lê thê nhiều chuyện. Một gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang bị sát hại dã man. Chuyện ấy báo chí cứ rầm rầm đưa như phim truyền hình dài tập, tính đến nay đã bao nhiêu bài báo. Có ngắn bớt được không những bài kể lể “câu view” trên mạng?

Những bài kiểu ấy, ngắn đi chừng nào tốt cho người đọc báo chừng đấy.

Nhưng mà bao giờ?


Camera

eMông
21-09-2011, 12:35 PM
Tiền tỷ

(TT&VH Cuối tuần) - Hôm trước, truyền hình trong bản tin từ sớm tinh mơ đã đưa những cảnh nhếch nhác, phải nói là rất nhếch nhác, tại những trung tâm sản xuất phim ảnh nước ta. Vấn đề thì ai cũng biết rồi. Cục Điện ảnh cũng biết rồi, thế nên mới diễn ra thảm cảnh từ chức tất cả trưởng lẫn phó…

Vụ Cục Điện ảnh này, thực ra thiên hạ phong thanh từ đã lâu. Giờ mới cụ thể để mà thắc mắc. Mà thắc mắc, cũng không có gì phức tạp lắm, chỉ là: kế toán ôm 42 tỷ một đi không trở lại, vấn đề đặt ra mới chỉ là cấp có thẩm quyền đi vắng nơi nao? Không có 42 tỷ này, phim ảnh nước nhà ra sao?... Người ta cũng chỉ lào phào nói ra nói vào đến thế. Phim nhựa dở! Dở, thì là do kinh phí ít, “tài phí” không dồi dào, “tâm phí” cũng chỉ có đến thế. Mất, mới biết hóa ra nhà cũng có điều kiện!... Ky cóp cho cọp nó xơi… các cụ ngày xưa rõ là thâm thúy. Bao nhiêu bộ phim xưa nay lẽ ra hay nếu có thêm kinh phí làm phần hậu kỳ, người ta tiếc rẻ bảo vậy. Con cá đã mất bao giờ cũng to, nếu định quy ra tội, thì không có tiền làm phim tử tế khéo mà tội Cục Điện ảnh kỳ này nhận cả. Hay dở của nền điện ảnh nước nhà, từ nay có khoản 42 tỷ để mà… đổ lỗi.

Phần Camera, Camera không nghĩ thế. Làm phim cần nhiều khoản phí khác tốn kém hơn tiền. Mặc dù tiền vẫn là quyết định, nếu so phim nước nhà với phim nước ngoài, chẳng hạn phim Hollywood. Nhưng “tâm phí”, “tài phí” ở đâu? Có những khoản phí không dám kể, vì không mặt mũi nào mà kể, nên Camera vẫn… thương lãnh đạo Cục Điện ảnh, thương ghê lắm, toàn những là nghệ sĩ, có biết đâu vì anh kế toán lừa đảo mà thân mình mang vạ!

42 tỷ, một khoản tiền quá to (so với ngành điện ảnh), bình tĩnh nhìn lại và ngẫm thêm chút nữa, thương lãnh đạo Cục thì ít mà thương nghệ sĩ, thương điện ảnh thì nhiều!…

Và bởi, nói gì thì nói, 42 tỷ ở Cục Điện ảnh tuy là to, độ nguy hại (hoặc nghi ngại) vẫn kém so với 2 tỷ, chỉ có 2 tỷ thôi, bên Bộ Y tế. Đến hôm nay người ta đã tìm ra lộ trình vòng vèo của khoản tiền này. Tiền thì chẳng lớn lắm, nhưng ai ung thư tử cung sẽ ớn lạnh, hy vọng ai không bị bệnh ấy sẽ… quên. Xét về mặt tiền, 2 tỷ này đáng ngại hơn 42 tỷ kia. Là, chẳng biết gì về tiền, Camera nghĩ vậy.

Lương mình mấy triệu, chẳng hiểu vì sao cứ thương tiền tỷ nơi khác quá nhiều?!


Camera

eMông
06-10-2011, 11:13 PM
Ô hay!

(TTVH cuối tuần) – Dạo này (mà dạo nào cũng vậy thôi), những chuyện ồn ào một khi đã ồn ào thì cứ như đi lệch hẳn tâm của nó. Càng nhiều dư luận thì càng đi xa ý nghĩa ban đầu, và người ta cứ cãi nhau, cãi hoài cãi mãi chẳng để làm gì…

Ví dụ đầu tiên (khổ nỗi Camera cũng tham gia) là chuyện tượng đài Mẹ Việt Nam… Bao nhiêu ý kiến rầm rộ trên báo chí từ hôm nọ toàn là tập trung vào con số hơn 400 tỷ đồng (nghe nói tỉnh đã điều chỉnh quy mô công trình rồi), nhưng ngẫm cho cùng, vấn đề đâu có phải là bao nhiêu tiền! Tiền trong lĩnh vực xây tượng đài nước ta là không tính được, nó thuộc về dòng nghệ thuật xây dựng và điêu khắc trừu tượng (đề nghị không lẫn sang khái niệm hội họa trừu tượng), nên tốt nhất không bàn đến tiền. Vấn đề là tượng đài ấy rồi đây trông sẽ ra sao? Hiệu ứng thẩm mỹ của nó trong giáo dục truyền thống ra sao? Chuyện này cho đến giờ, kể cả các nhà chuyên môn, hình như chẳng thấy bàn. Chẳng thấy đâu là tiếng nói của Hội đồng nghệ thuật, dù công trình cấp tỉnh đã lên cấp quốc gia – và so với xu hướng nghệ thuật đương đại toàn cầu – sẽ là quốc tế.


http://baohay.net/news/wp-content/uploads/tuong.jpg

Một phác thảo tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng

Thêm một ví dụ nữa, có một cô giáo viết sách đạo đức cho học trò của mình… Cô là hiệu trưởng, cô có bằng thạc sĩ, bằng cử nhân đâu cũng 2 cái và cô viết cho học trò rất nôm na kiểu diễn giải thành ngữ “đói cho sạch rách cho thơm!” bằng hành vi “quần áo giặt khô là phẳng” để học trò làm theo. Dư luận lại ồn lên cứ như đấy là thảm họa giáo dục! Ô hay, một cô giáo tự viết sách để dạy học trò, việc ấy không đáng kể hay sao? Sao lại làm ầm? Cười cợt một cô giáo khi đầy ngập xã hội những người khoe chữ, khoe học sinh giỏi, khoe bằng dởm… sao không hỏi cái trường đã đào tạo cô giáo ấy khi xưa dạy thế nào để vốn chữ nghĩa văn học nước nhà của cô không được dồi dào. Mà trường ấy năm nay tuyển sinh đầu vào rất tệ, Camera nghĩ rằng mấy năm nữa đầu ra kém trình độ thì không khó để hình dung, nhưng sẽ ít người chịu khó viết sách cho học trò đọc hiểu nôm na như vậy…

Có chuyện này, từ tháng Chín, y bác sĩ ở 5 bệnh viện tại Hà Nội gồm: Việt Đức, Bạch Mai, E, Phụ sản Trung ương và Ung bướu (K) đã ký cam kết với Bộ Y tế và Công đoàn y tế Việt Nam về việc thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong mỗi khoa, phòng, trong đó có mục “nói không với phong bì”. Bác sĩ, y tá ở đây sẽ thân thiện, chỉ dẫn tận tình, thăm khám chu đáo cho bệnh nhân mà tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân!

Chuyện như thế, sao chưa thấy ầm lên, dù nó rất đáng, ô hay!



Camera

eMông
18-10-2011, 05:23 PM
Lộ trình

(TT&VH Cuối tuần) - Việc cấm xe máy, như vậy, cần có lộ trình theo chỉ đạo gần nhất của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chứ không phải quyết là cấm ngay. Việc giảm tắc đường vậy là sẽ theo lộ trình. Nói chung mọi việc, để làm tốt cần thiết phải thận trọng với những giải pháp đồng bộ, hợp lý, có lộ trình cụ thể và dài hạn, chẳng riêng chuyện đi lại ngoài đường.

Ai cũng biết tắc đường mỗi ngày, mỗi giờ hiện nay là do sự bùng nổ phương tiện cá nhân tại các đô thị. Nếu cứ cái đà nhà ai cũng con cái đến tuổi đi học đại học đều phải mua xe máy, rồi đi làm trên quãng đường dài vài ba cây số cũng sắm xe máy, thì rõ là chẳng bao lâu nữa Hà Nội mở rộng đến mấy, đến tận Thái Nguyên, cũng sẽ không còn đường để đi. Hạn chế phương tiện cá nhân là chủ trương đúng, chắc rồi! Dù rằng việc này liên quan đến quyền lợi người dân nhưng không thể không làm, và phải làm song song với việc phát triển xe công cộng - cả việc này nữa ai cũng biết.

Các nhà chuyên môn vào thời điểm này đang đưa ra câu hỏi rằng lộ trình nào cho sự gia tăng phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị? Câu hỏi này cũng khó ngang với câu hỏi có cấm được xe máy hay không? Chỉ riêng cái clip một thanh niên khốn khổ van xin kẻ trộm trên xe bus tuần qua đã là một điều đau lòng và là một câu trả lời rằng lộ trình phát triển sẽ gian nan chẳng kém lộ trình cấm. Hôm nay cảnh sát Hà Nội cho biết nghề móc túi trên xe bus cũng là nghề khá phát đạt và dẹp mấy vẫn tồn tại. Nên chưa nói chuyện ngõ nhỏ phố nhỏ tắc vì bản thân xe bus, dám bước chân lên phương tiện công cộng ấy để không biết có xuống đúng bến đúng giờ mình định hay không mới chỉ là chuyện chưa lớn so với chuyện bị móc túi, thậm chí bị cướp giật, gây sự hành hung… Chừng nào văn hóa giao thông bên ngoài xe bus chưa thực hiện được thì văn hóa giao thông bên trong xe bus cũng vậy. Càng nói càng thấy đường sá mình thế này, phương tiện giao thông mình thế này và con người mình thế này, lộ trình giảm tắc đường có dễ kéo dài đến mấy chục năm… Bi quan thật!

Vẫn biết, bi quan là xấu và việc giảm ách tắc giao thông không thể không làm, nên Camera đành… chờ đợi. Trước hết chờ thật muộn cho hết giờ cao điểm để về nhà, xe máy, xe đạp, đi bộ hay đi xe bus giờ cao điểm đều như nhau trong những quãng phố đông đặc người, không có cả chỗ mà lách trên vỉa hè. Rồi chờ tuyến phố nhà mình mở rộng để có bến xe bus. Chờ đường sắt trên cao, chờ ngày nào đó có tàu điện ngầm, chờ cả trực thăng nữa… mơ, thì mơ hoang cũng được! Trong khi đọc tất cả các loại báo chí có trên bàn và trong mạng để chờ, thì thấy tin chân dài nước mình giờ đã chuyển sang mốt khoe vòng ba… Lộ dần từ trên xuống, đáng phục thật, khoe hàng đúng là có lộ trình!

Camera

eMông
25-10-2011, 05:35 PM
Nhẫn tâm tận cùng


(TT&VH Cuối tuần) Clip một bé gái Trung Quốc đã bị xe tải cán qua người khi bé chạy trên đường, cảnh thương tâm ấy diễn ra trước mắt 20 người đi qua, và không ai trong số đó mảy may quan tâm đến em. Clip này đăng tải trên Youtube ngày 15/10, được coi là đỉnh điểm của sự nhẫn tâm. Cư dân mạng xôn xao vì điều ác mang khuôn mặt trơn lỳ của những người vô cảm.

Không có gì để bình. Nhiều khi những clip ta xem khiến ta hoang mang vì không rõ có thật mình đang sống giữa người với người hay không nữa!

Hoàn toàn không so sánh, nhưng tuần vừa rồi, một cái tin đọc được - đau lòng là lại đọc trên một trang báo của ngành giáo dục - cũng khiến camera chết lặng vì sự nhẫn tâm. Liên quan đến trẻ em, sự nhẫn tâm cần lên án thế nào, liên quan đến người già, sự nhẫn tâm cũng cần lên án như thế.

Cái tin ấy có tựa đề thế này: “Cave” già ê chề nghề mua vui cho khách

Và lời lẽ của tin mở đầu đầy đứng đắn thế này: Ở cái tuổi U50, 60 đáng lẽ họ phải được hưởng thụ nghỉ ngơi bên con cháu nhưng số phận lại đưa đẩy họ làm cái nghề nhơ nhớp này: mua vui cho khách già...

Hai phụ nữ cao tuổi bị bắt và bị gọi là cave già này đều đã ở tuổi trên dưới 60. Một người khai với công an nguyên nhân đi làm nghề này là do cuộc sống quá khó khăn, chồng mất cách đây vài năm, khi ấy cô con gái lớn chưa đi lấy chồng, mấy đứa con nhỏ đều chưa công ăn việc làm nên kinh tế gia đình rất eo hẹp. Trước khi làm việc này, bà từng gánh gạch thuê, làm giúp việc cho đến buôn bán gánh gồng. Nhưng rồi bà đổ bệnh thấp khớp, cứ trời mưa nắng thất thường là bà đau nhức người, chân tay không thể nhấc lên được. Bà không thể làm những công việc chân tay nặng nhọc, nên cứ quanh quẩn buôn bán làng nhàng đầu chợ, cuối chợ. Rồi do môi giới dẫn dắt mà bước chân vào nghề này.

Đọc đến đây camera muốn khóc!

Ngần ấy tuổi, lao động quần quật không đủ nuôi thân, phải đi làm một việc tự nhận là nhơ nhớp để sống! cần xấu hổ lẽ ra là con cái bà ấy, chính quyền nơi bà ấy sống, đoàn thể phụ nữ của bà ấy!

Và lại càng muốn khóc khi biết những người gọi là đi mua dâm cũng đều lớn tuổi, có hoàn cảnh éo le như vợ bỏ vợ chết… Người ta cứ nói đến việc chăm sóc người cao tuổi. Phải thấy cuộc sống quanh mình lạnh lùng vô cảm đến đâu, mới có những người cao tuổi đi mua và đi bán tình cảm như vậy? Tuổi ấy, còn gì nữa để gọi là mua dâm, bán dâm? Thân ấy, có còn gì đâu mà bán! Họ tìm một hơi ấm, chắc là chỉ thế thôi. Thương họ hay cười cợt lên án họ? cứ liên tiếp gọi những người đàn bà ấy là cave già, là làm nghề bán thân nhơ nhớp và ê chề. Phóng viên viết tin ấy hẳn là người đạo đức lắm?

Có những cú cán qua người nặng hơn xe tải. Có những cái ác do vô cảm kinh khủng hơn mà không bị xôn xao, bởi chúng nhân danh cái đúng!

Camera nghĩ, cái tin ấy, cũng là biểu hiện của tận cùng sự nhẫn tâm!


Camera

eMông
05-11-2011, 10:26 PM
Phình to lên rồi... tái cấu trúc

(TT&VH Cuối tuần) - Tuần vừa rồi, lại thêm đòn nữa đánh vào ý chí đi xe bus của người dân sau màn lái, phụ xe bắt khách quỳ lạy mới mở cửa. Câu chuyện thay đổi giờ đi học đi làm cho đỡ tắc đường ở Hà Nội nhanh chóng đi vào… lộ trình, có nghĩa là chẳng biết khi nào thì thực hiện. Ngành giao thông quả thật khó khăn khi phải đổ lỗi, đầu tiên là phương tiện, hết ô tô, sang xe máy, rồi xe máy quay lại ô tô… Giờ đến lượt công chức chịu trách nhiệm trong giờ cao điểm. Đúng thôi, ai bảo cứ đi ra đường…!

Nếu người ta bớt xây những chung cư, những văn phòng, những trung tâm thương mại cao ngất ngưởng trong những con phố nhỏ xinh ở Thủ đô, thì có lẽ đỡ tắc hơn nhiều. Điều ấy, ai cũng biết mà chẳng thấy ai nói ra. Lúc cấp giấy phép xây nhà cao tầng, có ai tính diện tích thiết kế một nhà hầm để ô tô, xe máy ở dưới chỉ đủ cho một phần rất ít người có xe được gửi đâu. Thế là vỉa hè thành chỗ đỗ xe. Lòng đường thành nơi để xe. Cái bụng của đô thị phình to quá cỡ vì chứa bao nhiêu người. Giảm tắc ấy à? Camera nghĩ phải đưa dân Hà Nội lên núi tất, may ra…

Nhưng làm gì có chuyện dân Thủ đô đi đâu. Chỉ có dân Thủ đô đông thêm thôi. Này nhé, Hà Nội vừa tuyên bố sẽ không nói không với đại học dân lập, riêng điều này đủ khiến công chức Hà Nội những năm tới đông lên rất, rất nhiều nữa. Nam Định, trước đấy là Đà Nẵng, rồi sẽ thêm địa phương khác, đã tuyên bố rằng họ cần người làm việc thật sự chứ không phải người chỉ có bằng đại học. Mở ngoặc nói riêng là về chuyện này, địa phương nào tuyên bố thế cũng sai. Hơn 11 năm trời, địa phương nào chẳng mở ra vô số trường đại học. Từ năm 1998-2009 đã có 312 ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp, cả nước giờ có đến 412 ĐH, CĐ, trong đó 77 trường ngoài công lập. Với hơn 1,7 triệu sinh viên, quy mô đào tạo năm 2008-2009 tăng gấp 13 lần năm 1987. Hiện, 40/63 tỉnh thành có trường đại học, 60 địa phương có trường cao đẳng. Sinh viên ra đi làm ở đâu chứ? Cái trường to đùng trên đường đi Nam Định, rộng đến mức làm trường đua ngựa được, cửa sổ thì muốn đếm phải nghỉ phép năm mới đếm hết, có vẻ như không có học sinh nhưng vẫn đang tồn tại đấy thôi. Hệ giáo dục đại học cứ phình to lên, giờ lại bảo không nhận sinh viên dân lập, bất công quá!

Nhưng Camera nghĩ, chẳng phải lo lắng nhiều. Phình to lên đâu chỉ đô thị, hệ đại học mà còn nhiều lĩnh vực nữa, chẳng hạn ngân hàng. Có dạo xin giấy phép mở ngân hàng không khó lắm, nên nước mình cũng rất lắm ngân hàng. Giờ ngân hàng tái cấu trúc rồi, các ngành khác cũng thế thôi… Cứ như các bà các cô đi giảm béo, chót phình to thì tái cấu trúc. Tất nhiên là hao tổn nhiều mặt, nhưng đành!


Camera

eMông
06-11-2011, 11:13 PM
Khó!

(TT&VH Cuối tuần) - Tuần này, Camera cảm thấy khó khăn vô cùng khi ngồi trước ống kính. Khó thứ nhất, vì lại “chẳng có cao kiến gì đóng góp cho đất nước, chỉ biết chê bai nói kháy, cũng thường như bao người khác” - như một bạn đọc đã mắng, nên tự dưng viết gì cũng ngại.

Nếu Camera có cao kiến, và có chỗ để nói ra cao kiến rồi bắt mọi người làm theo, thì Camera đã chẳng phải hàng tuần vác ống kính đi sục sạo các nơi cực nhọc thế này. Tuy nhiên, nói kháy hay mắng đều dễ hơn làm, mà đến bộ trưởng quyền lực như Bộ trưởng Đinh La Thăng, muốn làm gì đó cho bớt ách tắc giao thông còn chưa làm được, cấm cán bộ của mình đi chơi golf, thì bị coi là phạm luật, thay đổi giờ làm thì TP.Hà Nội không đồng ý - toàn ý tốt, đầy nhiệt tâm, rồi chắc cũng phải từ từ… thôi, thì mình làm được gì?

Khó thứ hai, là biết nói gì giữa bao nhiêu chuyện xảy ra trên đời. Thế giới đã 7 tỷ người, Trái đất đông đúc chật chội quá mức, thiên tai liên tục, mà cách sống của người mình sao cứ bó hẹp trong cái lợi của riêng mình. Bôi nhọ nhau bằng những đoạn clip phát tán tùy tiện, đầy ác tâm, kiểu như clip nữ sinh đánh nhau hay clip bác sĩ và tiền… Thực phẩm độc, rượu độc, tín dụng đen, đem ra đối đãi nhau hàng ngày. Camera đọc báo, xem trên ti vi cảnh những người dân Thái Lan bao bọc nhau trong cơn hoạn nạn vì lũ lụt mà chạnh lòng. Ở Bangkok, trong nội đô, nhưng chủ nhà trọ tự động giảm giá nhà từ 11.000 baht/phòng/tháng xuống 7.000 - 9.000 baht để hỗ trợ những gia đình nghèo từ ngoại thành vào lánh nạn. Họ nhường thực phẩm, nhường chỗ đỗ xe. Bệnh viện tuy nhân viên di tản gần hết nhưng vẫn nhận bệnh nhân cấp cứu, đặc biệt là những người bị nạn do lũ lụt, dù họ đến từ đâu. Hà Nội dạo ngập có ít ngày, mà giá rau cỏ, mì tôm những nơi ngập cao vọt. Giá dắt xe máy đi qua chỗ nước ngập cũng trên trời luôn. Mình nghĩ không hay về dân mình là cái tội. Nhưng đúng là thật buồn khi nhớ lại, tai nạn giao thông trên đường, người bị nạn còn chưa được đưa đi cấp cứu, của nả đã bị hôi sạch. Lòng yêu thương nhau khan hiếm quá. Biết có cao kiến gì đây?

Được cái, dân mình không hay nhớ lâu. Điểm Sử kém vì học sinh từ tiểu học đến các cấp phổ thông lười nhớ. Mấy hôm nay báo chí đưa tin rầm lên về chuyện một cái hầm trú ẩn được phát hiện ra trong khách sạn Metropole. Cái hầm ấy, xây có mấy thập niên trước để tránh bom, năm 1972, ca sĩ Joan Bayez từ nước Mỹ sang đã ôm đàn hát ở đấy để phản đối chiến tranh, dạo kỷ niệm 30 năm trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội năm 2002, câu chuyện ấy vẫn được nhắc nhiều. Bẵng đi ít lâu tìm lại được mà cứ như phát hiện ra di tích thời đồ đá cũ. Camera thấy ngạc nhiên quá, chúng ta ngỡ ngàng vì một di tích của thời hiện đại như vậy chắc vì những lý do không liên quan nhiều đến sử học. Có thể ít nữa, dưới căn hầm ấy một bar rượu mới được mở cửa. Thêm một chỗ để ngồi mà ngẫm nghĩ… Nghĩ thôi, bởi làm gì cũng khó, có cao kiến gì đâu…


Camera

eMông
17-11-2011, 04:44 PM
Đừng sửa cổ tích


(TT&VH Cuối tuần) - Giả sử, giả sử nhé, chuyện Tấm Cám bây giờ mới xuất bản, khả năng bị thu hồi của nó sẽ là 100%. Vi phạm đạo đức lối sống rõ! Ai đời băm em gái cùng cha khác mẹ ra làm mắm để gửi cho dì ghẻ… Chỉ riêng hành vi nhẫn tâm đó cũng đủ khiến Tấm đứng tên trong Top đầu danh sách các sát thủ máu lạnh trứ danh từ xưa đến nay.


http://media.thethaovanhoa.vn/2011/11/11/15/02/tam.jpg

Nhưng mà chuyện của Tấm đã muôn đời rồi. Tấm vẫn là cô Tấm dịu hiền trong văn chương. Còn cái cô bị đem làm mắm, nếu có cẩn thận xem xét về mọi mặt, thì thấy cô ấy tuy ác nhưng toàn do mẹ xui, ác một cách thụ động, mà hành động chặt cây, chặt khung cửi, bóp chết con chim vàng anh, thì… tính chất tàn ác và man rợ so với Tấm đều dưới tầm, nhưng Cám vẫn cứ mang tiếng ác kiếp này sang kiếp khác. Cổ tích thì là cổ tích! Tấm ác hay người nghĩ ra chuyện Tấm ác? Nuôi nấng truyện ấy bằng niềm tin vào sự trả thù bao nhiêu thế hệ, rồi tự dưng nghĩ rằng ác thế không được, lại đem chế lại chuyện xưa cho Tấm hiền đi. Thật không ổn! Liệu mấy trăm năm nữa trẻ em sẽ tin là cô Tấm chỉ giội nước sôi cho cô Cám chết chứ không đem làm mắm, hoặc cô Cám tự đào hố đổ nước sôi rồi nhảy vào để chết? Sách giáo khoa mấy năm lại cải cách và chỉnh lý, lâu lâu soạn lại một lần. Còn chuyện dân gian tồn tại dai dẳng trong tâm thức cả một dân tộc. Ý có tốt mấy cũng không nên sửa. Vả lại, chuyện dân gian chứ có phải mấy cái chùa cái đình, hay di tích mà đem ra trùng tu mới!

Camera đem chuyện sửa phần kết Tấm Cám ra, chẳng có ý gì ngoài chuyện tự hỏi, nếu cái kết ấy khác, tâm tính người Việt mình từ xưa đến giờ có khác không? Càng ngày càng thấy báo chí đưa quá nhiều những chuyện rùng mình. Cách đưa tin cũng rùng mình, sau một đợt ngập tràn Lê Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, ngày nào cũng đầy các tin kiểu như “liên tục cặp bồ có thai để trốn tội giết chồng”, “xác chết lõa thể và tội ác của 2 yêu râu xanh”. Mấy hôm nay, dân mạng bực bội chuyện bạn trẻ có nick “Kẹo mút chơi bời” thản nhiên thông báo tin buồn về một người già mình đâm xe vào đã qua đời. Một đứa trẻ hành xử như không phải con người và thản nhiên nói điều đó trên Facebook. Sự độc ác vô cảm ấy đâu phải bây giờ mới có!

Nếu không sửa được một câu chuyện dân gian, không thể thay đổi một sự ác quá khứ, thì nên đầu tư cho việc gây dựng tâm tính hiền lành cho trẻ em từ bây giờ. Đời nào chẳng có những câu chuyện cổ tích. Hôm qua có một phụ nữ bụng mang dạ chửa lao vào đường tàu để cứu một em bé. Hôm qua, có một em bé trả lại 1,2 tỷ tiền nhặt được… Những con người ấy, cả tên cả hành động, báo chí đưa thoáng qua một lần… rồi thôi.

Để yên cô Tấm! Đừng sửa cổ tích làm gì!


Camera

eMông
25-11-2011, 04:27 PM
Lói thế lào thì lói!


(TT&VH Cuối tuần) - Hà Nội đã bắt đầu cái gọi là cuộc chiến chống nói ngọng. Mừng quá! 13 huyện ngoại thành đã bắt đầu có những tiết học để giảng dạy cách phát âm đúng. Nhưng mà, có vẻ như không dễ, việc phát âm cho chuẩn l, n.

Camera thấy một sự thật thế này, đi khắp nước, chẳng địa phương nào nhầm lẫn l, n nhiều như chính đất Thủ đô. Đơn giản, vì Thủ đô là nơi dân bốn phương tụ họp. Có trăm ngàn cách để thành người Hà Nội, có trăm ngàn kiểu đi lại nói năng từ ngày ra phố, biết thế nào là chuẩn chứ? Nếu chẳng có ai hướng dẫn người ta cứ lói thế lào thì lói, chết ai đâu! Không có chủ trương này, lâu ngày chẳng ai biết đúng sai chỗ nào, động tẹo lại hỏi nhau l cao hay l thấp, chờ trâu hay chờ chó…, nghe rất buồn cười, nghìn năm văn hiến ai lại thế. Nhưng có chủ trương này, thì ngoài cái chuyện mừng, nghĩ xa xa một chút bỗng dưng hơi hoang mang…

Lý do để hoang mang, là đã từ lâu, Camera ngờ ngợ chính mình mới ngọng, dù mình bảo cái lá là cái lá, không phải cái ná… Nhưng mình có vẻ như thiểu số. Mỗi sớm đi ra đường, nghe những câu chuyện râm ran người đi đường nói hoặc cãi nhau, thành phố giống hệt một cái làng to, chỉ khác cái làng ở chỗ nhiều ô tô xe máy nên tắc đường liên tục, sẽ thấy cái sự l, n nhầm lẫn hiển nhiên đến mức người nói đúng lại là nói sai, vì ít. Nghe trên truyền hình cũng vậy, cả những người trông rất oách, phát biểu ở những nơi chốn rất oách, vẫn cứ “lăm vừa qua đất lước ta có nhiều bước phát triển nớn nao”, bảo sao không hoang mang được?

Thêm lý do nữa, trẻ em đến trường - nội thành cũng không phải không có - các thầy các cô lói tiếng lào ra tiếng ý - nên bắt chúng nói đúng, trước hết phải từ các thầy. Mà trước đấy, từ lúc tập nói, bác giúp việc đã dỗ dành những câu như: không chịu ăn bác sẽ đánh cho nằn đít nên! Nên, một cách đầy tiêu cực, Camera nghĩ chủ trương nói không với ngọng này ở Hà Nội rất khó thực hiện. Muốn, phải tiến hành trên cả nước, phải cấm phóng viên, phát thanh viên nói sai l, n trên truyền hình (việc này hiếm thôi nhưng có), quan trọng nữa là các bậc có chức quyền khi phát ngôn trước công chúng cũng phải chịu khó uốn lưỡi cho đỡ sai…

Đấy là nghĩ thế thôi, cứ bàn ra tán vào những chuyện chẳng ra đâu vào đâu, nào là sửa kết chuyện Tấm Cám, nào là khi nào l thấp n cao, rôm rả thật nhưng có thêm bớt được gì cho nền văn hóa chung của đất nước hay không? Câu trả lời sẽ là ít lắm. Đọc báo một ngày, thấy quá nhiều chuyện nhảm nhí hoặc ghê sợ được viết ra, ngọng hay không ngọng chẳng giải quyết gì nếu người hành xử với nhau tồi tệ.


Camera

eMông
29-11-2011, 11:15 AM
Xấu tính

(TT&VH Cuối tuần) - Bởi các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh năm 2012 chưa phải năm một thiên thạch khổng lồ lao vào Trái đất, và nhân loại cứ tiếp tục tồn tại với những niềm khổ ải cố hữu nên thay vì nơm nớp nỗi lo hoành tráng là lo ngày tận thế, đa số những kẻ tầm thường như tôi quay về nuôi dưỡng những mối lo tầm thường, tương xứng với tầm của mình là… lo cơm áo gạo tiền. Do vậy, nếu có ai hỏi tôi hình dung ra clip mình sẽ quay trong năm tới sẽ ra sao, tôi phải thú nhận rằng trí tưởng tượng của tôi, đã nghèo lại càng nghèo, thậm chí gần như đóng băng, trước thềm năm mới 2012.

Một khi người ta xấu tính, người ta khó mơ điều tốt đẹp. Tôi đang xấu tính, tôi đầy đố kỵ. Lỗi làm tôi trở nên thế này, đầu tiên do ngành điện. Mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng/một người trong ngành này khiến Tổng giám đốc EVN cảm thấy đau lòng khi nghĩ nhân viên của mình không thể sống ở Hà Nội làm tôi trào nước mắt nghĩ rằng với nửa chừng ấy, tôi vẫn không thể đi đâu khác - và với nửa chừng ấy, khả năng tăng giá điện đã là rất cao, năm 2012 sẽ là năm có lẽ tôi thường xuyên sống trong bóng tối. EVN cứ tăng giá bù vào lỗ kinh doanh, EVN lương thấp trong khi tổn thất công suất quá nhiều... và những người dân như tôi chẳng có cách nào khác ngoài việc ngồi chờ cúp điện luân phiên. Nhà cửa mà tối tăm, tinh thần khó mà sáng sủa.

Điều khiến tôi chán chẳng buồn tưởng tượng gì nữa là chuyện đi lại ngoài đường. Hai tháng phân luồng giao thông, mình chịu khó chấp hành chẳng được gì ngoài chuyện bực mình. Chuyện phân luồng này cũng biến tôi thành kẻ xấu tính. Mà như tôi đã nói ở trên, đã xấu tính thì khó mơ điều tốt đẹp. Tôi trông chờ những kẻ chẳng thèm quan tâm luật lệ nào ngoài đường, cứ ào ào phóng xe bất chấp mọi biển báo bị phạt, phạt nặng, nhưng chẳng thấy họ làm sao. Ừ thì biển báo nhiều khi bất hợp lý, nhưng sai thì là sai, không phạt làm sao răn đe người ta về ý thức chấp hành luật… Tóm lại, đi ra phố cứ như đi trong rừng, ai có luật riêng của người ấy, đổi giờ làm hay cấm phương tiện cũng sẽ chẳng ăn thua. Giấc mơ hết tắc đường là một giấc mơ không có thật.

Chưa nói đến việc người đi đường ngày càng trở nên hung tợn, bằng chứng là những vụ tấn công cảnh sát giao thông ngày càng nhiều, khiến các anh cảnh sát cũng chẳng thể nấp trong góc khuất nữa. Mới xuất hiện một clip cảnh sát giao thông chửi bới người đi đường, nghe mà não lòng. Chính phủ đã coi tai nạn giao thông là quốc nạn, ngang với thảm họa sóng thần (quốc nạn chẳng phải bầu chọn như Quốc hoa mà vẫn nhất trí cao), nhưng chế tài xử phạt chẳng hiểu sao vẫn lùm xùm nên nhiều bà con đi đường vừa bị tuýt còi là bấm ngay điện thoại, xin giúp đỡ từ xa, nếu không được hỗ trợ thì lại thỏ thẻ xin nộp phạt tại chỗ cho nhanh… Mơ về một đô thị văn minh là mơ về nơi xa lắm…

Để không là người xấu tính, phải biết đi tìm những giá trị nhân văn cao cả, hướng mình vào các hoạt động cộng đồng tốt đẹp, đậm chất yêu nước, chẳng hạn như bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thế giới. Tôi đã làm thế, dành hẳn mấy ngày lương, dù thấp hơn lương nhân viên EVN, để nhắn tin bầu chọn. Giờ thì tôi đang lo đất nước sẽ tốn kém tiền cho cái tổ chức New7Wonders, đang bị quốc gia khác dọa kiện vì đòi tiền quá đáng, và kết quả bình chọn vừa rồi không được UNESCO công nhận, thế là niềm tự hào chính đáng của mình về vịnh Hạ Long tự dưng bị tổn thương. Buồn!

Và tôi vẫn mơ, sau tất thảy những điều vừa nói, tôi mơ thấy mình hết xấu tính để mong điều tốt đẹp. Thay đổi mình dù sao cũng dễ hơn thay đổi thế giới, thế nên, được sống trên đời đã là điều quá đẹp, hơi đâu lo mất điện, tắc đường hoặc lo những danh hiệu không đâu!


Camera

eMông
12-12-2011, 02:30 PM
Quay về mặt đất


(TT&VH Cuối tuần) - Nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt nổi tiếng thế giới Trịnh Xuân Thuận, về Việt Nam lần này, đã nói trên một tờ báo rằng: “Từ đêm đen của thời gian, con người đã đăm đắm nhìn lên bầu trời…”, ông khuyên người ta nhìn lên bầu trời để hiểu rằng tất cả con người đều là hạt bụi của những vì sao.

Camera từ xưa đến giờ vẫn phục sát đất những bậc vĩ nhân đã chỉ cho con người biết thế nào là bầu trời. Camera còn phục Trịnh Xuân Thuận hơn nữa, vì sau những gì ông đã viết thật nên thơ, thật khoa học về bầu trời, ông luôn nói cho người ta biết quê hương là mặt đất.

Mấy hôm nay, Hà Nội đang ồn chuyện những cư dân trong những căn hộ tiền tỷ ở Keangnam, ngôi nhà cao chất ngất, hiện đang là ngôi nhà cao nhất Việt Nam, bị ban quản lý tòa nhà đối xử chẳng ra sao. Nhà cao, thì sống ở đấy, những tầng trên, là rất gần bầu trời. Gần bầu trời không phải ngước mắt nhìn, mơ mộng ít thôi cũng thấy thế là quá may mắn. Vì làm gì có bầu trời trên những đô thị xám xịt giăng mắc dây điện như lưới nhện và toàn những mảng bê-tông trần trụi. Nhà Keangnam đắt là phải. Nhưng gần bầu trời mà không có cánh là mệt lắm. Những người sống gần bầu trời ở nhà Keangnam mới đây bị cắt thang máy, phải đi bộ từ mặt đất lên tầng thứ 48. Nguyên do là phí chung cư ở đây cũng rất gần bầu trời. Nhà của nước ngoài xây, nhưng vẫn là quê hương, nên chẳng có gì lạ nếu bỗng dưng côn đồ trà trộn đánh người ở đây. Cái phút ngước mắt lên nhìn tầng 48 mà không cầu thang máy, Camera ngờ rằng tất cả những ai đã từng nghĩ mình là hạt bụi của những vì sao đều nao núng… Đôi khi, một vài sự cố khiến người ta hiểu, may có quê hương là mặt đất để quay về… Những hãng hàng không vừa rồi bị đóng cửa có lẽ cũng nên tìm một khoảng đất bình yên mà hạ cánh, ham bầu trời đến mấy cũng phải hiểu thực tế mà thôi đi những ước mơ bay.

Tuần này, có một sự quay về rất đáng quý, không phải từ bầu trời nhưng đại loại gần gần như vậy. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng công nhận: “Đến tôi còn chẳng thể đi nổi bằng xe buýt” thì “nếu nhân viên cấp dưới không đi xe buýt thì tôi cũng sẽ không phạt họ đâu. Thực tế, với tình hình chất lượng xe buýt như hiện nay làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được…”. Bộ trưởng biết thế thật là quý! Không áp đặt càng quý, nhất là sau khi vụ xe buýt phanh bằng gốc cây, bằng dây thép được báo chí nêu lên, lái xe chấp nhận mất việc để nói rõ tình trạng kỹ thuật yếu kém của xe, thì chẳng nên cố bắt người tham gia giao thông phải đi xe buýt làm gì…

Bầu trời với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận là một đam mê. Niềm đam mê của những nhân tài như ông khiến nhân loại được hưởng rất nhiều. Camera rất thích nghe lời ông, chỉ mong luôn được đi trên mặt đất, thỉnh thoảng được ngước nhìn bầu trời, bầu trời lấp lánh sao ở một khoảng gần gần, gần hơn tầng thứ 48 của một ngôi nhà, và yên lòng vì việc ngắm trời của mình rất tự do, không bị ai thu phí!


Camera

eMông
19-12-2011, 02:23 PM
Lại…


(TT&VH Cuối tuần) - Mở tin tức trong ngày ra, đếm thấy vô vàn chữ lại thế này: Lại nổ bình gas; xe máy lại cháy giữa phố Hà Nội; Lại một nữ nhân viên bị làm nhục; Lại một cô giáo tát học sinh; Giá vàng lại biến động… chưa kể: Lại xả súng kinh hoàng tại châu Âu… Đọc hết ngần ấy tin có chữ lại, trách mình vì sao lại đọc báo cũng lại là trách muộn. Khổ thế!

Đã gần hết năm, nhìn mớ tin tức quay vòng, chợt nghĩ thế giới của chúng ta sao mà quá cũ. Ngày nào cũng chừng ấy chuyện xảy ra. Đến tai nạn lật một xe chở gỗ ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An làm chết đến 10 người, hôm nay báo cũng đăng là chuyện kinh hoàng tương tự như vậy đã xảy ra ở đây 20 năm trước, cũng làm chết chừng ấy người, mặc dù trên xe gỗ 20 năm trước không chắc có cán bộ kiểm lâm. Đến những chuyện đột ngột, rất đau thương, cũng có thể dùng chữ lại, buồn quá!

Con người bao giờ cũng mong vào một sự đổi thay tốt đẹp. Hôm nay Camera đọc thấy (lại đọc) trong một bài báo là năm tới 2012, diện mạo chính trị trên Trái đất có thể thay đổi bởi gần 20 nước trên thế giới sẽ diễn ra các cuộc bầu cử nguyên thủ quốc gia, 20 nước so với tổng số các quốc gia trên thế giới thì không nhiều, nhưng lại toàn những nước đông dân và có tiếng nói quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Pháp, Mexico, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… Đấy là chưa kể đến sự thay đổi có phần đột ngột những người lãnh đạo chính trị ở một số nước như thế giới đã được chứng kiến những ngày gần đây (Tunisie, Ai Cập, Libya, Hy Lạp, Italia)…

Thế nghĩa là lại có các cuộc bầu cử. Camera hình dung ra tin tức những ngày ấy, thấy chữ Lại có thể vẫn đắc dụng. Vậy là có thể không cần đọc báo, lãnh đạo quốc gia nào đó thay đổi đâu có liên quan gì đến mình.

Nếu nhớ lãnh đạo, Camera cho rằng nên học cách của các bạn “cháu chú Nhanh” vi phạm luật giao thông vừa rồi. Đời thuở nhà ai, cứ bị công an tuýt còi là “cháu chú Nhanh” hiện ra đông thế. Tưởng đọc lại tin cũ, hóa ra tin mới, lại có mấy người đi xe BMW nhận là cháu chú Nhanh. Chắc hẳn chú Nhanh phải dặn trước với các chú cảnh sát giao thông là mình không họ hàng gì với mấy cháu giời ơi đất hỡi ngoài đường.

Võ cũ mèng, chẳng hiểu sao lại vẫn có người dùng…!


Camera

eMông
26-12-2011, 01:29 PM
Đi siêu xe có ai sống bằng lương đâu!


(TT&VH Cuối tuần) - Có một tuần, mà bao nhiêu chuyện. Camera cứ tưởng chuyện xôn xao mấy ngày cuối tuần trước, là chuyện dàn xe siêu khủng tại một đám cưới ở một xã nghèo xứ Nghệ. Đại khái là... hoa mắt. Cứ tưởng cô dâu chú rể hay chí ít một trong hai họ là đại gia hàng cự phách, nào ngờ không phải. Chỉ là tài xế thôi, nhưng chú rể được ông chủ, một đại gia X, y, z nào đó trả nghĩa bằng cách đưa xe đẹp của mình cho nhân viên đón dâu, đồng thời mời các bạn đại gia của mình đến dự cưới, đã là chuyện đáng nói. Thế nhưng ngẫm ra chuyện này vẫn là chuyện nhỏ.

Nhỏ, vì dù rằng ở nơi đất đầy rơm rạ đột nhiên xuất hiện dàn siêu xe, thì cũng chỉ là cho người ta thêm chút hiểu biết về tầng lớp giàu có nước mình. Tầng lớp ấy ngày càng đông đảo. Đại sứ du lịch mặc váy hai tỷ bạc đi làm từ thiện, báo chí ngạc nhiên! Thực ra có gì đâu mà lạ! Mấy tờ tạp chí dành cho người giàu số nào chẳng có những mục dành cho sao này hay sao kia thỏ thẻ kể về “dế” mấy nghìn đô, giày hoặc túi xách mấy nghìn đô. Tầm tiền ấy với nhiều người rõ là chuyện vặt. Một ông chủ nơi tít mù khơi nào đó, cơ hội lên báo khoe giàu chắc hẳn ít hơn đại gia hoặc diễn viên thì đưa xe đẹp cho tài xế của mình đón dâu, cho dân tình ngắm nghía trầm trồ một chút. Ngắm xong, thể nào người ta cũng… cười. Khoe giàu chứ khoe tài đức, khoe công trạng gì to lớn đâu mà dân tình phải thán phục lâu!

Nếu có thán phục, dân tình sẽ thán phục những ai đem lại sự giàu sang cho chính họ, Camera nghĩ thế. Là bởi dân tình nói chung còn nghèo quá. Đầu tuần này, tại hội nghị “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020” do Bộ Nội vụ tổ chức, các đại biểu cho rằng hiện nay, mức lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011 là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu hạn chế. Vì thế, cần có một phương án tăng lương mới. Mà có tăng như dự kiến, tức là từ 1/5/2012, mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng mỗi tháng, vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng IV là 1,4 triệu đồng) và bằng 52,5% lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng I là 2 triệu đồng). Tóm lại, lương tối thiểu có tăng đến trên 3 triệu vẫn cứ là chưa đủ cho người ta sống bằng lương.

Trong khi đó, Camera đọc báo thấy rằng mặc dù tình hình kinh doanh của tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang thua lỗ nặng nề, nhưng mức lương mà nhân viên của tập đoàn này được lĩnh vẫn lên tới gần 14 triệu đồng/tháng. Thậm chí, lương khối văn phòng cao gấp đôi, gần 30 triệu/tháng. Như vậy, sự đau lòng của ông Tổng giám đốc EVN trước đây về mức lương chỉ có 7,3 triệu đồng/tháng của nhân viên ông nhẹ đi được một nửa hoặc không tý nào. Lương cán bộ EVN rồi có tăng không? Giá điện tháng tới vẫn cứ tăng, dù lương nói chung thì sang năm mới có thể lên chút ít.

Chẳng biết trong đoàn siêu xe nọ, có ai sống bằng lương không?


Camera

eMông
04-01-2012, 06:18 PM
Cháy cái gì... ra cái này!


(TT&VH Cuối tuần) - Quái lạ, chẳng hiểu vì sao dạo này “bà hỏa” lại quan tâm các phương tiện giao thông đến thế. Bộ Công an thống kê, từ đầu năm 2011 toàn quốc đã xảy ra 18 vụ cháy nổ xe máy và riêng từ ngày 24/12 đến nay đã có thêm hơn chục xe máy và mấy ô tô nữa bỗng dưng bốc cháy.

Dân tình hoang mang lắm. Được cái, tuy hơi muộn, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Chưa đưa ra kết luận nào cụ thể. Nghi vấn thì nhiều, chuột cũng là một đối tượng. Cháy nhà ra mặt chuột, cháy xe cũng… ra mặt chuột… Nguyên nhân gây cháy có thể kể ra đến hàng chục, nhưng cháy cả tháng, tận hôm nay người ta mới nghi ngờ đến xăng…

Ngẫm lại, Honda, Yamaha, Mercedes, Daelim… mấy cái hãng có xe cháy ấy và tất cả các hãng chế tạo ra ô tô xe máy đều có một cái sản phẩm là phải sử dụng xăng. Lâu nay nói đến xăng, cứ quen chỉ bàn giá xăng. Xăng lỗ hay lãi. Ngành xăng dầu kinh doanh thế nào; hoa hồng đại lý đúng hay sai, cây xăng bơm đủ hay thiếu?… Ngần ấy chuyện đủ là đề tài tranh luận nảy lửa cả năm trời rồi. Nên chất lượng xăng quên mất, chưa bàn kỹ. Cứ giản đơn A90 hay A92, người tiêu dùng chỉ biết thế, chẳng biết có những loại xăng gì hoặc xăng bị pha trộn linh tinh những gì. Người mua đâu ngờ A83 cũng là thứ luôn được thêm vào xăng mình mua, lại acetonne nữa, cũng pha được.

Chưa dám nói chắc, nhưng cháy xe, có thể có nguyên nhân từ xăng!

Nhân nói chuyện cháy, tuần vừa rồi, khối thứ được tính là cháy, cần cứu hỏa dù không bốc lửa, không xăng.

Vụ các kỳ thủ ở Sóc Trăng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải và Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3 đánh cờ tướng ăn tiền, mỗi ván từ 1-5 tỷ đồng, quả thật là con số gây choáng. Trong khi lương cơ bản của cán bộ viên chức cả nước nhọc nhằn tính toán sao cho đạt được con số mấy triệu một tháng, đủ mua rau mua gạo, nuôi con đến lớp, thì giải trí tốn kém như mấy quan chức của một ngành ở một tỉnh thế này khiến người ta đờ người vì kinh ngạc. Tỷ đồng chứ có phải nghìn đồng đâu? Đánh cờ được ngần ấy tiền, chẳng kỳ thủ nào ở Việt Nam dám mơ đến, dù chỉ một lần trong đời.

Nghe xong chuyện này, Camera tự dưng thương những tay được coi là nhà giàu, ăn phở bò Kobe mỗi bát gần một triệu. Thương, vì bò Kobe hóa ra chưa từng nhập chính thức vào Việt Nam. Thương nữa, so với đánh cờ như mấy quan chức ngành giao thông tỉnh Sóc Trăng, xài bát phở một triệu, kể cả là bò Kobe thật, vẫn là… nghèo. Công tử Bạc Liêu có sống lại có khi cũng tức mà chết luôn vì kém cạnh.

Chẳng biết có cần một vụ cháy nào nữa không, để đoán được lương ngành giao thông là bao nhiêu?

Đau lòng thật!


Camera

eMông
12-01-2012, 03:42 PM
Điệp khúc đầu năm


(TT&VH Cuối tuần) - Sáng nay đi qua Quảng trường Tháng Tám trước cửa Nhà hát Lớn TP.Hà Nội, thấy trong gió lạnh mưa phùn rực lên màu đỏ của phông sân khấu với hàng chữ cực to: Lễ ra quân năm an toàn giao thông 2012. Chắc là sẽ hát múa rộn ràng, kêu gọi mạnh mẽ… náo nhiệt phải biết!

Phải kể thêm rằng để đi qua được cái sân khấu ấy, Camera đi từ nhà cách đó mấy cây số mất đúng một tiếng. Hà Nội mưa là tắc đã đành, nhưng hôm nay ngày đẹp làm lễ ra quân, cũng là ngày đẹp để rất nhiều đôi nam nữ làm đám cưới. Một phố có chừng hai đám cưới, lại còn trời lạnh (nói dại) có thêm một đám ma. Mà đều vào giờ Thìn cả. Thì tắc đường cục bộ sẽ chuyển thành tắc đường diện rộng và lâu dài… Đấy, nhích từng xăng-ti-mét trên phố, lòng dạ nào người ta hồ hởi với một lễ ra quân lâu lâu một lần mà chẳng thay đổi được gì chuyện tắc đường, kẹt xe…

Đến được chỗ làm, mở báo ra, thấy tin Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP kế hoạch thực hiện các giải pháp cấp bách để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Để kế hoạch này thực hiện được, TP sẽ chi chừng 430 tỷ đồng . Ngần ấy tỷ chắc là phải cương quyết lắm. Mà TP.Hồ Chí Minh tốn kém như vậy, chắc chắn TP.Hà Nội cũng tốn kém tương tự. Camera chẳng thắc mắc gì về tiền. Nói thật, từ lúc nghe chuyện ván cờ tướng 5 tỷ đến giờ, Camera thấy với ngành giao thông tiền tỷ chẳng đáng là bao. Mà tiền đâu có quan trọng bằng vấn đề hiệu quả. Cứ ùn ùn người đi ra phố thế này, làm sao chẳng tắc đường, chẳng mất an toàn. Ví như lễ hội “Hà Nội - Điểm hẹn phố và hoa 2012” mới đây, Camera đi qua thấy đông cũng… vừa vừa. Sau lễ khai mạc rất náo nhiệt và làm tan tành vô số hoa đẹp đêm 31, mấy ngày sau chỉ còn các bạn trẻ hoặc các gia đình tỉnh khác ghé qua lấy hoa làm nền để sáng tác nhiếp ảnh. Thế mà ban tổ chức lễ hội công bố có đến gần 4 triệu lượt người đã tới tham quan, thưởng lãm hoa… Đường phố nào chịu nổi chừng ấy lượt người tung tăng và cả hung hăng đi hội? Giá trông xe máy tăng 25 ngàn đồng so với quy định, 50 ngàn - ngang ngửa một bát phở vỉa hè tăng giá, và bằng đúng giá trông 1 bánh xe ô tô! Thế mà vẫn đông. Và thế, hỏi sao đường không tắc? Và nữa, chả biết được người có bớt ra đường khi “thuế xe” các kiểu đang đe dọa tăng cao.

Điệp khúc tắc đường và điệp khúc than thở về sự tắc đường thực ra đều gây nhàm chán như nhau. Năm mới, ai lại đi nói chuyện cũ. Nhưng biết làm thế nào, mất một tiếng đồng hồ trong mưa phùn gió bấc để đến được chỗ làm. Dẫu không muốn vẫn phải nhắc lại nỗi mệt mỏi vì giao thông, mà bao nhiêu tỷ đổ ra cũng chưa chắc đem lại hy vọng nào đáng kể.


Camera

eMông
16-02-2012, 06:59 PM
Thông báo về việc tạm dừng chuyên mục CAMERA.

Từ số báo sau Tết Nhâm Thìn chuyên mục CAMERA trên báo TTVH cuối tuần đã tạm ngừng (không thấy lời giải thích) nên tất nhiên topic này cũng sẽ tạm dừng.

eMông sẽ tiếp tục sưu tầm những chuyên mục xã hội để chia sẻ cùng các thành viên trong một thời điểm gần nhất.